VỀ TUYỂN THƠ TÌNH NGƯỜI
Tuyển tập thơ TÌNH NGƯỜI của Lê Quý Long và nhóm bạn (Nxb Đồng Nai quý II/2023). Ra mắt ngày 23/4/2023 tai 08 Nguyễn bá Tuyển, Phường 12, quận Tân Bình, TP HCM. Với sự tham dự của đông đảo anh chị em em văn nghệ sỹ và bạn đọc thân thương.
Tác phẩm gồm có 126 tác giả góp mặt. Sách dày 260 trang được in ấn đẹp, trình bay bắt mắt. Tác phẩm được ra đời trước hết do tâm huyết và công sức của nhà thơ nhà giáo Lê Quý Long -chủ biên. Và đây là ấn phẩm tập 2.
Xin giới thiệu vài nét về chủ biên Lê Quý Long. Anh sinh tại Quảng Nam nhưng có thể nói Cố Đô Huế – mảnh đất thần kinh là nơi anh trưởng thành. Bởi anh chỉ học tiểu học ở quê nhà. Còn cả quảng đời học sinh sinh viên từ phổ thông cơ sở, đến tú tài và những năm tháng trên giảng đường Đại học Văn Khoa là thời gian anh gắn bó với Huế trên 10 năm. Chính vì vậy có lẽ chất lãng mạn, sâu lắng đã thấm vào hồn thơ Lê Quý Long từ những năm tháng tuổi hoa niên. Ra trường anh đi dạy một thời gian. Nay sống và viết tại Thủ Đức, TP HCM. Là một nhà giáo, yêu văn thơ, giàu lòng nhân ái nên anh đứng ra tổ chức tuyển chọn, biên tập, in ấn
Tuyển Thơ TÌNH NGƯỜI. Tựa đề tập thơ- anh và nhóm bạn muốn đề cao tình người, muốn lan tỏa tình người đến với đông đảo bạn đọc rộng khắp, trong nước và hướng đến hải ngoại.
Tập thơ gồm những bài thơ của hàng trăm tác giả đầy tính nhân văn, nhân bản. Ở đó tình người, tình đời là mạch nguồn xuyên suốt tập thơ. Và cũng là điều kỳ vọng đọng lại trong tâm khảm bạn đọc, bạn viết khắp mọi miền đất nước. Bạn đọc có thể tìm thấy tiếng nói đồng điệu khi có cùng cảnh ngộ. Tiếng lòng của tác giả, đôi khi cũng sẽ là tiếng lòng của bạn đọc khi tìm thấy bóng dáng của mình trong đó, những bài thơ có cùng tâm trạng sẽ tìm thấy tiếng nói tri âm, đồng cảm và sẻ chia. Trước vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp của tình người, cảm xúc trào dâng. Thi nhân mượn câu chữ để gửi gắm tiếng lòng. Chính vì thế thơ xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Những vần thơ đầy chất trữ tình, ngọt ngào và lãng mạn hay đan xen tự sự nóng hổi tính thời sự và đượm hơi thở của cuộc sống đã và đang diễn ra xung quanh chúng ta.
“Có những người nặng nợ với văn chương
Cần mẫn như loài chim di trú
Tha từng sợi tình yêu về xây tổ
Để hình thành những quyển sách nhân văn”
(Nợ-Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý)
Những câu thơ này chị viết tặng những người nặng lòng vì con chữ cũng tự thấy trách nhiệm của người cầm bút với cuộc đời. Khi đọc 4 câu thơ này không hiểu sao tôi có cảm giác rằng chị viết trước hết là tặng nhà giáo nhà thơ Lê Quý Long, tặng những người cầm bút trong đó có chị-nhà thơ vừa là họa sỹ cầm bút, cầm cọ, góp
phần làm đẹp cho đời.
“Hãy khơi nhân ái cùng trao nhận
Xin chọn chân thành để hiến dâng”
(Tình Người (7)-Ho An)
Có 24 bài thơ viết về Tình Người và những chiêm nghiêm suy tư có tính triết luận nhẹ nhàng, bởi được đúc kết từ kinh nghiệm sống chắt lọc cảm xúc thành thơ. Lời thơ nhắn nhủ cho con, cho thế hệ sau từ tình cảm, trí tuệ và đọng lại cốt lõi cao quý nhất vẫn là tình người.
“Tôi truyền
Cho con tình người ấm
Trong trái tim bé nhỏ
Là trí thông minh
Là dòng máu đỏ”
Là lương tâm tôn kính con người”
(Cao quý tình người- Mã Lam”
“Cho đến hôm nay, Tình Người lan tỏa
Khắp muôn nơi đến cả các cộng đồng
Đều vang một tiếng nói chung
Yêu thương đồng loại, tận cùng sẻ chia”
(Tình người còn mãi- Đỗ Bá đức)
Thơ dành cho mẹ, cha,…chiếm phần lớn trong tập thơ với số lượng 28 bài. Bài nào cũng chân thành, xúc động, có lẽ tình cảm dành cho gia đình người thân, hai đấng sinh thành, đặc biệt là với mẹ thì cảm xúc dạt dào nói mấy cho vừa tình mẫu tử.
“Đi qua cõi tạm thân gầy
Vì ai lặn lội lụn ngày, tàn đêm
Cả kiếp này có tin không
Mãi trong mắt mẹ con còn nằm nôi”
(Cho mùa hiếu hạnh- Trần Dzạ Lữ)
“Sánh vai con bước vào đời
Công ơn của mẹ biển khơi đâu bằng”
( Nhớ thương mẹ- Hồ Bê )
“Mẹ nằm ôm hết gian nan
Thành nhung lụa trải cho đường con đi”
( Mẹ-Lê Văn Trung)
Khi mất mẹ thì con như mất cả bầu trời vì đó là nỗi mất mát không gì bù đắp nổi.
“Một ngày con không còn mẹ nữa
Trời cao như thể đã vời xa
Trái đất như thể vừa vụn vỡ
…
(Mẹ tôi- Trần Ngọc Trác)
“Mẹ đi lặng lẽ như không
Mà con ngơ ngác giữa dòng phù sinh”
(Mẹ-Nguyễn Hoàng Thọ)
Những vần thơ đậm chất trữ tình, viết về quê hương xứ sở hay về tình yêu ngọt ngào và lãng mạn, nhất là tình đầu trong trẻo khó quên:
“Anh nhớ về thăm Huế mình một bữa
Mạ Huế vẫn chờ những đứa con xa
Chút hương xưa chắc vẫn còn lưu dấu
Những ngọt ngào nhè nhẹ ở trong tim”
(Chút hương xưa- Hoàng Thị Bích Hà)
“Tóc trắng bởi nhớ nhiều kỷ niệm
Đa đoan chi cho thơ cũng ngậm ngùi
Nếu được trở về ngày quá vãng
Ta vẫn cầm phong thư tím trao em”
(Tóc Trắng-Bùi Hoàng Linh)
Dù đi góc biển, chân trời thi nhân vẫn nỗi nhớ quê nhà, khắc khoải, đau đáu khôn nguôi:
“Năm mươi năm với niềm thương nỗi nhớ
Trong lòng luôn mang nặng nỗi ưu tư
Thành phố Huế mà tôi mãi con như
Đã ôm ấp nâng niu từng hơi thở”
(Huế trong tim tôi-Hoàng Trọng Bường)
Tình yêu Em và Huế đôi khi không thể tách bạch bởi vì trong Em có Huế và trong Huế có Em chúng ta hãy nghe tâm sự của tác giả Trần Hồng Tâm:
“Có phải em là mùa thu của Huế
Trong nụ cười và bóng dáng quê hương
Cho nơi xa từng đêm trời đổ lệ
Giữa hồn anh thương nhớ đến lạ lùng”
(Tranh tình yêu- Trần Hồng Tâm”
Viết về Huế không chỉ là những người con của Huế mà có những người không sinh ra từ Huế nhưng họ gắn bó với Huế gần trọn cả đời người đã có những vần thơ dành cho Huế thật đẹp có những bài đã đem vào chương trình ca Huế mỗi dịp tiếp đón du khách như tác giả bài “Nữ Sinh Đồng Khánh” đó là nhà thơ nhà giáo Mai Văn Hoan- cựu giáo viên trường Quốc Học Huế.
“Ai vừa thả khúc nhạc trầm da diết
Huế ngỡ ngàng, Huế thổn thức, Huế mơ…”
(Ngóng- Mai Văn Hoan)
Có người lính chỉ hành quân qua Huế thôi cũng để lại những vần thơ da diết với Huế thương. Với bóng hồng xứ Huế chợt thoáng qua trong bước đường chinh nhân của thi sỹ:
“Cố đô ơi lâu rồi không trở lại
Nhớ thật nhiều nhưng biết nói sao đây?
Chốn xa xôi lòng vẫn nhớ thương hoài
Em gái Huế với áo dài tha thướt”
(Thương về Huế xưa- Ngọc Trân)
Với nhà thơ nhà giáo Lê Quý Long- anh đã gửi gắm tâm sự gì trong thơ? Quả đúng như lời bộc bạch của anh: Đời người như một chuyến tàu qua các sân ga và người đời là những hành khách. Gặp gỡ rồi chia biệt. Đôi khi cũng bất ngờ không báo trước. Mọi việc tùy duyên. Nhưng dù thế nào đi nữa thì hành trang trong mỗi cuộc đời, mỗi trái tim mang theo chính là tình thương để san sẻ vui buồn, an ủi động viên nhau vượt qua thăng trầm dâu bể.
“Xuống lên chẳng biết ngày giờ
Xuống lên cũng chẳng biết bờ bến đâu
Lỡ rồi, ta phải dìu nhau
Tiếp đi cho trọn chuyến tau như mơ…”
(Tàu địa cầu- Lê Quý Long)
Vượt qua cõi phù trầm chỉ có hướng thiện là điều làm cho tấm lòng người rộng mở, ấm áp và an vui.
“Những sầu khổ tận đáy lòng ta biến
Sống một đời, sống hướng thiện an vui”
(Chữ tình- Lê Quý Long)
“Tình người thật cao quý
Vượt không gian thời gian
Niềm vui chân –thiện –mỹ
Trải khắp miền nhân gian”
(Ngợi ca tình người- Ngàn Thương)
Tuyển thơ TÌNH NGƯỜI là tâm huyết của nhà thơ nhà giáo Lê Quý Long đã tập hợp bạn bè ở tập này gồm 126 tác giả. Mỗi tác giả có những dòng cảm xúc và cách thể hiện khác nhau trước vẻ đẹp của cuộc sống, của tình đời, tình người. Làm nên sự phong phú đa dạng trong tuyển tập. Người thì chọn cách diễn đạt lục bát truyền thống hay thơ tự do, thơ lục ngôn, thất ngôn, bát ngôn, .v.v và cũng có những bài phảng phất chất Đường thi. Bạn bè của chủ biên có những tác giả là những cây bút có kinh nghiệm trên văn đàn, cũng có những cây bút đến với thơ như là một cơ
duyên còn mới mẻ. Vì vậy bên cạnh những bài thơ ấn tượng, ngôn từ điêu luyện cũng có những bài thơ giản dị với ngôn từ chưa trau chuốt, gọt dũa gì nhiều, không nặng về phần kỷ thuật nhưng phải nói là giàu cảm xúc và giàu hình ảnh, Mới đọc qua có thể chưa thấy hay, chưa mấy ấn tượng nhưng đọc kỹ sẽ thấy thú vị và đầy tình người trong đó. Nhưng tất cả đều được chắt ra từ cảm xúc rất dỗi chân thành.
Như vậy chỉ cần văn phong bình dị, ngôn từ dễ hiểu là dễ đi vào lòng người. Đặc biệt tư tưởng tình cảm, lòng nhân ái chạm đến con tim người đọc. Điều đọng lại trong cuốn sách này là tính nhân văn, nhân bản và lan tỏa tình thân ái, bao dung, yêu thương, sẻ chia. Chỉ vậy đơn giản vậy thôi! Và đó là điều mà chủ biên và các tác giả hướng đến cùng bạn đọc.
Sài Gòn, ngày 23/4/2023
Hoàng Thị Bích Hà
H1
H2
H3
H4
“Điều đọng lại trong cuốn sách này là tính nhân văn, nhân bản và lan tỏa tình thân ái, bao dung, yêu thương, sẻ chia. Chỉ vậy đơn giản vậy thôi!…”. Tuy không có dịp đọc tuyển tâp thơ Tình Người nhưng qua bài viết, tôi cũng nhận thấy… cũng đơn giản vậy thôi mà thấm đậm tình người!
Anh cho tôi địa chỉ, sẽ gửi anh tập thơ này