CHUYỆN VỀ ANH HAI PHƯỚC

Ngày đăng: 26/10/2024 09:10:28 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước.

Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó. Đặc biệt những phận người sinh ra trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên có những hướng đi do lịch sử lựa chọn. Cậu Hai, anh trai của mẹ tôi (ba của anh Phước) là người thông minh, đỉnh đạc và nói tiếng Pháp như gió. Vùng chúng tôi sống cách trung tâm thành phố không xa nhưng nghe người ta thường gọi là “vùng xôi đậu”. Bởi vì ban ngày có sự kiểm soát của chính quyền bảo hộ, còn ban đêm thì thế giới đó là của Việt Minh, du kích. Cậu Hai tôi dấn thân rất sớm và mất trên chiến khu khi anh Hai Phước còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ anh, tôi gọi là mợ Hai. Mợ Hai lập gia đình với cậu Hai lúc chỉ mới 20 tuổi, 21 tuổi đã trở thành góa bụa. Anh Hai Phước ra đời không thấy mặt cha. Đó là mất mát lớn không gì bù đắp nổi. Thương anh không gọi được một tiếng ba ơi! Chưa từng được ba bồng ba ẵm hay nâng bước con đi từ những bước chập chững đầu tiên.

Mẹ anh là một người phụ nữ hiền thục, chịu thương chịu khó. Ông bà nội của anh (cũng là ông bà ngoại tôi) rất thương quý mợ Hai và cưng anh Hai Phước, nên dành hết tình thương chăm bẵm, bù đắp cho anh những gì có thể. Anh trưởng thành trong tình cảm của những người thân còn lại.

Hằng ngày, ngoài công việc vườn tược và buôn bán nhỏ, gia đình cũng sống ổn nếu không có chiến tranh. Nhưng thời gian này đâu có yên ổn mà làm ăn. Tiếng súng, tiếng pháo thỉnh thoảng lại nghe ùng oàng đâu đó từ phía chiến khu, vùng ven nghe xa xa vọng về. Một đêm nọ bà tôi kể lại có vài người đàn ông mặc áo nâu, áo đen trong dáng vẻ nông dân ghé nhà lúc nửa đêm mang theo ông của chúng tôi lên chiến khu vùng núi. Sau đó cứ ban ngày ghé về nhà làm việc, giao du bình thường với cán bộ địa phương, ban đêm đi công tác bí mật. Một hôm tiếng súng định mệnh nổ đằng xa, có người tức tốc về báo là ông đã bị du kích bắn chết do hiểu nhầm là làm việc cho Tây. Sau này, chính quyền cách mạng trả lại danh dự và có bảo anh đi làm giấy chứng nhận liệt sĩ cho ông nhưng vì thời gian xảy ra quá lâu rồi, người chỉ huy của ông cũng đã qua đời nên khó khăn trong việc chứng nhận giấy tờ.

Như vậy anh Hai Phước thêm lần nữa mồ côi. Ba mất, ông nội mất. Lúc này anh lên 6 tuổi. Mẹ anh còn trẻ nên ông bà vẫn thường bảo mợ Hai là:

– Bây nuôi con cho cứng cáp, đến tuổi đi học được để lại ông bà nội nuôi cho rồi đi bước nữa. Ba mạ cũng không nỡ để con đơn lẻ khi tuổi đời còn quá trẻ!

Thế rồi trong làng có một bác tính cách cũng đàng hoàng đánh tiếng xin cưới mợ Hai, được sự động viên của ba mẹ chồng nên mẹ anh đi đi bước nữa, lúc này anh Hai Phước vừa lên bảy, học lớp tư trường tiểu học.

Mấy ngày đầu nghe bà tôi kể lại anh khóc nhiều lắm! Cứ đi ra đi vào nhất là buổi chiều về ngóng trông như đợi mẹ đi làm về. Anh không nghĩ là mẹ đi lấy chồng có nghĩa là phải về nhà người ta. May mà nhà bố dượng anh ở không xa, thỉnh thoảng mẹ anh lại đảo qua nhà thăm anh, sau này có em bé thì việc thăm nom của mẹ anh cũng vắng dần vì mẹ còn bận lo cho gia đình mới và con nhỏ của mẹ nữa. Dần dần anh cũng biết và chấp nhận sự thật là vẫn còn mẹ trên đời nhưng mẹ bây giờ không phải chỉ của riêng anh.

Anh lủi thủi ra vào làm những việc lặt vặt trong nhà đỡ đần cho bà nội và chăm lo học hành.

Người ta thường nói: Trời không cho ai một lúc mà nhiều thứ, cũng không lấy đi tất cả, nên đã có sự bù đắp nào đó cho có vẻ công bằng của thượng đế. Hoàn cảnh mồ côi cha và xa mẹ như vậy nên anh sớm trưởng thành. Anh lanh lẹ, tháo vát, học giỏi, hiếu thảo và chăm ngoan. Anh Hai Phước có khuôn mặt khôi ngô, tư chất thông minh sớm bộc lộ đức tính quyết đoán, cương nghị và rắn rỏi. Khi anh lên mười mấy tuổi thì tôi mới mở mắt chào đời. Tôi thứ hai, trước tôi có người anh hơn tên là Hoàng Trọng Bình, ở nhà thường gọi là Tèo, còn tôi là Xíu. Tên Xíu của tôi cũng do anh Hai Phước mà ra. Lúc tôi mới sinh ra được tuần lễ, mẹ tôi bồng tôi từ nhà hộ sinh về, ảnh chạy qua nhìn rồi bảo:

  • Cô Hạnh sinh bé nhỏ xíu à!

Lúc đó tôi nghe nói được 3,5 kg, trong mắt anh vậy là nhỏ xíu thôi. Mọi người trong nhà nghe anh nói vậy ai cũng cười. Bà tôi bảo:

Gọi bé Ba là Xíu cũng hay nè! Thế là từ đó về sau thành tên gọi ở nhà của tôi luôn. Khi tôi cứng cáp thì ba mẹ tôi đi làm thường gửi tôi cho bà ngoại. Mỗi lúc mẹ tôi bận việc lại mang hai anh em qua gửi bà ngoại và tôi được anh ru ngủ, ẵm bồng khi bà bận nấu cơm, nên vì thế tuổi thơ của ba anh em chúng tôi lớn lên cùng nhau. Mỗi lúc anh đi đâu về bắt được con cào cào, hay bẻ được cọng lá dừa về làm đồng hồ đeo tay cho hai đứa. Anh về đầu ngõ là cất tiếng gọi:

-Tèo ơi, kêu nhỏ Xíu nữa ra anh cho hai đứa con cào cào nè, có đồng hồ lá dừa nữa! Thích lắm nghe!

Học xong cấp tiểu học gần nhà anh thi đậu vào lớp 6 trường Quốc Học (Trước 1975, trường Quốc học dạy từ lớp 6 đến lớp 12). Trường cách nhà khá xa. Anh biết mình gia cảnh nghèo, chiến tranh loạn lạc, bà nội cũng đã già yếu và đơn chiếc nên anh bắt đầu biết tự lập từ đó. Năm đầu tiên lên Huế, anh không có điều kiện để trọ học mà phải cố gắng vượt qua khó khăn để đi học bằng cách sáng sớm bới khoai sắn hoặc trưa nhịn đói, đi bộ từ làng quê lên phố học. Lên Huế, đến năm đệ lục (lớp 7), qua bạn bè giới thiệu, anh kiếm được chỗ dạy kèm cho các em lớp đệ thất (lớp 6). Anh được một vài gia đình có điều kiện trong thành phố mời anh làm gia sư. Có lẽ thấy tướng mạo anh khôi ngô, học giỏi và lễ phép nên khi được giới thiệu, phụ huynh chịu liền. Anh đã biết tự kiếm tiền nuôi thân. Từ đó ăn cơm thiên hạ bằng mồ hôi và trí tuệ của mình để học và bơi giữa dòng đời,…Như vậy 12 tuổi, học lớp 7 bắt đầu dạy kèm, ăn trưa tại nhà phụ huynh, tối về nhà. Năm anh lên Đệ tam (lớp 10) gia đình học sinh mời anh ở lại trong nhà luôn để tiện bề kèm cặp hướng dẫn con họ học tập. Bắt đầu từ đây, anh trọ học tại nhà phụ huynh cho đến khi đi học Sư phạm. Như vậy anh vừa học, vừa làm gia sư là kế sinh nhai để giải quyết vấn đề tài chính trên hành trình kiếm tìm con chữ của cậu học trò nghèo đơn côi. Sau này anh kể với tôi: “Hồi đó anh chỉ có một bộ áo quần để đi học. Khi giặt nếu trời mưa thì phải đốt lửa hong khô để tiếp tục mặc. Bây giờ mỗi lần ngửi mùi khói lại nhớ tuổi thơ đến quặn lòng”. (Thời tiết Huế mình mùa đông mưa dầm dề cả tháng có khi hơn, thời đó không đốt lửa hơ sao khô được?). Nghĩ về những năm tháng ấy anh cũng thầm cảm ơn bác phụ trách xã nhà đã xử sự nhân văn. Khi anh ra chứng nhận để xin học bổng dẫu biết anh là con Liệt sĩ nhưng vẫn ghi vào đơn: “Con mồ côi, nhà nghèo, đề nghị cho hưởng học bổng”. Anh rèn luyện và chịu đựng ghê lắm, làm việc gì cũng giỏi. Việc đồng áng, bưng vác cũng ngon lành. Chân tay vạm vỡ chắc nịch nên sau này mấy đồng nghiệp thanh niên vật tay với anh chưa bao giờ thắng nổi anh.

Bởi vậy gian khó tôi luyện con người, anh nhanh nhạy tháo vát, bản lĩnh. Khi vào đời người ta có thể tùy cơ ứng biến, biết đối diện, đương đầu và vượt qua mọi trở lực để thành công!

Tất cả những chuyện này tôi được nghe từ anh hoặc bà ngoại tôi kể lại, tôi không nhớ được gì ở khung tuổi từ 0 đến 4 tuổi. Lên 5 tuổi tôi bắt đầu nhớ được những việc đã qua và trở thành kỷ niệm để khi chợt nhớ về thì dòng ký ức lại quay về như mới hôm qua. Đến lúc tôi lên 6 tuổi có lẽ não bộ đã phát triển hơn một chút, tôi nhớ được nhiều chuyện về thời thơ ấu của mình với gia đình, người thân mà trong đó có anh đã trở thành một phần tuổi thơ của tôi. Tuy nhiên cũng không hoàn toàn nhớ hết mà có việc nhớ, việc quên, nhưng những kỷ niệm đã được lưu lại trong ký ức thì rất khó phai. Hoàn cảnh tôi cũng không khá hơn anh là mấy. Vì ba mẹ tôi cũng đi làm ăn xa, lúc tôi 5 tuổi, anh em chúng tôi ở nhà bà nội hoặc ngoại tôi nhiều hơn!

Mỗi lần anh về từ đầu ngõ là anh đã gọi bà ơi! Rồi tiếp:

-Tèo mô rồi, kêu Xíu về, anh có mua kẹo cho hai đứa nè!

Anh mua thêm cho Tèo mấy viên bi nhiều màu rất đẹp. Còn Xíu thì anh mua cái kẹp nơ màu hồng rất dễ thương! Tóc tôi bắt đầu buộc đuôi gà nên anh mua kẹp tóc cho là mừng hết biết. Đem đi khoe khắp xóm. Đứa bạn nào thân lắm mới cho nó kẹp thử, ngắm nghía xong thì đòi lui. Còn anh Tèo, rũ mấy bạn trong xóm chơi bi với vẻ đầy tự hào:

-Anh Phước tao mua tận chợ Đông Ba lậng đó!

Lúc rảnh rỗi anh cũng bày cho tôi và anh Tèo học. Anh lấy tấm ván ép dựng lên thành cái bảng, Tôi và anh Tèo là hai học trò đầu tiên của anh. Lúc anh Tèo học tiểu học, tôi lên 3 tuổi, ngồi kế bên anh Tèo nghe giảng. Anh Hai Phước chỉ vào bảng giảng với những con chữ ngoằn nghèo (tôi thấy chữ cũng như thấy giun bò). Tôi ngồi cho có chứ biết gì đâu mà học. Ngồi một lúc không lâu, tôi ngủ gà ngủ gật rồi thôi, leo lên võng đánh một giấc ngon lành, mặc hai anh em Phước và Tèo đánh vật với chữ nghĩa, toán tính. Sau này dù chưa biết chữ nhưng nghe anh đọc mấy câu ca dao, đồng dao thì tôi rất thích và thuộc liền. Ba tuổi tôi đã thuộc khá nhiều câu đồng dao, ca dao từ anh đọc hoặc từ lời ru của bà tôi!

