THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 75 : NĂM MÂY

Ngày đăng: 26/03/2021 08:15:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
NĂM MÂY là mây ngũ sắc, Mây có 5 màu thật đẹp, còn gọi là Tường Vân 祥雲, là mây lành, chỉ xuất hiện khi có thần thánh tiên phật hiện ra mà thôi. Còn NĂM MÂY trong câu thơ trên là chỉ mây ngũ sắc vây quanh lấy hình con rồng đang bay lượn được in trên “chiếu trời” là chiếu chỉ của thiên tử, là con của trời, chính là  nhà vua ngày xưa, ban bố  xuống cho quần thần nhân dân. Như hai câu thơ trên đầu đề :
                                  NĂM MÂY bỗng thấy chiếu trời,
                              Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành.
      Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, bài “Lại vịnh Hán Cao Tổ” của vua Lê Thánh Tông đã mở đầu bằng hai câu :
                               Một mình khi ẩn núi Mang, Đường,
                               NĂM THỨC MÂY CHE điềm đế vương.
      NĂM THỨC MÂY CHE là do tích bà Lã Trĩ (vợ của Lưu Bang) nói với chồng: “Sở dĩ thiếp tìm đến được chỗ đang ở của chàng vì thiếp thấy có mây ngũ sắc ở trên trời chiếu rọi che chỡ cho nơi đó”.
                              Inline image
          Còn trong bài TƯ DUNG VÃN của cụ Đào Duy Từ thì lại gọi là NGŨ VÂN, như trong hai câu thơ sau đây :
                                Phật đình nào khác vương đình,
                          NGŨ VÂN tán lớn, cảnh tinh thoại tường.
          Nhắc đến số 5, thì không thể quên NĂM ĐẤU GẠO, còn nói đến năm đấu gạo thì không thể không nhắc đến “Ngũ Đấu Mễ Tiên Sinh” là Đào Tiềm.
          Đào Tiềm 陶潛 (365-427) tự là Uyên Minh 淵明, người đất Sài Tang, Tầm Dương, nay thuộc thành phố Cửu Giang. Ông là một ẩn sĩ cao nhã đời Đông Tấn, từng làm huyện lệnh huyện Bành Trạch, nên còn được gọi là Đào Lệnh hay Đào Bành Trạch. Vì không chịu mỗi kỳ phải vận áo mão chỉnh tề để lòn cúi nghênh tiếp viên Đốc Bưu, để mỗi tháng nhận lãnh 5 đấu gạo lương thực, nên ông từ quan về ở ẩn, vì thế người đời còn gọi ông là “Ngũ Đấu Mễ Tiên Sinh 五斗米先生”(Tiên sinh 5 đấu gạo). 
        Trong truyện thơ Nôm viết theo một câu truyện trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ là “Tứ Thức gặp Tiên” có câu :
                                        Vẻ chi NĂM ĐẤU GẠO vàng,
                                    Uốn lưng co gối cho càng tổn hơi.
                              Inline image
         Sau NĂM ĐẤU GẠO, ta có NĂM ĐỨC, tức là 5 đức tính tốt của người quân tử ngày xưa theo quan niệm của Nho gia, 5 đức tính đó còn gọi là Ngũ Thường 五常, tức là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí Tín 仁、義、禮、智、信 . Còn theo sách Hàn Thi Ngoại Truyện 韓詩外傳 của Hàn Anh 韓嬰 đời Hán có ghi chép lại như sau : Con gà trống gồm đủ NĂM ĐỨC : Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín. Này nhé, tướng mạo oai vệ của con gà trống trên đầu có Kê quan 雞冠 là cái Mào gà, Quan 冠 là cái mào đồng âm với Quan 官là quan quyền. Nên cái Mào gà tượng trưng cho cái Mão của quan VĂN. Dưới hai chân gà đều có hai cựa như là hai mũi thương dùng để chiến đấu, tượng trưng cho VÕ quan. Khi gặp đối thủ thì gà lại sẵn sàng xông tới chiến đấu đến cùng, tượng trưng cho tinh thần DŨNG cảm. Khi tìm được thức ăn, gà trống luôn luôn kêu gọi bầy đàn đến để cùng ăn, chớ không ăn một mình , đó là lòng NHÂN hậu. Cuối cùng, gà trống luôn luôn gáy báo thức đúng giờ, không sai hẹn bao giờ, đó là hữu TÍN. Trong tác phẩm thơ Nôm “Lục Súc Tranh Công” con gà cũng đã tự hào về NĂM ĐỨC tính tốt nầy của mình như sau :
                                Này này! gà ngũ đức thẳm sâu:
                                Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ.
                                Trên đầu đội văn quan một mũ;
                                Dưới chân đeo hai cựa thần thương…
       Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập bài thơ vịnh “CON GÀ” của vua Lê Thánh Tông đã mở đầu bằg hai câu :
                                Họ Chu từ thuở dưỡng nên thân, 
                                NĂM ĐỨC gồm no : trí dũng nhân…
                                Inline image
           Như trên đã nhắc, Ngũ Thường 五常, tức là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín 仁、義、禮、智、信  trong sách Luận Ngữ của đạo Nho, trong tiếng Nôm còn được gọi là NĂM HẰNG. Theo phần giải thích trong《Thượng Thư. Thái Thệ Hạ 尚書·泰誓下》thì “Ngũ Thường còn gọi là Ngũ Điển 五典” với câu : Phụ nghĩa 父義、Mẫu từ 母慈、Huynh hữu 兄友、Đệ cung 弟恭、Tử hiếu 子孝。Có nghĩa : “Cha thì phải có cái nghĩa lớn, Mẹ thì phải có lòng từ ái, Anh thì phải có tình thân hữu đối với em, Em thì phải có lòng kính trọng đối với anh, và Con cái thì phải có lòng hiếu thảo với cha mẹ”.

      Trong văn học cổ của ta gọi TAM CƯƠNG NGŨ THƯỜNG là NĂM HẰNG BA MỐI, như trong bài thơ TƯ DUNG VÃN  của cụ Đào Duy Từ có câu :
                                                NĂM HẰNG BA MỐI làm đầu,
                                         Cội tùng nhành bách mặc dầu đông tây.
              Còn trong Phật giáo thì có NĂM MANG, mà NĂM MANG tức  là Ngũ Uẩn 五蕴 trong đạo Phật, đó chính là : Sắc Uẩn 色蘊、Thụ Uẩn 受蘊、Tưởng Uẩn 想蘊、Hành Uẩn 行蘊 và Thức Uẩn 識蘊.  SẮC là Hình Tướng, THỤ là Thị Dục,  TƯỞNG là Ý Niệm, HÀNH là Nghiệp duyên và THỨC là Tâm Linh. Tất cả chúng sinh đều do Ngũ Uẩn tích tụ lại mà thành. Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh  khi cho  ông Sãi luận về chữ tu gần cuối bài có câu :
                                 … Bờ giác ngạn dễ đà đặng lại,
                                     Bởi thất tình còn hỡi NĂM MANG.
                                     Việc cổ kim chi xiết luận bàn,
                                     Lời phẫn uất trút ra tiêu khiển !
                                Inline image
     Về mặt địa danh thì có NĂM HỒ, chữ Nho là NGŨ HỒ 五湖, là năm hồ nước lớn nhất của Trung Hoa, đó là Động Đình Hồ, Ba Dương Hồ, Thái Hồ, Sào Hồ, Hồng Trạch Hồ 洞庭湖、鄱阳湖、太湖、巢湖、洪泽湖. Nhưng trong văn học cổ, theo sách “Sử ký” ghi chép lại thì Ngũ Hồ ngày xưa là tên riêng của THÁI HỒ ở giữa hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang. Vào thời Xuân Thu thì Thái Hồ là ranh giới thiên nhiên giữa 2 nước Việt và Ngô; nơi mà sau khi đã hoàn thành Mỹ nhân kế, nước Ngô bị tiêu diệt, thì mưu thần Phạm Lãi đã đưa nàng Tây Thi xinh đẹp đến nơi đây để rong chơi rồi biệt tích luôn ở nơi nầy. Trong truyện Nôm HOA TIÊN KÝ của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có nhắc đến nơi đây :
                                   Buôn nan khói tỏa NĂM HỒ,
                             Lâm tâm bờ cỏ sông Ô khắp đường.
     Sau Năm Hồ ta có NĂM XE, chữ Nho là Ngũ Xa 五車, là do thành ngữ Học Phú Ngũ Xa 學富五車 (Học vấn giàu đến Năm Xe) nói gọn lại mà thành. Theo chương Thiên Hạ trong sách Trng Tử《莊子.天下》có câu :Huệ Thi đa phương, kỳ thư ngũ xa 惠施多方,其書五車。Có nghĩa : Huệ Thi (là một nhà tư tưởng thời Chiến Quốc) có nhiều phương pháp giải quyết công việc, sách của ông ta học có thể chứa đầy NĂM XE. Nên trong văn học cổ lấy NĂM XE để chỉ học vấn uyên bác, biết nhiều hiểu rộng, như trong bài “Hàn Vương Tôn Phú” của Đặng Trần Thường, một công thần ở đầu đời nhà Nguyễn, khi ở trong tù đã ví mình như là Hàn Tín ngày xưa. Trong bài phú trên, đoạn mở đầu có câu :
                           Kinh sử NĂM XE chứa chất, ngang trời dọc đất ấy kinh luân;
                           Tôn Ngô bảy quyển làu thông, đè sóng xông mây là chí khí.
                         Inline image

      NĂM XE là chỉ kiến thức ở trong lòng, còn cái gì đó đang ở trong lòng thì gọi là NĂM TRONG, chữ Nho là Ngũ Nội 五內, giới Đông y thì gọi là Ngũ Tạng 五臟, tức là Can Tâm Tì Phế Thận 肝、心、脾、肺、腎. Trong văn học cổ thì NĂM TRONG là chỉ lòng dạ, chỉ tấm lòng, như trong truyện Nôm Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :
                                  Một lời để tạc NĂM TRONG,
                         Lan phòng nào biết văn phòng khát khao.  
      Về nghi thức để cưới vợ ở các nhà giàu có khi xưa thì có Lục Lễ. Theo sách LỄ KÝ và NGHI LỄ《禮記》和《儀禮》khi xưa. Đó chính là : Nạp thái, Vấn danh, Nạp các, Nạp trưng, Thỉnh kỳ và Nghinh thân 納采、問名、納吉、納徵、請期 和 迎親. NẠP THÁI là bà mai đại diện nhà trai đến dạm hỏi coi mắt cô dâu. VẤN DANH là trao đổi bát tự, ngày tháng năm sinh giữa hai bên . NẠP CÁT  là nhà trai tặng lễ vật để định ngày đám nói, đính hôn . NẠP TRƯNG còn gọi là Nạp Sính là ngày đám nói trao sính lễ . THỈNH KỲ là Ngày nhà trai mang lễ vật qua nhà gái để cho biết ngày Nghinh Thân rước dâu . NGHINH THÂN là ngày đám cưới rước dâu. Sau khi đã hoàn tất xong NĂM LỄ đầu thì chỉ còn lễ cuối là Nghinh Thân (Rước dâu) như trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính :
                                   Cá đi nhạn lại tin bay,
                           Đủ NĂM LỄ đã đến ngày thừa long.
       Cuối cùng ta có NĂM PHÚC, chữ Nho là NGŨ PHÚC 五福, là 5 cái PHƯỚC mà ai cũng mong mõi để có được. Vậy Ngũ Phúc là gì  ?…
       Xuất xứ từ chương Hồng Phạm của Kinh Thư《書經·洪範》là : “Nhất viết Thọ, nhị viết Phú, tam viết Khang Ninh, tứ viết Du Hảo Đức, ngũ viết Khảo Chung Mệnh 一曰壽、二曰富、三曰康寧、四曰攸好德、五曰考終命。Có nghĩa : “Một là Sống Thọ, Hai là Giàu Sang, Ba là Mạnh Khỏe, Bốn là Có tiếng Tốt, Năm là Chết An Lành”. Nói gọn lại NGŨ PHÚC là : Danh, Lợi, Thọ, Kiện, Thiện Chung 名、利、壽、健、善終。NĂM điều mà sống ở trên đời nầy ai ai cũng mong mõi để có được ! Hằng năm cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là người xưa (và cả người nay nữa) thường viết câu NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門 để treo ở trước cửa nhà để cầu mong cho NĂM PHÚC sẽ đến với gia đình. Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập cũng có câu :
                              Hội lành đã gặp gồm NĂM PHÚC,
                              Trỏ non Nam, chúc thánh quân.
                      Inline image
       Hẹn bài viết tới !
                                            杜紹德
                                        Đỗ Chiêu Đức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác