THÁNG TƯ NHỚ THẦY
Năm 2002 Thúy Hiền và Vĩ tình cờ gặp thầy Đào Khánh Thọ và cô Võ thị Ngọc Dung. Hiền Vĩ loan tin đến với các bạn Tống Phước Hiệp, Mỹ Phước gọi cho tôi hay, ngay cuối tuần đó tôi chạy xuống gặp thầy cô. Rồi các anh chị em Tống Phước Hiệp lần lượt đến gặp thầy cô và tôi gặp lại chị Nguyễn thị Hoa cùng học chung lớp B1. Không lâu sau các anh chị nhờ thầy cô đứng ra thành lập Hội Tống Phước Hiệp, và các anh chị cũng nhờ thầy cô gánh vác chức vụ Hội Trưởng.
Từ phải qua thầy ĐÀO kHÁNH THỌ, cô Dung, tác giả sau cùng
Sau 11 năm gắn bó bên nhau, thầy Thọ ra đi vào tháng tư năm 2013, để lại trong lòng học trò nhiều thương mến.
Tất cả các cựu học sinh đến dự tang lễ của thầy đều để tang cho thầy, và thay phiên nhau đứng hầu hai bên quan tài thầy.
Tang lễ được tổ chức khá long trọng. Rất nhiều vòng hoa được gởi đến phúng điếu. Hôm đó cũng có vài đám tang ở những phòng gần đó. Tôi nhớ đám tang của thầy được tổ chức ở phòng số 5, là phòng lớn nhất. Tang quyến ở phòng số 3 đến cho hay, có một vòng hoa không phải của thân nhân của họ. Họ nghĩ rằng, vòng hoa đó của phòng số 5. Tôi đến xem, đúng là vòng hoa đó được gởi đến phúng điếu thầy. Tôi xin phép thân nhân phòng số 3 cho tôi được đem vòng hoa về phòng số 5.
Mang về xong, tôi đến nơi thầy đang nằm, nói nhỏ với thầy, “Thầy ơi! Có một vòng hoa gởi đến phúng điếu thầy, nhưng tiệm bán hoa mang lộn đến phòng khác, em đem về cho thầy rồi.” Chắc thầy đang mĩm cười. Ngày xưa thời đi học, thấy thầy nghiêm, sợ thầy lắm, nhưng thật ra thầy dễ cười, và nụ cười của thầy rất dễ tạo cảm tình với người khác.
Hôm tang lễ của thầy, Đặng Huệ hỏi tôi, “Là học trò Tống Phước Hiệp khoảng nào?” Tôi cho biết, “Hoàng HưngTPH 71.” Và thật hân hạnh cho tôi, Đặng Huệ đã biết Hoàng Hưng qua trang tongphuochiep-vinhlong. Cám ơn trang tongphuochiep-vinhlong nhiều nhá.
Sau khi trò chuyện, biết Đặng Huệ học cùng năm và Huệ bắt đầu học Tống Phước Hiệp từ lớp đệ thất 1. Tôi nói với Đặng Huệ, “Tí nữa Huệ sẽ gặp bạn học chung lớp đệ thất 1.”
Tôi gọi chị Nguyễn thị Hoa và Hoa Huệ gặp nhau sau mấy mươi năm xa cách từ khi hai người rời trường Tống Phước Hiệp. Năm rồi Hoa Huệ có dịp gặp lại nhau khi chị Hạnh cùng lớp thất 1 từ Việt Nam qua thăm xứ Cờ Hoa.
Tang lễ của thầy được tổ chức theo nghi lễ Phật Giáo, nhưng cô học trò cưng Phương Loan của cô cùng anh chàng Châu, rể quý Tống Phước Hiệp đọc kinh theo nghi thức của đạo Thiên Chúa. Tôi không biết ý nghĩa của buổi cầu kinh của Loan Châu hôm đó, nhưng tôi biết chắc thầy sẽ chọn đất Phật làm nơi an nghỉ nghìn thu.
Thầy Nguyễn thanh Liêm cựu Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục đến viếng tang thầy. Đứng bên quan tài của thầy, thầy Liêm ngậm ngùi nói, “Đáng lẽ anh phải đi trước em, sao em giành anh mà đi trước.”
Sư Không Như ngày xưa là Đại Tá Tỉnh Trưởng Vĩnh Long cùng một đoàn sư của Thiền Viện Tánh Không trong Riverside đến viếng tang thầy. Sư Không Như khóc nức nở, làm tôi cũng cảm động, nên không nghe hết sư nói gì với thầy.
H3 Hoàng Hưng và
Chị Hoa nói với tôi, chị là thành viên trong một ban tụng niệm, chị muốn mời ban tụng niệm của chị đến tụng cho thầy. Tôi hỏi cô, và cô đồng ý. Tôi thấy sáng sớm hôm sau có một khoảng thời gian trống trước khi sư đến tụng làm lễ di quan. Tôi cho các anh chị em Tống Phước Hiệp biết. Tống Ngọc Điệp nhờ sáng đến sớm chở Ngọc Điệp. Tôi dặn Tống Ngọc điệp phải thức sớm hơn sớm, để đi uống cà phê trước khi đến nhà quàn.
Sáng sớm hôm sau, đến chở Ngọc Điệp, hỏi Ngọc Điệp muốn uống cà phê ở đâu. Ngọc Điệp chỉ đến quán Tèo mới mở. Cà phê quán Tèo khá ngon, bánh bao cũng không tệ. Ăn bánh bao uống cà phê sữa nóng, nhớ đến quán nước trên Ngã Ba Cần Thơ. Mỗi lần đi Sài Gòn đón xe lôi ra sớm đều ghé quán nước này ăn bánh bao uống cà phê sữa pha bằng vợt. Quán này bây giờ chắc không còn nữa, mất đi một kỹ niệm đẹp thời trai trẻ.
Chỉ một tí sau khi tôi và Ngọc Điệp đến nhà quàn, ban hộ niệm đến. Hôm trước tôi hỏi chị Hoa, để tôi lo cà phê và thức ăn sáng cho ban hộ niệm, nhưng chị Hoa nói, một trong những điều lệ của ban hộ niệm là tự lo vấn đề ăn uống, không có ngoại lệ.
Ban hộ niệm bắt đầu tung, tôi không hiểu gì hết, nên đi ra ngoài hưởng khí trời còn lành lạnh. Lúc đó tôi đã ở Arizona, Trời gần cuối tháng tư, Arizona đã ấm rồi.
Ban hộ niệm vừa tụng xong, sư đến. Sư mặc “hoàng bào,” nhưng tôi không nhớ sư “Thích” gì. Sư mời ban hộ niệm ở lại cùng tụng với sư.
Ban tụng niệm ở lại, tụng thêm hiệp hai. Tụng xong, sư khen ban tụng niệm “nghiệp dư” tụng hay. Khi hai ban tụng niệm hợp tấu, tôi có đứng lại nghe, nhưng đâu có phân biệt được bên nào tụng hay hơn bên nào.
Tôi nhớ, những cuồn băng đám tang bên Việt Nam gởi qua. Cuồn băng sau, sư tụng nghe không hay bằng cuồn băng trước do một sư khác tụng. Tôi hỏi cô 9 nhà tôi, sao không mời sư trước, tụng nghe hay hơn, sớm lên thiên đàng hơn.
Cô 9 trả lời, sư trước tụng thời kinh hơn hai triệu, nhưng đắc lắm, lúc đó không mời được. Sư sau, tụng thời kinh chỉ hơn triệu. Thì ra sư tụng đám, cũng như ca sĩ. Ca sĩ nào nổi tiếng thì được trả tiền nhiều hơn.
Tôi không biết tụng để làm gì nhỉ? Tôi trăn trối trước với cô 9, “Nếu tôi chết trước, đừng mời sư tụng. Chết chớ cũng phải tiết kiệm tiền. Để dành tiền thiệt mua tiền giả đốt. Đốt nhiều chừng nào thì ở dưới giàu có chừng nấy.
Trong tang lễ của thầy, tôi thấy báo từ tòa soạn nhật báo Viễn Đông gởi đến. Tôi mở ra xem trang sau có cả một trang báo đăng lời phân ưu đến cô.
Người đứng đầu là thầy Nguyễn văn Trường cựu Tổng Trưởng bộ Giáo Dục. Kế là thầy Nguyễn thanh Liêm cựu Thứ trưởng Bộ Giáo Dục. Kế tiếp là thầy Phùng Trung Ngân. Lúc chúng ta thi tú tài thường tụng ngày tụng đêm quyển vạn vật của thầy Ngân. Sau đó là 64 vị đồng nghiệp và thân hữu của thầy cô.
Tôi chỉ biết các thầy dạy Tống Phước Hiệp: Nguyễn hữu Lễ (Thầy Lễ cũng là cựu hiệu trưởng trường Tống phước Hiệp, trước thầy Thọ) Võ thanh Bai, Lý Di, Phạm quân Hồng, Nguyễn văn Hiệp,Nguyễn Bá Nguyên, Nguyễn Trung Ngươn, Đặng văn Tấn, Nguyễn Lộc Thọ, Trần Văn Mỹ. . .
Biết thêm vài vị: Cựu Dân biểu Bùi Văn Nhân, cựu Đại Tá Trần Bá Phẩm, Nhà thơ Đỗ Quý Toàn . . .
(CÒN TIẾP)