ĐI CHỢ 18 THÔN VƯỜN TRẦU

Ngày đăng: 24/07/2024 07:52:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Sáng nay, tự nhiên nghĩ đến mâm cau trầu cho một lễ cưới, tôi đi thẳng lên chợ Hóc Môn. Một ngôi chợ ở ngoại thành nổi tiếng trầu cau của 18 thôn vườn trầu ngày xưa. Chợ này là đầu mối trầu cau cho các chợ ở Sài Gòn. Bây giờ không riêng gì trầu cau, mà những món coi như đặc sản của Hóc Môn như nem, thịt quay, tóp mở cũng không còn được săn đón tấp nập như trước. Nhưng chuyện buôn bán có phần hiện đại hơn. Chỉ cần ghé một gian hàng trầu cau là tôi có thể đặt được đủ 6 mâm lễ rước dâu gồm trầu cau nguyên buồng và trầu cau têm hình cánh phượng, trà, rượu, trái cây, bánh tây, bánh su xuê, xôi gà. Không cần phải đi mượn hay mướn mâm quả và đi chợ mua từng món. Dĩ nhiên là hàng trong mâm phải tốt như ý mình. Tôi rất hài lòng về cách thức này nên lưu lại địa chỉ và số điện thoại của chủ gian hàng để tiện mua khi cần.

Đi tới chừng vài bước tôi thấy có hàng bán cá hấp. Nhìn cá hấp tôi bật cười nhớ tới mấy bé mèo ở nhà, tôi mua 2 rổ, giá 32 ngàn. Cá nục hấp ngon phải là cá mới, bụng còn nguyên, màu da cá sáng, khi đem về rửa sạch bụi không cần phải bỏ đầu vì cá thơm khi còn đầu.

Ngang hàng cá có sạp thịt heo, tôi ghé mua 600gr thịt vai trước vừa có nạt vừa có mở hết 60 ngàn, thịt mới còn tươi không như thịt nhiều gian hàng ở vài ngôi chợ nổi tiếng nhưng thịt đông lạnh, thịt đông lạnh phần mở hơi đục (vì lạnh) hoặc nạt hơi trong (vì ướp hàn the), thịt ở chỗ này mỗi ngày mỗi bán, vừa bán thịt vừa bán đồ lòng. Thịt này tôi dự định đem về xắc mỏng vừa phải phần nạt, ướp sả, tỏi, gia vị cho thấm để sáng mai làm bún thịt xào ăn điểm tâm, phần mở thịt lợn cợn thắng lấy mở hấp cá nục, để tốp mở, củ hành lên trên, rắc tiêu lúc đem xuống.

Khi ăn cá hấp nên làm chén nước mắm có chanh đường tiêu ớt để chấm, có người ăn với mắm tôm. Tôi đi về hướng bưu điện hóc môn thì thấy tủ bán chè, tôi mua hai ly, 1 ly chè bắp, 1 ly bánh đúc lá dứa. Bánh đúc lá dứa làm đơn giản nhưng cực nhất là lúc khuấy. Chè bắp nấu dễ nhưng mỗi lần nấu phải chục người ăn mới hết nồi chè cho nên cứ mua 1 ly ăn cho gọn.

Đi ngang tủ bán chả lụa thấy dán tấm giấy gần giáp mặt tủ: Bành mì thịt quay. Chạm máu nghề nghiệp, tôi đứng lại thắc mắc: sao chữ bánh ghi dấu Huyền. Cô bán chả lụa cười trả lời: đặt người ta in, lỡ viết sai nên thôi kệ. Còn ổ bánh mì heo quay cô ăn giùm cho em “dzìa”. Vậy là mua ổ BÀNH mì heo quay.

Tới quán cóc bên hông chợ , uống cà phê sáng nghe “thời sự lề đường”. Tôi thích ngồi cà phê sáng ở những quán đầu chợ. Đây là chỗ tôi nghỉ chân sau khi đi một vòng chợ rồi đi ra ngồi để sắp xếp ngăn nắp đồ mình đã mua, bên ly cà phê sáng ở đây, tôi được nghe những ông chồng ngồi chờ vợ đi chợ nói chuyện với nhau, tất cả chuyện từ “thâm cung bí sử” đến chuyện cạnh nhà mình tối hôm qua. Chuyện từ Ba Đình đến chuyện ở tuốt bên nước Mỹ…

Và như quán tính, uống hết ly cà tôi bước qua đình, tên Tân Thới Nhì của ngôi đình gắn liền với chợ Hóc Môn như một khẳng định bất di bất dịch dù cho bao biến cố xảy ra. Thắp nhang cho thần hoàng mà không van vái gì. Tôi trở ra đường đi về nhà nấu cơm.

Hóc Môn, 24/7/24

Nguyễn Kiều Phương

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác