ĐỌC THƠ PHẠM THỊ QUÝ NHƯ NGẮM BÓNG MÌNH XIÊU DẠT
Mỗi lần nhìn thấy chị Phạm Thị Quý, tôi lại hình dung thấy một bức tranh thi họa. Thơ và vẽ với chị là một hành trình vô giới hạn từ khi chị góp mặt với thi đàn từ năm 1969 và đồng hành với họa sĩ Lê Triều Điển từ năm 1973. Tôi dùng chữ vô giới hạn bởi chị và anh Lê Triều Điển là hai người hiếm hoi có hành trình văn hóa liên tục xuyên suốt sau giai đoạn 1975. Nhìn vẻ ngoài, chị như một chiếc bóng của anh Lê Triều Điển, nhưng kỳ thực là linh hồn của những hoạt động nghệ thuật của nhiều nhóm, nhất là với miền đất phù sa sông nước.
Sao cứ mãi vỗ tay
Vui cùng mọi người
Dù đang buồn đứt ruột
Sao cứ mãi hoan hô những hình tròn
Dù đó là đường cong chưa khép
Sao cứ mãi ngợi ca mùa xuân
Khi buốt giá chưa qua hết
Sao cứ mãi lừa dối nhau
Trong im lặng bằng lòng
(Phạm Thị Quý, Tự hỏi)
Với nụ cười luôn chực nở trên môi, chị sẵn sàng mỗi sáng xếp hàng chờ đợi mua từng chút thực phẩm hiếm hoi thời bao cấp để phục vụ bếp ăn cho tổ hội họa dẫu chị đang có công việc ổn định trong nhà sách. Chị tổ chức câu lạc bộ sáng tác cho thiếu nhi, dạy các em vẽ và làm thơ. Chị viết kịch bản truyền hình ngắn phê phán thói hư tật xấu trong xã hội cho đến khi Đài Truyền hình vừa trao nhuận bút vừa phán một câu: “Đề nghị chị viết kịch bản chỉ phê phán người dân chớ đừng phê phán cán bộ”. Con đường viết kịch bản của chị tắt ngấm từ đó.
Chị đi nhiều, sống nhiều với những con người chơn chất miền tây nên chị cũng đồng cảm với muôn vàn khó nhọc của những con người bình thường ấy. Và thơ chị luôn thay thế tiếng nói cho họ nói lên những nỗi niềm:
“Chúa đóng đinh trên giá
Phật vĩnh viễn hóa thân
Chỉ còn lại con người
Sống với nhau bằng sự tính toán trả giá
Nếu không có lòng tốt của con người
Chắc tôi không thể sống được
Nếu không có lòng tin về con người
Chắc trái tim tôi ngừng đập
(Phạm Thị Quý, Niềm tin)”
Chị tặng tôi tập thơ Vườn đá, in năm 1996, mở bài thơ đầu đã đọng đau đáu một nỗi niềm của tha nhân mà trong đó có mình:
“Tôi sống
Tôi tồn tại
Trong đôi mắt sợ hãi
Chập chờn những tia lửa nhỏ hiu hắt
Tôi tìm
Sự tồn tại hạnh phúc nhưng chỉ có tiếng thở dài
Và ánh mắt âu lo
Trước những sợi tơ nhện mong manh
Đang căng
Luôn chực hờ”
Đó là một tuyên ngôn bỏ lửng, mở đầu cho những nỗi niềm dàn trải theo những dòng thơ tiếp nối theo sau. Thân phận những người làm thơ thân phận khác với những người làm thơ tình ở điểm: Họ viết được lên thơ rồi, họ cảm thấy ủi an khi hòa cảm cùng những phận người, dẫu còn mãi chông chênh:
Cánh cửa mở ra
Trời đất chông chênh
Sao tôi ngắm bóng mình ngơ ngác
Chiều rồi ư?
Tia nắng vàng chợt tắt
Thoáng nghe như chân ai bước vội vàng
(Phạm Thị Quý, Mở cửa)
Dẫu đã mở được cánh cửa, đã thấy chông chênh, đã thấy buổi chiều, đã thấy nắng vàng chợt tắt, đã thấy những bước chân vội vàng, nhưng chưa phải là cái thấy của tất cả. Vẫn còn đâu đó những ngộ nhận, ngộ nhận bi thảm hơn ngộ nhận của Albert Camus trong Le Malentendu. Ngộ nhận về nhận định:
“Cánh chim ngộ nhận bầu trời
Cho nên chết bởi tay người thợ săn
Con cá ngộ nhận đám rong
Cho nên bị vướng vào trong lưới rồi
Con người ngộ nhận con người
Kẻ xấu hóa tốt, kẻ tồi hóa hay
Bất tài ngộ nhận thiên tài
Dối gian lại hóa thẳng ngay chân thành
(Phạm Thị Quý, Ngộ nhận)
Ngay cả trên con đường hội họa cũng lắm truân chiên. Có một thời duy ý chí, một thời mỗi bức tranh phải thông qua làm thui chột trí sáng tạo khiến những họa sĩ chân chính phải chùn chân, như anh Lê Triều Điển tâm sự trong tập Hành trình Phù Sa: “Sau những năm hoạt động nghệ thuật tự do, giờ anh em họa sĩ phải chịu sự gò bó của cái gọi là thông qua phác thảo rồi mới được sáng tác khiến anh em rất khó chịu bức bối”
“Nỗi đau của con người
Trong từng sát na cuộc sống
Nghệ thuật
Con đường đi
Không có mức đến
Không vô cùng bằng phẳng
Và chỉ có những ai
Đem cả cuộc đời ném vào đó
Để tim mình rướm máu
Và rộn rã hát ca”
(Phạm Thị Quý, Nghệ thuật)
Khi cùng các bạn đi xem triển lãm tranh các họa sĩ tại Bảo Tàng Thành Phố những năm trước, tôi ngạc nhiên xem những tranh thi họa xen theo mảng tranh ký hiệu. Sau này tôi mới biết đó là của chị Phạm Thị Quý. Nhìn lại quá trình xuất bản thơ của chị, tôi hiểu đó cũng là một cách dàn trải nỗi niềm mình nhanh nhất đến tha nhân. Cũng là một sứ mạng của một con người mang trái tim đau:
“mạng sống con người như hạt cát
người ta dẫm đạp dưới chân
mở màn hình lại thấy những đau thương,
chiến tranh,thiên tai sự vô tâm và tàn ác,
thở mạnh ra thấy nỗi đau trong ngực
tôi lại chất lên tôi sức nặng của muộn phiền,
rất may trên đời còn bè bạn anh em
(Phạm Thị Quý, Đêm mất ngủ)”
Đã sắp bước vào tuổi thất thập, dù vẫn lao xao lòng cùng nhân thế, nhưng chị Phạm Thị Quý bắt đầu nghiền ngẫm thêm một nẻo nhân sinh. Những bài thơ sau này đôi khi vẫn hằn dấu phôi phai:
“Hoa lặng lẽ như em ngồi lặng lẽ
Hoa trong vườn nở một đóa ngát hương
Trăng thượng tuần tỏa màu xám nhẹ
Trên bầu trời lặng lẽ một vệt cong”
(Phạm Thị Quý, Lặng lẽ)
Hay:
“Ta có thể lặng yên
hay cúi đầu câm nín
che mắt, bịt tai, trước bao chuyện ngược đời
Ngậm đắng nuốt cay mặc tội ác khắp trời
hay dũng cảm mà đứng lên
hiên ngang mà bước tới
cái thời trẻ trung không hề run sợ
giờ bạc đầu mặc bãi bể hoá nương dâu”
(Phạm Thị Quý, Ngày nắng ấm)
Những ai từng biết chị sẽ luôn nhìn thấy một chơn chất hồn hậu cùng nụ cười điểm nhẹ trên môi của chị trước khi hiểu rằng chị từng trải qua vô vàn trở lực giữa đời. Đã từng gói bánh, làm cỏ thuê, cắt rau muống, bán chè, bán sữa đậu nành, bán báo…tất cả chỉ để tồn tại và nung nấu trong tim một con đường nghệ thuật chân chính vị nhân sinh. Phải chăng đó chính là sứ mạng của cặp vợ chồng nghệ sĩ này?
“vòng quanh cũng một kiếp người
khi tu oa khóc, lúc cười buông tay
hết đêm rồi lại đến ngày
tan niềm vui lại nắm tay nỗi buồn
ta loay hoay giữa cõi trần
quanh đi quẩn lại một vòng hư vô
cuộc đời cát bụi phù du
mở hai con mắt vẫn mù mù xa
hốt nhiên ta bỗng nhận ra
vườn xanh hoa nở quanh ta chim về »
(Phạm Thị Quý. Lục bát rời)
Lại một tác phẩm của chị ra đời sau Tập thơ Hồng Lĩnh, Những chuyện thường ngày,
Vườn đá. Lại có thêm một thi phẩm kể chuyện nhân sinh để ta lắng lòng bùi ngùi.
Xót lòng cho những người có trái tim đau.
ĐẶNG CHÂU LONG
17-10-2020
Phạm Thị Quý, sinh năm 1953 tại Vũng Liêm, Vĩnh Long, xuất hiện trên báo 1969. Chị là vợ của họa sĩ Lê Triều Điển , Vĩnh Long