NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM – NHÀ THƠ CỦA NHỮNG NỖI BUỒN THÂN PHẬN ĐÀN BÀ

Ngày đăng: 27/04/2022 11:29:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Từ tập đầu tiên Đa đoan cho đến tập thơ thứ 5 “Đêm thơm lựng mùi sen” Nguyễn Thị Liên Tâm đã có những chuyển dịch và bứt phá. Thơ chị là sự thể hiện đặc điểm của thơ ca hiện đại, có sự kế thừa và phát triển thơ ca truyền thống với sự phát huy, sáng tạo cái mới cả về hình thức lẫn nội dung.

Bằng niềm đam mê và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc Nguyễn Thị Liên Tâm đã cho ra đời đều đặn những tác phẩm mới (5 tập thơ, 1 tập phê bình, 1 tập tạp luận và tản văn) với nội dung ngày càng phong phú hơn, đặc sắc hơn và nhất là trong cách thể hiện.

Dù viết về đề tài gì, thơ Nguyễn Thị Liên Tâm vẫn tạo được sự lôi cuốn bởi cấu tứ, hình ảnh, ngôn ngữ, không – thời gian và những “câu chuyện” diễn ra trong thơ. Mỗi bài thơ của chị là một câu chuyện kể, câu chuyện ấy được nhà thơ chuyển tải rất linh hoạt dưới cái nhìn của một tâm hồn nhạy cảm trước mọi sự việc, hiện tượng của đời sống. Chẳng hạn chỉ một bài thơ ngắn “Tôi sen”, từ loài hoa mà nhà thơ mang tên – Liên Tâm, qua đó chị cũng cho độc giả biết đôi nét về mình.

Tôi chỉ là một cọng sen./ Mẹ sinh tôi ra khi người hai mươi tuổi/ Trải qua bao mùa gió nổi/ Trải qua bao mùa mưa giông/ Mẹ tôi thành chiếc lá khô cong/ Cho sen tôi nở/ Cho tôi thong dong mang đôi hài đỏ/ Ngọt ngào đi tìm tình yêu của sen…

Hay ở bài thơ Niệm khúc xuân là câu chuyện buồn, ở đó hiện lên phận người lênh đênh đau khổ. Cơn lũ đã làm cho “anh” phải gồng mình chống chọi với nó. Sự chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt đã là một sự khủng khiếp và trở thành mối lo âu canh cánh bên lòng. Bằng thủ pháp nghệ thuật so sánh và ẩn dụ nhà thơ đã cho người đọc nhận thấu mọi điều. Sự tàn khốc của thiên nhiên đã là điều đáng sợ, nhưng cái đáng sợ hơn nhiều đó là hành trình kiếm tìm để đi đến bến bờ hạnh phúc. Cái hiện hữu của thực tại đó là sự quạnh quẽ, hiu hắt, u sầu, chia ly. Tất cả chỉ là nỗi đau!

Em thấy anh lênh đênh giữa dòng nước lũ/ Run run nhặt lá vàng phai/ Như con sâu đo cuộn tròn thương nhớ/ Mộng ngày Xuân. Vương vấn đêm dài./ Em thấy anh loay hoay lạc giữa chợ đông/ Đêm 30, đường về quên lối/ Quên cả tên mình. Tên người biếng gọi./ Mộng Xuân về, ngỡ Xuân của năm nao?/ Em biết anh muốn ôm lấy trời cao/ Bẫy cánh cò trắng tinh màu lụa/ Em biết anh thắc thỏm tim đau

Vọng tình yêu một đời mắc nợ/ Em thấy anh nằm bên gối Mẹ/ Mơ về em nhịp võng đu đưa/ Em thấy anh bên đời. Quạnh quẽ./ Dắt em vào tầm tã…cơn mưa.

Đề tài trong thơ Nguyễn Thị Liên Tâm rất phong phú. Đặc biệt, thơ chị thường đề cập đến những nỗi buồn thân phận đàn bà. Vì vậy, trong sáng tác của chị, chị dành phần nhiều để viết về họ với niềm cảm thông và sự sẻ chia sâu sắc.

Trong thơ Nguyễn Thị Liên Tâm thường liên tưởng, tưởng tượng ra những hình ảnh độc đáo:

… Gió đêm hốt thổi mù khơi/ Thương ai, vớt những rối bời nhân gian;

…. Anh đi. Cầm lấy cơn mưa/ Mặc ai lầm lũi, nhặt thưa nỗi buồn;

… Người đàn bà quét dọn nỗi buồn;

… Miền khôn dại, lá trở vàng… giăng kín;

… Con dốc thở dài ngóng bước chân anh;

… Con chó nhỏ năm xưa đã già như quả chín;

… Ta ngồi giỡn với bóng ta;

… Đêm huyền diệu, trăng rơi đầy trên cát; Đợi./ Để nghe nỗi buồn xắt xéo…

Thơ Nguyễn Thị Liên Tâm với ngôn ngữ giàu tính biểu tượng. Chính điều này đã làm cho thơ chị giàu hàm lượng nghĩa, có sức khơi gợi, tạo sự ám ảnh, giăng mắc trong lòng người đọc những dư ba. Đêm, trăng, mùa xuân, hoa sen, đàn bà… là những biểu tượng mà nhà thơ hay dùng; có khi là để gửi gắm những điều sâu kín của lòng mình vào đó.

Đôi lúc nhân vật trữ tình giấu mình vào đêm để quên đi những đau khổ, muộn phiền, thoát khỏi thế giới trần tục để đến với miền thơ. Ấy vậy mà những gì của quá khứ hôm qua và cả hiện tại bây giờ vẫn cứ lần lượt hiện diện.

Người đàn bà cứa (nhốt) mình vào đêm./ Đêm bật ra tiếng thở dài. Trống vắng./ Con thạch sùng tặc lưỡi sầu đêm/ Người đàn bà nhớ thương một thời hoa phấnCăn phòng vẫn ngọt ngào mùi dạ lan/ Gió thu vẫn mơn man lùa vào khe cửa/ Người đàn bà giấu trái tim hừng hực lửa/ Mơ hoài một ánh trăng di

Người đi./ Hoa tàn./ Vẫn cứ mãi đi/ Đêm, chỉ có ánh trăng khi mờ, khi tỏ./ Người đàn bà thả hồn theo ánh trăng về/ nơi cuối phố/ Nơi có một người./ Ngày xưa! (Đêm dạ lan)

Giật mình,

đánh vỡ cơn mê

Buồn đêm,

ta xõa tóc thề ngồi hong

Tóc bay,

gọi gió bên sông

Nửa vầng trăng khuyết,

bềnh bồng khói sương…

(Nửa vầng trăng khuyết)

Trăng chênh chếch say

nên lỡ hẹn với bầu trời

Ta cô độc nên đêm trăng đành mất lối

Cả một đời, ta luôn nông nổi

Nên cứ đợi hoài, đợi mãi những mùa trăng…

(Đợi trăng)

Nguyễn Thị Liên Tâm khai thác đề tài tình yêu với nhiều góc nhìn khác nhau. Tình yêu trong thơ chị mãnh liệt, nồng nàn nhưng cũng rất dịu dàng, đằm thắm. Ở đó là những nỗi buồn, là sự mất mát, hoang hoải, trống vắng, cô đơn.

Đàn ai khoan nhặt phân vân/ Cung thương não ruột, bao lần tái tê/ Làm sao tìm nẻo quay về/ Xót thân đã trót đắm mê mất rồi (Những khúc đàn Kiều).

Bài thơ Người đàn bà quét dọn nỗi buồn tràn ngập những từ ngữ thể hiện cảm xúc: nuối tiếc, ly biệt, ra đi, tít mù xa, buồn lọt thỏm vào đêm, miền khôn dại, lá trở vàng, cau héo, trầu hôi, vạc kêu sương, lạc vào đêm trắng, tàn canh, khô héo, mịt mùng, mù khơi… Nhà thơ nhìn sự vật bằng đôi mắt của tâm trạng. Tình yêu luôn thường trực, trở thành niềm khao khát cháy bỏng cùng với đó là sự lo âu, khắc khoải trước sự chia xa.

Cuộc tình đẹp như ánh bình minh

Rồi đã chợt hoàng hôn

Làm sao không nuối tiếc

Anh ra đi, mây tím trời ly biệt

Cỏ may chiều… xoay

xoay… tít mù xa.

Ai trong chúng ta khi đã yêu và nếu tình yêu không trọn thì chắc chắc cũng sẽ buồn. Chỉ có điều, mỗi người sẽ có những cái buồn riêng và cách thể hiện khác nhau. Với nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm trong thơ chị nhân vật trữ tình “ta”/ (em) có kiểu buồn khá đặc biệt:

Buồn lọt thỏm vào đêm,/ Vắt một mảnh trăng tà/ Ai hái trộm một trái sầu đã chín/ Miền khôn dại, lá trở vàng… giăng kín/ Chờ mãi một mùa hoa/ tím ngát khắp sườn đồi

Ai đến, ai đi, cau héo trầu hôi/ Lời yêu dấu cứ nhạt nhòe môi đắng/ Con vạc kêu sương, lạc vào đêm trắng/ Trăng dại tàn canh,/ nhức nhối một vầng trăng

Có tiếng mù khơi, vọng giữa đêm khan/ Ta khô héo tình ta, dọn nỗi buồn năm trước/ Cỏ dại mịt mùng, biết làm sao được/ Đi tìm lá Phu Thê,/ hào hễnh một đời nhau.

Người phụ nữ trong thơ Nguyễn Thị Liên Tâm sống rất thật với cảm xúc của bản thân. Họ ý thức tình yêu là lẽ sống và nhận ra những quanh co, bất ngờ, thậm chí mất niềm tin cũng từ tình yêu.

Những vần thơ cho anh/ Mỏng manh như chiếc lá/ Rũ cánh như hoa quỳnh/ Khi tàn canh, khi buốt giá/ Khi anh đã cất lời hát chia xa

Chiều nay, thẫn thờ,/ em bắt gặp/ Ánh mắt rũ buồn, đắm đuối cuả ngày xưa/ Ánh mắt làm em nhớ/ Cuộc tình tàn, đau trong cơn mưa/ Ôi! ngày tháng thoi đưa,/ Lòng vợi vời mong ước/ Không là chim/ Khổng tước/ Làm sao em giữ được/ Bóng hình em trong đôi mắt anh (Vần thơ cho anh)

Tuy vậy, lúc nào, bao giờ và ở đâu nhân vật trữ tình “em” cũng luôn nghĩ về anh, hướng về anh, đặt niềm tin và yêu thương anh tha thiết; sẵn sàng và bất chấp mọi thứ để được cùng anh đi trên bước đường đời.

Khi em nhớ anh, mùa thu về rất sớm

Gió heo may cuộn thổi, lá thu bay

Vàng thắc thỏm một chiều,

Như chiều ấy. Như chiều nay

Một góc vườn. Lá hát!

Khi em nhớ anh, trái tim chừng đi lạc

Đôi mắt chừng như đọng giọt sương

Và rơi xuống vạt cỏ xanh em trồng trước ngõ

Nơi ấy, ngày hôm qua có người áo đỏ

Chừng như đi lạc qua đường!

Khi em nhớ anh, dây đàn chợt rung lên điệu nhớ

Này mùa thu, mềm như hơi thở

Em mỉm cười, nghe lòng thật bình yên

Gió đẩy đưa vào giấc ngủ cô miên

(Anh có nghe, mùa thu về rất sớm)

Thơ nữ đương đại nói chung, thơ Nguyễn Thị Liên Tâm nói riêng luôn ý thức về cái tôi của chính mình. Nhà thơ có xu hướng đi tìm mình ngay chính bản thân mình, khám phá thế giới quanh mình bằng những vần thơ đầy bí ẩn và khao khát. Thơ chị dày đặc những câu hỏi tu từ. Những câu hỏi không cần lời giải đáp nhưng tạo sự day dứt khôn nguôi.

– Sao người cứ đến rồi đi?/ Để ta vò võ sầu bi một mình

– Tiếng cười bật ra từ đôi môi tôi/ Có vị ngọt của phúc lành/ hay vị ngọt của những lời đường mật?

– Đêm tao tác, rụng đầy hoa tim vỡ/ Ai đã vỡ trong em/ từ độ trăng gầy?

– Mùa trăng đợi người hẹn ước/ Sao cát cứ se vật vã ngàn đời?

– Chẳng là biển sao lòng đầy sóng?/ Chẳng là trời sao cứ nổi gió giông?

– Đi tìm nhau. Đi tìm nhau/ Sao không gặp?

– Anh đã mải mê cuộn mình trong đổ vỡ/ Sao nỡ mặc em trong thế giới muộn phiền?

………………………………………………

Tình yêu trong thơ chị là thứ tình yêu không bao giờ đạt đến đích, một thứ tình yêu chưa thỏa, chưa có bến đỗ bình yên, càng hoài vọng kiếm tìm thì càng buồn đau chất ngất.

Có lúc nhà thơ lại như độc thoại với chính mình. Đó phải chăng là cách để chị trút xả những nỗi buồn khi thế giới tâm trạng ngổn ngang. Khi tình người, tình đời, sự tha thiết với cuộc sống nhân sinh trỗi dậy mãnh liệt.

Rượu chảy thành sông./ Ta ngỡ mình là tráng sĩ./ Hề!/ múa gươm qua đầu ngọn cỏ/ Nỗi buồn biết theo gió bay đi đâu? (Rượu đắng).

Vốn là người nhạy cảm và dễ rung động nên điều gì cũng làm cho chị trắc ẩn. Ngay cái đêm trăng ở Lầu ông Hoàng cũng đã gợi ra trong chị những suy tư:

Hàn ơi, hút bóng phù vân

Yêu người chi để tấm thân héo gầy?

Ru sầu, nghiêng ngả gió mây

Ôm trăng mùa Hạ, ngỡ đầy mùa Thu

Tỉnh say, say tỉnh, phập phù

Hàn ơi, trăng đã thiên thu, võ vàng!

Ai đem bán ánh trăng tàn?

Ai mua trăng để lang thang cuối trời?

Nhà thơ lúc nào cũng hướng đến sự hoàn mỹ nhưng ở đời mấy khi được thế. Do vậy chị thường có những giây phút chạnh lòng. Mà tâm lý con người ta không ai tránh khỏi, đặc biệt là ở một người phụ nữ đa cảm như chị.

Nhà thơ thể hiện những trăn trở, suy tư của mình qua từng sự việc. Điều dễ nhận thấy khi khám phá thế giới thơ Nguyễn Thị Liên Tâm, đó là: chị có rất nhiều bài thơ viết về người đàn bà bằng những cảm xúc rất đỗi chân thành hồn hậu. Đó là sự cảm thông, xót xa, thương cảm. Bởi họ phải gánh chịu nhiều mất mát, những nỗi đau không rõ hình hài cứ dày vò theo năm tháng: Người đàn bà ngước đôi mắt dại khờ,/ dõi trông về phía biển/ vọng phu đêm./ Vọng phu ngày./ Vọng phu quên trời, quên đất, quên cả bóng mình! (Người đàn bà vọng phu).

Hơn ai hết, chị cũng là người phụ nữ nên chị hiểu và nhận thấu mọi ngõ ngách tâm trạng của những người cùng giới với mình. Đọc bài thơ nào chị viết, chị nói đến đàn bà người đọc cũng cảm thấy rưng rưng. Bởi chị đã nói những lời gan ruột đánh động lòng trắc ẩn từ nơi độc giả. Họ như thấy bóng dáng, số phận mình, bạn bè mình, người thân mình ở trong đó. Hàng loạt bài thơ có nhan đề “Người đàn bà…”: Người đàn bà chưng cất niềm vui, Người đàn bà hái trăng, Người đàn bà của biển và ký ức, Người đàn bà đánh mất dịu dàng, Người đàn bà quét dọn nỗi buồn, Người đàn bà của thời bom đạn, Người đàn bà vẽ tranh, Người đàn bà của biển trùng khơi, Người đàn bà của mùa gặt cũ, Người đàn bà và nỗi buồn xanh biếc, Người đàn bà đánh mất dịu dàng, Người đàn bà vọng phu, Người đàn bà tỉa hoa xanh…

Điều đặc biệt chị có hẳn hai tập thơ viết người phụ nữ và những gì liên quan đến số phận, cuộc đời của họ.

Khắc khoải những câu Kiều là tập thơ đẫm đầy những giọt buồn thấu đến tận tâm can bởi sự bất công, nghiệt ngã của số phận, cuộc đời và thời cuộc.

Nỗi buồn thấm mãi đời sau/ Kiếp tàn u uẩn, tạc vào thiên thu/ Một đời hút nẻo sa mù/ Kiều ơi! Thân phận phù du giữa trời (Thúy Kiều và dòng sông định mệnh). Hay ở bài Lời sầu trăm năm của Kiều, Nguyễn Thị Liên Tâm chiêm cảm:

Ôi! Con lắc thời gian sao cứ bồng bềnh/ Phía vui đâu mất để lênh đênh phía buồn.

Đêm thơm lựng mùi sen cũng là tập thơ lấy được nhiều sự cảm tình từ nơi độc giả. Bởi nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm đã ký gửi vào đó những nỗi buồn thân phận đàn bà. Những người có số kiếp long đong, không được hưởng được niềm vui và hạnh phúc vẹn tròn.

Một ngày kia/ Thiếu nữ bước lên kiệu hoa./ Tìm bến bờ hạnh phúc./ Chìm trong mê khúc./ Tình yêu trôi nổi phương trời?

Long đong./ Mười hai bến nước./ Bến trong sao chẳng đến?/ Lạc bến đục rối bời (Mơ hồ bóng sen).

Nhưng ở đó không phải là sự bi lụy, tuyệt vọng mà vẫn mang một nội dung thẩm mỹ mới với những khát vọng chính đáng về tình yêu và cuộc đời.

Dù đợi cả đời ta vẫn đợi/ Mặc những đông dài/ dằng dặc cứ đi qua./ Dù trăng kia,/ đã dần chuyển sang tà/ Thủy tiên nở./ Rồi thủy tiên lại héo.

Đợi/ Để nghe nỗi buồn xắt xéo/ Để đêm dài giường chiếu thênh thang/ Đợi./ Để ngóng mùa đi,/ mùa lại cũ càng/ Người không đến,/ suốt đời ta vẫn đợi (Đợi).

Trong thơ Nguyễn Thị Liên Tâm, người đọc tinh ý sẽ nhận ra những yếu tố, hình ảnh mang màu sắc triết lý Phật giáo. Vì vậy, những số phận, định mệnh, kiếp người, cõi âm, cõi dương, sống chết… được chị đề cập nhiều. Để rồi nhà thơ tự vấn:

Tịnh tâm ngồi chiếu Phật/ Thanh lặng một vòng đời/ Mai kia về với đất/ Được bao phần thảnh thơi? (Tịnh tâm).

Đời có biết?/ Đời bao nhiêu tuổi?/ Mộng phù vân./ Tay trắng./ Trắng tay (Như một đời trầm).

Thơ của Nguyễn Thị Liên Tâm là thơ của cảm xúc. Trong thơ chị có cả niềm hạnh phúc, nỗi nhớ mong và cả sự khắc khoải lo âu, vì những cuộc tình không trọn. Để rồi kẻ đợi chờ, trông ngóng mỏi mòn không ai khác chính là “em”. “Em” yêu nhiệt thành, yêu hết mình bằng tình yêu của người đàn bà có trái tim nhân hậu, giàu nhiệt huyết. Đổi lại “em” nhận về mình toàn những đau buồn, đắng cay.

Trăng đã chín một vầng thơm./ Người vẫn phương trời biền biệt./ Sen nở ngọc ngà. Tình ơi có biết./ Đáo hạn mấy mùa trăng./ Khép lá mộng xanh ngời” (Bên bờ ao sen trắng).

Em hát khan cổ/ Tìm anh/ bóng ngã trăm chiều (Ngọn nến đêm).

Hình như những tâm hồn khát yêu khát sống là những tâm hồn đa cảm đa đoan. Nữ thi sĩ vùng biển mặn cũng có những giây phút thả hồn mình trong thư thái và bình yên. Hồn nhiên, vô tư, thong dong, tự tại. Bởi chị muốn sống chậm lại, giữ lấy những niềm vui của hôm nay:

Vầng trăng muộn vẫn chênh chếch trên vòm trời trắng đục

Giọt sương đêm đọng trên ngọn lá, đong đưa

Vội vã mà chi!

Nhẹ nhàng khoác lên người chiếc áo màu xanh vỏ đậu

Tôi nhẹ tênh, bỏ lại sau lưng giấc ngủ ngọt ngào

Có tiếng chim gù gọi bình minh thức dậy

Không vội vã! Chim ơi! cứ hót lời nồng nàn

Không vội vã! Bước chân tôi đi về phía biển.

Hừng đông vẽ màu lên bãi cát

Cát trở mình! Cười với sóng miên man

Lũ còng biển hôm nay cũng không vội vã

Vạch dọc ngang bao dấu chân trần

Cát độ lượng, thong dong nằm soi gương trước biển

Ngắm những hình thù tạc vào bóng phù vân

Không vội vã, tôi tự tình cùng cát trắng

Những hạt cát nào mơn man da thịt tôi?

Những hạt nào ru trái tim tôi vào ngọt ngào êm ả?

Những hạt nào yêu không ngỏ thành lời?

Không vội vã, tôi tự tình cùng rêu biếc

Cọng rêu nào mọc xanh tay tôi?

Mảng rêu nào nở hoa trong sóng?

Đồi rêu nào lót thảm tôi ngồi.

Vội vã mà chi! Một ngày không vội vã

Biển biếc xanh. Trời trong suốt màu trời.

Giữa vô lượng hải hà cát trắng

Tôi thong dong đón lấy một ngày vui.

Và cứ thế. Tôi tặng tôi một ngày không vội vã

Tôi là tôi. Đi giữa những nhẹ nhàng

Không bận rộn, không vội vàng, không mặc cả

Cho nụ cười tỏa nắng, giữa thênh thang.

(Cho một ngày không vội vã)

Một biểu hiện đặc sắc nữa của thơ Nguyễn Thị Liên Tâm đó là kiểu kết cấu theo dòng cảm xúc, tâm trạng được xây dựng trên những cặp phạm trù đối lập: hạnh phúc – khổ đau, mơ – thực, ở – đi, đục – trong, trốn – tìm, xưa – nay… Dù đứng trước những sự đối lập và trắc trở nhưng thơ chị vẫn hướng về cái tốt đẹp và sự vĩnh hằng của tình yêu.

Đúng như trên Blog Hội ngộ văn chương của Nguyễn Trọng Tạo đã viết: “Nguyễn Thị Liên Tâm là giọng thơ nữ mang nét dịu dàng, đằm thắm, căng cứng cảm xúc và giằng xé nội tâm. Giữ cho tâm hồn thơm thảo trước bội bạc trắng đen tình đời, không phải là dễ. Giữ cho Thơ không lấm bụi miên viễn càng khó nữa. Đọc thơ Nguyễn Thị Liên Tâm thấy mông mênh và nhẹ hẫng một làn hương. Một giọng thơ nữ Á Đông. Trân trọng”.

Thơ Nguyễn Thị Liên Tâm là tiếng thơ của một người đàn bà từng trải, đằm thắm, hồn hậu; thể hiện nhiều suy tư và trăn trở trước tình yêu và cuộc đời. Chị đã góp một phần, làm nên sự đa sắc hương trong dàn đồng ca của thơ nữ Việt Nam đương đại./.

NGUYỄN VĂN HÒA

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác