HỎI KHÓ ÔNG NỘI !

Ngày đăng: 4/07/2024 08:08:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Cuối tuần cháu nội qua thăm ông bà, nhìn các kệ sách của ông nội, không biết nghĩ gì, phát thinh hỏi nội :

– Nội nội ! Học sinh với học trò khác nhau chỗ nào nội ?

Trời đất ! Điều chưa khi nào ông nội nghĩ tới, nay bị cháu hỏi bất ngờ chẳng khác nào một cú bắt giò, ông nội chới với liền ! Bèn giả lả hoản binh :

– À…à…học sinh có bảy ký tự học trò có sáu ký tự !!!!! Nói chơi chớ để ông nội tra cứu rồi “trả bài” cho con sau nghen . Hi…hi…!!

Cháu về bển, lập tức ông nội sổ tung tất cả sách nào có liên quan, không để chậm chút nào, bởi vì cũng “tức mình” câu hỏi tưởng dễ ai dè lại làm cho ông nội bí lù !

—————-

Đầu tiên là bộ Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu và bộ Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (xin lưu ý “tự điển” và “từ điển” khác nhau nhé) . Khi biết chắc chắn chữ HỌC, chữ SINH là chữ Hán Việt, còn chữ TRÒ (có thể) là chữ NÔM (?) . Như vậy, HỌC SINH là từ ghép của hai chữ Hán Việt, còn HỌC TRÒ là từ ghép một Hán một Nôm .

Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh cắt nghĩa mấy chữ nầy thấy cũng vui vui, chữ SINH (còn đọc là SANH) thuộc bộ “sanh”, có 5 nét, nghĩa thứ 7 là : HỌC TRÒ. Trong cụm từ HỌC SINH ông giải nghĩa cũng là HỌC TRÒ . Nhưng chữ ĐỒ (trong môn đồ, đồ đệ, danh sư xuất cao đồ…vv..) thuộc bộ “sách”, có 10 nét, cũng được ông giải nghĩa là HỌC TRÒ. Tạm bàn tới đây thôi, vì đi sâu vô “nho lâm” rất rối ren lớ quớ không có lối ra !

—————-

Bây giờ thử tiếp tục tìm hiểu coi khi nào ta dùng HỌC SINH, khi nào gọi HỌC TRÒ ? Có khi hai cụm từ này hoán vị nhau được thí dụ :

@“1/- …các em học sinh lần lượt ra về”…

@ “2/- …các em học trò lần lượt ra về…”.

Nhưng khi Thầy Hiệu trưởng đọc diển văn hoặc ban huấn thị, thì thường phải là “Các em học sinh thân mến”. Chớ nếu ông nói “Các em học trò thân mến” (!) thì nghe kỳ kỳ lạ lạ tai liền !

Trái lại, một ông Thầy khi nói rằng : “đây là học trò của tôi”, và : “đây là học sinh của tôi”, thì lại là 2 ý khác nhau, gọi “học trò” nghe nó thân thương, gọi “học sinh” nghe nó lạnh lùng, hành chánh, vì vậy, tùy theo ngữ cảnh mà phải gọi là HỌC TRÒ hay HỌC SINH.

Trong cụm từ “THẦY TRÒ” (hai chữ Nôm) thì dứt khoát chữ TRÒ không thể thay thế được bằng chữ “sinh”. Trong lớp học, Thầy Cô gọi “trò A, trò B trả bài…vv..” . Về phía các em “học sinh”, thì :”Thưa Thầy, trò A bữa nay bị bịnh”..v..v…Trường hợp nầy chữ TRÒ đứng một mình thành một đại danh từ, hoặc ngôi thứ 2 số ít (trò A lên trả bài..), hoặc ngôi thứ 3 số ít (”Thưa Thầy, trò A bữa nay bị bịnh”… ).

Khoảng thập niên 1950-1960…trong trường học, nhất là cấp Tiểu học, các em không được xưng hô “mầy tao”. Phải nói như vầy :” Trò cho tui mượn cây thước…”, “hôm qua tui thấy ba trò chở trò đi học…v.v…” .

Vài thí dụ trên, cho thấy thời xưa HỌC TRÒ được dùng phổ biến hơn HỌC SINH. Qua nhiều cuốn sách xưa, khi chữ Quốc ngữ còn sơ khai, gần như chúng ta rất ít nếu không nói là không thấy hai chữ HỌC SINH .

Trong truyện ngắn “TÔI ĐI HỌC” ông Thanh Tịnh viết : “… Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân…” , ở một đoạn khác :” Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới, đến đứng trước lớp ba…”, dù trong ngữ cảnh nầy ông dùng hai chữ “học sinh” vẫn được.

“TÂM HỒN CAO THƯỢNG” bản Việt văn của cụ Hà Mai Anh, bài số 13 là bài “Học trò nghèo”, và trong những bài có liên quan đến học hành, hầu hết ông đều dùng 2 chữ “học trò” .

Trong bộ sách “QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ” ra đời trước năm 1940, Lớp Đồng Ấu bài số 8 : “Đồ dùng của học trò”, bài số 14 và 15 là :”Ngừơi học trò tốt và Người học trò xấu”, bài số 18 “ Học trò đối với thầy”. Xuyên suốt bộ sách, dường như không tìm thấy hai chữ HỌC SINH (?) .

Nhưng cuối cùng, ta thử tìm hiểu coi hai chữ HỌC TRÒ “xưa” tới mức nào ? Xin thưa : Trong tay tôi may mắn có được bản in chữ Quốc ngữ tập GIA HUẤN CA tương truyền của cụ Nguyễn Trải, được viết theo thể thơ song thất lục bát, bằng chữ NÔM, ta gặp được hai bài khuyên dạy học trò, đó là :”BÀI CA DẠY HỌC TRÒ Ở CHO PHẢI ĐẠO” : “ Nào là những kẻ học trò / Nghe lời thầy dạy thì lo sửa mình. / Nghĩa cha sinh cùng công mẹ dưỡng / Thì đêm ngày tơ tưởng chớ khuây ./ …v..v…

Và bài :”BÀI CA KHUYÊN HỌC TRÒ PHẢI CHĂM HỌC” :” ….Học trò giữ chính tâm làm trước/ Với tu tề bình trị đều yên / Cương thường giữ hiếu làm tiên / Từ đoàn ngũ giáo cho tuyền công sinh…/…

Như vậy, từ những năm 1600 thời Hậu Lê, hai chữ HỌC TRÒ đã thông dụng lắm rồi. Và dường như không ai dùng hai chữ HỌC SINH, ngoại trừ học vị “THÁI HỌC SINH” trong thời Trần thời Hồ, tương đương học vị Tiến sĩ về sau. Nguyễn Trải và phụ thân của ông là Nguyễn Phi Khanh cùng có học vị Thái Học Sinh. Qua đó có thể thấy rằng HỌC TRÒ được dùng trong văn nói, văn Nôm, còn chữ HỌC SINH dùng trong văn Hán (văn viết) vậy . Thí dụ : Những người dâng phẩm vật cúng Thần khi tế lễ ở Đình Miếu, được dân làng kêu bằng “HỌC TRÒ LỄ” , nhưng trong bài xướng thì viết là “LỄ SINH” (-Lễ sinh tựu vị).

—————

Sau cùng, ta đã biết TRÒ là một chữ NÔM đã có từ xa xưa, ngoài để chỉ người có đi học khi đứng ghép với chữ HỌC, thì ta còn gặp chữ TRÒ trong “trò chơi”, “làm trò”. Nhưng nó khó đứng được một mình, mà phải thường được ghép cùng chữ khác mới có ý nghĩa, ngay cả khi làm đại danh từ “Trò A, Trò B…” .

—————-

Hiện nay, hai chữ HỌC TRÒ ít thấy xuất hiện trong sách báo, văn thư, ngay cả trong trao đổi nhau bằng ngôn ngữ, không hiểu tại sao ?

Qua câu hỏi “khó” của thằng cháu nội, ông nội mới có dịp lục tung đống sách đầy bụi bậm rồi cắm đầu tra tra lật lật phát hiện thêm thật nhiều điều thú vị .

————–

Ít hàng tản mạn trước nhằm “trả bài” cho cháu nội, sau cũng xin gởi lên trang FB mong bằng hữu xa gần hữu duyên quá mục gọi là “mua vui cũng được một vài hớp bia” , thì kẻ hàn sĩ miệt vườn nầy hoan hỉ lắm lắm …chớ không dám coi đây là khảo cứu nghiên cứu (con khỉ khô) gì hết ..

Nhukhong cẩn bút

ngày hăm sáu tháng tư năm Giáp Thìn 2024 tại xứ Cồn .

——–

TB : Mong khoe khỏe trong mình, được viết thêm hầu quý bạn gần xa những chuyện ngộ ngộ trong phạm trù “chữ nghĩa”, thí dụ như “đọc sách” khác với “xem sách” nhé, “vô học” theo từ nguyên không hàm ý xấu nhé, “khóc có nước mắt” khác với “khóc -khấp- không có nước mắt ” nhé, HỮU (bạn) và BẰNG (bạn) khác nhau nhé, “cố vấn” chỉ là người được “xếp” ngoái lại phía sau để hỏi thôi (chớ không phải là vương là tướng hay ông bà ông vãi gì ai cả đâu nhé ! – hồi đó ông cố vấn Ngô Đình Nhu nhưng thực chất lại là “cha thiên hạ một thời đó ?! ) .

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác