TỰ VẤN
Theo nhà Phật, cõi thế gian là cõi sống cộng đồng, nói theo thuật ngữ nhà Phật là: “Ngũ thú tạp cư địa” nghĩa là trên tinh cầu này là cõi dục một trong ba cõi ( dục giới, sắc giới, vô sắc giới ) gồm 5 loại sống lẫn nhau – Trời dục giới, người. Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Riêng Trời dục giới, địa ngục, ngạ quỉ con người bình thường không thấy bằng mắt. Về lý thì bản chất trong con người đều hàm tàng những tính chất đó.
Trong phạm vi bài này, chỉ xét đến con người và súc sanh. Trong mỗi sinh loại đều ẩn chứa sự sống của những sinh loại khác, tạo thế cân bằng. Ví dụ trong con vật có những ấu trùng, sán lãi; trong con người cũng chứa những sinh loại như thế, kể cả vi khuẩn. Cơ thể khỏe mạnh thì năng lượng sinh học tạo thế cân bằng đồng cư cho nội tạng. Lúc suy kiệt, những vi khuẩn bắt đầu phát tác. Suy kiệt không chỉ về thể chất, tinh thần góp phần quan trọng cho sức khỏe. Có những lúc do thu nạp dinh dưỡng thiếu cân đối, tạo thế tương thích cho một loại vi khuẩn, sán lãi phát sanh. Đôi khí môi trường sống tác hại cho sức khỏe, đưa đến một sinh loại trong cơ thể phát triển ta gọi là bệnh. Súc sanh gồm sinh vật sống trong thiên nhiên và loại được con người nuôi dưỡng gọi là gia súc. Những sinh vật đó đều ẩn chứa mọi loại vi sinh vật, tự chúng có sự cân bằng nội tạng như thiên nhiên tự cân bằng sinh thái. Thiên nhiên thời khí bất thường, thiên tai bão lụt do con người can thiệp vào thiên nhiên làm mất cân bằng sinh thái; cũng thế, gia súc được nuôi dưỡng bằng thực phẩm tức can thiệp vào yếu tố sinh tồn tự nhiên nên chúng phát sanh bệnh dịch…Những sinh vật sống trong thiên nhiên có đủ mầm bênh nhưng chúng không bao giờ bị bệnh. Ví dụ loài dơi mang mầm bệnh Coronavirus, bất cứ sinh vật nào cũng đều mang mầm bệnh, nhưng do kháng thể tự nhiên nên chúng không bị bệnh như chúng ta. Yếu tố cơ bản của mọi sinh loại, kể cả con người đều có kháng thể đặc biệt; nhưng chúng sống theo bản năng nên bản chất cân bằng nội thể tạo một sức đề kháng thích hợp. Riêng con người, ngoài vấn đề thu nạp đủ loại thực phẩm bằng máu thịt của các chủng loại, kèm theo vi khuẩn của chúng, tích tụ lâu ngày, gặp thời tiết thuận lợi, bệnh phát sinh. Xét về mặt tâm lý, con vật bị sát hại sanh tâm oán thù, đau đớn. Suốt đời người nuôi dưỡng thân mạng bằng những máu thịt đầy vi khuẩn, oán hận chồng chất, nghiệp ác hiện tại cộng với ngiệp ác quá khứ gặp môi trường thích hợp bệnh khổ, tai nạn…phát sanh. Tâm lý sát hại sinh vật kích thích bởi ham muốn, thích thú, xem sinh mạng khác như món ăn thỏa dạ, giết hại như trả thù một đối tượng; không chỉ đơn thuần vị kỷ mà vô hình tạo một tương tác trong thế giới đối đãi nhị nguyên. Một quả bóng ném mạnh vào vách, tất nhiên lực phản hồi tương đương lực ném. Ý thức đóng vai trò quan trọng trong thế giới nhân quả. Tại sao các bậc chân tu (thật sự) sống thọ, không hề bệnh? Trong quá khứ cũng như hiện tại, các bậc chân sư đã chứng minh điều nầy. Đức Pháp chủ GH.PGVN hiện nay 106 tuổi suốt đời không tốn viên thuốc. Các sư trên hang sâu núi cao nếu bệnh làm sao? Trong tâm thức không tích lũy tâm thái tiêu cực vị kỷ, không oán hận, tham muốn thì làm gì tạo nghiệp đối kháng? Dịch bệnh là một sinh thể âm, loại vi khuần sống chung với cơ thể, thích hợp với tâm thái tiêu cực; năng lượng âm cuốn hút tánh tương cận. Tâm bình thản, an lạc, phục vụ vô ngã là năng lượng dương có công năng bảo vệ sinh mệnh, chính vì thế trước dịch nạn, tâm bình tĩnh góp phần giải quyết sáng suốt sự xâm nhập từ ngoài.
Thực dưỡng thanh đạm, tâm thái an hòa, hành đông vị tha là lá chắn hữu hiệu đối với mọi vi khuẩn. Không một con vật nào tự dung tấn công ta nếu ta không khởi ý hành động chống chọi nó. Hãy tự vấn ý nghĩ và hành động trong đời sống cộng đồng (ngũ thú tạp cư địa) để hòa hợp cộng sinh với thiên nhiên như những bộ tộc ly khai trước tiện nghi khoa học thực dụng, chắc chắn năng lượng tự thân đủ sức đề kháng với mọi vi sinh vật,
MINH MẪN
15/7/2021