PHÍA SAU CON CHỮ: TÌNH YÊU; SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT (Đọc thơ Trần Hữu Dũng)
Vài lần uống cà phê, vài lần đi nhậu cùng nhau; không thể nói rằng tôi và Trần Hữu Dũng thân thiết. Đọc nhau vài bài thơ lẻ tẻ đăng ở đâu đó càng không thể gọi là hiểu nhau. Chỉ có thể nói rằng cái tạng người của anh chơi cũng bạt mạng và uống cũng tận cùng; hai điều này tôi đầu hàng. Cuộc gặp gỡ vào tháng 8/2023, bất ngờ anh tặng tôi tập sách HÓA THÂN, một tuyển tập của 7 tác giả in vào tháng 7/2023. Trong đó tôi gặp hai người quen ngoài đời là anh với Lương Minh. Xin chỉ giới thiệu phần thơ của anh (là một trong 7 phần: Tiểu sử văn học; Tác phẩm đã xuất bản; Bìa các tác phẩm đã xuất bản; Thơ Trần Hữu Dũng; Văn Trần Hữu Dũng; Văn nghệ sĩ và Trần Hữu Dũng; Chân dung VNS và Trần Hữu Dũng) như một lời cảm ơn anh đã tặng tuyển tập.
- Tôi khóc/ Cho cuộc tình lầm lỡ/ Phô bày trần truồng giữa phố đông
Tôi cũng là người tập tọe làm thơ nên có thể khẳng định rằng hễ ai lạc vào cõi thơ thì chắc chắn sẽ lận lưng vài ba bài thơ viết về tình yêu. Bởi tình yêu là hằng hữu, bất tận, phổ cập, sẽ không có hồi kết thúc:
“Chim di trú bay ngàn dặm
Trái đất xoay vòng chóng mặt
Đêm phụng hiến/ nhảy múa
Tình yêu bất tận sinh sôi” (Tụng ca mùa xuân)
Dẫu rằng trong mỗi cuộc yêu đã nẩy mầm cái chết:
“Phiên bản tình yêu không che dấu nổi
Một mùa đông thật đẹp cho cái chết…” (Thế giới khác của cái chết)
Biết vậy! Nhưng trong cõi người tình yêu là độc tôn, là nhất trước mọi thứ mà ai vướng vào đều mê muội khó thoát khi đã vướng vào. Câu thơ như một lời khẳng định “Tình yêu mê muội che mờ mọi thứ “(Nghi lễ). Không màu mè, trau chuốt, câu thơ như lời buột miệng nói ra nhưng có sức nặng nhắc nhở với người đang yêu. Nhưng không thể nào cuộc sống này không có tình yêu. Mà có cuộc tình nào trọn vẹn đâu. Tất cả chỉ là khởi đầu hoặc còn dang dở. Có lẽ vậy mà ai cũng mù quáng chịu chết trước bức tường trong suốt của tình yêu:
“Bao nhiêu bài thơ/ tình ca chưa kịp viết
Lô nhô mắt đèn thâu đêm
Ngập tràn hoang vu
Hàng loạt bức tường ngăn cách trong suốt” (Vẻ đẹp thành phố hấp hối)
Tôi tin Trần Hữu Dũng có một tình yêu dữ dội mà mong manh, nồng nàn mà thánh thiện:
“Thật khó mà hình dung
Hương nồng vương đâu đây
Thuở gối chăn quyến rũ
Em như sương mù tan” (Em hóa thành tro bụi bay đi)
Tôi không hề và không dám đi sâu vào những ngóc ngách tình yêu của nhà thơ Trần Hữu Dũng khi chỉ đọc rất ít trong vô số bài thơ tình của anh, nên đây là những cảm nhận ban đầu khi tiếp cận thơ anh. Để rồi, hiểu thêm quan niệm về tình yêu của anh.
II Thật điên khi nhớ đến/ Cơn đau thấu siêu hình
Sống có nghĩa là tham gia cuộc hành trình trong cõi nhân gian. Nhưng đi đâu, về đâu luôn là câu hỏi thường trực trong mỗi con người. Và ai cũng ngỡ mình tự đi về phía trước, nào biết đâu ta vẫn đi theo một con đường vạch sẵn. Với Trần Hữu Dũng, con đường ấy là thơ:
“Có điều gì thiêng liêng
Thơ đến dẫn tôi đi
Với ánh nhìn xuyên thấu
Suốt bến bờ nhân gian!” (Rằm tháng giêng)
Mỗi người, mỗi sự vật gắn bó nhau đang lao về phía trước nhưng ta thấy nó trong trạng thái đứng yên, không có sự chuyển động và tách rời nhau, tồn tại độc lập. Nhà thơ đã thấy trong xã hội nhiều biến động, khiến lòng người bất an, hoạt động như một bản năng, một trình diễn lố lăng:
“Nhảy múa/ ca hát về số phận bất trắc khó tin
Rượu/ nghèo khổ/ lầm than/ tự sát…
Ám ảnh thường trực giấc mơ con người” (Số phận các nhà thơ)
Đọc lướt qua thơ Trần Hữu Dũng sẽ thấy anh bế tắc, bi quan trước cuộc sống. Đôi khi anh thấy mầm sống đã nẩy chồi nhưng bên cạnh là cái chết cũng hiện hữu: “Sáng nay/ Chim họa mi chối từ tiếng hót/ Điệu luân vũ mùa xuân không còn ánh sáng” (Di căn). Hoặc là sự hụt hẫng không thể cứu vãn được:
“Bài thơ tình mới viết /Đàm luận với suối nguồn/ Đêm qua trăng ăn mất” (Bài thơ tinh khiết)
Nhưng tận sâu thẳm, Trần Hữu Dũng tin tưởng vào sự sống. Đâu chỉ cái chết, sự mất mát mới hiện thực. Mọi triết thuyết đều khẳng định cái chết là khởi đầu cho sự sống. Thời khắc chuyển giao nào cũng thiêng liêng và để lại nhiều dấu ấn, dù đó là chuyển giao thời gian, tinh thần, vật chất. Nó mang ý nghĩa về sự hủy diệt và phục sinh; cái cũ mất đi để cái mới xuất hiện. Nhà thơ đã có cái nhìn rất biện chứng:
“Giao thừa/ Khoảnh khắc cái chết/ hồi sinh/ Ngự trị vẻ đẹp thoáng qua không cách nào nắm giữ”
(Giao thừa)
Như đã nói, tôi đọc chưa nhiều, gặp gỡ không thường xuyên nhưng tôi tin sự lạc quan của tác giả trước cuộc sống:
“Và tôi dưới hiên nhà / Tấu khúc ca mùa xuân” (Khúc dạo đầu mùa xuân)
Tôi nghĩ, tác giả đâu cần kêu gọi sự hướng đến của mọi người mà vẫn thấy cuộc sống này đẹp tuyệt vời:
“Thật lòng tin tôi đi / Lúc thành phố hấp hối/ Vẫn đẹp tuyệt vời” (Vẻ đẹp thành phố hấp hối)
III. Hít thở cùng cây lá/ Mới hay mình biết bay
Ngô Cư (thừ 2 từ trái qua) Trần Hữu Dũng (thứ 3)
Bao lần gặp gỡ Trần Hữu Dũng nhưng chúng tôi tránh nói chuyện về thơ vì sợ bội thực thơ. Những câu chuyện đời, những tấm chân tình bè bạn, những mảnh đời vá víu sống thường được nhắc đến… cho đến khi đọc thơ anh, tôi thấy cuộc sống trần trụi trong lúc trà dư tửu hậu đi vào thơ anh một cách tự nhiên, chắc nịch, lừng lửng, kiệm lời mà tràn ngập ý tứ và giàu chất thơ. Tuy vậy, thơ anh không dễ đọc với ai thích vần điệu du dương.
Đây là bài viết cảm nhận khi đọc khoảng vài chục bài thơ của Trần Hữu Dũng, có thể chưa chuẩn xác nhưng là cảm nhận thật của tôi khi “Hít thở cùng cây lá” để được “Mới hay mình biết bay”.
Cảm ơn anh đã tặng sách và sẽ tiếp tục đọc bạn Lương Minh!
NGÔ VĂN CƯ
Bấm vào liên kết để đọc bản đẹp:
https://ngovancu.blogspot.com/…/phia-sau-con-chu-tinh…