THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 84: PHÙ, PHƯƠNG, PHƯỢNG.
Ngày đăng: 9/09/2021 04:51:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Trong chữ Nho, PHÙ 浮 là chữ thuộc dạng Hài Thanh, được ghép bởi Ba Chấm Thủy 氵bên trái chỉ Ý và chữ Phu 孚 là Lá mầm bên phải chỉ Âm. Nên PHÙ 浮 có nghĩa là “Trôi nổi trên mặt nước”. Theo chương Khắc Ý trong sách Trang Tử 《 莊子·刻意》có câu : Kỳ sinh nhược phù, kỳ tử nhược hưu. Bất tư lự, bất dự mưu, quang yên nhi bất diệu, tín hỉ nhi bất kỳ 其生若浮,其死若休。不思虑,不豫谋,光焉而不耀,信矣而不期。 Có nghĩa : Đời sống con người như trôi nổi trong cuộc đời, chết như là được nghỉ ngơi. Nên không lo lắng quá, không tính toán, không dự mưu, sống trong sáng nhưng không rực rỡ, tin yêu nhưng không kỳ vọng”. Từ ý nghĩ đó, trong văn học cổ ta hay gặp các từ như :
– PHÙ SINH 浮生 là Đời sống như nổi trôi theo cái nhìn tiêu cực, và…
– PHÙ THẾ 浮世 là Cuộc đời như nổi trôi theo cái nhìn bi quan về cuộc sống.
Nghĩ thân PHÙ THẾ mà đau,
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê !
Tư tưởng nầy của Đạo gia gặp gỡ với quan niệm của nhà Phật cho là chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ, vì thế ta mới có hai câu thơ tuyệt diệu trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều như đã nêu trên :
Nghĩ thân PHÙ THẾ mà đau,
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê !
…và tiêu cực hơn, bi quan hơn với :
Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy,
Kiếp PHÙ SINH trông thấy mà đau!
Trăm năm nào có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.
Kỳ sinh nhược phù, kỳ tử nhược hưu.
Cho đến trong thơ mới hiện đại với Jean Leiba cũng có cái nhìn bi quan tiêu cực với đời là bể khổ trầm luân, tình yêu là nghiệp duyên oan trái :
PHÙ THẾ còn nhiều duyên nghiệp quá,
Lệ lòng mong cạn chốn am không.
Cửa thiền một đóng duyên trần dứt,
Quên hết người quen chốn bụi hồng !
PHÙ 浮 ngoài nghĩa Trôi nổi ra, nếu được viết bằng bộ THỦ 扌là Tay để chỉ Ý và chữ PHU 夫 là người đàn ông để chỉ Âm thì có nghĩa là : Đưa tay ra để Nâng Đở, như Phù Trợ 扶助, ta nói thành Phò Trợ, tức là giúp đở hay ủng hộ nâng đở ai đó. Với nghĩa này thì PHÙ THẾ 扶世 là Nâng đở cuộc đời, là Giúp đời một cách tích cực, như trong bài hát nói “Kẻ Sĩ” của cụ Nguyễn Công Trứ :
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang, Văn,
PHÙ THẾ giáo một vài câu thanh nghị.
PHÙ còn là PHÙ DU 蜉蝣, một loại côn trùng có từ thời tiền sử, có cuộc sống ngắn ngủi chỉ trong một sớm một chiều, theo như chương Tào Phong trong Kinh Thi 詩經.曹風 có thơ như sau :
蜉蝣之羽,衣裳楚楚。 Phù du chi vũ, y thường sở sở.
心之憂矣,於我歸處。 Tâm chi ưu hỉ, ư ngã quy xứ.
Có nghĩa :
Phù du mạng mỏng cánh chuồn,
Áo hoa sặc sỡ chập chờn bay nhanh.
Lòng ta lo nghĩ loanh quanh,
Cuộc đời rồi sẽ xoay vần về đâu ?!
Con Phù du
Vì đời sống của con Phù Du chỉ vỏn vẹn trong một ngày, lắm khi chỉ có một buổi, nên người xưa thường dùng để chỉ cái gì đó thật ngắn ngủi, thật tạm bợ hay cái gì đó được cho là tạm bợ ngắn ngủi, như trong bài hát nói “Uống Rượu Tiêu Sầu” của Cao Bá Quát đã viết :
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh PHÙ DU trông thấy đã nực cười.
Cái gì đó hay đổi thay vô chừng chỉ trong phút chốc, thì gọi là PHÙ VÂN 浮雲 là Đám Mây nổi, như trong bài thơ “Khả Thán Thi 可嘆詩”của Thi Thánh Đỗ Phủ đời Đường :
天上浮雲如白衣, Thiên thượng phù vân như bạch y,
斯須改變如蒼狗. Tư tu cải biến như thương cẩu.
Có nghĩa :
Mây như áo trắng trên cao,
Chốc đà biến đổi khác nào chó xanh !
Trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã diễn ý trên bằng hai câu :
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẻ người tang thương !
Còn trong tác phẫm thơ Nôm “Hoa Điểu Tranh Năng” thì dùng với nghĩa xem thường sự vinh hoa phú qúy ở đời như đám mây nổi :
Hễ ai đức thịnh thì hơn,
Còn như phú qúy PHÙ VÂN kể gì !
Theo kinh nghĩa của Phật giáo, muốn phát Bồ đề tâm thì phải tu tập theo “Lục ba la mật tâm kinh 六波羅蜜心經”, đó là : Tùy phương nhân tiện, dĩ lợi đạo nhân 隨方因便,以利導人. Có nghĩa : Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh mà dẫn dắt con người đi đúng đường làm lợi cho chúng sinh về vật chất hoặc tinh thần. Nói cho dễ hiểu là “Tạo điều kiện thuận tiện cho con người dễ tu tập”. Sau dùng rộng ra trong văn học dân gian thì PHƯƠNG TIỆN 方便 là “Lời nói hoặc việc làm tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ cho người khác trong hoàn cảnh nào đó hay trong việc làm nào đó”, như khi Thúy Kiều bị Khuyển Ưng bắt về làm Hoa Nô đã bị Hoạn Bà dằn dật hành hạ đủ điều. Thúy Kiều đã được mụ quản gia thương xót chăm sóc :
Khi chè chén, khi thuốc thang,
Đem lời PHƯƠNG TIỆN, mở đường hiếu sinh.
…và như lời tỏ tình của chàng Tú Uyên khi gặp Giáng Kiều ở Bích Câu trong Bích Câu Kỳ Ngộ :
Chi viên nỡ hẹp hòi sao,
Mở đường PHƯƠNG TIỆN chút nào được chăng ?
Phương còn là PHƯƠNG TRƯỢNG 方丈. TRƯỢNG 丈 là 10 thước, nên PHƯƠNG TRƯỢNG 方丈 là Mười thước vuông, là Một trượng vuông. Theo tích sau đây :
Vương Huyền Sách 王玄策 là một quan viên ngoại giao đời Đường. Năm Trinh Quan thứ 21 (Công Nguyên 647) đời Đường Thái Tông đã đi sứ sang nước Thiên Trúc ở bắc Ấn Độ lần thứ nhất. Năm CN 657 đi lần thứ hai, đến năm Long Sóc nguyên niên (661) đi lần thứ ba. Trên đường qua các nước Thổ Phồn, Nê Bà La… truyền bá văn hóa Trung Hoa và mang kinh Phật về đất Trung Nguyên. Tương truyền trong lần đi sứ cuối cùng vào năm Hiển Khánh đời Đường, Vương Huyền Sách vào ở trọ chỗ nhà sư Duy Ma, Vương đã dùng cái hốt một thước của mình để đo phòng của nhà sư, thấy mỗi bên đều rộng 10 hốt là một trượng vuông, nên gọi phòng của nhà sư là PHƯƠNG TRƯỢNG 方丈. Sau dùng rộng ra chỉ “Phòng ở của các nhà sư trụ trì” như tác phẩm “Sãi Vãi” của Nguyễn Cư Trinh qua lời của ông Sãi :
Lòng người dầu thiết, thời đạo cũng gần.
Qua tây phương còn cách trở non thần;
Sau PHƯƠNG TRƯỢNG đã sẵn sằng bàn Phật.
Hay như trong Sơ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái :
Sai người dọn mái liên trì,
Sửa sang PHƯƠNG TRƯỢNG trai nghi đãi đằng.
Dùng rộng ra hơn nữa, PHƯƠNG TRƯỢNG còn dùng để chỉ “Hòa Thượng Trụ trì” của ngôi chùa nào đó, như trong các truyện tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung gọi nhà sư đứng đầu chùa Thiếu Lâm là “PHƯƠNG TRƯỢNG chùa Thiếu lâm”.
Vương Huyền Sách và từ PHƯƠNG TRƯỢNG
PHƯỢNG 鳳 còn đọc là PHỤNG, là chúa của các loài chim, ta có thành ngữ BÁCH ĐIỂU TRIỀU PHỤNG 百鳥朝鳳, tức là “Trăm loài chim bay đến để chầu chim Phượng”. PHƯỢNG là chim trống, HOÀNG là chim mái, nên ta có thành ngữ “PHƯỢNG CẦU KỲ HOÀNG 鳳求其凰”, còn gọi cho gọn là “Phượng Cầu Hoàng 鳳求凰”. Có nghĩa : Con chim trống cầu con chim mái; Con trai cầu con gái; Nam cầu nữ, đồng thời cũng là một bản đàn nổi tiếng theo tích sau đây :
Theo sách Sử Ký, Tư Mã Tương Như là tài tử nổi tiếng của đời Hán, tự là Trường Khanh, người đất Thành Đô (Thủ phủ của thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) Ở lộ Cầm Đài. Khi đến đất Lâm Cùng , nhờ có người bạn là Tri Huyện Vương Cát tiến cử, nên được nhà cự phú Trác Vương Tôn ở địa phương mời đến nhà khoản đãi. Trong bữa tiệc khách yêu cầu đàn một khúc, Tương Như biết vương tôn có cô con gái mới mười sáu tuổi rất đẹp, lại vừa mới góa chồng là Trác Văn Quân, bèn giở cây lục ỷ cầm ra đờn hai khúc trong bài Phượng Cầu Hoàng như sau :
鳳兮鳳兮歸故鄉, Phượng hề phượng hề quy cố hương,
遨遊四海求其凰… Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng …
有豔淑女守蘭房, Hữu diễm thục nữ thủ lan phòng,
室邇人遐毒我腸。 Thất nhĩ nhân hà độc ngã trường.
何緣交頸為鴛鴦… Hà duyên giao cảnh vị uyên ương …
Có nghĩa :
Về thôi phượng hỡi, phượng hề !
CẦU HOÀNG tứ hải bốn bề ngao du.
Có nàng thục nữ ôn nhu,
Gần bên mà ngỡ như từ cỏi xa.
Uyên ương sao được một nhà ?
Tư Mã Tương Như nghe trong rèm ở phòng bên có tiếng thở dài nhè nhẹ, biết là Trác Văn Quân đang nghe đàn, bèn đàn tiếp khúc thứ hai là :
鳳兮鳳兮從凰棲, Phượng hề phượng hề tòng hoàng thê,
得托孳尾永為妃。 Đắc thác tư vĩ vĩnh vi phi.
交情通體心和諧, Giao tình thông thể tâm hòa hài,
中夜相從知者誰? Trung dạ tương tòng tri giả thùy ?
雙翼俱起翻高飛, Song dực câu khởi phiên cao phi,
無感我思使余悲。 Vô cảm ngã tư sử dư bi.
Có nghĩa :
Theo hoàng phượng hỡi, phượng hề,
Theo nhau mãi mãi đi về một phương.
Giao tình lòng những vấn vương,
Giữa đêm theo gót người thương bao ngày.
Chắp đôi cánh phượng cao bay,
Lòng ta buồn nhớ ai hay chăng là ?!
Khúc ca vừa tỏ lòng ái mộ Trác văn Quân, vừa “xúi giục” nàng “giữa đêm theo gót…” nên, nửa đêm hôm ấy, Trác Văn Quân bỏ nhà trốn theo Tư Mã Tương Như về Thành Đô sinh sống …
Do điển tích nầy, nên các từ CẦU HOÀNG, PHƯỢNG CẦU HOÀNG, TƯ MÃ PHƯỢNG CẦU… được dùng để chỉ tiếng đàn giao duyên, tỏ tình trai gái hoặc tìm hạnh phúc lứa đôi. Như trong Truyện Kiều, khi tả tiếng đàn của Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe, cụ Nguyễn Du cũng mượn ý của khúc đàn nầy :
Khúc đâu TƯ MÃ PHƯỢNG CẦU,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng ?…
Trong truyện Nôm Tây Sương Ký tả Trương Quân Thụy gặp thôi Oanh Oanh ở Mái Tây cũng đã tự hỏi :
Phượng bay bốn bể CẦU HOÀNG,
Giai nhân chẳng ở đông tường thì đâu ?
… và trong Bích Câu Kỳ Ngộ, tả chàng công tử Tú Uyên ướm thử lòng Giáng Kiều cũng có câu :
CẦU HOÀNG tay lựa nên vần,
Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào ?!
Trong truyện thơ Nôm ” Hoàng Trừu Công Chúa Đội Đèn” thì có câu :
PHƯỢNG CẦU dù lựa nên cung,
Ngón cầm biết gãy được lòng cho chăng.
Ngoài chim PHƯỢNG và chim HOÀNG ra, ta còn có chim LOAN 鸞. LOAN 鸞 cũng là một loại chim thuộc hàng qúy tộc, tuy không bằng được PHỤNG 鳳 và HOÀNG 凰 là chúa tể của các loài chim, nhưng cũng được xếp ngang hàng nhau với thành ngữ LOAN PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴 là chỉ hai loài chim qúy tộc cùng kết thân với nhau và cùng nhau cất tiếng hót như sự hòa hợp vui vẻ giữa vợ chồng với nhau. Nên thành ngữ Loan Phụng Hòa Minh thường dùng để chúc cho đôi tân hôn trong đám cưới. nên PHƯỢNG LOAN là biểu tượng của vợ chồng, như trong truyện thơ Nôm “Quan Âm Thị Kính”, khi Thị Kính bị nghi oan là có ý giết chồng nên vợ chồng phải chia tay từ giã nhau :
Ai làm cho PHƯỢNG lìa LOAN,
Đang tay nở bẻ phím đàn làm đôi !
Còn trong Truyện Kiều, khi Vương Quan kể lại cuộc đời “Phận hồng nhan có mong manh, Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” của Đạm Tiên, thì Thúy Kiều đã thay Đạm Tiên mà oán thán rằng :
Nào người PHƯỢNG chạ LOAN chung,
Nào người tích lục than hồng là ai ?
Đã không kẻ đoái người hoài,
Sẵn đây ta thắp một vài nén hương…
Cụ Nguyễn Du còn ghép RỒNG với PHƯỢNG, như khi Từ Hải chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, cụ đã viết :
Trai anh hùng , gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh PHƯỢNG đẹp duyên cởi RỒNG !
Nói thêm :
Khi đi với LONG là Rồng thì PHỤNG (PHƯỢNG) lại trở thành “con mái”, Ví dụ như LONG là từ dùng riêng để chỉ nhà vua, như Long Nhan 龍顏 là Mặt vua, Long Bào 龍袍 là Áo của vua mặc, Long Sàng 龍床 là Giường của vua ngủ, Long xa 龍車 là Xe của vua đi … Còn Phụng Cung 鳳宮 là Cung của Hoàng hậu ở, Phụng Quan 鳳冠 là Mão của Hoàng hậu đội, Phụng Liễn Loan Nghi 鳳輦鸞儀 là Nghi trượng giàn giá và Kiệu của Hoàng hậu đi, như khi Từ Hải xưng vương đã cho mười vị Tướng quân và Cung nga thể nữ đón Thúy Kiều như đón một Hoàng hậu :
Sẵn sàng PHƯỢNG LIỄN LOAN NGHI,
Hoa quan chấp chới, hà y rỡ ràng !…
Hẹn bài viết tới !
THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 85 :
QỦA, QUAN, QUANG
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức