VỀ BỨC CHÂN DUNG “PHẬT THẦY TÂY AN ĐOÀN MINH HUYÊN” TRONG DÂN GIAN
Đoàn Minh Huyên quê ở làng Tòng Sơn, tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Do ông có một vị trí và vai trò rất đặc biệt trong diễn trình lịch sử dân tộc, nên những vấn về ông được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, lẫn văn hóa dân gian quan tâm. Nhưng do, tư liệu chính sử không ghi chép đầy đủ, chủ yếu là truyền miệng trong dân gian, độ tin cậy không cao. Do vậy, quá trình thu thập và xử lý tư liệu để dựng lên được một cách cơ bản về nhân vật Đoàn Minh Huyên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất và tranh cãi, mang tính thời sự. Trong đó có vấn đề về bức chân dung (xem Hình 1).
Bức chân dung này, được có mặt ở nhiều cơ sở tín ngưỡng và lan truyền trên internet, được cho là chân dung của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, người sáng lập Bửu Sơn Kỳ Hương, một trong những tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ.
Vậy bức chân dung này, có phải là chân dung, di ảnh của Đoàn Minh Huyên?
Theo mộ bia ở chân núi Sam, Châu Đốc, thì Đoàn Minh Huyên sinh ngày 15-10 năm Đinh mão (năm 1807), mất ngày 12-8 năm Bính dần (năm 1856).
Nếu thông tin trên bia là chính xác, thì chúng ta lấy năm mất trừ cho năm sinh, Đoàn Minh Huyên được 49 tuổi. Còn nhìn lại bức truyền thần trên thì ít nhất đó là một cụ già 70 – 80 tuổi.
Lập luận thứ hai, sau một thời gian dài xa quê, vào năm 1849. Đoàn Minh Huyên trở về Tòng Sơn, trong lúc bị bệnh dịch tả đang hoành hành khắp nơi. Lúc đó, ông vừa trị bệnh và tiến hành truyền giáo – chữa khỏi bệnh được cho rất nhiều người.
Do vậy, tiếng tăm ngày càng vang dội… người đến trị bệnh và xin qui y ngày một đông đúc. Chính sự tập trung đông đảo này, làm cho chính quyền địa phương thời ấy nghi ngờ ông là gian đạo sĩ, tập hợp dân để chuẩn bị làm loạn.
Nên vào khoảng gần cuối năm 1849, Đoàn Minh Huyên bị chính quyền bắt đem về Châu Đốc, và bị chỉ định cư trú tại chùa Tây An ở núi Sam, Châu Đốc. Tại đây, Đoàn Minh Huyên bị buộc phải làm đầy đủ các thủ tục qui y – xuống tóc [1], thọ giới với thiền sư Hải Tịnh.
Từ những luận cứ trên, thì trước khi Đoàn Minh Huyên mất 6 năm, râu tóc, đã thế phát thì lấy đâu ra, mà có bức chân dung trên. Cộng thêm, trước khi người Pháp đến ở nước ta chưa có máy ảnh thì làm sao mà có ảnh chụp.
Không phải là chân dung Đoàn Minh Huyên, vậy bức chân dung có nguồn gốc từ đâu?
Bài và ảnh Dương Văn Triêm
Trong “La Dépêche coloniale illustrée en Cochinchine”, ấn hành 15 tháng 9 năm 1912 của Quan đốc chính (Directeur) J. Paul Trouillet, trong đó có phần giới thiệu về Sa Đéc “La province de Sadec” khoảng trên 10 trang giới thiệu tổng quan về tỉnh Sa Đéc: giao thông, tôn giáo, dân số…, ở trang đánh số 213 có chân dung (xem Hình 2), ghi là “Un Annamite barbu” dịch: “Một người An Nam có râu” hay “Một ông già có râu”, chứ không có ghi tên một nhân vật cụ thể. Đối chiếu “Hình 2” với “Hình 1” chân dung trong hình giống nhau từ cách ăn vật, râu, đến dáng ngồi… chỉ có khác đôi chút về màu nền của chân dung và ghế ngồi.
Nên rất có thể chân dung được cho là Đoàn Minh Huyên (Hình 1) do người đời sau phỏng họa từ “Hình 2”.
[1] Để khuyến khích tu hành, Đoàn Minh Huyên đã gởi cho Nguyễn Văn Duyên và ông Nguyễn Văn Kỉnh mỗi người một mớ tóc. Ngày nay miêu duệ ông Duyên không thấy còn ai, không biết mớ tóc đó về đâu. Còn ông Kỉnh thì lưu truyền được đến bây giờ. Hiện cháu huyền tôn của ông là thiếu tá Nguyễn Ngọc Chơi còn giữ. Ông Chơi đã phát tâm cúng hiến về ngôi Tòng Sơn cổ tự một nửa mớ tóc, còn một nửa thì dành làm gia bảo truyền đời.