ĐỌC “CỐ NHÂN” CỦA NGUYỄN THỊ TRÀ GIANG
Để đạt được cái ứng xử “ cố nhân ơi, một câu chào nhẹ tênh” không dễ dàng một chút nào đâu nhé! Bởi “biết bao đau đớn”, biết bao “dâu bể đổi thay” đã xảy ra trong dằng dặc thời gian chia biệt giữa hai con người ấy. Chia biệt, ấy là nói nhẹ nhàng; thực sự đây là một cuộc đổ vỡ lớn. Gió thổi bên thềm suốt đêm ngày, bình thường với ai, chứ với người phụ nữ này là “biết bao tiếng thở dài nên buốt lòng”. Nước chảy thành sông, phải đâu ít, phải đâu dễ ngừng, ngay phút đã bình tĩnh này đây, vẫn được hồi ức trong nghẹn ngào “phải là nước mắt đục trong kiếp người”. Tóm lại đó là một thực tại không dễ chịu, một thương đau có sức dập vùi, quật ngã. Đặc biệt giáng xuống số phận một người phụ nữ, một trái tim, mà căn cứ vào lời thơ, có thể nói hết sức dịu hiền.
Dịu hiền, chưa đủ, phải nói là trái tim kia thật quả cảm, gan góc. Và quý hơn, trân trọng hơn, là không phải quả cảm, gan góc cho một cuộc truy đuổi mang tính hận thù. Mà ngược lại:
… chẳng tại ai, chỉ tại tôi vụng về
đã không giữ được người đi
giữ câu hờn trách làm gì khổ nhau
Như ta vẫn nói một cách khô khan rằng đấy là sự tự xác định, thậm chí công thức hơn là một sự tự kiểm điểm! Trái tim người nữ thường rất mạnh mẽ, dễ tha thứ, nhận hết phần thiệt thòi “vụng về”. Không phân cách, nhưng vẫn phải nói trúng, đây là phụ nữ phương Đông, phụ nữ Việt Nam ( cùng với sự tranh đấu rất chân chính cho nữ quyền, ở phương Tây, dấu vết ích kỷ, đòi hỏi hưởng thụ, tự do cho chỉ cá nhân mình không phải đã không gây khó chịu cho chính người phương Tây!). Trở lại với sự tự nhận chịu của người phụ nữ trong bài thơ, ta thấy chị đã tự vượt một trở lực rất lớn trong đời sống tình cảm ( nhiều khi còn khó vượt hơn cả hiểm nguy bom đạn chiến tranh). Chị đã tự dàn xếp âm thầm bằng một lối nói hết sức tế nhị “thì thôi lòng dỗ lòng thôi”. Nói nhẹ, nói thầm, nói tế nhị, nhưng thực tế khổ đau xưa là không nhẹ, nói trắng ra là một sự thật phũ phàng đã diễn ra rất không tế nhị!
Tự dàn xếp cho cuộc đời mình, nhưng chúng ta vẫn cảm ơn chị. Cuộc sống theo ứng xử độ lượng của chị, đã tiếp tục trôi theo hướng an bình. Chính nhờ chị đã gói lại, đã gạt đi biết bao nỗi niềm bão táp.
TRÚC THÔNG ( BÁO PHỤ NỮ VIỆT NAM)
CỐ NHÂN
Khi gọi được tiếng cố nhân
là bao đau đớn đã dần phôi phai
cho dù dâu bể đổi thay
cũng bình thường tựa hết ngày lại đêm
Gió đâu gió thổi bên thềm?
biết bao tiếng thở dài nên buốt lòng
nước đâu nước chảy thành sông?
phải là nước mắt đục trong kiếp người
Thì thôi lòng dỗ lòng thôi
chẳng tại ai, chỉ tại tôi vụng về
đã không giữ được người đi
giữ câu hờn trách làm gì khổ nhau!
Mai này có lúc gặp nhau
cố nhân ơi, một câu chào nhẹ tênh.
NGUYỄN THỊ TRÀ GIANG