THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 66 : LÒNG
Ngày đăng: 2/09/2020 07:47:50 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Tóc tơ căn vặn TẤC LÒNG/ Trăm năm tạc một chữ “Đồng” đến xương.. Đó là hai câu thơ trong Truyện Kiều, tả lúc Kim Trọng và Thúy Kiều cùng nhau thề nguyền hẹn ước. TẤC LÒNG là một tấc của tấm lòng, mà một tấc Tàu chỉ khoảng 2cm mà thôi, nên TẤC LÒNG là chỉ tấm lòng rất nhỏ nhoi của mình; tuy nhỏ nhoi nhưng chứa đựng rất nhiều tình nghĩa, tâm tư tình cảm đều chứa đựng trong TẤC LÒNG nầy; TẤC LÒNG chữ Nho là THỐN TÂM 寸心, có xuất xứ từ 2 câu thơ trong bài “Ngẫu Đề” của Thi Thánh Đỗ Phủ đời Đường như sau :
文章千古事, Văn chương thiên cổ sự,
得失寸心知。 Đắc thất THỐN TÂM tri.
Có nghĩa :
Văn chương vốn là chuyện của thiên cổ, (Chuyện của muôn đời)…
Được hay mất thì trong TẤC LÒNG ta tự hiểu lấy !
Khi ở lại một mình để Từ Hải ra đi lập nghiệp, Thúy Kiều cũng đã nhớ đến cố quốc quê hương qua tấm lòng nhỏ nhoi nhưng lại rất nhiệt thành của mình :
TẤC LÒNG cố quốc tha hương,
Đường kia, nỗi nọ, ngổn ngang bời bời !
Còn khi cân nhắc giữa tình và hiếu để quyết định bán mình chuộc tội cho cha, thì cụ Nguyễn Du đã cho cô Kiều tự ví lòng hiếu thảo của mình như là “Lòng cuả một tấc cỏ nhỏ nhoi” muốn báo đáp lại ánh nắng của ba tháng mùa xuân ấm áp :
Hạt mưa xá nghĩ phận hèn,
Liều đem TẤC CỎ quyết đền ba xuân.
TẤC CỎ đó là THỐN THẢO TÂM 寸草心 xuất xứ từ 2 câu thơ trong bài Du Tử Ngâm của Thi Tù Mạnh Giao đời Đường :
誰言寸草心, Thùy ngôn THỐN THẢO TÂM,
報得三春暉。 Báo đắc tam xuân huy ?
Có nghĩa :
Ai bảo nỗi lòng TẤC CỎ…
Báo đền được nắng ba xuân ?!
Sau TẤC LÒNG ta có TƠ LÒNG. Tơ Lòng là gì ? Xin thưa : Tơ Lòng là sợi tơ ở trong lòng ! Ở trong lòng nào ? Ở trong lòng con nhện như trong ca dao dân gian :
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai ?!
… và ở trong con tằm, như trong Truyện Kiều khi Thúc Sinh phân bua than vãn với Thúy Kiều là :
Dù cho sông cạn đá mòn,
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ !
Cụ nguyễn Du đã mượn ý câu thơ trong bài thơ Vô Đề của Lý Thương Ẩn đời Đường là : “Xuân tàm đáo tử ti phương tận 春蠶到死絲方盡”. Có nghĩa : Con tằm xuân đến chết mới hết nhả tơ ! Ngoài ra …
TƠ LÒNG còn là sợi tơ trong lòng của các củ sen, cọng sen, ngó sen, như trong câu thành ngữ Ngẫu Đoạn Ti Liên 藕斷絲連. Có nghĩa : Củ sen, ngó sen tuy bị cắt đứt, nhưng những sợi tơ ở giữa hai đầu vẫn còn dính liền với nhau. Trong Truyện Kiều khi tả Thúy Kiều lần thứ hai lọt vào lầu xanh đã nhớ về Kim Trọng như sau :
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương TƠ LÒNG!
Ta còn gặp lại từ TƠ LÒNG trong Truyện Kiều khi Từ hải chết trận, trong buổi tiệc hạ công mừng chiến thắng, Hồ Tôn Hiến đã hỏi Thúy Kiều là :”…Dây loan xin nối cầm lành cho ai ?” thì cô Kiều đã khóc mà trả lời rằng :
… Còn chi nữa cánh hoa tàn,
TƠ LÒNG đã đứt dây đàn Tiểu Lân !
Rộng thương còn mảnh hồng quần,
Hơi tàn được thấy gốc phần là may !
TƠ LÒNG là sợi tơ ở trong lòng, là Tơ Tình, còn nói đão lại là LÒNG TƠ, như khi nghe tin Thúy Kiều đã bán mình để lấy tiền lo lót chuộc tội cho mình, thì Vương Viên Ngoại đã “Liều mình ông đã gieo đầu tường vôi”. Thúy Kiều phải lên tiếng khuyên nhủ là :
Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.
LÒNG TƠ dù chẳng dứt tình,
Gió mưa âu hẵn tan tành nước non.
Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rả cánh lá còn xanh cây…
Hay như khi đưa Kim Trọng về Liêu Dương để hộ tang cho chú, Thúy Kiều cũng đã trấn an Kim Trọng bằng câu :
Cùng nhau trót đã nặng lời,
Dẫu thay mái tóc dám dời LÒNG TƠ !
Trong truyện Nôm khuyết danh “Chàng Chuối” ta còn đọc thấy LÒNG HÀ LƯƠNG theo tích sau đây :
Theo sách “Ngô Việt Xuân Thu” Năm Câu Tiễn thứ 25, sau khi nước Việt diệt được nước Ngô, được nhà Châu phong cho làm bá chủ chư hầu, bèn hiệu lệnh cho các nước Tề, Sở, Tần, Tấn cùng họp nhau uống máu ăn thề để phò trợ nhà Châu. Tần Hoàn Công không theo hiệu lệnh, nên Việt cử binh đánh Tần. Câu Tiễn lệnh cho tướng sĩ nước Ngô vừa mới quy hàng qua sông Hà để tiến đánh nước Tần. Sau chiến tranh Ngô Việt quân tướng đã mõi mệt nên chán nản và kêu khổ liên miên, may mà nước Tần thấy khí thế của quân Việt quá mạnh, nên tự động đến để quy hàng. Quân Việt trở về mà lòng mừng khấp khởi bèn làm bài thơ HÀ LƯƠNG CHI THI 河梁之詩 để tỏ nổi vui mừng. Nên…
LÒNG HÀ LƯƠNG là lòng vui mừng, hân hoan, như trong truyện Nôm khuyết danh Truyện Chàng Chuối được cha giúp đỡ để cưới được vợ đẹp :
Thấy nàng khác đấng quần hồng,
Đã đưa khôn cấm tấc LÒNG HÀ LƯƠNG.
Còn LÒNG HỒNG HỘC là chỉ có hoài bão to lớn như chim hồng chim hộc, hai loài chim lớn vừa bay cao bay xa như câu nói trong Sử Ký của Tư Mã Thiên “Yến tước an tri hồng hộc chí tai 燕雀安知鴻鵠志哉!”. Có nghĩa : “Chim én chim sẻ làm sao mà biết được chí lớn của chim hồng chim hộc !”. Trong thơ Nôm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu :
Say hết tấc LÒNG HỒNG HỘC,
Hỏi làm chi sự cổ câm (kim).
Còn trong Bích Câu Kỳ Ngộ thì gọi là CHÍ HỒNG để chỉ chí lớn :
Đói no cơm giỏ nước bầu,
Những phường yến tước biết đâu CHÍ HỒNG.
Sau LÒNG HỒNG HỘC chỉ 2 loại chim, ta có LÒNG QÙY HOẮC chỉ 2 loài hoa là Hoa Quỳ và Hoắc Hương. Hai loại cây nầy hoa và lá đều hướng về phía mặt trời, nên hoa qùy còn có tên là Hoa Hướng Dương, theo như thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ :
葵藿傾太陽, QÙY HOẮC khuynh thái dương,
物性固難奪。 Vật tính cố nan đoạt.
Có nghĩa :
Qùy Hoắc hướng phía mặt trời,
Trời sinh vật tính khó dời đổi thay.
Vì “Hoa qùy môt dạ hướng dương”(thơ Á Nam Trần Tuấn Khải), nên được mượn để chỉ tấm lòng trung thành không gì thay đổi được. Trong “Đại Nam Quốc Sử diễn ca” của Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái có câu :
Bình dương nhật nguyệt sáng cao,
Tấm LÒNG QÙY HOẮC cũng đều hướng dương.
LÒNG QÙY HOẮC là lòng hướng dương không dời đổi, còn LÒNG SON là lòng đỏ như son không bao giờ phai nhạt, cũng dùng để chỉ lòng trung thành không lay chuyển, chữ Nho là ĐAN TÂM, có xuất xứ từ 2 câu thơ của Văn Thiên Tường đời Tống, được cụ Nguyễn Công Trứ mượn làm hai câu thơ chữ Hán trong bài hát nói “Chí Làm Trai” là :
人生自古誰無死, Nhân sanh tự cổ thùy vô tử,
留取丹心照汗青。 Lưu thủ ĐAN TÂM chiếu hãn thanh .
Có nghĩa :
Xưa nay người sống ai không chết,
Lưu tấm LÒNG SON để sử xanh !
Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phan Trần có câu :
Kiếp tu đã nguyện bồ đề,
LÒNG SON bảy mối, tóc thề mười phương.
Còn trong thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì gọi là LÒNG ĐAN :
Lồng cửa động, vân yêu cách,
Giải LÒNG ĐAN, nhật nguyệt thâu.
LÒNG ĐAN là LÒNG SON, là lòng son sắt không đổi thay, khác với LÒNG ĐỔI TRẮNG THAY ĐEN như cụ Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều :
Trong tay sẵn có đồng tiền,
Thì LÒNG ĐỔi TRẮNG THAY ĐEN khó gì.
Hay là LÒNG NGƯỜI NHAM HIỂM, như khi cụ cho Thúc Sinh nói về vợ mình là Hoạn Thư với bồ nhí là Thúy Kiều như sau :
Sinh rằng: Riêng tưởng bấy lâu,
LÒNG NGƯỜI NHAM HIỂM biết đâu mà lường.
Vì “Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường”, nên các cụ đồ Nho xưa hay kháo nhau câu :
畫虎畫皮難畫骨, Họa hổ họa bì nan họa cốt,
知人知面不知心。 Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Có nghĩa :
Vẽ cọp vẽ da khó vẽ xương,
Biết người biết mặt chẳng biết lòng.
Cũng trong Truyện Kiều, khi Bạc Bà ép Thúy Kiều lấy Bạc Hạnh, thì cô Kiều đã bày tỏ nỗi lòng lo lắng của mình với Bạc Bà là :
Cùng đường dù tính chữ tòng,
Biết người biết mặt biết lòng làm sao ?!
Cỏi lòng của con người hay bị những dục vọng thôi thúc, những dục vọng đó cứ âm ỉ mãi trong tim mà nhà Phật gọi là TÂM HỎA 心火, là LỬA LÒNG. Như khi được Hoạn Thư cho vào Quan Âm Các để xuất gia, Thúy Kiều đã “Ngày pho thủ tự, đêm nồi tâm hương”, nên cụ Nguyễn Du đã phán :
Cho hay giọt nước cành dương,
LỬA LÒNG tưới tắt mọi đường trần duyên.
Cũng như khi Vương Viên Ngoại buộc Thúy Kiều phải rời bỏ am mây của sư Giác Duyên để cùng về đoàn tụ, thì cô Kiều cũng đã phân bua rằng :
Sự đời đã tắt LỬA LÒNG,
Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi !
Cuối cùng ta có LÒNG PHIẾU MẪU. PHIẾU MẪU 漂母 là một bà già tầm thường giặt lụa ở bờ sông. Khi Hàn Tín 韓信 còn chưa phát tích, lang thang phiêu bạc đó đây sống nhờ vào Nam Đình Đình Trưởng. Nhưng vợ Đình Trưởng là một người đàn bà hà khắc, thường ăn cơm sớm và không chừa phần cho Hàn Tín. Khi Tín đến thì cơm đã hết rồi. Buồn lòng Hàn Tín đi lang thang ra bờ sông thì gặp phải Phiếu Mẫu đang lúc ngưng giặt đồ để ăn cơm. Trông thấy điệu bộ đói khát của Tín, bèn chia cho phân nữa phần cơm của mình đang ăn. Hàn Tín rất cảm kích mà bảo rằng :” Sau này nếu ta phát tích sẽ đền ơn cho bà trọng hậu”. Phiếu Mẫu nổi giận đáp rằng :”Ta thấy nhà người đói khát tội nghiệp nên chia cơm cho ngươi ăn, chớ đâu phải để mong sau này ngươi báo đáp cho ta đâu !”. Sau khi giúp cho Lưu Bang chiến thắng Hạng Võ để lập nên nhà Hán, Hàn Tín được phong là Tề Vương, rồi Sở Vương. Khi vinh quy áo gấm về làng đã báo đáp cho Phiếu Mẫu một ngàn lượng vàng. Vì tích nầy mà ta có thành ngữ NHẤT PHẠN THIÊN KIM 一飯千金. Có nghĩa : Một bửa cơm giá đáng ngàn vàng, để cho người đời biết giá trị của “Một Miếng Khi Đói” nó qúy giá biết dường bao !
Trong Truyện Kiều, khi Thúy Kiều báo ân báo oán, cụ Nguyễn Du đã mượn tích nầy để so sánh sự giúp đỡ Thúy Kiều của “Mụ quản gia và Vãi Giác Duyên” như là Phiếu Mẫu đã giúp Hàn Tín vậy, và cũng cho Thúy Kiều đền ơn bằng “nghìn vàng” :
Nghìn vàng gọi chút lễ thường,
Mà LÒNG PHIẾU MẪU mấy vàng cho cân !?
Xin được kết thúc bài viết về chữ LÒNG với LÒNG của PHIẾU MẪU.
Hẹn bài viết tới.
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức