SƯ ÔNG CHÙA NÚI
! Ở khu vực núi đồi, giáp ranh giữa ba tiểu bang Virginia, Maryland và West Virginia là nơi đầu nguồn của dòng sông Potomac, là vách núi dựng đứng, soi mình xuống dòng nước cạn lô nhô đá núi chảy miên man về phía đông tìm đường ra biển. Có một con đường nhỏ tên là đường Đồi Đậu Phộng, chạy men theo vách đá, lên cao, lên cao, quanh co chạy uốn vòng theo vách đá rồi đi vào những đồi cao thấp khác nhau để vào khu cao nguyên của thị trấn Charles Town của tiểu bang West Virginia. Những ngọn đồi xanh cây cỏ, vườn tược, thấp thoáng xa xa mới có một căn nhà ẩn sâu trong rừng cây, cái đẹp của cao nguyên là cái đẹp của cô tịch.
Thường thì vẫn có những con đường nhựa nhỏ, dẫn vào một căn nhà hay một khu gia cư nào đó mà đằng trước có bảng đề rõ Đường Riêng Tư, cá biệt là khoảng giữa đồi, có con đường mang tên Nuisap St., tên con đường nghe như tiếng Việt làm cho tay lái lãng du bỗng dưng chậm lại.
Dịch bệnh Covid đẩy toàn thế giới vào cơn biến động đặc biệt, số người nhiễm càng lúc càng tăng cao. Mỗi quốc gia, mỗi thành phố có một cách ngăn ngừa và chống lây lan khác nhau.
Nhiều nhất vẫn là tránh giao tiếp, tự cách ly mình khỏi đám đông, cô lập trong nhà và trang bị khẩu trang, bao tay khi bắt buộc phải ra ngoài.
Những ngày đầu tháng 3, lệnh giới hạn gặp gỡ giao tiếp được ban hành, mọi người nghiêm chỉnh chấp hành, các hàng quán đóng cửa, các hẹn hò … từ nay xếp lại, chỉ có điều khó lòng mà tâm nhẹ nhàng như mây… (nhạc TCS). Ông Thành lại là người giữ gìn nhiều nhất, bởi vì ông có đầy đủ yếu tố để dễ nhiễm bệnh: già yếu, có bệnh nền là cao mỡ, cao máu, thấp khớp…
Tháng đầu, thoải mái trong nhà, với kế hoạch buổi sáng thăm viếng nhà bếp, buổi trưa tham quan phòng khách, buổi tối hẹn hò ăn với vợ và bắt đầu giao tiếp bạn bè thân hữu từ xa trên mạng. Kế tiếp tìm thêm thú vui bằng đọc sách, xem tranh, vẽ vời nhưng qua tới tháng thứ hai thì quẩn chân quá đỗi. Phải đi ra ngoài thôi, không cần gặp gỡ ai cả, không hẹn hò hay nhắm tới phải đi đâu, cứ việc lên xe, tự trang bị cho mình nước rửa tay, khẩu trang, nón và kính mát, và lái đi.
Nhớ đến câu chuyện Thiền, khi một thiền sinh này hỏi thiền sinh kia anh đi đâu đấy, và câu trả lời là gió thổi đến đâu tôi đi đến đó. Trên xe thì đâu có gió, nên tự nhắn với mình đường chạy tới đâu, tôi đi đến đó, bữa nay chạy về hướng đông, ngày mai chạy về hướng tây, ngày mốt hướng nam, hướng bắc.
Và hôm nay, ông Thành thong dong chạy về hướng tây, chạy ven theo con sông Potomac về phía đầu nguồn, thấy con đường lạ thì lái xe vào và bây giờ đang ngẩn ngơ nhìn tên con đường nghe như âm hưởng Việt Nam: Nuisap St.
2/ Con đường nhỏ uốn lượn theo các cánh đồng trồng nho ven những ngọn đồi xa, chạy xa lắm mới thấy hình bóng căn nhà. Gần hơn, mới thấy thực ra là một cụm ba căn nhà gần kề. Hai căn hai bên thì rất bề thế, nhìn như một tòa lâu đài, cái lạ là nhìn thì biết ngay là cùng một chủ nhân, vì cách xây dựng, màu sơn, cho đến hàng rào gỗ trắng cũng in hệt như nhau. Chính giữa hai căn đó là một ngôi nhà nhỏ hơn, phải nói là nhỏ hơn rất nhiều. Hai bên là hai biệt thự lớn hai tầng, có sân vườn trồng hoa cắt tỉa khéo léo, có đường cho xe chạy từ cổng vào cong theo bồn hoa giữa sân để chạy vào sát khung cửa chính, có bậc thang đưa lên kiểu cách và tinh tế, bề ngang rộng rãi có lẽ phải là ba căn phòng tiếp nối nhau vì nhìn ra phía trước ngoài cửa chính còn có 8 cái cửa sổ, treo rèm màu tím sẫm, cả hai căn đều kết cấu xây dựng như nhau, sơn màu như nhau, mà rèm cửa cũng cùng màu như nhau luôn.
Căn nhà ở giữa thấp nhỏ, cửa chính và hai cửa sổ hai bên, chỉ có một con đường nhỏ trải sỏi chạy từ trước vào bên hông nhà. Căn nhà thực ra chẳng có gì đáng chú ý, nó nhỏ và hẹp, đơn giản và cô độc, nằm giữa hai tòa biệt thự, nhìn nó không khỏi liên tưởng đó là một cái nhà kho của hai căn nhà hai bên. Cái làm ông Thành đặc biệt chú ý là trước cửa nhà, có một cái bàn Thiên. Đó là một cái trụ xi-măng cao khoảng thước rưỡi, bên trên là một tấm bê-tông vuông nhỏ, trên đó có một cái giống như bát hương, dường như có cả mấy cọng chân hương. Căn nhà cách mặt lộ khoảng vài chục thước, trong khi hai tòa biệt thự hai bên xây cất thụt vào trong sân cả gần trăm thước.
Ông Thành đậu xe vào lề đường, nhìn ngắm căn nhà và lòng nổi lên nhiều thắc mắc. Tiếng máy xe từ bên hông căn biệt thự chạy ra, một chiếc xe cắt cỏ, chiếc xe chạy rà rà và đậu ghé bên xe ông Thành. Người đàn ông trên xe đầu trùm kín bằng cái nón lớn, mặt thì che khẩu trang, ghé lại hỏi bằng tiếng Anh: Tôi có thể giúp gì cho ông? Ông có cần gì không? Rồi giọng nói ồ lên, Ông là người Châu Á phải không?
Ông Thành đáp lại, “Vâng tôi là người châu Á, tôi là người Việt Nam. Tôi chỉ chạy ngang thôi, khu đồi này đẹp quá!” Người đàn ông tắt máy xe, gỡ cái nón ra, rồi bước xuống xe nồng nhiệt chào hỏi. Lần này thì bằng tiếng Việt:
– Hay quá, tôi là người Việt, hiếm khi gặp người Việt ở vùng này. Ông có thời gian không? Ông có thể ghé nhà chơi, chúng ta có thể uống nước trà và chuyện trò cho vui.
– Ông Thành ngần ngừ, thời gian thì có, vì tôi đang rảnh rỗi hoàn toàn, nhưng mùa Covid này…
– Ồ không sao đâu. Tôi là người vùng này và… tôi đã cách ly với đời sống cả ba năm nay chứ không chỉ vài tháng vừa qua. Còn về phía ông, nếu ông cảm thấy an toàn thì chúng ta có thể trò chuyện mà.
Người đàn ông gỡ bỏ khẩu trang, lộ ra khuôn mặt trắng hồng đôn hậu, đuôi mắt có dấu chân chim, khoảng chừng trên dưới 60. Lúc này ông Thành mới chú ý người đàn ông cạo đầu trọc và bên trong lớp áo khoác, lộ ra cổ áo màu nâu.
– Ông là người xuất gia?
Người đàn ông bật tiếng cười, không, tôi có một thời là tăng sĩ, nhưng bây giờ chỉ là một người tu tại gia thôi.
Ông Thành vui vẻ tắt máy xe, bước xuống, thật hân hạnh được quen với ông, xin được uống với nhau vài chén trà.
Đi theo sau chủ vào căn nhà nhỏ. Mở cửa bước vào là phòng khách, kê bộ bàn ghế gỗ đơn giản, giữa nhà, đúng là có một bàn thờ Phật, nhưng là một bàn thờ Phật tại gia, hết sức đơn giản. Không có tượng, treo giữa là tấm ảnh chụp pho tượng bán thân Đức Phật đen trắng, trên bàn thờ có lọ hoa tươi chắc mới hái trong vườn, cái chuông, mõ nhỏ và xâu tràng hạt gác ngang cuốn kinh.
Chủ mời khách an tọa, rồi lúi húi cắm điện nấu nước sôi.
Vóc dáng nhanh nhẹn và khi nhìn sau lưng hai đường gân cổ nổi lên thẳng đứng mạnh mẽ, làm ông Thành mênh mang nhớ… hình như có chút gì quen thuộc.
– Thưa… ông quý danh là gì? Ngày xưa xuất gia pháp hiệu là gì, xin cho biết để dễ xưng hô?
-Tôi là Chơn Nhã.
Ông Thành buột miệng la lên: “Chơn Nhã… Thủ Đức? …”
Chơn Nhã cũng giật mình, quay phắt lại. “Phải rồi Thủ Đức, ngày xưa tôi xuất gia và tu học tại một thiền viện ở Thủ Đức… Sao ông biết?”
Ông Thành đứng bật dậy, hướng về Chơn Nhã chắp tay chào, “Chơn Nhã không nhớ tôi sao? Tôi là Minh Thành…”
– Minh Thành, Minh Thành… Tôi nhớ rồi, hồi nãy khi nhìn ông, tôi đã ngờ ngợ…
3/ Khoảng năm 1976 gì đó, Thành làm nghề cưa lọng hàng mỹ nghệ gỗ ở Saigon, làm giao mối cho các chợ Bình Tây, Bến Thành, An Đông và một số cửa hàng bán quà cưới ở Hóc Môn, Thủ Đức. Có lần, chạy lên Thủ Đức giao hàng, khi về, trời buổi trưa nóng nực, mệt mỏi Thành chạy xe ngang một ngôi chùa có cây cao bóng mát ở gần xa lộ. Đậu xe vào một gốc cây cao, bên dưới có sẵn cái ghế đá, Thành ngồi xuống và mệt quá nằm ngủ lúc nào không hay. Không biết chợp mắt được bao lâu, khi giật mình thức dậy, nhìn vẫn thấy còn xe, và bên cạnh lại có sẵn một ly nước có đá.
Thành sửng sốt nhìn quanh, thấy từ hiên chùa một chú tiểu đưa tay lên chào. Thành cảm tạ rồi nâng ly lên, té ra không phải nước lọc, mà là một ly chanh muối ngọt ngào, thanh mát giữa trưa hực lửa. Thành bước tới cám ơn, chú tiểu xưng tên là Chơn Nhã, và hẹn khi khác nói chuyện, vì giờ này Bổn Sư vừa thức nên chú phải lên hầu Sư phụ.
Những lần sau, Thành lên chùa, tìm gặp Chơn Nhã, chuyện trò mới biết Chơn Nhã gốc là người miền Trung, xuất gia vào chùa đã được 4 năm và đang là một trong hai thị giả của Hòa Thượng trụ trì. Năm đó Chơn Nhã 17 tuổi và đang theo học lớp 12 ở trường trung học thị trấn.
Thị giả là người gần gũi nhất đối với sư phụ, là người chăm lo miếng ăn nước uống, hầu thay y phục và bên cạnh sư phụ trong tất cả các lễ nghi, lúc giảng pháp, lúc hành lễ và cũng là người thu xếp các tiếp xúc của sư phụ đối với người ngoài. Trong Phật giáo, vị thị giả nổi tiếng nhất chính là ngài A Nan theo hầu Đức Thế Tôn, và trở thành vị Tôn Giả uyên bác nhất của Phật giáo.
Chơn Nhã còn trẻ, nhưng từ lời ăn tiếng nói cho tới phong cách đi đứng đều giữ nghi biểu điềm đạm thanh tịnh. Thành và Chơn Nhã kết bạn với nhau, Thành học được thật nhiều điều từ người bạn trẻ tuổi xuất gia này. Kỷ niệm với Chơn Nhã là có lần, Thành thấy Chơn Nhã thường đi chân không, nên trong dịp ghé thăm, đã tặng Chơn Nhã đôi dép và hai cục xà bông ngoại.
Chơn Nhã nhận món quà một cách trân trọng, đứng lên cúi đầu cám ơn. Sau đó nhẹ nhàng: Chơn Nhã nhận tấm lòng của Minh Thành rồi, nhưng xin cho Chơn Nhã tặng lại Minh Thành, vì Chơn Nhã không sử dụng. Đi chân không là theo giáo pháp của Khất Sĩ, đi để tránh trường hợp vô ý sát sinh các sinh vật nhỏ trên đường đi, còn xà bông thì quý lắm, nhưng Chơn Nhã đang sống trong tăng chúng, và chỉ sử dụng cái gì mà các tăng chúng cùng sử dụng chứ không nên xài cái khác. Rồi lần khác khi tạm biệt nhau, Thành chắp tay cầu chúc Chư Phật gia hộ cho Chơn Nhã thân tâm an lạc. Chơn Nhã mỉm cười cám ơn, Minh Thành chúc lành cho Chơn Nhã là lòng Minh Thành rất tốt, nhưng Chơn Nhã nghĩ Đức Phật không giáng họa cho ai thì ngài cũng đâu bao giờ ban phước cho ai. Tìm được an lạc là từ giáo pháp của Thế Tôn, nương vào đó, tự tu tập mới tìm được an lạc thực sự chứ.
Sau đó, lên chùa mấy lần không gặp Chơn Nhã, Thành bước hẳn vào chùa xin gặp Chơn Nghĩa là bạn đồng tu với Chơn Nhã và cũng là thị giả của Hòa Thượng để hỏi thăm về Chơn Nhã.
Chơn Nghĩa trả lời là Chơn Nhã không ở chùa nữa, còn Chơn Nhã đi đâu làm gì không ai biết..Ai ngờ gần 40 năm sau lại có cuộc hội ngộ bất ngờ này.
4/
Đây là câu chuyện của Chơn Nhã.
– Đúng là khi tôi rời chùa, không ai biết tôi đi đâu, ngoại trừ ân sư. Chính Ngài đã chấp thuận và khuyến khích tôi đi ra khỏi chùa.
Chuyện là một buổi trưa đó, sau khi hầu ân sư xong, khi Thầy ngồi tịnh, tôi như có một thôi thúc kỳ lạ nên đi xuống sân chùa thì gặp một người giống như hành khất. Thật ra đó là một du tăng vì ông cụ đó tuổi đã rất cao, gầy ốm hom hem, đầu trọc nhưng tóc đã mọc ra lún phún, bạc trắng, áo tăng bào sờn rách, cái bị vải cũng không lành lặn, cậy gậy ông cụ chống lại là một nhánh cây khô và bước đi chập choạng như muốn té. Tôi sửng sốt chạy lại đỡ ông cụ vào hàng hiên ngồi và chạy vào nhà trai xin một dĩa cơm, ly nước đem ra cho ông cụ. Hỏi thăm thì ông cụ không trả lời vào câu hỏi mà nhướng đôi mắt lên hỏi tôi có phải là một tăng sĩ không? Ánh mắt của ông cụ thật kỳ lạ, sáng như bên trong có đèn, nhưng lại phát ra sự đằm thắm, ấm áp, nhân từ.
Tôi trả lời đúng, cụ gật đầu, ta cũng là một tăng sĩ đây, ta có một ngôi chùa ở trên núi, ta có một giáo pháp biệt truyền, và ta đang tìm một truyền nhân phó thác, con có bằng lòng đi theo ta không?
Tôi thưa rằng tôi thí phát và xuất gia ở đây, tôi có sư phụ còn đang hiện tiền, con có thể thỉnh ý ân sư để mời Hòa thượng trụ thế nơi này, còn đi theo ngài thì… chắc không thể được.
Vị sư già sửa lại thế ngồi, hai chân xếp lại, hai tay chắp tay trước ngực nhắm mắt lại một hồi lâu. Rồi mở mắt ra, nói với tôi hãy lên thỉnh ý ân sư đi.
– Thỉnh ý chuyện gì, thưa ngài?
– Chuyện ta muốn nhận con làm truyền nhân và muốn dẫn con đi theo ta lên núi.
Thú thật là tôi bàng hoàng với lời đề nghị lớn lao này. Đã xuất gia đi tu thì nơi nào cũng có Phật, Phật tự trong tâm mình chứ có phải từ chùa lớn chùa nhỏ gì đâu, nhưng xuất gia và tu tập tại đâu thì mến cảnh mến chùa chỗ đó. Ân sư lại là người khai thị và dìu từ bước khởi đầu đến nay, đột ngột nói chuyện ra đi lòng sao chẳng ngại. Nhìn lại vị sư già ngồi đó, bỗng hiển hiện trong tôi là hình ảnh Đức Thế Tôn lúc ngài đang tu khổ hạnh, nghĩ tới sự già yếu, cô độc giữa rừng sâu của một người khất giả, tự nhiên tôi cũng cảm thấy một cảm thông sâu sắc.
Tôi xin phép rồi chạy lên phòng tịnh của ân sư. Nhìn qua khe hở, thấy ân sư vẫn đang thiền định, tôi ngần ngừ chưa biết làm sao, bỗng ân sư mở mắt gọi: “Chơn Nhã, vào đây!”
Tôi mở cửa chạy vào quỳ trước mặt ngài. Ân sư đưa tay xoa trên đầu tôi:
– Chơn Nhã nghe đây, tám vạn bốn ngàn pháp môn của Đức Thế Tôn thì pháp nào cũng là phương tiện để con người tìm được bến bờ an lạc, nhưng đã là con người thì ai cũng phải vào vòng duyên nghiệp. Có duyên khởi thì phải có quả nghiệp. Vị cao tăng dưới sân đó chính là nghiệp sư của con, người mà ngài tìm kiếm chính là con, và bây giờ gặp được rồi, con nên đi theo quả nghiệp đó.
Tôi sững sờ, chưa kịp tác bạch điều gì, Ân sư đã nói hết rồi. Tôi bần thần: Thưa thầy… là duyên của con sao? Là nghiệp sư của con sao?…
Ân sư gật đầu, không chần chờ được đâu, không cần tạm biệt bất cứ ai, con lên đường ngay đi. Ta chúc phúc cho con.
Nói xong ân sư nhắm mắt lại an trú vào cõi tịnh.
Tôi quỳ xuống đảnh lễ với ân sư và vào phòng lấy thêm một bộ quần áo nữa cho vào túi xách. Xuống tới sân thì vị hòa thượng kia đã lững thững bước ra gần tới cửa chùa. Tôi không nói gì nữa mà chỉ chạy vội theo.
Tôi đi theo hòa thượng đó tới Châu Đốc và đón xe vào Núi Sập. Khi đến chân núi Sập, đường lên núi gập ghềnh, cheo leo, nhiều lần tôi đưa tay định dìu, nhưng ngài lắc đầu. Cái hình ảnh vị sư già ốm yếu ngồi không vững ở sân chùa hoàn toàn biến mất. Vẫn là vị sư già, còm cõi, rách rưới, nhưng bây giờ bước đi vững chãi, hoạt động nhẹ nhàng và khuôn mặt thanh tịnh, làm tôi sinh lòng kính ngưỡng.
Về tới chùa, thì là một gian nhà lá, có hai bên cái chái cũng lợp bằng lá, gian giữa không có vách, nền gạch tàu đỏ au, giữa là bàn thờ Phật đơn sơ nhưng rất trang nghiêm, có hoa tươi và trái cây. Tôi ngạc nhiên vì hòa thượng đi vắng bấy lâu ai là người dọn dẹp, quét tước và hương hoa dâng cúng. Nhưng chỉ một buổi là hiểu ra. Ngôi chùa bằng lá đơn sơ này là nơi chẩn bệnh và phát thuốc miễn phí, có một tịnh cốc phía sau của vị sư già, quanh quẩn gần xa, phía núi trên cao và phía lũng dưới thấp còn có những gian tịnh thất khác, các vị sư ở đó mỗi ngày vẫn lên ngôi chùa lá chính này để hái thuốc, phụ phát thuốc, chăm sóc bàn thờ Phật giữa nhà. Sáng sớm hôm sau, trước khi bình minh hé rạng, sau thời kinh sáng, vị sư già gọi tôi ngồi xuống trước chánh điện khai mở rằng:
– Con biết ta là ai không?
– Bạch Thầy, con không biết.
– Đi theo ta tới một nơi không rõ, học theo một pháp môn nào không rõ vậy động lực nào làm con đi theo ta?
– Bạch thầy, con thực lòng không biết, chỉ là khi bất ngờ gặp ngài, tự nhiên con cảm thấy quyến luyến và tin tưởng, con thật lòng không chờ mong một điều gì bởi đã xuất gia thì nơi đâu cũng là cõi đạo, chỉ nghĩ rằng hữu duyên thì xin đi theo lời gọi của duyên mà thôi.
– Được lắm, hôm nay ta khai mở cho con hiểu. Ta và ân sư của con là huynh đệ đồng môn. Con được thu nhận vào chùa và lập tức trở thành thị giả của ngài chính là sự sắp xếp của ta. Ngay pháp danh của con cũng là do ta khai thị, bởi vì pháp danh của ta là Nguyên Nhã. Ta chưa xuống đón con là do duyên chưa tới và do chính con chưa phát tâm đủ đầy. Rõ ràng rồi, từ nay, con là đệ tử của ta.
Vị sư ngừng lại, rót thêm trà vào hai ly nước, rồi đứng dậy đi về phía bàn thờ Phật, thắp một nén nhang thơm, cúi đầu đảnh lễ rồi mới thong thả kể tiếp.
– Tám vạn bốn ngàn pháp môn là một lối nói của người Ấn, mô tả một cái gì nhiều lắm không đếm xuể chứ không phải là con số chính xác. Trong các giáo pháp của Phật thực ra có rất là nhiều con đường và con đường nào cũng để đi tới an lạc.
Hai vị ân sư của tôi đi theo hai cách khác nhau. Một là Hiển tông hay còn gọi là Đại Thừa, tu học và rao giảng chánh pháp với mọi người. Hai là Mật Tông, tu theo giáo pháp nhưng hướng vào tìm hiểu và khám phá chính mình, khám phá và chứng nghiệm những khả năng và quyền lực bí ẩn của con người. Ai cũng có những năng lực kỳ diệu này, có điều Biết, Hiểu và Sử dụng được những năng lực đó đòi hỏi nhiều tu dưỡng, được hướng dẫn chuẩn xác và đặc biệt phải có cơ duyên đủ đầy.
Chơn Nhã ngừng lại, hướng về Minh Thành, giọng nhấn mạnh hơn: Thần thông là có thật, Nhân quả là có thật, Duyên nghiệp là có thật. Đó là những điều tôi ghi nhớ và chứng nghiệm suốt 10 năm tu hành và theo hầu hai vị chân tu ân sư.
– Rồi lý do gì ông bỏ tu và cơ duyên gì ông đến nước Mỹ?
Giọng Chơn Nhã trầm hẳn lại:
– Tôi ở trên núi được 4 năm thì Ân sư viên tịch. Bốn năm đó chuyên cần học pháp để nhìn thấu bản thể, chứng kiến biết bao thần thông của Ân sư, từ nghe được tiếng nói, thấy được dịch chuyển từ xa, nhận được nghiệp duyên và căn bệnh từng người, nhiều lắm, nhiều lắm… Ở quanh vùng, người ta không gọi pháp hiệu của ngài, mà chỉ kính cẩn nhắc về Sư Ông Chùa Núi. Tất cả những lời chỉ dạy, thuyết giảng chỉ nhằm hướng dẫn người ta đi vào tu tập để tự đoạn nghiệp chướng của mình. Phương pháp tu dưỡng thì được chỉ bảo cặn kẽ rồi, nhưng theo được tới đâu lại còn tùy căn cơ mà chứng ngộ. Khi Ân sư viên tịch, ngài gọi tôi dặn dò là nghiệp chướng của con quá nặng, ta đã hướng dẫn và trì chú trợ lực cho con rất nhiều, ta biết rõ con chí tâm hành trì kinh pháp, nhưng vượt qua được để tiếp tục tu hành hay không, thực không biết được. Hãy sống bằng lòng bao dung, từ ái và quan trọng là tự hiểu được duyên ta có và nghiệp ta nhận với tâm tĩnh lặng.
Ân sư viên tịch chưa được bao lâu tôi cũng phải rời chùa.
– Rời chùa nghĩa là cởi bỏ tăng bào hoàn tục hay sao?
Chơn Nhã gật đầu, Chùa trên núi đó có nhiều đàn na thí chủ thường xuyên thăm viếng và bảo trợ. Có một gia đình khá giả ở chân núi Sập, nay ra lập nghiệp ở Phú Quốc gặp nhiều nạn kiếp, muốn lập trai đàn cầu an nên lên chùa nài nỉ mời đi tụng kinh.
Do lòng quý mến từ lâu nên tôi nhận lời. Đêm hôm đó tụng kinh cho đến nửa đêm, gia chủ mời đi nghỉ trong phòng, nhưng tôi từ chối, bước ra ngoài cái chái bên hông nhà, ngồi tịnh tâm nghe sóng vỗ rì rào và nhắm mắt dưỡng thần, chờ sáng sẽ đi thuyền vào đất liền.
– Đêm đó là cái đêm định mệnh ông à… Chơn Nhã thở dài rồi ngồi im lặng.
5/
Miền đông bắc Hoa Kỳ vào đầu tháng 9 là đang buổi giao thời giữa hè và thu, nắng vẫn vàng tươi trên cánh đồng, nhưng vài cơn gió thổi mênh mang chút lạnh vào người. Ông Thành nóng ruột muốn hỏi thêm cho hết câu chuyện mà Chơn Nhã vẫn cúi đầu im lặng, hai tay để xuôi theo thân như đắm mình vào một suy tưởng gì xa lắm.
Bất chợt ông đứng lên: – Mình đi ra ngoài dạo một vòng cho nhẹ nhàng, ông nhé.
Chơn Nhã chỉ vào tòa biệt thự giới thiệu đó là nhà của vị thí chủ ngày xưa ở núi Sập, Châu Đốc. Ông bà có trang trại lớn cả mấy chục mẫu tây trồng nho, táo, dâu, bắp nên con đường mở ra từ giữa trang trại là do ông bà thực hiện. Để nhớ đến quê hương ông bà đã xin phép và đặt tên đường là đường Núi Sập.
Hai ông bà đều đã mất cả chục năm nay, trang trại giao lại cho người con trai trưởng. Ông bà cho tôi một căn nhà nhỏ để cư trú và trông coi, chỉ có một mình tôi cắt cỏ, dọn dẹp vườn tược, quản lý tài sản như một quản gia…
– Vậy là ông lập gia đình và … còn bà đâu?
– Nhà tôi mất hơn ba mươi năm nay rồi.
Ông Thành tò mò, phải chăng bà chính là người trong cái đêm gọi là định mệnh đó?
Chơn Nhã tần ngần, hôm nay gặp lại ông như một cố nhân, nên có những điều giấu kín trong lòng xin bộc bạch trước là cho nhẹ lòng, sau cũng là đền đáp nghĩa tâm giao.
– Phú Quốc ngày xưa vắng vẻ lắm, dân cư thưa thớt sống bằng nghề chài lưới dọc theo bờ, đánh bắt đồi mồi, chỉ có vài ba gia đình do có thuyền lớn đánh cá từ ngoài khơi, thu mua hải sản rồi đem về bán ở đất liền hoặc mở vựa nước mắm thì mới khá giả. Ông Bà Năm Hương này là một gia đình như thế, trong nhà bạn chài, gia nhân cả mấy chục người. Năm đó, trong hai chiếc thuyền của họ có một chiếc cứ mỗi lần ra khơi là bị tai nạn, hoặc thuyền trưởng, tài công nhiễm bệnh, hoặc máy móc trục trặc, ông bà mới lập đàn tràng cầu an. Ông bà đó là một đại tín chủ của chùa, họ tin tưởng và thân tình với Ân sư rất nhiều nên ông bà lên núi thỉnh mời, ai ngờ Ân sư vừa viên tịch nên tôi nhận lời đến trì chú giúp họ.
Đêm đó, sau khóa kinh đêm, tôi ra nhà ngang ngồi dưỡng thần, chờ sớm hôm sau thì theo thuyền về đất liền. Đêm đó thực sự là trăn trở, cứ chợp mắt thì lập tức cảm thấy như bị đẩy vào những hỗn loạn, trời đất như xoay vòng vòng. Tôi giật mình tỉnh lại, vội vàng ngồi thẳng lưng cố định tâm lại, chỉ chút xíu lại bị đưa vào cơn mê, chuyện đó lặp đi lặp lại mấy lần, tỉnh dậy, rồi lại mê đi… cho tới lúc thấp thoáng phía đông ửng sáng, tôi mới đứng dậy đi ra sân hít thở cho thoáng, chờ tới giờ lên thuyền về lại Rạch Giá, rồi đón xe về núi Sập.
Chuyện tưởng sẽ chẳng có gì, nhưng bất ngờ mấy tháng sau, tôi nhận được nhắn gọi khẩn cấp ra Phú Quốc có chuyện cần. Tới nơi, ông bà Năm Hương trách móc là tôi làm chuyện tư tình bậy bạ mang tai tiếng cho chùa, và ảnh hưởng tới ông bà rất nặng. Tôi sửng sốt ngạc nhiên hỏi lại. Thì ra ở cạnh nhà, có một gia đình làm công cho gia đình Năm Hương, người cha đi theo thuyền và đã mất, người mẹ và cô con gái tiếp tục làm công cho vựa cá. Nay bỗng dưng cô gái mang thai, bà mẹ buồn bã sinh bệnh, hỏi han mãi mới nói ra trong đêm lập đàn tràng đó cô ta lén lút tình tự với một thanh niên đầu trọc mà cô ta cũng không biết rõ là ai. Hôm đó đàn tràng chỉ có một mình Sư đầu trọc từ phương xa đến không ai quen mặt nên nghi quyết là Sư làm bậy.
Tôi cả quyết là chuyện không có, xin gặp cô gái để phân bua. Cô gái trả lời thật lòng cô cũng không chắc, vì lúc đó như một cơn mê sảng, không phân biệt trắng đen. Chỉ có một điều ghi nhớ là người thanh niên đó đầu trọc và sau lưng có một cái bớt màu đỏ lớn bằng nắm tay. Ông Năm Hương kéo tôi vào buồng trong, lột áo ra xem xét và la lên, đúng rồi, không thể sai được.
Cô gái thì nhà nghèo, mẹ già yếu đuối bệnh tật và đôi mắt ràn rụa nước mắt, ăn nói chân chất không phải dối lừa, tôi thì tình ngay nhưng lý gian, chối cãi không được nên đành khuyên cô gái, có lẽ tôi và cô có một nghiệp duyên nào đó chứ không phải tôi sinh lòng tà dục đâu. Nay đã có nghiệp thì phải trả nghiệp, tôi xin chịu trách nhiệm với em về đứa bé này. Xin cho tôi một tháng, trở về chùa, trả hết tăng phục, bàn giao nhà thuốc và xin hoàn tục trở về đây làm ăn nuôi con.
Tôi vào kể hết mọi chuyện với ông bà Năm Hương, nói rõ lòng tôi phát nguyện tu hành, nhưng nghiệp chướng đã theo và vận vào không sao thoát được. Xin hoàn tục đền bồi và vẫn xin giữ giới tu hành dù không còn trong tăng sĩ nữa.
Ông bà Năm Hương gật đầu, nhận đứng ra chủ hôn và nhận tôi vào làm cho vựa cá để có tiền nuôi thân. Đứa bé ra đời là một bé trai, điều kỳ dị là nó có khuôn mặt, ánh mắt nụ cười giống tôi như hệt, như đúng là thực sự nó là con ruột thịt của tôi.
Hai vợ chồng tôi cùng phát nguyện tu tại gia, an trường trai và cùng nhau tu học, bỏ qua tất cả những ân ái đời thường. Khi ông bà vượt biên, mẹ vợ tôi cũng đã mất, ông bà dắt theo vợ chồng tôi và đứa con nhỏ theo ghe đi luôn. Khi tới đảo, do bị phân chia khác nhóm, tản mát đi định cư các tiểu bang khác nhau tùy người bảo lãnh nên tôi mất luôn liên lạc với gia đình đó.
Qua Mỹ được ba năm thì vợ tôi mất. Tôi xông xáo làm đủ thứ nghề nuôi thân và nuôi con, từ đi làm vệ sinh công sở, tới phụ hồ, thợ điện suốt cả gần hai mươi năm. Tới khi đứa con trai 24 tuổi, nó lập gia đình và di chuyển tới một tiểu bang xa, thì tôi tình cờ gặp lại được ông bà Năm Hương. Lúc đó hai cụ đã lớn tuổi, nhưng còn minh mẫn, cụ hỏi tôi có nhớ câu nói ngày xưa là muốn tu hành không?
– Muốn lắm, nhưng cơm áo gạo tiền và trách nhiệm người cha nên tôi chưa làm được. Hai cụ có nhã ý cho tôi ngôi nhà nhỏ vốn là nhà kho này, tu sửa lại và tạo cho một công việc làm để có thể thanh thản sống cho đến cuối đời.
Chơn Nhã nhẹ nhàng kết thúc câu chuyện: – Tôi bây giờ là một tăng sĩ tự tu, tĩnh tâm nhớ lại và ôn tập các lời dạy của Ân sư ngày xưa, đã hiểu ra quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường.
6/
Khi bị cách ly hay tự cách ly với xã hội, bỗng dưng mỗi người trở thành một ốc đảo riêng tư và vô cùng tịch mịch. Chúng ta vẫn phải ăn, vẫn phải thở nhưng dường như rơi vào nhàm chán với chính mình. Mọi chia sẻ dù vui hay buồn đều như đối diện với bốn bức vách. Ông Thành thường tự hỏi: Đó là tôi, còn bạn thì sao?
Các phương tiện như điện thoại, Facebook dù có giúp ích để chúng ta biết là còn có nhau, nhưng vẫn chưa đủ để mỗi người được sống trong một xã hội như ta vẫn từng sống.
Đại dịch xảy ra đem tới những hậu quả thảm khốc cho nhân loại, từ Đậu Mùa, Dịch Tả, Dịch Hạch, mỗi đợt dịch số lượng người chết có khi lên tới nửa triệu người, nhưng chưa có đại dịch nào có số lây lan rộng khắp như đợt dịch Covid này. Mỗi cá nhân phải tự bơi, và cũng có người cũng tự chết chìm trong cô độc. Khi tạm biệt và lái xe về nhà, Ông Thành bỗng giật mình khi nhớ lại câu chuyện thật dài của Chơn Nhã. Chấp nhận nghịch cảnh, dưỡng tâm an lạc và quán Thân bất tịnh, quán Thọ thị khổ, quán Tâm vô thường, quán Pháp vô ngã. Dường như Chơn Nhã đang thay lời Sư Ông Chùa Núi gửi cho mình những điều khai thị giữa mùa dịch bệnh.
Ông Thành nghĩ rằng mình sẽ còn phải lên thăm Chơn Nhã nhiều lần.
Tháng 9/2020
NGUYỄN MINH NỮU