TRÍNH TÃ

Ngày đăng: 26/10/2020 07:53:08 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

“…Sai chính tả cũng như vi phạm luật giao thông, không ai có thể bảo mình không bao giờ mắc. Có những vi phạm khó tránh. Có những vi phạm khó thương. Và những vi phạm gây tai nạn…”

Thời còn làm báo nhiều năm trước, tôi đã từ chối một bài viết mà không đọc, vì tác giả bài đó kết thúc mấy dòng thư gửi đến tòa soạn bằng lời chào trân thành. Chính tả nhìn chung là phép cư xử với ngôn ngữ, không hơn không kém, và dĩ nhiên có thể thay đổi như mọi tập quán. Mấy chục năm trước người Việt ngồi chỗ nào cũng bắt chấy, ngoáy ráy tai, cậy gỉ mũi tưng bừng, ai không làm thế là thiếu hòa mình với tập thể, hẳn là còn rơi rớt ý thức hệ gì đó phản động lắm. 

 

Bây giờ, những hành vi chẳng chết ai đó chỉ còn sót lại ở những người mà ta không biết nên e ngại hay ái ngại cho sự nguyên thủy của họ. Chân thành hiện vẫn là đồng thuận của đa số người dùng tiếng Việt, song không có gì đảm bảo rằng trân thành sẽ không thắng thế. Trúng ta sẽ phải trâm trước tro những kẻ trung thủy với trữ nghĩa thuở nào.

Thực ra tôi rất biết ơn các lỗi chính tả. Của người khác, tất nhiên. Chúng là những chỉ dẫn đáng tin cậy. Hãy cho tôi biết bạn mắc những lỗi chính tả nào, tôi sẽ biết bạn là ai. Nếu thỉnh thoảng bạn đi bước nửa thay vì bước nữa, bạn ngã đầu thay vì ngả đầuđã thương ai đó thay vì đả thương chính người ấy, ngã ngủ thay vì ngã ngũ, bạn viết thư ngõ thay vì thư ngỏ… và nếu vì những mưu mô trước quỷ nào đó thay vì mưu mô chước quỷ mà bạn biệt vô âm tính thay vì biệt vô âm tín, tôi thậm chí thấy thích thú. Một ngôn ngữ cho người ta quyền lựa chọn giữa trăn trối, trăng trối, chăn chối, chăng chối, trăn chối, chăn trối, chăng trối và trăng chối, chưa kể giăng giối, là một ngôn ngữ chịu chơi. Một ngôn ngữ cho người ta cơ hội nhầm giữa xe đổ và xe đỗ, giữa vợ lẻ và vợ lẽ, giữa ăn phải bã và ăn phải bả, giữa ăn vãi và ăn vải, giữa chong đèntrong đèn và trông đèn, giữa vỡ kịch và vở kịch, giữa một con sâu làm giầu nồi canh và một con sâu làm rầu nồi canh… là một ngôn ngữ hào phóng. Nhưng ngày nào cũng gặp những covfefe của Việt Nam, những nổi lòng, những đau khỗ không sức nào chịu nỗi trong xả hội, những nổ lực và viển tượng, những lể hội, những khung cửa mỡ, những nhờ vã và đổi chát, những thắt mắt và bàn cải, những tham nhủng, lổi lầm, những bát phỡ ở nước Mỷ, chưa kể những nóng nòng chờ hỗ trợ và cây lêu ngày Tết, thì khó mà không phát điên.

Sai chính tả cũng như vi phạm luật giao thông, không ai có thể bảo mình không bao giờ mắc. Có những vi phạm khó tránh. Có những vi phạm khó thương. Và những vi phạm gây tai nạn. Có những người tham gia giao thông khiến ta mừng là không phải ra đường cùng một lúc với họ.

Lúc đọc “Đơn xin tự thú” của ông Trịnh Xuân Thanh, cuộc sống chốn chánh của ông ấy khiến tôi ngơ ngẩn mất một lúc. Nếu nghiêm khắc xét nét, có thể tính ra cả hai chục lỗi chính tả, từ chữ chốn chánh nay đã thành nổi tiếng đến những chữ viết hoa hay viết thường tùy tiện và cách chấm câu tự tung tự tác trong chưa đầy hai chục dòng viết tay ấy. Nhưng càng có tuổi, hình như tôi càng rộng rãi. Bây giờ tôi đồng ý với ông Wieland, tác gia Khai sáng Đức, rằng tôn giáo và cách chấm câu là chuyện riêng tư, người ngoài chớ bàn. Tôi cũng muốn thêm cách viết hoa hay viết thường cũng như cách viết i (ngắn) hay y (dài) vào gói riêng tư đó, vì trong khi chờ các nhà ngôn ngữ học quyết đấu thì mỗi chúng ta vẫn phải tự quyết định chân lý hay Chân lí trong chính tả cho riêng mình. Song cái tai nạn chốn chánh kia xảy ra bằng cách nào thì trước sau tôi vẫn thấy bí ẩn. Tôi có thể đem thêm một nhân vật đầy uy tín khác – một đại văn hào, cũng thuộc trường phái cổ điển Weimar, sử dụng một ngôn ngữ nổi tiếng trong thi ca và triết học, đầy những niêm luật kể cả về chính tả mà tiếng Việt nhìn thấy có lẽ chỉ biết thương cảm lắc đầu, ông Goethe – để bào chữa cho ông cán bộ cộng sản cao cấp Việt Nam hai lần trượt tị nạn tại Đức. Goethe rất vui vẻ thừa nhận rằng mình ít khi tự cầm bút mà phần lớn đọc cho thư ký chép, nên chính tả thế nào ông không quan tâm, viết thế nào không quan trọng, miễn độc giả hiểu là được. Tự tay viết thư thì thư nào của ông cũng có lỗi chính tả và không hề có dấu phẩy, cùng một chữ có khi ông viết ba kiểu khác nhau. Nhưng thời Goethe, hai trăm năm trước, cũng chưa ai phải nảy ra cái ý tưởng kỳ cục về luật giao thông. Ai có chân dùng chân, ai có ngựa dùng ngựa hoặc dùng lưng kẻ khác, miễn xê dịch được là xong. Ngày nay, một người Việt thuộc môi trường thượng lưu, tốt nghiệp đại học chuyên ngành và cao học lý luận chính trị, từ hơn hai mươi năm liên tục giữ cương vị lãnh đạo ở những tổng công ty và cơ quan nhà nước cấp bộ, thậm chí là đại biểu Quốc hội, làm thế nào để có thể rơi vào một tai nạn như chốn chánh?

Song sai chính tả không phải là độc quyền của riêng giới quan chức không thạo gì hết ngoài phép chia. Công ty Luật Đại Việt ở Hà Nội cung cấp dịch vụ đòi tiền trong trường hợp chốn nợ. Tạp chí Điện ảnh giới thiệu màn chốn chạy và pha lẫn chốn trong một bộ phim. Giáo xứ Thái Hà phản đối chủ chương tiêu diệt phong trào hướng đạo của cộng sản Việt Nam. Cô người mẫu Trang Trần viết bản kiểm điểm vì đã trống lại lực lượng làm nhiệm vụ. Hãng Taxi Bình Dương quảng cáo dịch vụ xe nhanh tróng thuận tiện. Bệnh viện An Việt ở Hà Nội phân tích hội trứng não gan. Báo điện tử Soha kể chuyện Sao Việt bị gạ đổi trác. Trường THPT Ngô Gia Tự ở Bắc Giang dạy kỹ năng nói lời từ trối khéo léo. Báo Vietinfo ở Tiệp thông tin về các vùng tranh trấp ở Biển Đông, trong khi cửa hàng Gentleman ở Sài Gòn hướng dẫn quy trình giải quyết chanh chấp. Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về trung cư và lợn lái. Báo Dân quyền yêu cầu đừng trà đạp lên tình yêu nước thiêng liêng. Tỉnh Đoàn Kontum kêu gọi đoàn viên chui rèn trong biển lửa. Báo Vietnamnet thông tin tăng phí chước bạ. Báo Người Việt Atlanta có hẳn một mục Chia xẻ kinh nghiệm. Công ti iMate ở Sài Gòn cho biết bí quyết trăm sóc lốp xe, trong khi Công ti Âu Việt ở Hà Đông bán máy đo lồng độ ô xy bão hòa và báo Dân trí đưa tin về một bệnh nhân bị lôn mửa, và Nhà sách Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu cuốn “Thi cử học vị học hàm dưới các chiều đại phong kiến Việt Nam“.

Ông Thanh rõ ràng đã hòa mình với tập thể dân tộc cả trong và ngoài nước. Thử hình dung, giới lãnh đạo Việt Nam bỗng nhiên là những người đẹp đẽ lịch duyệt, ăn ở sành điệu, thông thạo dăm ba ngoại ngữ, phát âm chuẩn chứ không cờ-lờ-mờ-vờ, chính tả chuẩn chứ không chốn chánh, diễn thuyết hùng biện, học vấn uyên bác, đã thế lại giàu năng lực lãnh đạo và trong sạch. Chúng ta sẽ nhìn họ như những thực dân từ hành tinh khác. Và chúng ta có truyền thống chống thực dân. Hay chuyền thống trống thực dân.

Phạm thị Hoài

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác