Hãy cứu lấy tiếng Việt

Ngày đăng: 8/08/2024 08:07:09 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

.Nếu cứ đề cao ngụy văn học, cho nó ở vị trí quan trọng thì thật lãng phí thời gian, tiền bạc và chất xám của xã hội; làm hỏng tính cách, nhân cách của công dân. Đề cao môn Văn trong bối cảnh ấy, khác nào “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Nếu không thay đổi được cách dạy và học Văn, thì cứ đưa Văn học vào môn tự chọn, để ai muốn có điểm cao, muốn học văn mẫu, muốn trình bày tư duy, cảm xúc của người khác thay vì của mình, thì cứ chọn nguỵ văn học; ai không muốn thì thôi (họ có tự thể bồi đắp kiến thức và năng lực văn học bằng cách khác, như đọc sách, viết lách…

Nhà văn sai, nhà giáo sai, nhà báo sai, nhà khoa học sai; cử nhân thạc sĩ sai, tiến sĩ giáo sư sai; sách vở giáo trình sai, đề thi đáp án sai, luận văn luận án sai, từ điển sai; âm nhạc sai, văn chương sai, báo chí sai, công văn sai… tất tần tật đều có sai. Đặc biệt, các nhà báo, nhà ngôn ngữ, các giáo viên, giảng viên dạy tiếng Việt và Văn học – những người sống bằng nghề chữ nghĩa và dạy người khác chữ nghĩa – mà cũng sai.

  1. Thời mạt ngữ pháp

Đến nước này, không thể không lên tiếng. Bởi vì, ngôn ngữ là hồn cốt, là căn cước của dân tộc. Chấp nhận và đầu hàng cái sai về tiếng Việt, nghĩa là chấp nhận vong bản, vong quốc; chấp nhận tự sát tập thể!

Ngày trước, dù chỉ học ngang tiểu học, nhưng hầu hết mọi người đều viết rất đúng chính tả và ngữ pháp. Ngày nay, người ta học xong 12 năm, học thêm đại học, sau đại học, vẫn không viết đúng. Khi trao đổi điều này với một người bạn, anh cay đắng thốt lên: “Hoá ra, bây giờ không chỉ mạt pháp mà còn là thời mạt ngữ pháp!”. Nghe ra, cười vì cách chơi chữ của bạn, nhưng thấy rất đúng, và rất đau.

  1. Ngữ không ra ngữ, văn chẳng ra văn

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người Việt sai tiếng Việt. Nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là giáo dục. Trong chương trình qua các thời kỳ, môn Tiếng Việt luôn được chú trọng. Vậy thì tại sao được chú trọng; được học nhiều, thi nhiều, mà trong khoảng 10-15 năm lại đây lại sai nhiều đến thế, và ngày một trầm trọng hơn?

Thực tế cho thấy là, từ sau khi các địa phương đồng loạt mở trường Đại học, việc tuyển sinh rất dễ dãi. Nhiều năm, chỉ cần đủ điểm sàn là đã đỗ vào Sư phạm. Mà, học sinh đạt điểm sàn thì trình độ vẫn tương đối thấp, không chuẩn về sử dụng tiếng Việt (nghĩa là điểm ngang sàn, thậm chí trên sàn nhưng thực chất thì trình độ dưới sàn). Việc đánh giá ở Đại học không phải theo hình chóp, cho nên vào được thì ra được. Các cử nhân sư phạm vẫn mang theo lỗi tiếng Việt sau khi tốt nghiệp và trở thành thầy cô giáo. Có thể, họ không dạy cái sai cho học sinh, nhưng chắc chắn không đủ khả năng để phát hiện cái sai của học sinh.

Tiếng Việt đã sai, Văn học cũng chẳng hơn gì. Thầy cô dạy theo giáo án mẫu (sao chép của nhau), học sinh học văn mẫu, làm bài thi theo mẫu. Thậm chí, mẫu sai vẫn được thừa nhận. Lại nữa, vì chuộng thành tích ảo, cho nên điểm số cao, trong khi trình độ tiếng Việt và văn của học sinh rất thấp. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang có một nền giáo dục bất chấp: bất chấp không đạt chuẩn, vẫn lên lớp, vẫn đỗ đạt, thậm chí đỗ đạt cao và quay lại làm thầy thiên hạ; bất chấp đề thi hoặc đáp án chưa chuẩn, vẫn cứ chấm, cứ cho điểm (thậm chí điểm cao ngất ngưởng); bất chấp các nhà chuyên môn và dư luận phàn nàn hay chỉ trích thì vẫn chó sủa (đúng) mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi (dù sai). Quả thật, chưa bao giờ môn Văn và Tiếng Việt lại đạt đến “trình độ” bất chấp cao như thế. Kết quả của việc giáo dục ấy là ngữ không ra ngữ, văn chẳng ra văn.

  1. “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”

Rõ ràng, người Việt đang yếu tiếng Việt, yếu về năng lực văn học. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng đó để thay đổi.

Bất cứ một việc gì, nếu kết quả không tốt, thì cần xem lại từ khâu thiết kế đến khâu thi công và nghiệm thu. Trong trường hợp này, cần xem lại từ chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cách dạy học, cách đánh giá. Sai ở khâu nào, sửa ngay ở khâu đó, may ra mới có thể cải thiện được tình hình. Ở trên, chúng tôi nói đến yếu tố con người với việc giáo viên không đạt chuẩn trình độ tiếng Việt và bệnh thành tích ảo đến mức bất chấp; ở đây, chúng tôi muốn nói đến môn học.

Bao năm qua, Văn học là môn bắt buộc phải học, phải thi, nhưng kết quả đạt được của môn này, ngoài điểm số rất cao (vì thành tích ảo, vì cách đánh giá không khoa học, vì chấm thi không trung thực), thì chẳng có hiệu quả mấy đối với người học. Hơn nữa, dù thay đổi nhiều lần, nhưng Văn học vẫn luôn phải gánh lấy nhiệm vụ giáo dục, giáo hoá quá nặng, cho nên trong thực tế, học sinh nước ta không được học Văn học đúng nghĩa. Vì thế, mới có ý kiến cho rằng nên đưa môn Văn vào tự chọn, ai thích thì học, không thì thôi, để thời gian còn lại mà rèn luyện tiếng Việt (dĩ nhiên, trong môn Tiếng Việt cũng đã có Văn học, học văn đương nhiên là học tiếng, và học tiếng cũng là học văn).

Người phản bác ý kiến trên sẽ khẳng định vai trò của Văn học: “Văn học là nhân học”, “Dạy văn là dạy người”, “Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”…; không bắt buộc học môn Văn, thì làm sao học sinh có thể làm người, nên người. Đồng thời, họ sẽ đưa ra tất cả các lý luận về chức năng của văn học để chứng minh cho việc bảo vệ địa vị của môn Văn.

Tuy nhiên, những ý kiến bảo vệ đó chỉ là trên lý thuyết, thực tế thì dạy văn, học văn ở nước mình như thế nào, ai cũng rõ cả. Khi văn học triệt tiêu cảm thụ cá nhân, khi giáo dục văn học không chấp nhận đối thoại, thì sẽ tạo ra những con người không có năng lực phản biện, tạo ra những thế hệ đồng phục về tư duy. Văn học mà như thế, thực chất là nguỵ văn học. Nếu cứ đề cao ngụy văn học, cho nó ở vị trí quan trọng thì thật lãng phí thời gian, tiền bạc và chất xám của xã hội; làm hỏng tính cách, nhân cách của công dân. Đề cao môn Văn trong bối cảnh ấy, khác nào “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Nếu không thay đổi được cách dạy và học Văn, thì cứ đưa Văn học vào môn tự chọn, để ai muốn có điểm cao, muốn học văn mẫu, muốn trình bày tư duy, cảm xúc của người khác thay vì của mình, thì cứ chọn nguỵ văn học; ai không muốn thì thôi (họ có tự thể bồi đắp kiến thức và năng lực văn học bằng cách khác, như đọc sách, viết lách,…).

Đưa môn Văn vào tự chọn, không có nghĩa là xoá bỏ môn Văn trong chương trình, mà là một cách điều chỉnh. Khi tôi cho anh nhiều ưu tiên, nhiều đặc quyền đặc lợi, mà anh không làm tròn nghĩa vụ của mình, y phục không xứng kỳ đức, thì buộc phải phế truất quyền ưu tiên đó. Vì thế, tự trong sâu xa, đề xuất này rốt cuộc vẫn là thể hiện khát vọng học sinh nước mình được học văn đúng nghĩa – văn ra văn, cần trả môn Văn về đúng vị trí, vai trò và giá trị chính danh của nó. (Ở Nhật Bản, dù môn Văn học không có nhiêu khê gì, nhưng trong chương trình Trung học phổ thông, Văn học là môn tự chọn)(1).

Chương trình 2018 đã có nhiều thay đổi, như: có thể chọn ngữ liệu đọc ngoài sách giáo khoa (nhưng phải đồng dạng và đáp ứng mục tiêu), đánh giá định kỳ không/tránh dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa; mục tiêu dạy học chú trọng đến bốn kỹ năng đọc, viết, nói và nghe…(2) Tuy vậy, tham khảo mẫu đề thi và đáp án kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể thấy rằng đáp án chỉ dành 0.5/10 điểm (tỷ lệ 1/20) cho điểm thực hành tiếng Việt (đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản) là quá thấp(3). Với cách đánh giá này, nếu bài làm đủ ý nhưng viết sai chính tả; sai về dùng từ, ngữ pháp và liên kết văn bản, thì vẫn có thể đạt 9.5/10 điểm. Như thế, trong đánh giá, rõ ràng là không coi trọng chuẩn tiếng Việt, và chắc chắn không đánh giá đúng thực chất của người học văn.

Có thể, nhiều người lạc quan và hy vọng vào sự thay đổi, cải thiện tiếng Việt mà chương trình 2018 mang lại. Tuy nhiên, nếu thế hệ học sinh của chương trình này không sai về tiếng Việt, thì cũng phải mất khoảng 10 năm nữa mới tái lập được một cộng đồng nói đúng, viết đúng. Trong khi, tiếng Việt đã và đang sai đến mức quá sâu rộng, 10 năm sau là đủ để cơn sóng sai phạm này phá huỷ tiếng mẹ đẻ của người Việt. Phải đợi đến 10 năm thì sợ rằng nước xa không cứu được lửa gần. Lại nữa, chương trình mới nhưng người thực thi vẫn cũ, lề thói cũ. Nếu vẫn giữ cách đánh giá theo kiểu chạy theo thành tích hoặc không chú ý bắt lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt; nếu giáo viên vẫn lách luật/gian dối/đối phó về ngữ liệu thi cử ngoài sách giáo khoa(4) hoặc không chịu đọc sách mà chỉ sử dụng đề thi và giáo án (kế hoạch bài dạy) biếu không hoặc bán sẵn; nếu hệ thống thư viện không thay đổi theo hướng hỗ trợ tối đa cho người học và người dạy…, thì e rằng khó mà cải thiện được tình hình.

  1. “Thổi cồn” cho tiếng Việt

Khi bàn về chương trình và việc dạy, học, thực hành tiếng Việt, các nhà giáo dục đều có những viện dẫn rất khoa học, mà nhiều nhất là so sánh với chương trình các nước khác. Tham khảo, kế thừa và so sánh điều rất cần thiết, thể hiện cách làm việc khoa học và tân tiến. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cần xem xét thực trạng của riêng nước mình để có phương pháp phù hợp. Rõ ràng, sử dụng sai tiếng Việt đang là căn bệnh trầm trọng của người Việt. Vậy thì, cần chẩn bệnh, kê đơn, bốc thuốc một cách nghiêm túc, rốt ráo ngay trên cơ thể bệnh nhân tiếng Việt, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của việc sửa sai.

Thay vì cười cợt một ngàn lẻ một cái sai của việc sử dụng tiếng Việt, hãy chung tay hành động để cứu lấy tiếng Việt. Mong rằng, nhà trường chấm dứt nạn thành tích ảo, học sinh ngồi nhầm lớp, giáo viên đứng nhầm lớp; các cơ quan liên quan đến chữ nghĩa, khi tuyển dụng và đánh giá công việc cần đặt tiêu chí nói đúng, viết đúng tiếng Việt lên hàng đầu; các cá nhân, tổ chức hãy hành động vì tiếng Việt… Nghĩa là, rất cần cả xã hội đồng sức đồng lòng thổi còi, “thổi cồn” cho tiếng Việt, như cách đang “thổi cồn” quyết liệt với đại nạn giao thông hiện nay. Trong cuộc sống, chúng ta cần rau sạch, thịt sạch, cá sạch, để đảm bảo sức khoẻ của giống nòi; thì cũng cần văn bản sạch để đảm bảo cho sinh mệnh của tiếng Việt. Tiếng Việt còn (đúng chuẩn), nước ta còn!

Tôi biết, ý kiến của mình sẽ gặp sự phản đối của một số người. Quý vị cứ phản đối và đưa ra ý kiến của mình, chỉ cần cùng nhau phá tung những bức tường sai sót đang vây bủa tiếng Việt, làm tha hoá tiếng Việt – thứ Quốc Ngữ đã từng phải trải qua bao lần thoát kiếp, thay hình đổi dạng đầy gian nan mới trở nên giàu đẹp như hôm nay. Tôi biết, là một giáo viên Văn học, mình không vô can trong thực trạng ngày nay của tiếng Việt. Tôi cũng biết, chân lý không thuộc về một ai. Bài viết này, cho dù có thể có điểm chưa thuyết phục hoàn toàn về mặt chuyên môn hẹp, nhưng mục đích của tôi là mời gọi tranh luận và thảo luận để tìm cách sửa sai và ngăn chặn cái sai. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cái sai sẽ trở thành những “chuẩn” mới, sẽ thống trị cái đúng; những người sai tiếng Việt sẽ cầm cân nảy mực (sai) để đánh giá và phán xét người đúng, nguy hại khôn lường!

Mấy lời thống thiết, xin được tỏ bày! Hãy cứu lấy tiếng Việt! Kính mong mọi người lưu tâm!

NGUYỄN THỊ TỊNH THY

Bài đăng báo Văn Nghệ

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác