ĐẰNG SAU NHỮNG BỨC ẢNH
Một tác phẩm nghệ thuật dù ở thể loại nào, hội họa, âm nhạc, thời trang hay nhiếp ảnh, khi ra đời đều có một hoàn cảnh, một câu chuyện ẩn đằng sau nó.
Hơn 30 năm gắn bó với lĩnh vực nhiếp ảnh thời trang, tôi có vô số câu chuyện để kể lại, đó là những khoảnh khắc đáng lưu nhớ, là chuyện hậu trường ít ai biết về cách thức người nghệ sĩ đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Giờ đây, những bức ảnh đó đã thành những kỷ niệm đẹp, đã mang lại cho tôi chỗ đứng trong làng nhiếp ảnh, trong lòng công chúng. Dưới đây là hai trong số rất nhiều kỷ niệm đẹp như vậy.
Hú hồn với giải pháp xịt sơn lên mẫu
Henri Hubert là giám đốc, cũng là chủ công ty sáng tạo, nơi tôi làm việc. Anh là người bạn nước ngoài thân nhất với tôi cho đến nay. Tôi rất may mắn khi có cơ hội làm việc với Henri suốt một thời gian dài, và cũng nhờ anh mà tôi đã cho ra đời nhiều tác phẩm ưng ý. Anh luôn nhắc tôi: “Long, quan trọng nhất là chi tiết, không thể sửa lỗi sau khi buổi chụp kết thúc”. Hay: “Long, tôi muốn anh phải trở thành vua của chi tiết, mình kiếm tiền vì làm được điều này, tiền có thể mất nhưng đừng để mất mặt”.
Lần nọ, Henri ngỏ ý muốn thực hiện một bộ ảnh đặc biệt về thời trang, nhưng người mẫu phải trông giống như “người máy” làm bằng kim loại như vàng, bạc. Tôi giãy nảy: “Ê, anh chơi khó nha, làm sao trang điểm được đây?”. Tôi gọi chuyên gia trang điểm Huỳnh Lợi. Lợi nói làm được, nhưng phải mua nguyên liệu “make-up” (trang điểm) từ nước ngoài, một hũ bằng ngón tay là 100 đôla Mỹ, nếu thoa toàn thân như vậy chắc phải tốn cỡ vài ngàn đôla. Nghe tôi thuật lại, Henri hơi ngần ngừ, hỏi tôi xem có cách nào không. Tôi nói có, nhưng sẽ rất táo bạo, nếu thực hiện phải làm thật nhanh, không thì sẽ gây nguy hiểm cho người mẫu. Anh ấy hỏi tôi cách thức, tôi trả lời là xịt sơn nhũ vàng, nhũ bạc, nhưng hơi mạo hiểm, và không biết người mẫu nào dám hi sinh để làm điều này.
Henri yêu cầu tôi chọn hai mẫu, trong đó một người chụp ảnh vàng, còn bạc là Ngọc Quyên và hỏi cô ấy xem. Chúng tôi đã chọn được Phùng Ngọc Yến và Ngọc Quyên, lúc đó cô bé chỉ mới 17 tuổi và xem tôi như cha đỡ đầu. Tôi trao đổi với Ngọc Quyên về cách thức làm việc xịt sơn toàn thân, chụp thật nhanh, sau đó tẩy rửa lại bằng xăng. Mới nghe qua đã thấy ghê rồi, nhưng thật tuyệt vời, cô bé đã gật đầu: “Ba Long làm vì nghệ thuật, con đồng ý”. Tim tôi như muốn thắt lại.
Khi chuyên gia trang điểm thực hiện xong phần của mình, đến lúc xịt sơn là phần của tôi và Henri. Chúng tôi đã mua 4 bình sơn xịt, về xịt thật nhanh như sơn xe. Nếu để lâu, sơn sẽ khô, rất nguy hiểm cho da, vì da không thoát hơi để thở được, và quan trọng nhất là sức khỏe của Ngọc Quyên. Bây giờ kể lại, tôi vẫn còn cảm giác xúc động và thương cho Ngọc Quyên. Tôi chụp thật nhanh, trong khi Henri cùng phối hợp với Ngọc Quyên tạo dáng người máy cầm những chiếc giỏ thật đẹp. Tác nghiệp khoảng hơn 20 phút thì xong toàn bộ trang phục.
Đưa Ngọc Quyên vào nhà tắm, tôi dùng xăng tẩy da cho cô bé. Quyên nói, con thấy mệt quá, khó thở. Tôi đâm lo, mới hỏi Quyên: “Con có thấy sức khỏe bị gì không?”. Cũng may là đã không có chuyện gì xảy ra. Sau một thời gian phát triển nghề nghiệp tại Việt Nam, Ngọc Quyên đã sang Mỹ định cư.
Khi nhóm sáng tạo ngồi duyệt lại bộ ảnh, ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp độc đáo của bộ ảnh. Tôi ngỏ ý với Henri là sẽ gửi bộ ảnh này dự thi ảnh nghệ thuật toàn quốc. Henri đồng ý. Tôi đặt tên bộ ảnh là “Công nghiệp thời trang”, gồm 6 ảnh của Ngọc Quyên và 3 ảnh của Phùng Ngọc Yến. Tên tác giả tôi không để tên mình, mà để tên công ty tôi làm việc. Kết quả, bộ ảnh đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi nhiếp ảnh toàn quốc năm 2006, và cũng là ảnh bộ duy nhất đoạt giải cuộc thi năm đó.
Ban giám khảo… đi tìm tác giả ảnh
Đỗ Hữu Tiến, người được xem như “ông trùm ảnh lịch”, hiện đang dạy nhiếp ảnh, vốn là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh phong cảnh để bán cho các nhà in làm lịch. Chúng tôi rất thân nhau và Hữu Tiến còn xem tôi như bậc đàn anh. Mùa lịch năm 2006, nhà sách Thanh Niên có nhu cầu làm một bộ ảnh áo dài. Hữu Tiến đã kết nối với tôi, vì biết tôi chuyên chụp thời trang cho một công ty nước ngoài.
Theo hợp đồng đã ký kết, bên tôi sẽ thực hiện bộ sưu tập tổng cộng 13 ảnh, trong đó gồm 12 ảnh đại diện cho 12 tháng, cộng với 1 ảnh bìa. Người mẫu là ba siêu mẫu Vũ Thu Phương, Phùng Ngọc Yến và BB Minh Thúy. Để tăng giá trị cho bộ ảnh áo dài, nhờ quan hệ riêng, tôi đã kết nối với nhà thiết kế Võ Việt Chung và anh đã đồng ý cho sử dụng 30 áo dài do anh thiết kế. Địa điểm chụp ngoại cảnh được chọn là một khu nghỉ dưỡng ở Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu. Chỉ những chi tiết như thế thôi cũng đủ thấy giá trị hợp đồng “khủng” như thế nào, vào thời điểm đó.
Lúc lên đường, đoàn chụp ảnh của chúng tôi hùng hậu không khác gì một đoàn làm phim. Ê kíp gồm Henri Hubert, giám đốc công ty kiêm giám đốc ý tưởng, nhiếp ảnh gia là tôi, phụ nhiếp ảnh là vợ tôi, còn nhiếp ảnh gia Hữu Tiến phụ trách ánh sáng. Bên cạnh đó còn có chuyên gia trang điểm, phụ trang điểm, chuyên gia trang phục, phụ trang phục, người mẫu… cùng những thiết bị đi kèm.
Kế hoạch của chúng tôi là phải có những bức ảnh từ bình minh cho đến hoàng hôn, vì thế cả đoàn phải làm việc rất cực khổ. Đoàn di chuyển vào buổi chiều hôm trước từ TP.HCM đến Long Hải để kịp lấy phòng, sau đó ăn tối nhanh và chỉ được nghỉ ngơi khoảng 3 tiếng. Đúng 2 giờ sáng, tôi đánh thức người mẫu dậy trang điểm, sau đó chọn trang phục để chụp ảnh trước lúc bình minh. Trước 5 giờ sáng là ê kip phải sẵn sàng, tôi rất xem trọng điều này, vì màu trời bình minh rất đẹp. Riêng tôi phải kéo dây điện từ trong khu nghỉ dưỡng ra tận bãi biển, cách xa vài trăm mét.
May mắn cho chúng tôi là hôm đó trời không mưa và khá đẹp. Cả đoàn làm suốt ngày, chỉ ngừng lại để ăn nhanh, sau đó tiếp tục làm việc cho đến tối để xong dứt điểm 30 bộ áo dài. Ai cũng mệt không thể tả nổi. Buổi chiều, lúc chụp hoàng hôn, tôi đặt tới 5 cây đèn flash với đủ màu sắc để đánh ngược lại ánh hoàng hôn. Tôi mê chụp cảnh này đến nỗi đã lăn lê bò toài trên bãi cỏ ướt, bị kiến cắn đầy người nhưng khoảng khắc huyền diệu đó giúp tôi vượt qua tất cả. Mọi người ai cũng vui mừng vì đã hoàn thành công việc trên cả mong đợi.
Lần cuối chiêm ngưỡng lại những đứa con tinh thần của mình trước khi giao ảnh cho chủ nhà sách, tôi ấn tượng mạnh với bức chụp ba mẫu cùng sóng sánh như bước theo một vũ điệu, tôi đã xin phép chọn tấm ảnh này để gửi dự thi ảnh nghệ thuật toàn quốc năm đó (2006). May mắn là chủ nhà sách đã đồng ý. Lúc gửi ảnh dự thi, tôi cũng không nghĩ mình sẽ được giải thưởng lớn, giải nhì trong cuộc thi đạt kỷ lục về số lượng ảnh dự thi với trên 16 ngàn tác phẩm, cho đến khi ban giám khảo từ Hà Nội gọi điện vào để xác nhận xem tôi có phải là tác giả bức ảnh hay không.
Nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh và Thi Thơ là hai giám khảo cuộc thi, đã kể lại với tôi về “sự cố” này. Khi ảnh vào tới vòng chung kết chấm giải, phát hiện ảnh của tôi không ghi chú thích sau ảnh, ban giám khảo đề nghị loại ra vì phạm quy. Anh Linh và chị Thơ thuyết phục ban giám khảo nên giữ lại, chấm xong và tìm tác giả sau, không nên để mất tác phẩm đẹp. Và thế là đại diện ban giám khảo từ Hà Nội đã phải gọi vào TP.HCM hỏi tìm tác giả. Anh Trần Kim Luận bên Hội nhiếp ảnh thành phố xác nhận rằng tác giả bức ảnh đó chính là Long Thủy vì chỉ có Long Thủy chụp ảnh thể loại như thế.
Một tháng sau, đại diện ban giám khảo cuộc thi từ Hà Nội vào trao giải cho các tác giả đoạt giải phía Nam tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Sau đó vài năm, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có gọi cho tôi, nói rằng sẽ chọn ảnh của tôi để làm bìa sách hoặc triển lãm ảnh vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày nhiếp ảnh thế giới.
Nhiếp ảnh gia Long Thủy
“Tôi mê nhiếp ảnh từ lúc nhỏ, 12 tuổi đã cầm máy ảnh Olympus Pen, loại chụp bằng phim 36 kiểu được chia thành 72 kiểu, vì máy này chia đôi phim thông thường ra làm hai ảnh. Đến bây giờ tôi vẫn còn chiếc máy ảnh giống chiếc máy ảnh đó.Nhiếp ảnh gia Long Thủy
Tôi đến với nghề nhiếp ảnh như một cơ duyên định sẵn. Người yêu cũng là vợ tôi, là con một nhiếp ảnh gia bậc thầy, và rồi thầy lại là bố vợ tôi, thật không còn diễm phúc nào bằng. Ngoài người thầy dạy nghề duy nhất là bố vợ tôi, trong cuộc đời cầm máy mấy mươi năm, tôi gặp rất nhiều người mà tôi phải thầm cảm ơn họ. Đó là những đồng nghiệp, những người đã hỗ trợ tôi để có những bức ảnh đẹp. Nên dù tôi là người cầm máy nhưng với mỗi bức ảnh nghệ thuật thời trang, tôi đều xem đó là tác phẩm của chung. Để sau mỗi lần bấm máy, có những bức ảnh đẹp, tôi thường chia sẻ hạnh phúc đến cả nhóm làm việc của mình, từ lâu tôi xem như một gia đình”.
:: ::Bài và ảnh : Long Thủy
Nguồn: Tạp chí Savour Vietnam