Ôi tuổi thơ ngọt lành! Ký ức ùa về nghe lòng vẫn rưng rưng!

Tôi ít nhiều có ảnh hưởng từ tính cách của anh. Sau này mỗi lúc gặp sự cố gì đó trên đường đời: không vừa ý, hay gặp phiền nhiễu thách thức gì trong cuộc sống học tập và công việc, tôi cũng tự trấn an bản thân rằng: “Vậy nhằm nhò gì so với anh Hai Phước, mình phải theo gương anh mà cố gắng và phải lỳ đòn mới được, không cứ hơi tý là chạy về nhà khóc nhè, sao mà trưởng thành được!”

Sau 12 năm học hành, có 7 năm xa nhà đi bộ lên về và ba năm cuối trọ học và tự lập, anh Hai Phước đã vượt qua hai kỳ thi là Tú tài bán và Tú tài toàn. Bạn bè anh thi vào Y khoa, hay ghi danh văn khoa còn anh chọn sư phạm vì anh thích làm thầy giáo, hơn nữa anh chọn Sư Phạm vì số năm đào tạo ngắn hơn, ra trường sớm kiếm việc làm đã rồi sau này học tiếp.

Vậy mà anh mới ra trường, nhận nhiệm sở tại một trường vùng ven cũng là “vùng xôi đậu” nên ít người chịu về đây nhận nhiệm sở. Vài tháng là cân nhắc anh lên làm hiệu trưởng liền. Và cứ thế anh làm hiệu trưởng lần lượt một vài trường phổ thông. Thời gian sau anh được điều động lên làm hiệu trưởng một trường trung tâm thành phố liên kết đào tạo trung cấp và cao đẳng. Thời gian nữa để đáp ứng với nhiệm vụ đào tạo mới, do yêu cầu nhân lực của địa phương, anh lại được giữ chức vụ Hiệu trưởng một trường cao đẳng dạy nghề có hợp tác với nước ngoài. Khi đến tuổi nghỉ hưu anh vẫn tiếp tục được mời làm hiệu trưởng ở một trường đào tạo nghề thêm một thời gian nữa.

Như vậy, từ một cậu bé mồ côi anh trở thành một nhà quản lý giáo dục có tiếng ở trong thành phố với cách quản lý rất tài ba, trường nào nơi anh từng công tác cũng có những bước phát triển rất tốt, dồi dào tiềm năng. Học trò anh có người bây giờ trở thành một trong những “quái kiệt của google”.

Đến tuổi kết hôn, anh Hai Phước lập gia đình, vợ anh cũng là cô giáo. Chị đảm đang, vén khéo. Anh chị cũng nuôi dạy đàn con năm gái một trai bây giờ cả sáu đứa, dù làm việc trong nước hay ở nước ngoài đều có vị trí công tác rất tốt.

Cảm thấy tự hào về anh, tôi kể chuyện này để truyền cảm hứng cho những học trò của tôi và các bạn trẻ, lưu lại trên trang viết với thông điệp: Dẫu xuất phát điểm có thể không mấy thuận lợi, hay do những biến cố xảy ra ngoài ý muốn trong tuổi thơ, tuy nhiên bằng sự nỗ lực vươn lên đều có thể có được tương lai như ý!

Như vậy đôi khi điểm khởi đầu cũng đáng kể nhưng không phải là tất cả. Thậm chí có những người có xuất phát điểm rất tốt nhưng nếu không cố gắng vượt qua giới hạn của chính mình thì cũng không thành công như mong đợi!

Anh Hai Phước bây giờ xem như một nhân vật thường được đem ra làm gương cho thế hệ con cháu mỗi khi dòng họ chúng tôi có dịp hội tụ như chạp giỗ, tết nhất ,…Ở tuổi quá thất thập anh vẫn hồng hào khỏe mạnh, yêu đời bên cạnh người thân gia đình, hạnh phúc viên mãn!

Mưa buồn ướt một tuổi thơ 

Cành cây sớm gảy mầm tơ chưa thành

Đi qua giông bão trưởng thành

Kiên cường vươn ngọn trổ cành sum suê.

Saigon, ngày 23/10/2024

Hoàng Thị Bích Hà

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác