NHẬN ĐỊNH VỀ THƠ BÙI HOÀNG LINH

Ngày đăng: 16/06/2021 11:58:55 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tác giả  Bùi Hoàng Linh bén duyên với văn chương khi còn đang học phổ thông tại Trường Quốc Học Huế. Thơ Bùi Hoàng Linh giàu cảm xúc bởi sự chân thành khi thể  hiện thành công những cảm hứng trữ tình có đan xen tự sự, nhiều suy ngẫm chiêm nghiệm. Thơ anh còn có những câu mang ít nhiều trào lộng thâm trầm đôi khi hóm hỉnh nhưng chua chát, ẩn chứa một nụ cười buồn đâu đó trong vần thơ.  Ngôn ngữ thơ hàm súc, giàu hình tượng.  Đến nay anh đã có nhiều thi phẩm đăng trên các trang web vanchuongviet.org; vandanviet.com; haibogiay.net. vanchuongphuongnam.vn; art2all.net và Báo Thanh Niên.Tập thơ LỜI THƯƠNG GỬI HUẾ in chung với mẹ  của tác giả, nxb Thuận Hóa, tháng 9/2020. Góp mặt trong Tác phẩm văn xuôi SÀI GÒN THÀNH PHỐ TÔI YÊU do Báo Thanh Niên tuyển chọn những bài viết những bài viết hay nhất về Sài Gòn, nxb Hồng Đức 2020. Thơ anh đã sớm nhận được sự yêu mến đón đọc của nhiều độc giả.

 

    Giới thiệu vài nét về tác giả Bùi Hoàng Linh.

Anh sinh năm 1985 tại thành phố Huế. Tốt nghiệp Trung học cơ sở với số điểm các môn tự nhiên khá cao nên được trường Nguyễn Huệ-Thành Nội Huế xếp vào lớp chọn ban A. Nhưng anh lại thi đậu vào chuyên văn trường Quốc Học Huế với dự định là sẽ thi vào trường báo chí. Nhưng đến năm lớp 11 thì niềm yêu thích kiến trúc lại hấp dẫn anh hơn. Thế là anh ôn luyện hai năm cho dự định mới này và đã đạt ý nguyện, thi đậu vào trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh khóa 2004-2009. Bây giờ nghề nghiệp chính của anh là Thiết kế công trình, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài thời gian cho công việc thì anh vẫn đến với văn chương như là niềm vui làm cho cuộc sống tinh thần thêm phong phú. Văn chương xem ra thì không liên quan gì đến nghề nghiệp của anh nhưng có đấy- anh chia sẻ,văn chương giúp cho người Kiến Trúc Sư như anh có vốn từ phong phú để diễn đạt, thuận lợi cho việc thuyết trình những bản vẽ của mình hoặc khi dịch những thông tin từ tiếng Anh qua tiếng Việt (thời kỳ anh làm việc cho một công ty của Tây Ban Nha) có chút văn chương thì dịch câu kéo cũng hay hơn, diễn đạt thuận lợi có sức thuyết phục hơn trong cuộc sống cũng như trong công việc.

2, Hồn thơ Bùi Hoàng Linh giàu xúc cảm, lãng mạn và có chút triết luận nhẹ nhàng. 

Bùi Hoàng Linh tỏ ra biết chắt lọc cảm xúc và rất có kỹ thuật trong cách lập tứ, gieo vần, lựa chọn thi liệu, thi ảnh để đưa vào thơ rất biểu cảm. Ngôn từ rất có giá trị biểu đạt cao.  Có sự kết hợp hài hòa cân đối giữa ý và nhạc làm nên những vần thơ rất lôi cuốn người đọc. Đặc biệt cách dùng từ độc đáo khi kết hợp những danh từ, tính từ trừu tượng và cụ thể “ nỗi nhớ- bàn tay” “ ký ức- rêu xanh” rất sinh động và biểu cảm.

“Ta trở về trong nỗi nhớ bàn tay

Những ký ức rêu xanh vừa thức dậy

Dòng sông lặng lưu hình tà áo cũ

Em qua cầu trong buổi sớm mờ sương” 

( Tóc trắng)

Ngày vẫn đi theo tiếng gọi thời gian, sự vật biến thiên vẫn không ngừng thay đổi. Nhưng tình đời, tình người, tình đôi lứa vẫn đồng hành với niềm vui và nỗi buồn. Hạnh phúc và khổ đau, hẹn thề và nuối tiếc. Cuộc sống vốn thế, tình yêu vốn thế! Tác giả sử dụng các biện pháp nghệ thuật nhân hóa “ ngày tháng gọi lời tự tình của đá”. Dùng điệp từ “ nhặt” bên cạnh các từ chỉ những ý niệm nhằm cụ thể hóa những khái niệm trừu tượng:  thời gian, dấu hài, lời tình tự…làm cho hình tượng thơ trở nên độc đáo, hấp dẫn.

“Ngày tháng gọi lời tự tình của đá

Mùa rêu xanh cũng úa giấc mơ người

Ta nhặt lấy thời gian trong ngấn lệ

Dâng cho người nuối tiếc một cơn mê

Cuộc sống đôi khi không thể đều như ý, nên có những điều khi ta nhận ra cũng đã trễ mất rồi, giọng thơ chùng xuống, man mác buồn. Có chút gì nuối tiếc ở đây. Ta chỉ còn biết lưu lại những khoảnh khắc đẹp, nên thơ trong tâm tưởng. Để thấy rằng có những điều bây giờ là dĩ vãng nhưng không dễ quên. Ở khổ thơ này tác giả dùng những từ chỉ màu sắc: “Cỏ biếc, sim tím” làm cho câu thơ có thi ảnh rất độc đáo. Các danh từ, tính từ, và động từ được chọn lọc và đặt đúng chỗ, Bùi Hoàng Linh đã đem đến cho độc giả những câu thơ hay!

“ Ngày tháng gọi lời tự tình đã muộn

Ga tàu đêm không hứa hẹn người về

Ta nhặt lại dấu hài trên cỏ biếc

Dâng màu sim cho tím vạt áo người

 

Ngày tháng gọi lời tự tình nào mới

Bên kia trời hò hẹn một cuộc yêu

Ta nhặt lại lời tự tình riêng cũ

Chẳng còn gì nhưng cũng chẳng thể quên.”

( Ngày tháng nào)

Tác giả rất thành công khi sử dụng điệp từ, điệp ngữ nhằm nhấn mạnh, tạo ấn tượng để gửi gắm tình ý trong thơ.

“Đền em cả vui buồn năm tháng

Cả giận hờn thương nhớ của ngày mưa

Đền em đó cả thời quên và nhớ

Cũng bồi hồi khi chạm phải bờ vai” 

( Đền em)

“Em có nghe những ngày trời trở chứng

Ngọn gió mùa trôi những dấu phiêu phai

Em có nghe lá buông lời tình tự

Trên vai em nũng nịu giọt sương mềm”

( Em có nghe)

Về hình thức nghệ thuật, tác giả tỏ ra rất thành thạo khi lập tứ gieo vần ở tất cả các thể thơ: Thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn, thơ bát ngôn và cả ở thơ tự do.

Chúng ta hãy đọc một đoạn thơ tự do của anh. Ở thể thơ này Bùi Hoàng Linh đã kết hợp kể và tả, diễn tả một cách tự nhiên bằng ngôn ngữ bình dị, mang hơi thở của cuộc sống hiện thực, đan xen một cách  hài hòa giữa cảm hứng tự sự và cảm hứng trữ tình để có những vần thơ tâm đắc.

“Về đâu đó giấc mơ tôi

sẽ chẳng về đâu cả

nếu ta luôn chọn lựa bằng lý trí 

bởi có những khoảnh khắc

ta cần cảm xúc dẫn đi …

đi đâu

đi đến giấc mơ và biến nó thành hiện thực.

( Về đâu đó giấc mơ tôi)

Tác giả sử dụng các biện pháp nghệ thuật: câu hỏi tu từ ( Xuống phố với tôi không? , dùng điệp từ (Có) , phương pháp liệt kê: Có chiếc xe đạp, mặt đường quen, bàn tay gồ ghề…kết hợp gợi kể và tả chân như một lời tâm tình gần gũi với cuộc sống đời thường để có những câu thơ rất đỗi chân thành như thế!

“Xuống phố với tôi không

Tôi có ngày cuối tuần bình yên

Có chiếc xe đạp cà tàng trật xích                                            

Có mặt đường quen cũ màu cổ tích

Có hàm râu bỏ quên trên gương mặt

Có bàn tay gồ ghề những cục chai …”

( Chia cho em một đời tôi)

Những kỷ niệm của một thời áo trắng thật trong trẻo, dẫu nghèo mà vui. Trong giai đoạn lịch sử ấy chỉ có thế mà thôi! Vật chất có thể khiếm khuyết nhưng tình yêu thì vẫn tròn đầy một thời hoa mộng. Mỗi một hình ảnh, một ngôn từ từ xuất hiện có sức gợi lên trong tâm hồn người đọc một trường liên tưởng về một quãng đời học sinh dẫu khốn khó nhưng tươi đẹp của những năm tháng đất nước vừa thoát ra khỏi thời kỳ bao cấp.

“Phố dễ thương phải không anh

Em đổi cả những tháng năm đi qua

Để ngồi trên chiếc xe đạp cũ

Chở em trong ký ức thưở cấp III

Em lại cười khúc khích trên lưng

(…)

Năm tháng đi qua

sẽ cùng em xuống phố 

tóc có trắng như màu mây 

áo úa nhàu phai cũ

vẫn còn bàn tay thô rám

để nắm một bàn tay 

giữa những lối đi về.”

(Chia cho em một đời tôi)

Nghệ thuật gợi nhiều hơn tả, ít lời, nhiều ý, tạo nên tính hàm súc cần có trong thi ca. Chữ dùng có nhiều sáng tạo, mỗi một hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tượng trưng, tạo ra những câu thơ hay.

“Tôi quay cuồng thao thiết giữa cơn mưa

Khi ngậm ngùi những dòng thơ độc cảm

Trên ngón tay hao gầy giấc mơ cũ

Sáng mai kia ngồi đếm những chuyện buồn”

( Tháng Năm mưa)

Tác giả dùng những cụm từ “miền phủ đệ”, “rêu úa mái thời gian” gợi lên một kinh thành cổ kính, những lăng tẩm đền đài của cố đô Huế thân yêu! Nơi đây tác giả đã sinh ra và lớn lên nhưng sắp phải chia tay vì sự nghiệp học hành, công tác …ở một thành phố khác. Những lời tâm tình tác giả gửi gắm tình cảm sâu sắc với quê nhà qua những câu thơ bình dị mà dạt dào cảm xúc.

“mai xa miền phủ đệ

rêu úa mái thời gian 

dòng sông lười biếng chảy

con đường vắng người quen”

(Miền rêu phủ)

Mỗi năm một lần, đến mùa tảo mộ, người còn sống chăm chút, sửa sang, nhang khói cho mộ phần của tổ tiên. Lòng tác giả trào dâng một niềm xúc cảm thể hiện qua những vần thơ trữ tình  đầy liên tưởng thi vị. Quá khứ, hiện tại chợt đồng hiện trong không gian thơ, thoáng chút ngậm ngùi vì thời gian trôi nhanh như vó câu qua cửa mà đời người thật hữu hạn. Những biện pháp tu từ, ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hóa, ví von, được tác giả sử dụng để sáng tạo ra  những vần thơ ước lệ ,trữ tình,   hình tượng, giàu thi ảnh và  nhạc tính. Hàm ẩn trong đó tấm lòng bùi ngùi nhớ thương của hậu sinh- con cháu đối với tiền nhân rất tha thiết bồi hồi.

“Lối ta về cầm mưa tô quá khứ

Tranh thời gian tóc trắng lẫn chân chim

Vừa mới nằm nôi trong lời ca dao quê cũ

Bỗng một chiều ta lặng nhớ tiền thân.”

( Lời người tảo mộ)

“Những tờ lịch đưa thời gian đi mất

Mây chiều nay lặng lẽ kéo mùa về

Én chưa đến nhưng bên ngày nắng ấm

Em gieo xuân trong đáy mắt phố gầy”

( Lời của phố cuối năm)

Tác giả Bùi Hoàng Linh còn rất trẻ, vốn sống chưa nhiều song anh có những câu thơ đầy suy tư chiêm nghiệm. Anh gửi gắm  vào thơ một chút triết luận nhẹ nhàng.  Đời người nếm trải hạnh phúc và cũng có khổ đau như vốn lẽ công bằng của Thượng đế không cho ai một lúc mà nhiều thứ.

“Như tiền thân trả giá thuở nguyên sơ

Cũng chia cắt bội bạc nhau từ đó

Nhưng có hề chi Thượng đế của ta ơi

Yêu rồi đau-cái giá làm một con Người.”

( Tự tình kẻ tội đồ) 

Đây là những vần thơ ký thác nỗi niềm, tác giả sử dụng thành công biện pháp nhân hóa, tạo nên những câu thơ hay, sinh động và ấn tượng.

“Tháng sáu như người mắc nợ trần gian

Đi và về cứ chia làm hai nửa
Nửa đi lạc như một đời đãng tử

Còn nửa nào bưng mặt khóc quê hương”

( Tháng sáu ngồi khâu vá thời gian) 

Còn nhiều nữa những câu thơ rất lôi cuốn tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc yêu thơ nhưng trong khuôn khổ bài viết, phần trích dẫn xin được dừng ở đây. Có những câu thơ đọc lên đã thấy hay nhưng có những câu đọc kỹ  mới thấy quý bởi ý tưởng đẹp, cảm hứng và ngôn ngữ  thơ độc đáo. Cấu trúc thơ có bài theo chỉnh thể, gieo vần đối thanh một cách linh hoạt và khéo léo. Có bài thơ tự do biến hóa như một phức điệu đa thanh, đa âm mà ở đó chất trữ tình cũng thấm đẫm dư ba mang phong cách sáng tạo riêng của tác giả. Thơ Bùi Hoàng Linh có sự kết hợp giữ bút pháp hiện thực với bút pháp lãng mạn tạo nên những vần thơ giàu chất trữ tình, tự sự và giàu cảm xúc với những thi ảnh bình dị mà rung động lòng người. Giọng thơ tâm tình đằm thắm, tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống.

Chúc cho tác giả sức khỏe, luôn thành công trong công việc chuyên môn và tiếp tục có những sáng tác mới trong nghệ thuật thi ca.

Sài Gòn ngày 23/9/2020

Hoàng Thị Bích Hà 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác