VỀ TẬP THƠ TÌNH KHÔNG TUỔI của nhà thơ Mạc Uyên Linh

Ngày đăng: 8/06/2021 09:04:38 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

1.Nhà thơ Mạc Uyên Linh là một cây bút có kinh nghiệm trong thi đàn Văn học miền Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước, dưới bút hiệu là Huỳnh Thượng Nhan. Anh sinh năm 1944 tại Bến Cát Bình Dương. Hiện sống và viết tại TP Hồ Chí Minh. Trước 1975, ngoài thơ anh còn bước vào địa hạt văn xuôi như viết tùy bút, truyện ngắn, ký. Anh từng làm trưởng nhóm thi đàn Vùng Hoa Dại, thư ký Nguyệt San 43. Tính đến nay anh đã có 6 tập thơ in riêng và 3 tác phẩm in chung.

Tập thơ có tựa đề : Thơ Tình Không Tuổi do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành tháng 1/2021 gồm có 65 bài thơ, một số bài văn xuôi của tác giả và những bài cảm nhận của người đọc viết về thơ Mạc Uyên Linh. Phần phụ lục có chục bài thơ đã được phổ nhạc.

Có thể nói 65 bài thơ đều bắt nguồn từ cảm hứng trữ tình. Đây là những dòng cảm xúc rất đỗi chân thành, giàu hình ảnh, lời thơ trong sáng dể hiểu. Thơ anh nhìn chung có nhiều sắc thái tình cảm và cách diễn đạt phong phú và bao giờ cũng nồng nàn đắm say trong tình yêu và khắc khoải ưu phiền trong nỗi buồn nhân thế. Hạnh phúc và khổ đau, cả những vật vã của kiếp người. Phải nói rằng thơ Mạc Uyên Linh buồn mà đẹp. Hơn hết vẫn là những vần thơ tha thiết với tình yêu, với cuộc đời. Chiều sâu trí tuệ thể hiện trong cảm hứng trữ tình khiến thơ anh để lại ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc.

2.Thơ Mạc Uyên Linh trong một bút pháp lãng mạn, điêu luyện trong cách lập tứ, gieo vần và sử dụng ngôn từ biểu cảm. Có những từ dùng táo bạo, tự nhiên gần với ngôn ngữ giao tiếp thường ngày nên dễ đi vào lòng người. Anh viết nhiều thể thơ: Thơ lục bát, thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ năm chữ…Ở thể thơ nào anh viết cũng gợi cảm. Phải yêu tha thiết cuộc đời này, đắm say mãnh liệt trong tình yêu thì mới có những vần thơ nồng nàn như thế!

Ta chờ em nửa đời như hổ đói

Muốn ăn tuwoi nuốt sống ánh trăng rằm”

( Hoang vu)

Anh là học trò của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Vì thế thơ anh ít nhiều có ảnh hưởng phong cách nghệ thuật và tư tưởng của cụ và các bậc tiền bối khác. Trong thơ Mạc Uyên Linh có chất say của Vũ Hoàng Chương. Có một ít ngông của Tản Đà. Có cái điên, cái bất cần đời của thi sĩ Bùi Giáng. Có nồng nàn dữ dội của Xuân Diệu và tha thiết đắm say của Nguyễn Bính.

  1. Như chúng ta đã biết. Thi văn là một nghiệp dĩ, mấy ai sống sung túc nhờ vào nghiệp văn chương. Xuân Diệu đã từng cay đắng mà rằng: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Âu cũng tại vì “ văn chương hạ giới rẻ như bèo”( Tản Đà). Vì thế thi nhân mấy ai mà không nghèo! Nhưng cuộc sống dù nghèo mà vui. Nếu cho đổi nghiệp dĩ này các thi nhân không dễ gì chấp nhận. Bởi vì sống mà tách rời đam mê thì còn gì là sống. Những thi sĩ tài hoa xưa nay vẫn để lại trong lòng độc giả sự ngưỡng mộ lẫn xót xa.

Thơ tình mạc Uyên Linh luôn tôn thờ cái đẹp và dĩ nhiên thơ anh không thể thiếu bóng giai nhân:

“ Thơ ta cũng một đời điên mê tín

Yêu đàn bà và ca tụng gia nhân

Dẫu túi quần vài đồng xu không dính

Đời vẫn vui cho đến lúc từ trần”

Nhà thơ đương đại Mạc Uyên Linh của chúng ta như đã nói ở trên là ít nhiều có ảnh hưởng các nhà thơ tên tuổi trước nên cũng ”nghênh ngang” như Tản Đà, đôi khi cũng nổi máu “ giang hồ” như Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm…và bộc lộ khí phách hào sảng của kẻ sĩ lỡ vận.

  1. Đau đáu với nước non, thời trai trẻ cũng lên thác xuống ghềnh. Bởi trót làm thân nam nhi trong cõi nhân sinh mang tâm hồn thi sĩ nên anh ôm hết những ngọt ngào cay đắng và những ưu phiền khắc khoải gửi vào thơ.

Dâu bể cuộc đời vẫn còn nhiều gian trá bủa vây nhưng tình yêu vẫn cho ta những giây phút đầy cảm giác hạnh phúc. Tình yêu như một điểm sáng, là cứu cánh để ta tiếp tục bước đi trong bể đời nghiệt ngã. Cảm giác cô đơn luôn hiện diện trong con người thơ Mạc Uyên Linh thì thơ là điểm tựa tinh thần. Nếu Phùng Quán “ Có những phút ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” thì Mạc Uyên Linh cũng nhờ câu chữ để gửi gắm tiếng lòng. Tôi nhiều lần tự hỏi nếu không có thi ca thì thi nhân biết gửi gắm nổi buồn vào đâu?

  1. Độc giả chúng ta đọc thơ để thấu hiểu, để cảm thông và có thể tìm thấy tiếng nói tri âm đồng điệu khi có cùng tâm trạng. Mà suy cho cùng nỗi buồn đâu chỉ của riêng ai? Ai đã từng đi qua cuộc đời dâu bể tang thương hẳn trái tim cũng se lại trước những vần thơ buồn man mác của thi nhân. Vẫn biết là vật đổi sao dời, mọi quy luật nghiệt ngã đều có thể xảy ra. Cảnh cũ người xưa làm nên những thi liệu đầy sức ám gợi trong thơ tình buồn Mạc Uyên Linh. Anh đã chọn những hình ảnh tả cảnh ngụ tình rất ấn tượng để khắc họa thành công bức tranh ngoại cảnh mà cũng sâu thẳm nội tâm. Thế giới nội tâm của thi nhân đầy những bí ấn của tình yêu được thể hiện trên mỗi vần thơ cần suy ngẫm và lắng đọng, đọc lên nghe nao lòng bởi tác giả đã kí thác nỗi niềm để dệt nên những câu thơ hay, say lòng độc giả:

“ Đôi mắt ướt như biển tình gợi cảm

Thuyền tương tư trôi dạt đến bây giờ

Một lần nhìn cả một đời chết đắm

Rồi ngã nhào một kiếp để làm thơ”

( Tranh thơ)

Xuyên suốt tập thơ thì Tình Yêu vẫn là mãnh lực, là đam mê cháy bỏng đã làm nên Thơ Tình Không Tuổi của Mạc Uyên Linh.

“ Ta muốn lắm một đêm em nằm ngủ

Một thiên đường ôm gối cánh tay anh”

( Tàn Thu)

  1. Anh cũng đã một đôi lần đến Huế và cũng từng có một bóng hồng làm anh xao xuyến thời trai trẻ. Có lẽ vì vậy anh làm thơ về Huế đầy cảm xúc. Ở tập thơ này anh có 3 bài thơ dành cho Huế đó là:

Huế và Nắng Sài Gòn

Huế Em Và Tôi

Gửi Lại Huế Thương.

Thơ anh viết về Huế với thi ý rất ngọt ngào, lãng mạn, sâu lắng và thiết tha.

  1. Những áng thơ tình nồng cháy của Mạc Uyên Linh đã lôi cuốn một lượng độc giả lớn trong nước và hải ngoại. Bởi những cảm nhận tinh tế, bút pháp hiện thực và lãng mạn. Ngôn từ ấn tượng, táo bạo và biểu cảm dể đi vào lòng người. Việc lựa chọn thi liệu, thi ảnh, kết hợp với nhạc tính hài hòa, các biện pháp tu từ : so sánh ví von, ẩn dụ, hoán dụ, phép tương phản ngôn ngữ, hình ảnh, dùng điệp từ, điệp ngữ, cảm thán v .v. Anh đã viết nên những vần thơ tình có tính thẩm mỹ cao. Hơn hết đó là những dòng cảm xúc được chắt lọc bằng cả đam mê từ con tim. Là quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc để rút ra những sợi tơ lòng gửi đến bạn đọc.

Hãy đến với Thơ Tình Không Tuổi của Mạc Uyên Linh đẻ khám phá vẻ đẹp của tập thơ.

Sài Gòn ngày 12/3/2021

Hoàng Thị Bích Hà

 

                                                                                             Hoàng thị Bích Hà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác