ĐI TRẠI HÈ VUNG TÀU NĂM 1963

Ngày đăng: 13/08/2020 07:27:10 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Anh Đinh Kim Văn là bạn của Lương Minh ở Q. Bình Thạnh, năm nay anh gần 70, thế nhưng trí nhớ của anh rất tốt. Anh đi Vũng Tàu cách nay 57 năm , nhưng tường thuật lại đầy đủ như mới đi hôm qua. Giới thiệu các bạn bài viết của anh (LM) Hình minh họa lất trên Net.

Dù tôi cư ngụ tại xóm Khăn Đen Suối Đờn thuộc tỉnh Gia Định nhưng lại không học trường Nam tỉnh lỵ ở Bà Chiểu mà lại vào trường tiểu học Lê Văn Duyệt, Quận Nhất Sài Gòn. Hầu hết đám con nít lớn bé ở xóm chúng tôi đều như vậy, nếu là con gái thì vào trường Đinh Tiên Hoàng còn đám con trai thì vào Lê Văn Duyệt. Xin nhấn mạnh đó là trường tiểu học Lê Văn Duyệt ở Quận Nhất Sài Gòn chớ không phải là trường nữ trung học ở bên kia đường trước xóm tôi tại Bà Chiểu đâu. Trường tiểu học Lê Văn Duyệt của tôi học nằm trên đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu bây giờ), nay chia thành hai trường một mẫu giáo tại mặt trước cũ và Trần Văn Ơn ở cổng sau trên đường Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ).

Dĩ nhiên là mấy năm ở tiểu học rồi cũng êm ả trôi qua với rất, rất nhiều kỷ niệm tuổi ấu thơ. Niên khoá 1962 – 1963 tôi học lớp nhất A, sát ngay văn phòng thày hiệu trưởng, nơi gần cổng chính nhất. Tôi là thằng nhóc học không tệ, nhưng được cô giáo chú ý nhiều và… mến. Cô giáo Duyên của tôi, người Bắc, rất khó, khó nhiều thứ lắm. Xưng hô với cô không được là em mà phải là con vì cô cũng đáng tuổi mẹ tôi. Cô kỵ bao tập có hình mỹ nữ, như thời ấy hoạ sĩ Nguyễn Trung thường vẽ và mấy nhà làm tập mua in trên bìa vở offset rất đẹp. Nếu lỡ mua cô bắt phải lấy giấy che! Lớn lên quả là chí lý vì mỹ nữ có thể làm nghiêng thành mất nước như chơi huống hồ gì chúng ta. Cô là phu nhân của một đại uý quân đội thành thử đôi khi cô đến trường dạy bằng xe jeep có ông lính lái hẳn hoi. Cô giáo để ý tôi vì thấy tôi là một trong ít học trò trong lớp quần áo sạch sẽ, ủi thẳng thớm nên có lần cô hỏi chúng tôi: “Mấy trò ở nhà ăn cơm ngồi bàn hay trên ván?”, “Mấy trò cha mẹ làm gì ở nhà?” .v.v… Và cô hết sức ngạc nhiên khi biết ba tôi làm thợ sửa xe Vespa và má tôi thì bán cám ở chợ Đa Kao. Cô gặn hỏi: “Có phải ba trò làm ông chủ?”, nhận câu trả lời chắc nịch của thằng tôi “Dạ, làm công”. Rồi mẹ con bán chỗ nào, tôi chỉ. Cô vẫn còn hoài nghi. Khoảng hơn tuần sau cô gọi tôi và nói: “Mẹ con hiền quá!”. Cô đã nhiều lần đến chỗ má tôi bán và hỏi mua. Cái nhìn đầy thiện cảm là do má tôi không thuộc “hàng tôm, hàng cá” như đời nói mà là điềm đạm, lịch sự với mọi người. Từ đó cô càng mến tôi hơn nữa. Có những chuyện như bọn tôi đánh đáo bị thầy hiệu trưởng mắng, cô đem roi ra trước cửa lớp định cho lũ nghịch tặc này một trận, nhưng thấy đám “trò ngoan” của mình về, cô buông roi khóc ngất.

Đến cuối năm đó, sắp nghỉ hè, Ty Tiểu học cho trường chúng tôi 6 suất đi Trại hè ở Vũng Tàu 1 tuần lễ. Các suất này dành cho 6 lớp nhất của trường chúng tôi, năm cuối trước khi vào kỳ thi đệ thất. Lẽ ra tôi được chọn ngay từ đầu nhưng vì mấy tháng trước đó thằng Thìn, nhà ở bên hẻm trại gà Thanh Tâm xa lộ, mất mẹ. Cô muốn bù vào tình thương cho đứa học trò nhỏ của mình, nhưng khi về xin phép nhà thì nó không được gia đình chấp thuận. Thế rồi tôi đôn lên. Ba tôi thích thú với việc thằng con được đi chơi ở Cấp mà không tốn xu nào, chấp thuận liền và vào liên hệ với cô, với trường để hoàn tất các thủ tục trước khi Ty đưa chúng tôi lên đường nghỉ mát ở tận Ô Cấp một tuần.

Các học sinh dự trại hè phải đi khám sức khoẻ tại Y tế quận, ba tôi chở tôi đến Y tế quận Nhất sát chợ Tân Định để cân, đong, đo đếm đủ thứ theo yêu cầu. Mỗi học sinh phải mang theo (bắt buộc) ngoài quần áo mặc là một cái khăn tắm, một cái ca uống nước, kem và bàn chải đánh răng. Khi đó hãng Perlon vừa mới cho ra sản phẩm mới, tube kem nhỏ hình núi tuyết kèm bàn chải đánh răng, và tôi được sở hữu nó trong chuyến đi. Quần tắm thì không cần, vì hồi đó cái thứ này còn hơi xa lạ với mấy thằng nhóc con, vả lại là con trai thì xà lỏn là được rồi. Ba tôi đã ký giấy cam kết cho thằng con đi chơi Vũng Tàu với trường rồi, chỉ chờ ngày lên đường. Thằng nhóc tôi háo hức chờ đợi.

Sáng hôm đó, sân trường Lê Văn Duyệt đầy người, phụ huynh đưa con học ở các trường tiểu học công lập Sài Gòn đến. Đám con nít chúng tôi lao xao, đứa nào cũng có túi xách du lịch be bé, xinh xinh mới teng đựng hành trang cho những ngày đi chơi. Trường tôi dù có 6 suất nhưng chỉ có 4 đứa dự trại hè lần này. Sau màn điểm danh chúng tôi được sắp xếp lên xe. Ty Tiểu học có hai chiếc xe to, hiệu International của Mỹ, giống hệt các xe đưa rước học sinh bên Mỹ, sơn màu xám nhạt, chỉ một cửa lên xuống chờ sẵn. Hơn trăm thằng nhóc nên không đủ xe phải mướn thêm một chiếc xe đò mới hết. Kèm theo đám học sinh con nít loi choi chúng tôi còn có mấy thầy giáo nữa. Trường tôi có thầy giáo trẻ, cường tráng dạy lớp nhất đi trông coi chúng tôi. Tôi được lên xe đầu, xe của Ty Tiểu học. Hai xe nhà nước này do được Ty Tiểu học tổ chức xổ số Tombola trước đó, tiền lời dành dụm để mua chúng.

Đường ra Vũng Tàu hồi đó không nhiều xe như bây giờ, không gian, khung cảnh hai bên nhiều đồng ruộng, bóng cây, ít có nhà mặt tiền sát lộ. Bọn chúng tôi trên xe thằng nào thằng nấy hân hoan, khoái chí ra mặt, chỉ trỏ, nói chuyện với nhau dù mới quen trước đó hơn tiếng đồng hồ.

Xe vào Vũng Tàu, chạy ngay vào địa điểm mà chúng tôi ở trong những ngày sắp tới. Đó là biệt thự song lập hai tầng to, cất thời Tây, giữa hai khối nhà có khoảng sân rộng. Nơi này ngày nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, chỗ mà tượng ngài (bị xoay vô 180 độ) chỉ tay: “Chỗ này thằng Văn đã ở trong những ngày hè ở Vũng Tàu 1963 đó”. Xuống xe, đám chúng tôi được các thầy phân thành từng nhóm, trước khi đưa vào phòng ngủ, được sắp hàng tuần tự trình diện y tế tại đây để tiếp tục… cân, đong, đo, đếm, kiểm tra sức khoẻ.

Trước khi được dẫn đến phòng ngủ thì ngay trong hàng chúng tôi đã được nghe về thời khoá biểu, nội quy trại cùng những chỉ dẫn khác, và được phát chiếc nón tắm màu đỏ chói. Lẽ dĩ nhiên con nít chúng tôi phải nghe lời người lớn rồi. Toán chúng tôi được ngủ trên lầu biệt thự, nếu từ cổng nhìn vào nó nằm bên trái. Phòng ngủ là giường hai tầng, tôi ngủ dưới. Và ngay trước lối vào phòng ngủ (không có cửa) là giường của mấy thầy giáo trông trẻ án ngữ.

Ở trại, ngày ăn ba bữa chánh ở nhà ăn lợp tôn, bàn ghế đầy đủ, có lưới mắt cáo thông gió. Thức ăn ngon, có người dọn dẹp, lau rửa và trước mỗi bữa ăn phải hát bài được dạy: “… Mời anh xơi, mời anh xơi! Em muốn ăn ba chén liền…”. Ngoài bữa mặn chánh sáng – trưa – chiều còn có bữa ngọt nữa sau giấc ngủ trưa. Bữa này có hôm là bánh ngọt, có khi là chè.

Nối liền nhà ăn là lối đi có mái ngói che, tại đây có một người bán nước ngọt, 1 đồng một chai. Lúc này tôi mới tiếc vì đã lựa mang theo chiếc ca bé quá, chỉ vừa đủ nước, nếu bỏ nước đá vào cho lạnh thì tràn. Đành phải ngồi uống bớt tại chỗ trong khi tụi nó mang ca bự, đổ vào vẫn còn dư đem ra sân vừa đùa vừa uống.

Trong thời khoá biểu rành rành là sáng dậy theo lệnh, vệ sinh xong phải tập thể dục rồi mới ăn sáng mới tính tới chuyện mấy thầy dẫn đi chơi, đi tắm biển. Trưa, ăn xong là lên giường nghỉ trưa, không được nói chuyện. Dậy, ăn ngọt xong rồi cũng thành đoàn để mấy thầy đưa đi ra ngoài chơi. Chiều về thì ăn xong, có khoảng chừng một giờ “tự do” trước khi tập họp sinh hoạt chung cả trại. Cái khoảng thời gian “tự do” mỗi buổi chiều rất là vui vẻ. Dù mới gặp nhau nhưng bọn con nít trại hè chúng tôi nhanh chóng làm quen và cùng nhau chơi đủ trò trẻ nhỏ: chạy u, oẳn tù tì cõng ngựa… Và trong những buổi tối sinh hoạt chung trước khi đi ngủ chúng tôi được dạy những bài ca, trò chơi tập thể. Một trong những bài hát phổ biến lúc bấy giờ tôi còn nhớ là Lên đàng và Qua đèo: “Đèo cao thì mặc đèo cao, Nhưng lòng yêu nước còn cao hơn đèo”. Tuyệt nhiên không có một lời nào, bài ca nào liên quan đến chuyện chánh trị của người lớn, ngay cả bản Suy tôn Ngô tổng thống cũng không.

Đi tắm biển thì nhiều. Thường thì buổi sáng rộng rải thời giờ thì chúng tôi được các thầy dẫn bộ trên đường Hoàng Hoa Thám ngày nay để ra Bãi Sau, rồi sau đó lại cuốc bộ về. Còn thường thì buổi chiều được tắm ở bãi trước cho gần.

Mỗi lần tắm biển đám trại viên con nít chúng tôi đội nón tắm đỏ đi thành hàng trên đường. Tới nơi, trước khi xuống bãi thì các thầy cắm bốn cây cọc cao, có vải màu đỏ phía trên, giăng dây làm ranh giới để chúng tôi không vượt ra ngoài vì quá ham chơi mà thất lạc. Trong khi chúng tôi đùa giỡn dưới nước thì có thầy cũng thay đồ xuống nước vừa bơi vừa trông chừng đám học trò chúng tôi hoặc có thầy ngồi ghế bố trên bãi nhâm nhi chai bia con cọp. Tắm xong, phải kiểm điểm sĩ số trước khi trở về. Về tới trại, phải tắm nước ngọt, thay quần áo xong chờ tới hiệu lệnh xuống nhà ăn. Có lần, cả đoàn ra đến bãi sau rồi, nhưng biển hơi động, có cờ đen nên chúng tôi không được xuống nước mà phải quay về. Lần đó được mấy thầy cho vào xem đền thờ Cá Ông được vinh danh là Nam Hải tướng quân ở đình Thắng Tam, trên đường Hoàng Hoa Thám ngày nay. Lần đầu tiên được thấy mấy bộ xương của Nam Hải tướng quân đặt trong quan tài, lồng kính, đám con nít chúng tôi thấy là to lớn, đồ sộ dù trước đó vẫn biết chúng là sinh vật to lớn nhất hành tinh hiện còn sống. Cũng ở đó, chúng tôi được nghe rằng ngư dân ta thờ cá ông (cá voi hay cá chi nữa, nhiều tên quá, không rành) là vì thân thiện và cứu người lâm nạn ở giữa biển khơi. Và khi gặp cá ông chết (hay gần chết, gọi là cá Ông luỵ) thì ngư dân đầu tiên gặp phải tìm hết sức tìm mọi cách đưa ngài về để cho làng tổ chức lễ tang, và người đó phải chịu tang ba năm. Nghe đồn, sau tang chế thì ngư dân đó, làng cá đó được mùa. Và hàng năm họ cũng phải làm giỗ chạp cho ngài cá luỵ đó như người thân quá cố của mình. Đức tin của con người quả là lớn. Và cũng nhờ tập tục này nên Việt Nam chẳng bị nước nào lên án vì tội săn trộm cá voi vì “nghiên cứu khoa học” hết.

Một hôm mấy thầy xin xe quân đội chở chúng tôi lên xem ngọn hải đăng, nhưng không có xe đành phải tắm biển tiếp. Sau chúng tôi, các nữ sinh vì là con gái nên được bên nhà binh ưu ái hơn, cho xe chở đến tận đỉnh xem đèn pha hải đăng và đưa về. Thiệt tức cho đám con trai tụi tui quá!

Cứ thế những cuộc vui cứ tiếp diễn, trôi qua nhanh. Tới ngày về.

À, cũng nên thêm rằng trước khi chúng tôi lên xe trở về Sài Gòn, lại được vào phòng Y tế để cân, đong, đo, đếm lại. Mới có tuần lễ mà có đứa đã lên cân đến cả ký, dễ ăn nên béo ù.

Sáng hôm trước ngày về, chúng tôi được các thầy đưa ra chợ Vũng Tàu chơi, có mua sắm chút gì đem về nhà thì cứ việc. May mà hôm trước ba tôi cùng mấy cậu tôi ở quê lên, ba tôi rủ đi thăm tôi ở trại hè này và tắm biển luôn, ông cho tôi thêm mười đồng. Ra tới chợ tôi mua trái mít kha khá vài đồng để làm quà cho má và hai đứa em ở nhà. Khệ nệ đem trái mít đi cả cây số về trại mà chẳng thấy mệt nhọc chi hết. Khi đến đón tôi về nhà, ba tôi thấy trái mít hỏi mua chi cho cực, tôi chỉ cười.

Buổi chiều hôm trước khi mãn trại hè của chúng tôi, thầy Trưởng ty Tiểu học có ra thăm, xem xét để hôm sau tiễn chúng tôi về cũng như đón đoàn nữ sinh tiểu học ra thế chỗ. Và tối hôm đó sau khi sinh hoạt tập thể chúng tôi được thưởng thức món chè trứng đậu xanh bột bán, ngon tuyệt.

Hôm sau, ba chiếc xe như hôm đưa bọn tôi ra đây nhưng lần này toàn các cô nàng. Đám trẻ trai gái vui vẻ vẫy tay chào nhau, kẻ đến người về đều vui vẻ.

Đến nhà, cô em gái tôi khi đó mới biết bò (sinh 1962), chưa biết nói chợt thấy tôi xuất hiện vội bò vội vã lại mừng rơn. Chắc tại chưa biết nói nên chẳng thể hỏi sao tôi vắng biết mấy ngày qua? Tôi giơ tay đón ẳm vội lên, cô nàng em tôi mừng hết biết.

Sau này, lớn lên tôi biết bên Gia Định cũng có chuyến nghỉ hè giống vậy, còn không biết có hay không?

Rồi, tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi đệ thất trường công. May sao, dù dốt nhưng cũng thi đậu.

Lâu quá rồi, có quên chút ít chi tiết vui vẻ thì mọi người đừng trách thằng tui nha. HẾT

ĐINH KIM VĂN

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác