NGƯỜI TÌNH CỦA BA TÔI

Ngày đăng: 3/08/2021 04:05:28 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tiếng trống báo hiệu giờ nghỉ chuyển tiết của học sinh kết thúc, uống thêm một hớp nước mát, đứng lên định bước vào lớp, tiếng của Tâm, cô bạn đồng nghiệp chung tổ chuyên môn với tôi réo vang ngoài hành lang:

  • Diệu! Diệu. . .chút nữa hết tiết cuối, uống cà phê, mình có chuyện .. .
  • Gì đó bà? Rủ đi siêu thị hả, cuối tháng hết tiền rồi đó nha!
  • Không phải, chuyện khác cơ. Tâm lắc cái đầu ngúng nguẩy.
  • Thôi vào dạy đi, hết tiết rồi tính. . .

Vừa nói, vừa vẩy tay chào nhau, tôi và Tâm cùng lên lớp làm nhiệm vụ của mình. Sau khi chép đề kiểm tra một tiết lên bảng, nhìn học sinh cặm cụi làm bài, một chuổi ký ức buồn bỗng hiện về.

Mẹ tôi bỏ nhà ra đi trước sự ngạc nhiên và chê trách của rất nhiều người. Một đứa bé vừa hết bậc tiểu học như tôi thì cứ tin rằng mẹ đi kiếm việc làm để cuộc sống gia đình được tươm tất như lời mẹ nói. Sự chuẩn bị của mẹ lại càng cho tôi tin tưởng hơn. Quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cần thiết cho một học sinh nữ sắp vào cấp hai, mẹ đã mua sắm đầy đủ. Ngay cả buổi sáng lên đường, ba vẫn đưa mẹ ra bến xe bằng chiếc xe đạp cà tàng mà hàng ngày ba chở tôi đi học và ba đi dạy.

Thế mà mẹ đi luôn không trở về. Những tháng đầu mẹ còn gửi thư, hỏi thăm sức khỏe của ba, khuyên tôi cố gắng học tập và căn dặn tôi một số công việc trong nhà, giúp đỡ ba những việc lặt vặt. Sau đó thì thưa dần và bức thư sau cùng không có địa chỉ để tôi hồi âm.

Những tháng ngày không mẹ, không có bửa cơm nào tôi ngon miệng, mặc dù ba tôi mua thật nhiều thức ăn và trổ hết tài nấu nướng. Nhiều lần muốn hỏi ba về mẹ, nhưng sợ ba buồn hơn nên tôi đành phải lặng im, chỉ biết tập trung vào việc học tập và giúp ba những công việc cần có bàn tay của người phụ nữ trong nhà.

Mẹ xa nhà và bặt tin chừng vài ba năm, một chiều thứ bảy, đúng ngày cúng tiên thường giỗ ông ngoại, ba tôi có giờ lên lớp, còn tôi không  có tiết học, ba cho tôi một ít tiền đi xe đò và kêu tôi mang theo cặp gà trống thiến nhốt sẳn, cùng với mấy trái dừa cứng cạy đã lột vỏ về phụ đám giỗ với cậu mợ út. Ba còn dặn tôi nói với bà ngoại sáng mai ba về sớm. Mừng vì được về ngủ với bà ngoại, lại càng mừng hơn vì không có ba, sẽ được hỏi bà ngoại về tin tức của mẹ. Tôi như mở cờ trong bụng.

Thường thì lên xe đò chừng vài mươi phút là tôi không thể cưỡng lại được với cơn buồn ngủ vì gió mát đồng quê. Lần này, nhờ xe trống, tôi chọn một chiếc ghế gần cửa sổ, định đánh một giấc ngon lành trên chặng đường hơn trăm cây số. Không hiểu vì sao tôi không tài nào chợp mắt. Cố nặn óc, tìm một câu mở đầu để hỏi bà ngoại về mẹ. Câu nào cũng nghe kỳ kỳ, thậm chí trơ trẻn.

May sao, khi thấy tôi về chỉ có một mình, sau lễ cúng tiên thường, bà ngoại cũng đã kể cho tôi đủ thứ chuyện của ba mẹ. Có thể bà sợ rằng, không kể được cho tôi, có lẽ bà chết phải mang theo.

    Ba tôi là thầy dạy môn toán và là giáo sư hướng dẫn của mẹ suốt bậc trung học đệ nhị cấp. Ba là người miền tây, ra trường trong thời kỳ chiến tranh ác liệt và được bỗ nhiệm về quê mẹ dạy học. Ba là giáo viên nhưng mỗi năm phải đi đăng ký khám tuyển quân dịch, nếu đủ sức khỏe thì phải giã từ học trò và vào trường Sĩ Quan Thủ Đức học lớp Sĩ Quan Dự Bị. Để không phải cầm súng, những ngày gần đi khám, ba tôi tự hủy hoại sức khỏe của mình bằng những đêm thức triền miên, uống cà phê đen không đường và hút thuốc liên tục. Lần nào ba cũng được hoãn dịch một năm vì lý do sức khỏe. Có lẽ vì ít ngủ, đọc sách nhiều và nghiên cứu sâu nên ba tôi là một trong những thầy giáo trẻ nổi tiếng dạy hay trong trường và cũng là quyển tự điển sống. Rất nhiều học sinh xem ba tôi là thần tượng, trong đó có mẹ tôi. Mọi chuyện về học tập các môn, chuyện trên trời dưới biển, chuyện Đông Tây kim cổ, chuyện vòng quanh trái đất, nếu có học sinh thắc mắc, ba tôi đáp ứng ngay hoặc hẹn và trả lời chính xác trong một thời gian ngắn nhất. Do rất gần gũi với học sinh, lại dạy xa nhà nên ba tôi thường được học sinh và gia đình mời về nhà chơi. Với bản chất thật thà của người con trai miền tây nam bộ, ba tôi chiếm được rất nhiều cảm tình của phụ huynh học sinh, nhất là ông bà ngoại của tôi.

Và hình như duyên số, ba và mẹ tôi phải lòng nhau ngay vào lúc tác phẩm “Vòng Tay Học Trò ”của  nhà văn Nguyễn Thị Hoàng vừa xuất bản, đã gây ra nhiều tranh cải và bị một bộ phận của xã hội lúc bấy giờ lên án kich liệt. Mối tình của ba mẹ tôi và hai nhân vật trong tác phẩm này có hoàn cảnh tương tự nhau. Chỉ khác ở chỗ, trong tác phẩm : “ Vòng Tay Học Trò”, thì cô giáo yêu cậu học trò trọ học nhà mình và khác hơn nữa là ba mẹ tôi đã nên duyên chồng vợ ngay sau khi mẹ tôi đậu Tú Tài Phần Thứ Hai.

– Sao mẹ con không học tiếp, có nghề nghiệp rồi hãy lập gia đình. Tôi  thắc mắc hỏi bà ngoại, – Tại ba mẹ mày yêu nhau quá, ông bà ngoại phải chấp nhận chứ sao.

Vừa nói, bà ngoại vừa tặng vào đầu tôi một cái cốc. Bà còn tiếp thêm:

– Với ngạch giáo sư trung học đệ nhị cấp như ba mày, lương đủ sức nuôi một gia đình với vài miệng ăn, chứ đừng nói chỉ nuôi một vợ.

Hạnh phúc ngày cưới còn đang ngây ngất thì cả nước tưng bừng đón chào ngày quê hương vừa được hòa bình, độc lập. Ba mẹ tôi về quê nội sinh sống. Ba dựng một căn nhà trên nền nhà cũ của ông nội và đăng ký xin tiếp tục dạy học tại quê nhà, mẹ tôi thì chăm lo nhà cửa. Cuộc sống của ba mẹ tôi lúc ấy là niềm mơ ước của rất nhiều người. Ba tôi vừa rất giỏi giang trong công việc đồng áng, vườn tược, lại vừa đạt nhiều danh hiệu thi đua trong công tác chuyên môn. Nhà tôi lúc nào cũng lúa đầy bồ, gà vịt đầy chuồng, cá lớn cá nhỏ đầy ao. Gia đình tôi luôn đầy ắp tiếng cười, nhất là khi có mặt tôi trên đời .

-Vậy mà không biết tại sao mẹ con lại ra đi. Ngoại tôi chắc lưỡi sau câu nói này rồi thở dài, kêu tôi ngủ để khuya còn dậy sớm, phụ một tay với cậu mợ.

Giật mình vì tiếng trống báo hiệu hết tiết. Thu bài học sinh và bước ra nhà xe đợi Tâm. Một chút lo lắng. Không biết có chuyện gì mà ngó bộ mặt của Tâm lúc hẹn, đầy vẻ nghiêm trọng. Hơn mười phút rồi mà vẫn không thấy Tâm ra. Con nhỏ làm việc gì cũng tận tụy hết mình. Chính phong cách làm việc của Tâm đã chiếm được tình cảm và niềm tin của nhiều học trò, phụ huynh và đồng nghiệp. Ba thường hay lấy Tâm làm tấm gương sư phạm để nhắc nhở tôi.

– Đợi lâu không Diệu.? Câu hỏi của Tâm nghe sao mà thân thương. Vòng tay của Tâm  ấm áp xiết nhẹ lưng tôi ngay khi vừa đến nhà xe của giáo viên.

– Cũng không lâu. Mấy đứa nhỏ lớp Tâm có chuyện gì hả?

-Có gì đâu? Tại mình dặn dò các em một số việc cho tiết: “hoạt động ngoài giờ” mình sẽ thực hiện cho cả trường dự đó mà. Thôi, ghé cà phê Trung Nguyên đi. Nơi đó thoáng mát và rộng rãi, mình dễ tâm sự.

– Ừ, đi. Tôi tán thành.

Hai phin cà phê đã nhỏ hết giọt mà Tâm vẫn chưa bắt đầu chuyện muốn nói. Vừa vói tay bỏ đường và khuấy đều, chuẩn bị cho ly cà phê đá của Tâm, vừa nhìn gương mặt căng thẳng, biết là Tâm sắp bắt đầu.

–  Gì vậy Tâm? Bà làm mình lo quá.

–  Diệu nè. Chủ nhật rồi, mình đi Sài Gòn, tình cờ gặp thầy đi mua sắm với một người phụ nữ khá trẻ so với thầy, không đẹp nhưng dể nhìn vì rất có duyên. Trên tay thầy lỉnh kỉnh với nhiều thứ vật dụng gia đình. Sợ thầy ngại nên mình không dám chào và né tránh để thầy không chạm mặt.

Thông tin của Tâm làm tôi vui buồn lẫn lộn. Vui vì ba đã tìm được người bạn đời trước khi tôi lập gia đình. Nhưng cũng hơi buồn. Sao ba không chia sẻ gì với đứa con gái cưng duy nhất?. Tôi chỉ biết yên lặng và nghe một chút gì cay cay nơi khóe mắt.

-Sao Diệu? Nói gì đi chứ!

–   Biết nói gì bây giờ. Cảm ơn Tâm đã kể với mình chuyện này. Tâm hành xử như vậy cũng phải.

-Mà Diệu vui hay buồn trước tin này chứ?

-Cả hai Tâm ạ!

Ly cà phê  Trung Nguyên chiều nay chứa nhiều hương vị mà chưa bao giờ mình thưởng thức được. Chia tay với Tâm để về lo bửa cơm chiều cho ba. Gặp ba ở cổng. Nhìn kỹ lại mới thấy ba có vẻ vui và khỏe hơn.

-Sao hôm nay con về muộn vậy?. Tắm rửa đi rồi cha con mình ăn cơm. Ba vừa làm mấy món mà con thích đó.

Thay đồ xong, phụ với ba một vài việc lặt vặt, ngồi trước mâm cơm không thịnh soạn, nhưng toàn những món ưa thích, càng thấy thương ba nhiều hơn. Cộng với thông tin nhận được từ Tâm hồi chiều, không khí bửa cơm của hai cha con vừa vui lại vừa rất ngon.

  • Ba à! Vừa dọn chén đủa, vừa nhìn ba. Câu mở đầu vẫn chưa tìm được.
  • Gì vậy con? Con nhỏ này hôm nay trông lạ. Có gì mà úp úp, mở mở vậy cô giáo.?

Thuật lại câu chuyện Tâm kể  hồi chiều. Nhìn gương mặt ba đăm chiêu. Ba không nói gì, lặng lẽ vào phòng riêng. Thoáng một chút , ba quay lại với một quyển sổ trên tay.

-Những gì Tâm kể với con là thật đó. Đọc hết quyển nhật ký này, con sẽ hiểu.

Đưa nhật ký của mình cho con gái đọc, chắc là ba tôi có nhiều điều chưa nói được với con. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe ba bảo đây là nhật ký của mẹ.  Ôm quyển nhật ký  thật chặt vào lòng, mừng như nhặt được vàng, chạy  vội vào phòng và tôi thầm gọi: mẹ ơi!

X

X    X

Ngày   tháng    năm 1976.

Lần đầu tiên ở nhà một mình kể từ khi lập gia đình. Đêm nay, mình cùng đứa con  trong bụng sẽ ngủ ở căn nhà được anh Quang dựng trên vuông đất khoảng chừng năm công của cha mẹ chồng để lại. Nhà không bề thế nhưng rất đẹp và tương đối đầy đủ tiện nghi so với những căn nhà khác tại một xã vùng ven thị trấn. Ngoài nền nhà và sân, phần đất còn lại, anh Quang tận dụng triệt để, bố trí sắp xếp để hai vợ chồng vừa có thể chăm sóc ruộng vườn, vừa có thể trông coi nhà cửa.. Liền sau nhà, anh tạo một mảnh vườn nho nhỏ với đủ các thứ cây ăn trái. Xa một chút là chuồng gà vịt và ao cá làm được do anh lấy đất để tôn tạo nền nhà, đắp sân . Cuối cùng là ba công ruộng anh Quang thâm canh tăng vụ, cung cấp đủ lương thực cho hai vợ chồng, đàn gà vịt và làm vốn đầu tư cho vụ lúa sau. Thần hạnh phúc đang mĩm cười với đứa học trò biết yêu tương đối sớm và giờ đây đã là vợ của ông thầy từng dạy mình ba năm liên tiếp.

Nhớ lại trưa hôm qua đi dạy về, anh Quang cho biết được phân công tham gia đoàn kiểm tra chéo hoạt động chuyên môn tại trường cấp 3 của một huyện  giáp ranh quê mình trong thời gian hai ngày. Vừa ăn cơm, anh Quang nói luôn ý định, tranh thủ sau giờ làm việc buổi chiều với đoàn kiểm tra, anh sẽ băng đường tắt về thăm ba má trong đêm. Anh cũng gợi ý sẽ chở theo vài ký gạo mới về cho ba má. Thương ba má già chỉ sống bằng nghề mua bán nhỏ lẻ. Sau đợt đổi tiền đầu tiên, mỗi nhà được vài trăm đồng tiền mới. Việc mua bán ế ẩm vì ai cũng sợ hết tiền, nhà lại không có ruộng nương. Lại càng thương ba má đã già mà phải ăn củ mì cuốn rau hẹ chấm mắm ruốc pha loảng thay cơm. Thật tình, lúc đầu mới nghe anh Quang vắng nhà một đêm hơi sợ. Biết anh Quang thật sự lo cho ba má, càng thấy thương anh nhiều hơn, nhất là anh phải đạp xe cả chục cấy số từ nhà đến nơi công tác. Vậy mà đêm chẳng được nghỉ ngơi, phải đi thêm mấy chục cây số đến nhà cha mẹ vợ rồi sáng hôm sau lại quay trở về làm việc tiếp.

Ngày      tháng    năm 1977.

Ngày mai là ngày bé Diệu giáp thôi nôi. Nghe con bập bẹ những tiếng nói đầu đời, bao nhiêu nỗi nhọc nhằn cũng vội qua đi. Nhìn chung quanh nhà, những vật dụng tiện nghi mà anh Quang mua sắm được nhờ sự đầu tư từ đồng lương trước ngày miền Nam được giải phóng. Anh thường tâm sự, nhờ dạy chung với thầy Diệp mà anh mới có được những tài sản này. Chẳng qua, thầy Diệp là rể tiệm vàng ở huyện, cứ mỗi tháng lĩnh lương, thầy Diệp rũ nhiều thầy cô trong trường trích một phần lương mua vàng để dành. Anh Quang vốn mồ côi cha mẹ, được các chị nuôi ăn học nên có tính tiết kiệm ngay từ hồi sinh viên. Khi thầy Diệp gợi ý, anh là người đầu tiên tán thành. Ai dạy chung với thầy Diệp, sau ngày miền Nam được giải phóng cũng tích cóp được vài cây vàng. Anh là một trong những người sở hữu nhiều cây vàng nhất. Cũng từ vàng sắm được, anh làm quà sính lễ cưới hỏi vợ và mua cho vợ một chiếc Honda dame mới cảo trong thùng.. Cũng từ nguồn tiết kiệm này, anh xây dựng nhà và các đồ dùng trong gia đình. Nhìn chiếc xe Hond SS 67 của anh và chiêc Honda dame C 50 của tôi nằm trùm mền, trong khi anh phải đạp xe cóc cách mấy năm nay mà tôi nghe thắt lòng. Buồn hơn, ngày mai sinh nhật con mà mẹ chẳng  mua được gì để làm quà kỷ niệm. . .

Ngày   tháng    năm 1979.

Đang rải thóc cho đàn gà vịt ăn trước khi vào chuồng, nghe tiếng anh reo vang ngoài ngõ. Mừng quá em ơi, từ nay không phải ôm những thứ nhu yếu phẩm không cần thiết về nhà rồi. Lãnh đạo tỉnh nhà đã quyết định thực hiện việc bù giá vào lương cho tất cả cán bộ, công nhân viên chức toàn tỉnh. Lương của anh trên dưới hai trăm, vậy là không phải lén lút chở gạo về cho ba má. Lúa nhà mình đủ ăn, anh chỉ gửi về vài chục đồng, ba má mua cũng được hơn chục ký gạo. Vậy là ba má ăn giáp tháng. Sinh nhật sắp tới của bé Diệu mình cũng có tiền mua quà cho con. Ôi, vui quá!

Ngày  tháng   năm 1980

Được tin ba  mất. Anh Quang lấy xe Honda đưa mình và con về  chịu tang. Các bạn học chung lớp ngày xưa đến chia buồn đầy đủ. Hầu hết đều tốt nghiệp đại học, một số ít do hoàn cảnh gia đình nên chỉ học trung cấp. Tuy nhiên đứa nào cũng có việc làm ổn định trong các cơ quan nhà nước. Nổi bật hơn hết là Thắng, chỉ vừa học hết năm thứ nhất Đại Học Luật Khoa Sài Gòn thì miền Nam được giải phóng. Nhà nước bỏ khoa luật và các sinh viên được quyền chọn khoa văn học hay khoa kinh tế. Thắng chọn khoa kinh tế. Sau khi tôt nghiệp, do rất năng nổ trong công tác nên sớm trở thành một chuyên viên sáng giá trong ngành thương nghiệp huyện nhà. Mừng cho các bạn và cũng cảm thấy tủi thân.

Ngày   tháng  năm 1982.

Hôm nay bé Diệu vào lớp một. Nhìn đôi cánh tay mũn mĩm ôm chưa hết lưng ba, thấy thương vô cùng. Cha con đi rồi, ngôi nhà sao mà trống vắng. May có mấy con vịt vừa đi lạch bạch, vừa kêu cạp cạp tranh ăn, nghe cũng đỡ buồn. Muốn đi tìm làm một công việc gì khác hơn. Chứ như thế này, sớm muộn gì cũng trở thành một bà lão nông. Nhưng làm gì bây giờ. Mớ kiến thức phổ thông với cái chứng chỉ tôt nghiệp Tú Tài Phần Thứ Hai, chưa qua một trường lớp chuyên môn, có cơ quan nào dám nhận. Nhớ lại mấy đứa cùng chung lớp, đậu Tú Tài Phần Thứ Hai xong, nhờ quen biết, xin đi dạy các lớp nhỏ bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp, sau giải phóng chỉ được lãnh lương không bằng phân nửa giáo viên tiểu học, đành phải nghỉ dạy và đi làm nghề khác. Tám năm đi ra đi vô căn nhà với mô hình kinh tế VACR ( vườn, ao, chuồng, ruộng) của anh Quang, không cần soi gương, cũng hình dung được khuôn mặt mình rồi.

Ngày   tháng     năm 1983.

Gặp lại nhóm bạn thân đến dự ngày lễ mãn tang ba. Bọn chúng huyên thuyên kể nhau nghe về chuyện ở cơ quan. Mình không tham gia được vì có gì đâu để  kể. Thắng nhìn mình ái ngại và tìm cách chuyển đề tài, kể chuyện đi học ngày xưa. Nào là chuyện học tập thể,  rũ thầy cô dã ngoại đồng quê, hái trâm, tát cá. .  .. Rồi không biết do ngẫu hứng hay vì chút rượu mà Thắng nhìn mình say đắm và thành thật tuyên bố : ngày xưaThắng đã đơn phương yêu mình. Thắng cố gắng học giỏi để được giúp mình trong học tập và mong được mình để ý. Thắng rất  buồn khi thầy Quang kết hôn với mình. Dầu có đi chân trời góc biển nào, hình bóng của mình trong tim Thắng cũng không bao giờ phai được. Rất may là anh Quang đang tiếp khách tại các bàn dành cho người lớn tuổi. Các bạn thấy thế, tỏ thái độ không vui. Thắng lí nhí xin lỗi mình và mọi người. Các bạn lần lượt cáo lui ra về. Mình lại càng buồn hơn.

Ngày   tháng   năm 1988.

Mấy năm nay, kể từ ngày được đề bạt làm Hiệu Trưởng, hết miệt mài với công việc ở trường, về nhà anh Quang lại tất bật với ruộng vườn. Lao động cật lực vừa trí óc vừa chân tay, cộng với những  lần hủy hoại sức khỏe để không phải cầm súng thời còn chiến tranh, đã làm anh trở nên cằn cỗi hơn so với tuổi. Anh xao lảng chuyện vợ chồng. Mình khuyên anh giảm bớt công việc và lo cho sức khỏe, anh chỉ  hóm hỉnh: anh hy sinh đời bố để củng cố đời con. Mình gợi ý muốn có thêm một đứa con trai để đủ nếp, đủ tẻ, lúc anh đi dạy, bé Diệu đi học, mình cũng đỡ buồn, anh cũng  chỉ cười trừ.

Ngày     tháng       năm 1988

Nhân một chuyến đi khảo sát giá cả thị trường ở miền tây, Thắng tranh thủ ghé thăm mình và anh Quang. Không có anh Quang ở nhà. Hơi ngại nên sau vài câu thăm hỏi qua loa,Thắng từ giã về sớm. Tiển khách ra đến cổng, nán lại một chút, Thắng cho biết ngành thương nghiệp huyện nhà có mở một cơ sở giao dịch ở thành phố Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản ở địa phương và mua tận gốc các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp ở thành phố. Thắng được phân công phụ trách cơ sở này và cũng gợi ý, nếu mình không có việc làm, có thể về thành phố Hồ Chí Minh, Thắng sẽ đưa mình vào làm việc tại đây, Như vậy, mình có được một ít thu nhập lại có thể theo học một trường chuyên nghiệp nào đó. Không biết phải trả lời như thế nào, đành cám ơn và xin địa chỉ. Nếu anh Quang đồng ý, mình sẽ liên lạc với Thắng.

Anh Quang chấp nhận ngay khi mình hỏi ý kiến. Anh cũng ví von: mười mấy năm nay, mình là nàng công chúa bị anh bắt ngủ quên trong rừng. Lâu lắm rồi, hai vợ chồng mới có được một đêm ngọt ngào tâm sự.

 Ngày   tháng      năm 1988

Mình đến thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối năm, các trường chuyên nghiệp đã qua mùa khai giảng. Lúc này cơ sở giao dịch do Thắng phụ trách lại tấp nập khách hàng. Lỡ dịp ghi danh theo học, mình rất buồn vì mục đích chính của mình  lên thánh phố là học có bằng cấp để sau này xin đi làm. Thắng an ủi, tiếp cận với công việc thực tế cũng là một cách học. Trước mắt, mình cũng tin và cùng làm việc với Thắng. Thắng cũng bố trí cho mình một nơi ở tại cơ sở giao dịch để đỡ tốn tiền thuê nhà. Mình chân thành cám ơn lòng tốt của bạn.

Ngày   tháng    năm 1988.

Làm việc cả tháng nay, nhớ bé Diệu và anh Quang vô cùng. Chủ nhật nào cũng muốn về, nhưng Thắng và chị bạn đồng nghiệp năn nĩ mình ở lại trực cơ sở. Chị ấy cần về quê vì con mới vừa cai sửa. Thắng thì phải về báo cáo với lãnh đạo việc bán hàng và thu mua. Thôi thì mình là nhân viên mới, ở lại trực, bảo quản các mặt hàng  mẫu để giao dịch, cũng chẳng thiệt thòi gì.

Chiều chủ nhật buồn. Thành phố thì đông nhưng mình chẳng quen ai. Định đóng cửa nghỉ ngơi thì Thắng ngừng vội xe trước cửa. Thắng lao vào nhà vệ sinh nôn thốc thức ăn vào bồn cầu. Thắng cho biết xế trưa hôm nay phải tiếp đối tác để thực hiện một thương vụ lớn được lãnh đạo ngành cho phép. Thắng kêu mệt, nhức đầu và xin nghỉ lại một lát. Dìu Thắng vào giường, Thắng nằm yên được một lát thì lăn lộn kêu nhức đầu. Thắng xin vài viên thuốc cảm. May mà anh Quang chuẩn bị sẳn cho mình. Thắng uống vào rồi lại lăn lộn nhiều hơn, trông rất thảm hại. Mình tỏ ý muốn đưa Thắng vào bệnh viện. Thắng lắc đầu và nhờ mình cạo gió. Thực lòng, chỉ xem Thắng là bạn thân thời đi học, bây giờ lại là người ân nên mình chẳng ngại ngần.

Cạo gió  vừa xong, Thắng có biểu hiện dễ chịu và nói lời cám ơn. Kêu Thắng cố gắng nhắm mắt một chút cho khỏe. Vừa quay lưng định ra ngoài, cánh tay mình như vướng lại. Thắng vừa nắm tay, vừa nhìn thẳng vào mắt và lập lại lời tuyên bố cách đây năm năm. Rồi với giọng dịu dàng, Thắng kể với mình về một khoảng đời từ lúc biết yêu, không dám ngỏ, cho đến mười mấy năm vẫn không quên được tình đầu dù chỉ đơn phương, Những lời của Thắng dù nhỏ giọt nhưng đã tấn công vào tận các ngõ ngách tim mình. Những lời mà từ rất lâu anh Quang quên lảng. Và mình đã ngã vào vòng tay của Thắng lúc nào không hay.

Chợt tỉnh, nhìn gương mặt đang say ngủ còn đượm nét mãn nguyện của Thắng,  mình cố nén lòng để không bật lên tiếng khóc. Mình đã phạm một tội tày đình không thể nào tha thứ được. Anh Quang ơi! Thầy ơi! Con ơi!   Mình lao ra khỏi phòng, đi như chạy trốn. . . . .

Ngơ ngác nhìn xung quanh. Ở đâu sao lạ thế này?. Cô điều dưỡng với chiếc blouse trắng chạy đến tỏ ra mừng rỡ vì tôi đã tỉnh. Cô tự giới thiệu là học trò của anh Quang từng đến nhà thăm thầy nên biết mặt mình. Mình bị tai nạn giao thông và người đụng phải đã đưa  vào bệnh viện đúng ca trực của cô. Rất may, vết thương không có gì nguy hiểm. Cô cũng cho biết đã nhắn tin được với gia đình và thầy cũng sắp tới. Trời ơi! Khốn nạn cho tôi quá, nước mắt bỗng tuôn trào như suối chảy.

Ngày   tháng     năm 1988.

Anh Quang đã tận tình chăm sóc cho đến ngày mình bình phục dù mình đã khóc và thú tội với anh ngay lúc anh vừa đến bệnh viện. Anh kêu mình hãy trở về nhà khi ra viện vì không ai biết việc này đâu. Anh sẳn sàng tha thứ vì một phần anh cũng có lỗi. Riêng mình, không thể tự tha thứ được. Làm sao mình dám nhìn mặt mọi người nhất là con? Mình muốn tìm đến một nơi nào không ai biết để tỉnh tâm. Khi nào rửa sạch hết tội lỗi, mình sẽ tự về với gia đình.

Thế là anh Quang đưa mình gửi nhà bà Chín, nơi anh ở trọ đi học ngày xưa. Anh nói dối với mọi người mình là người tình của anh. Hàng tuần anh đến thăm một lần nên ai cũng tin như vậy.

TRANG CỦA BA

Vô tình gặp được quyển nhật ký khi phụ Linh dọn dẹp nhà cửa. Linh thoáng bối rôi khi tôi tỏ ý muốn đọc, nhưng sau đó gật đầu. Bây giờ tôi mới nhận ra lỗi lầm của mình. Kết hôn khi tôi tương đối già, còn Linh vẫn còn tuổi mộng mơ. Cứ tưởng  mang đến cho Linh  một cuộc sống an bình, tương đối tiện nghi so với mọi người trong thời cả nước còn khó khăn là đủ. Tôi cũng không đọc hết những gì đằng sau ánh mắt của học trò. Giá biết Thắng cùng yêu Linh, tôi không để cảnh trớ trêu này xảy ra. . .. Tôi cũng không giận hờn hay oán trách gì Thắng, dù em chưa một lời xin lỗi vợ chồng tôi. Được vài đứa học trò cũ cho biết Thắng đã xin chuyển công tác sang trạm thu mua ở đất Campuchia. Chắc em cũng ân hận nhiều lắm.

Càng yêu Linh hơn. Tôi tôn trọng quyết định của vợ mình. Cầu mong mọi việc rồi sẽ qua đi. Tôi sẽ  cố gắng làm tròn trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ của bé Diệu, vừa làm chồng lại vừa làm thầy của Linh.

X

X     X

Vậy là tôi đã rõ. Những năm tháng vừa qua, ba tôi yên lặng trước những lời chì chiết của các cô tôi. Lại không hề thấy ba có ý muốn đi bước nữa khi có người vun vén. Những lần lấy cớ đi thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh, ở lại đêm, chắc chắn ba đều đến thăm mẹ.

Buổi sáng, ngồi bên hai tô mì hột gà., ba nhướng mắt nhìn: -Sao? Con gái cưng đọc hết quyển nhật ký chưa? Có ý kiến gì không?

-Ba thật là người cha tuyệt vời của con. Chỉ có điều ba kín kẻ quá. Đáng lý con phải được chia sẻ những buồn vui của ba trong hơn mười năm qua. Giờ mẹ như thế nào rồi? Mẹ ở đâu? Chừng nào con mới gặp được mẹ? Còn những bức thư của mẹ  . . . Sao mẹ không viết thư tiếp cho con?

Ba tỏ ra bình thản trước những câu hỏi dồn dập của tôi:  -Từ từ con gái ạ! Trước hết, ba định năm nay xin nghỉ hưu trước tuổi. Con cũng đã trưởng thành. Nhà cửa, ruộng vườn ba giao lại cho con. Ba lên thành phố Hồ Chi Minh sống với mẹ. Bây giờ, sau khi tham gia một khóa đào tạo ngắn ngày, mẹ con đã trở thành cô nuôi dạy trẻ ở một trường  Mầm Non. Ba sẽ xin dạy giờ tại một vài trường tư thục. Cùng với lương hưu của ba, nguồn thu nhập của ba mẹ  chắc đủ sống ở thành phố. Thời gian rổi rảnh, ba mẹ sẽ cùng nhau đăng ký học một lớp tại chức nào đó. Hơn lúc nào hết, ba muốn trở thành người bạn học chung lớp với mẹ của con.

Chưa bao giờ tôi cảm nhận được hạnh phúc ngập tràn như lúc này. Ba ơi! Đến bây giờ con mới biết: mẹ chính là người tình của ba .

  TRẦN VĂN

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác