Đoàn Đình Thạch, Người đi, tiếng hát còn vọng lại.
Sáng 28.9.21 thấy trên FB của nhà thơ Đoàn Văn Khánh có bài Kinh Nguyện An Lành và Chú Đại Bi lòng tôi bỗng bất an. Gọi anh Khánh không được, thấy Nguyên Cẩn online nhưng gọi mãi đến lần thứ 4 mới liên lạc được. Anh cho biết là đang nhờ các chùa cầu an cho anh Thạch vượt qua nguy hiểm.
Báo tin cho Elena rồi tôi gọi điện cho chị Náo. Chị cho biết hai vợ chồng bị nhiễm covid, đã xuất viện về nhà nhưng anh Thạch còn yếu lắm và gần đây phải thở oxy. Hôm nay anh đã hấp hối 2 lần.
Rồi chị quay màn hình và nói với anh: anh chị Dân Elena từ Ý gọi về thăm. Đang nằm thở oxy anh Thạch nghiêng qua, bàn tay phải vẫy 2,3 lần để chào. Lúc chị cúp máy tôi có nghe 1 tiếng nấc nhẹ bên kia đường dây.
– Không, anh sẽ vượt qua thôi!
Đang ngồi, Elena vội đứng lên đi thắp nhang trước bàn thờ Phật. Lời lẽ cứng cỏi nhưng chắc em cũng biết cái vẫy tay yếu ớt qua màn hình đó là lời chào cuối cùng.“Vượt qua” chỉ là mong ước, mong manh, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn còn chút hy vọng..
Nhưng chiếc lâu đài mà hai đứa bé cẩn thận đổ cát xây lên đã bị sóng thuỷ triều lướt qua, đổ ập. Chúng hụt hẫng nhìn đống cát ướt nằm chỏng chơ trên bờ biển.
Anh đã đi, sau cuộc gọi của chúng tôi chỉ mấy giờ! Khuya hôm ấy chắc cũng có nhiều bạn thao thức chờ đợi một phép màu!*
Là giảng viên văn học nhưng khi đến với Quán Văn anh mang theo cây đàn và tiếng hát, góp một phần rất lớn để tạo nên không khí sinh động cho những buổi ra mắt. Đến từ số 20, nay 83, hơn 60 số báo anh là một phần không thể thiếu. Có lẽ linh tính là mình sẽ không còn tham dự được với bạn bè nên những ngày cuối anh gọi điện cho Hoàng Kim Oanh để nhờ chị chuyển lời nhắn “mọi người mạnh khỏe nghe, tôi mệt”!
Những năm qua vợ chồng anh Thạch chị Náo thường tham gia sinh hoạt cùng tập san Quán Văn, họ như như 1 cặp đôi hoàn hảo về sự thân thiện và nhân cách và chiếc đàn theo anh chị và bạn bè đi đây đó khơi dậy tình tự dân tộc qua những tình khúc, trường ca hoặc những bài hát do anh sáng tác.
Còn nhớ trong chuyến đi Phú Quốc, vừa lên xe ở Kiên Giang thì mưa gió bão bùng… Ngồi trên xe mọi người nhìn nhau ngao ngán. Tiếng mưa đập vào thùng xe bôm bốp nhưng bỗng nhiên từ cuối xe vọng lên “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến…” mọi người nhìn xuống thấy anh đang cầm đàn và tất cả đều hát theo anh. Tiếng hát át tiếng mưa, khí thế hừng hực. Lòng ái quốc như sống dậy trong hồn mọi người.
Điều tình cờ kỳ lạ là khi xe vừa đến khách sạn hay quán ăn thì mưa tạnh. Mấy lần như thế nên Mỹ Lệ “hùng hồn tuyên bố” là mình đã nhắn tin cho ông Trời, được mưa chừng ấy thôi để anh chị em QV khỏi ướt.
Những kỷ niệm với anh có nhiều nên từ nay trong lòng mọi người sẽ cảm thấy trống vắng.
Anh Thạch còn là đồng hương nên khi gặp nhau chúng tôi cũng thường nhắc lại một vài kỷ niệm ở quê nhà. Thời gian đầu anh cũng hỏi tôi về các truyện ngắn hay về sự hình thành tiểu thuyết“Bàn tay nhỏ dưới mưa”. Được trải lòng với anh tôi thấy vui như đứa em chia sẻ vơi anh mình. Còn chị Náo chân thành nói mỗi khi mua QV về là “tìm bài của Elena đọc trước. Sao mà cô dâu Ý này viết văn với một tâm hồn Việt Nam?”
Anh Thạch ra đi trong mùa Covid nên tất cả các bạn chỉ có thể viếng tang online. Một buổi chiều buồn cuối tháng chín đêm trước ngày di quan chị Náo đã gọi video cho tất cả bạn bè.. Nguyên Tâm, Nguyên Cẩn, Ban Mai, Tịnh Thy, Trúc Hạ .v.v… để mọi người được anh từ biệt… Ai cũng nghẹn ngào không nói nên lời. Đứt ruột. Thương anh chị quá!
Mọi lời phân ưu đều cần thiết nhưng, đối với những mất mát quá lớn ấy chỉ có thời gian mới đủ sức xoa dịu. Tôi và Elena chỉ lặng nhìn chị và nói bằng ánh mắt ngấn lệ.
Trước lúc ra đi anh còn hỏi chị Náo sinh nhật 10 năm Quán Văn ngày nào?
&
Mười năm! Từ một nhóm nhỏ chỉ vài người, có người chắc chắn là chỉ vài số báo rồi chết yểu như các nổ lực của các nhóm yêu văn trước đó, không ai ngờ là Quán Văn đến giờ có tuổi thọ 10 năm! Đã 83 số báo! Lời hứa sẽ cố gắng đến số 100 đã đi hơn 4/5 chặng đường. Nhưng niềm vui là tập san ngày càng mở rộng. Bạn văn, bạn đọc khắp nơi từ Nam ra Bắc, miền Trung miền Tây và vượt qua biên giới để đến Pháp, Mỹ, Úc, Canada… Nhiều thế hệ yêu văn chương khắp mọi miền đã tìm đến nhau… Có những người đến, xẹt qua bầu trời văn học rồi đi nhưng cũng có nhiều người ở lại. Cùng các bạn trẻ, nhiều “cụ” tuổi trên 80 mà vẫn góp mặt, xem văn chương như niềm đam mê bất tận nhưng cũng có người không còn viết nữa, ghé vườn văn khoe dáng 1 chút rồi đi theo con đường khác, tuy thỉnh thoảng có đến, ghé mắt, bàng quan như cỡi ngựa xem hoa.
Nhưng những ai còn lại, tâm huyết, vô tư, hồn nhiên hết mình cho 1 tờ tạp chí khiêm tốn nhưng mang nặng tình người, chung tay vun đắp cho ngôi nhà văn chương mà không so đo toan tính cá nhân.
Mười năm, hơn 80 số báo. Thông điệp của QV vẫn đơn giản và không hề thay đổi, là cuộc đời ngắn lắm trong cái chu kỹ vũ trụ mênh mông, phận người chỉ là một bóng phù du, như con thiêu thân chưa chờ đến ngày mai thì đã hoá thành tro bụi. Tham làm gì. Ác làm gì. Cuộc đời sống mà biết yêu thương nhau không phải tốt đẹp hơn sao?
Trong những ngày này, nhìn những đoàn người tứ tán bỏ chạy trên những con đường từ Nam ra Bắc tôi chợt nhớ đến bài Con đường cái quan mà anh Thạch thường hát. Được nhạc sĩ Phạm Duy khởi soạn vào năm 1954 lúc đất nước vừa bị chia đôi bằng hiệp định Geneve. Tuy là người chối từ chính trị nhưng nhạc sĩ vẫn thường dùng văn nghệ để bày tỏ thái độ.Trường ca này được Phạm Duy hoàn tất phần đầu, như một sự phản kháng, khi đang du học tại Paris.
Nhưng nếu Con đường cái quan nói về một lữ khách đi trên con đường từ Ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, đi trong lịch sử và lòng dân từ ngày lập quốc cho tới khi hoàn thành xứ sở, tới đâu cũng có tiếng dân chúng ca hát chúc tụng nối được lòng người, chiến thắng thiên nhiên… thì những ngày đại dịch từng đoàn người đã rời bỏ Sài Gòn bất chấp mọi nguy cơ về giao thông, về những bất trắc gặp trên đường như bệnh hoạn, đẻ rớt, đột tử… Đường xa vạn dặm… và cuộc trở về căng thẳng trong bão bùng mưa gió vẫn không ngăn nổi sức mạnh của lòng tuyệt vọng, khi người dân không còn khả năng trụ lại.
Giấc mộng đổi đời đã làm bao người phải rời quê chen vào Sài Gòn kiếm sống, giờ đây Covid đã biến thành ác mộng. Trải chiếc khăn trên lề đường, vắt 2 tay sau gáy họ sẽ ngẫm nghĩ gì về cái nghèo, cái đói cái khổ sở trong cuộc đời cơ cực của mình? Về, sẽ làm gì và bao giờ quay lại? Trong số hàng chục ngàn người về quê bằng xe máy có rất nhiều trẻ em. Và đây sẽ là những ký ức kinh hoàng khó quên trong đời chúng.
Tôi bỗng nhớ đến bức tranh “sự vô hình của nghèo đói!” của hoạ sĩ Kevin Lee:
Trong đại dịch Covid nhiều người đã ra đi. Nhưng nếu không có dịch thì xưa nay từ đế vương đến thảo dân, ngay cả chúng ta đang tay bắt mặt mừng hôm nay ai rồi cũng đến lúc phải rời cõi tạm. để lại trong lòng những ai còn sống những vết thương không bao giờ lành và nỗi tiếc thương không thể nào nguôi.
Vì thế khi ngồi chờ đại dịch đi qua… để có được sự “bình thường mới” tâm trạng tôi rất giống nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh khi chờ “Năm mới” :
Hãy đốt giùm anh nén hương
Gọi hồn những người đã khuất
Những người đã bỏ anh lại một mình
Với đời mồ côi lệ đắng
Với nỗi chua cay nát lòng…
Tiếng đàn thiết tha hay hùng tráng của Đoàn Đình Thạch giờ đây tuy đã tắt nhưng dáng dấp hiền hoà, giọng nói nhẹ nhàng và nụ cười ấm áp trong những lần họp mặt, trong những chuyến đi lên rừng, xuống biển với QV vẫn còn đó trong tim mọi người.
Xin ghi lại những tiếng vọng từ các bạn Quán Văn, nói như Hoàng Kim Oanh, thắp một nén hương bái vọng gửi theo anh… như gửi chút yêu thương ấm áp của tình thân và niềm tưởng nhớ của bao người. Nó là tiếng vọng của yêu thương của tình bạn của đồng cảm và chia sẻ, của “Gia đình Quán Văn”.
-Đặng Châu Long: “Những bài ca anh hát là những bài hát tôi vẫn nghêu ngao từ Trường ca Con đường Cái Quan, Trường ca Mẹ Việt Nam đến những bài ca rời tình ca, du ca hào hùng một thuở… Chúng tôi sẽ luôn nhớ về anh như luôn nhớ những bài ca anh hát. Lời hát đó không chìm mất trong vũ trụ bao la mà sẽ ngân vang mãi trong lòng những người bạn quý mến anh.
-Nguyên Cẩn “ Câu thơ này thay tiếng khóc tiễn đưa anh .
– Anh đã đi mang tiếng hát lên trời
Cả tài hoa với một đời âm nhạc
Đêm qua mau anh chẳng nói nên lời
Chào từ biệt thân tình trong cuộc sống
Trong gió khuya nghe lá rụng sau vườn
– Anh uống cạn chén tình vui trần thế
Mai vắng anh trong những cuộc sum vầy
Cung cầm gẫy tiếng đàn đêm vẫn vọng
Những chuyến đi bao thương nhớ vơi đầy
– Lưu Hồng Diễm, chủ nhân chiếc du thuyền King Yacht, nơi cuối cùng nhóm Quán Văn gặp mặt cùng anh chị: “Chú Thạch ơi!!! Con còn chưa được hát nữa mà!!!! Con đang khóc đây! Thế là từ nay vĩnh viễn con không còn được chú đàn cho hát nữa rồi! Vĩnh biệt chú.”
– Hoài Huyền Thanh: Tiếng đàn tiếng hát đâu đó vẫn nhặt khoan
“đồi núi cao nghe gió vi vu” trên đường ta đi tới
trên dặm đường trường mai sau còn ai lĩnh xướng
Đường Cái Quan nhớ quá giọng hò khoan.
– Nguyên Tâm:… Tiếng đàn
giờ đã tắt rồi
Buồn vui gửi lại,
luân hồi… biệt ly
…
Ôm đàn, về cõi xa xôi
Anh đi thanh thản. Phai phôi kiếp người!
Tiễn anh về cõi nghìn trùng.
– Nguyễn Thị Tịnh Thy, từ thành phố Huế : “Tôi đã từng chảy nước mắt khi nhạc sĩ Đoàn Đình Thạch ôm cây đàn ghi ta và cất lời lĩnh xướng những bài Tình ca, Con đường cái quan của Phạm Duy. Mấy chục anh chị em của tạp chí Quán Văn già có trẻ có hoà cùng giọng anh. Chúng tôi không phải nhả từng chữ, mà đang nuốt từng lời, đang uống từng hơi hồn thiêng sông núi, để tim mình đầy lên, căng trào và bật ra không chỉ là tiếng hát mà còn là tiếng khóc yêu thương, tiếng nghẹn ngào có giai điệu của hạnh phúc”.
– Và Hoàng Kim Oanh nghẹn ngào chuyển cho các bạn lời cuối: “Chị Náo đưa máy. Bảo bật camera. Anh cừời nhẹ: “Chào cô Oanh” và “Chúc cô cùng gia đình bình an mạnh khỏe! Mọi người mạnh khỏe nghe. Tôi mệt!”
Có lẽ còn nhiều, nhiều nữa…
Và chắc chắn rồi đây, mỗi khi nghe tiếng hát.. của những lần sinh hoạt QV thì hồi ức về anh không thể phai mờ, vì tiếng ngân của nó còn đọng lai trong lòng những ai yêu thương anh sẽ vọng lại không nguôi.
Milano 15.10.2021
Năm Covid thứ hai
Trương Văn Dân