Tứ Đại Nữ Thi Nhân Đời Đường                                                   

Ngày đăng: 21/05/2020 08:54:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
                                               TIẾT ĐÀO
                                          Inline image
   Đệ Nhất Nữ Tài Tử đời Đường
      Tiết Đào 薛濤 (768-832), tự là Hồng Độ 洪度, có bản ghi là Hoằng Độ 宏度, là nữ thi nhân, nhạc kỹ nổi tiếng đất Thành Đô (Tứ Xuyên). Cha là Tiết Vân 薛鄖, làm quan ở đất Thục. Tiết Đào cùng với thi nhân Vi Cao 韋皋 và Nguyên Chẩn 元稹 trải qua hai cuộc tình thắm thiết, và trong khoảng thời gian yêu đương nồng thắm nầy, Tiết Đào đã sáng chế ra một loại giấy hoa tiên màu hồng dùng để chép những bài thơ tình ướt át của  đôi lứa yêu nhau, gọi là Tiết Đào Tiên 薛濤箋 (Giấy hoa tiên có tên là Tiết Đào) nổi tiếng và truyền mãi cho
đến hiện nay. Người đời sau xếp Tiết Đào 薛濤, Ngư Huyền Cơ 魚玄機, Lý Dã 李冶 và Lưu Thái Xuân 劉彩春 hợp xưng là “Tứ Đại Nữ Thi Nhân Đời Đường 唐代四大女詩人”; cùng với Trác Văn Quân 卓文君, Hoa Nhụy Phu Nhân 花蕊夫人 và Hoàng Nga 黄娥 hợp xưng là “Tứ Đại Nữ Tài Tử của Đất Thục 蜀中四大才女”.
       Inline imageInline image
      Hình tượng Tiết Đào qua điện ảnh TIẾT ĐÀO, NGƯ HUYỀN CƠ, LÝ Dà và  LƯU THÁI XUÂN.
 
      Theo Danh Viện Thi Quy 名媛詩歸 ghi lại : Tiết Đào lúc tám chín tuổi đã biết làm thơ, rất thông minh và lại tinh thông âm luật. Một hôm, đang ngồi hóng mát với cha ở trung đình, ông cha bèn chỉ vào cây ngô đồng bên miêng giếng mà đọc rằng :
                    庭除一古桐,    Đình trừ nhất cổ đồng,
                    聳杆入雲中。    Tủng cán nhập vân trung.
Có nghĩa :
                Trong sân cao ngất ngô đồng,
                Vương cao cành lá lẫn trong mây trời.
    
      Tiết Đào nghe xong, bèn đọc hai câu tiếp là :
                    枝迎南北鳥,   Chi nghinh nam bắc điểu,
                    葉送往来風.    Diệp tống vãn lai phong.
Có nghĩa :
                Lá thì theo gió lả lơi,
                Cành thì nam bắc rủ mời chim qua.
                Inline image
       Ông cha nghe xong rất ngạc nhiên cho tài thông minh nhanh nhạy của con gái, nhưng lại lắc đầu buồn bã vì ý thơ phóng túng buông thả, báo cho điềm xấu về cuộc đời của con gái sau nầy. Qủa nhiên, sau nầy cha mất sớm. Vì cuộc sống, nên mới 16 tuổi Tiết Đào đã trở thành danh kỹ nổi tiếng ở đất Trường An. Hai câu thơ của Tiết Đào hình thành thành ngữ “LÁ GIÓ CÀNH CHIM” trong tiếng Việt của ta. Khi tả cuộc sống của Thúy Kiều ở lầu xanh, cụ Nguyễn Du cũng đã viết :
                           …Biết bao bướm lả ong lơi
                     Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
                             Dập dìu LÁ GIÓ CÀNH CHIM,
                    Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh.
        Vào đời Đường lúc bấy giờ, tất cả các quan viên lớn bé đều xuất thân từ khoa cử, nên muốn lọt vào mắt xanh của các quan thì phải là các cô nàng chẳng những phải có nhan sắc mà còn phải có tài hoa nữa, và đây cũng chính là những ưu điểm vượt trội hơn người của Tiết Đào; những quan viên thi sĩ tài hoa như Bạch Cư Dị, Trương Tịch, Vương Kiến, Lưu Vũ Tích… đều tìm đến với nàng để xướng họa và nghe nàng đàn hát. Nàng đã sáng tác hơn 500 bài thơ với các văn nhân thi sĩ đó, nhưng phần nhiều đã thất tán, chỉ còn lưu lại cho hậu thế khoảng hơn 90 bài mà thôi.
                          Inline image
      Năm Trinh Nguyên thứ nhất (785), Trung Tư lệnh Vi Cao 韋皋 nhậm chức Kiếm Nam Tây Xuyên Tiết Độ Sứ. Trong tiệc rượu mừng có mời nhạc kỹ Tiết Đào đến giúp vui. Vi Cao muốn thử tài, mới ra một đề tài là  “đề Vu Sơn Miếu” nổi tiếng của nơi đó, và buộc Tiết Đào phải làm ngay một bài thơ trên tiệc rượu. Tiết Đào ung dung bày giấy mực và cất bút viết ngay một bài Thất ngôn Bát cú như sau :
      謁巫山廟                YẾT VU SƠN MIẾU
    亂猿啼處訪高唐,    Loạn viên đề xứ phỏng Cao Đường,
    路入烟霞草木香。    Lộ nhập yên hà thảo mộc hương.
    山色未能忘宋玉,    Sơn sắc vị năng vong Tống Ngọc,
    水聲猶是哭襄王。    Thủy thanh do thị khốc Tương Vương.
    朝朝夜夜陽台下,    Triêu triêu dạ dạ Dương Đài hạ,
    為雨為雲楚国亡。    Vi vũ vi vân Sở Quốc Vương (vong).
    惆悵廟前多少柳,    Trù trướng miếu tiền đa thiểu liễu,
    春来空鬥畫眉長。    Xuân lai không đấu họa mi trường.
Có nghĩa :
                Inline image
                 Cao Đường tiếng vượn bi thương,
                 Cỏ cây mây khói tỏa hương đón mời.
                 Núi nhìn Tống Ngọc nhớ người,
                 Suối tuôn róc rách bùi ngùi Tương Vương.
                 Dương Đài sớm tối yêu đương,
                 Mây mưa đánh đổ Sở Vương nước nhà.
                 Liễu bay trước gió la đà,
                 Đón xuân mày liễu dài ra mấy phần.
       Bài thơ nhắc đủ cả Cao Đường Phú của Tống Ngọc làm theo lệnh của Sở Tương Vương tả lại cảnh Cao Đường Thần nữ ở Dương Đài, sáng kéo mây chiều làm mưa đến khi nước Sở vong quốc. Bây giờ các hàng liễu trước miếu đến mùa xuân các lá liễu lại vươn dài ra như những chơn mày của người đẹp khoe đẹp khoe dài !
       Vi Cao đọc xong bài thơ, bèn dứng lên vổ bàn khen hay, nhìn nét chữ thanh tú rắn rỏi mường tượng như bút pháp Lan Đình của Vương Hi Chi, khiến Vi lại càng cảm mến, bèn chiêu nàng làm nữ tham quân trong phủ Tiết Độ Sứ. Tiết Đào đã tỏ ra rất đắc lực với những công việc được giao. Vi Cao lại dâng sớ về triều đình phong Tiết Đào làm Hiệu Thư Lang chuyên lo về việc công văn sổ sách. Mặc dù chỉ là một chức quan cửu phẩm nhỏ nhoi, nhưng đối với thời bấy giờ đã là một đăc ân rất lớn đối với nữ giới. Nên mọi người đều gọi nàng là “Nữ Hiệu Thư”. Từ đó, Tiết Đào danh nổi như cồn, tất cả những người cần gặp hay cần nhờ cậy đút lót cho Tiết Độ Sứ đều nhờ đến Tiết Đào. Lâu dần, sự việc lỡ vỡ. Năm Trinh Nguyên thứ năm (789)Tiết Đào bị biếm đến Tòng Châu. Tòng Châu là vùng biên thùy phía tây nam của đất Thục. Nơi đây, dân cư thưa thớt, binh hoang mã loạn, đường núi vắng vẻ thê lương, khiến người đi đường luôn luôn phập phồng lo sợ. Tiết Đào rất hối hận ghi lại cảm giác sợ hãi của mình bằng những câu thơ sau đây :
               聞道邊城苦,    Văn đạo biên thành khổ,
               而今到始知。    Nhi kim đáo thỉ tri.
               羞将門下曲,    Tu tương môn hạ khúc,
               唱與隴頭兒。    Xướng dữ Lũng đầu nhi.
     Có nghĩa :
                    Inline image
                    Biên thùy nghe nói khổ thay,
                    Đem thân đày ải đến nay mới tường.
                    Thẹn đem khúc hát u buồn,
                    Hát cùng biên tái sầu thương những người !
       Lại viết nên THẬP LY THI 十離詩 (Mười Bài Thơ Ly Biệt) thật tội nghiệp đáng thương gởi ngược về cho Vi Cao. Cao đọc xong cảm động, tha tội và cho triệu nàng về phủ. Chính khoảng thời gian nầy Vi Cao mới thực sự chuôc nàng thoát ly khỏi thân phận Nhạc Kỹ 樂妓. Kể ra thì khoảng thời gian đem thân làm nhạc kỹ của Tiết Đào chỉ khoảng 4 năm, từ 15 đến 19 tuổi, nhưng cái tiếng Danh Kỹ (Kỹ nữ nổi tiếng) đã theo nàng suốt cả cuộc đời và mãi cho đến… hiện nay. Rõ là oan uổng ! Sau khi được giải thoát, Vi Cao cho nàng về ẩn cư ở Hoán Hoa Lý 浣花里, chỉ hầu tiếp khi cần thiết mà thôi.
      Tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ tư (809). Thi nhân Nguyên Chẩn 元稹 khi đường công danh đang thênh thang rộng mở, đến đất Tây Xuyên với thân phận của một Giám Sát Ngự Sử, nghe phương danh của Tiết Đào đã lâu, nên hẹn gặp nàng ở Tân Châu để thỏa lòng ao ước. Sau buổi gặp mặt, Tiết Đào đã bị ngay tiếng sét ái tình giáng phải trước chàng thi sĩ tài hoa kiêm Giám Sát Ngự Sử trẻ trung đẹp trai chỉ mới có 31 tuổi nầy. Ngọn lửa ái tình bùng cháy mãnh liệt trong lòng nàng, mặc dù nàng lớn hơn chàng đến mười tuổi, nhưng khi chàng ngỏ ý, thì nàng bèn lao vào vòng tay chàng như con thiêu thân bất chấp tất cả. Sau đêm gặp gỡ, nàng đã viết nên một bài thơ “Trì Thượng Song Điểu 池上雙鳥” (Đôi chim trên ao) ướt át gợi tình như một cô gái đang xuân để bày tỏ tấm chân tình của mình :
                雙栖綠池上,      Song thê lục trì thượng,
                朝暮共飛還。      Triêu mộ cộng phi hoàn.
                更忙将趨日,      Cánh mang tương xu nhật,
                同心蓮葉間。      Đồng tâm liên diệp gian.
  Có nghĩa :
                    Inline image
                    Song đôi liền cánh trên ao,
                    Sáng chiều chắp cánh bay vào bay ra.
                    Vội vàng ngày thoáng trôi qua,
                    Giữa hồ sen biếc giải là đồng tâm. 
       Cả hai đều mê mẩn đắm chìm trong tình yêu cuồng nhiệt của tài tử giai nhân, cùng dạo chơi bên dòng Cẩm Giang trong xanh hữu tình, cùng nhau sáng chiều ngắm “Thục giang thủy bích Thục sơn thanh 蜀江水碧蜀山青”, tình chàng ý thiếp cùng đắm đuối trong non xanh nước biếc. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời của Tiết Đào, nhưng hạnh phúc lại chẳng dài lâu, chỉ vỏn vẹn đến với nàng trong 3 tháng. Vì tháng 7 năm đó, chàng Giám Sát Ngự Sử Nguyên Chẩn lại được lệnh vua điều đến Lạc Dương.
       Tiết Đào vô cùng thất vọng, nàng như hụt hẫng khi hạnh phúc vuột khỏi tầm tay. Cũng may là sau đó ít lâu thì lại nhận ngay được thơ của Nguyên Chẩn tỏ tình lưu luyến nhớ thương. Cứ thế tình yêu của lứa đôi tuy xa cách phương trời, nhưng lại được trải lòng trên những câu thơ trăm nhớ ngàn thương của thư đi tin lại. Chính thời gian nầy Tiết Đào đã nghĩ ra việc sáng chế một mẫu giấy chỉ đủ để chép một bài thơ cho gọn đẹp, vì nàng chuyên về sáng tác thơ tuyệt cú. Tiết Đào thiết kế ra mẫu giấy hoa tiên được nhuộm hồng để chép thơ tình cho thiết tha lãng mạn, rồi đưa cho những hãng giấy ở địa phương sản xuất ra hàng loạt, rất được các tài tử giai nhân sính thơ lúc bấy giờ rất ái mộ, gọi loại giấy để chép thơ tình đó là TIẾT ĐÀO TIÊN 薛濤箋 và sáng chế nầy còn lưu truyền mãi cho đến hiện nay.
       Nhưng hồng nhan đa truân, cũng khó trách Nguyên Chẩn tuổi trẻ quan cao, lại đang lúc thanh vân đắc ý; còn Tiết Đào chẳng những lớn hơn chàng mười tuổi, lại còn là một nhạc kỹ xuất thấn giữa chốn phong trần. Nên dần dà, tin nhạn thưa dần rồi bặt hẵn, và người thì biền biệt phương trời, khó mong có ngày trở lại. Tiết Đào chỉ đành gởi gắm tình yêu của mình qua thơ nhạc mà thôi. Ta hãy cùng đọc bài thơ sau để cảm thông cho tình yêu tha thiết của nữ thi nhân đa tài nhưng bạc mệnh nầy :
       春望词                      XUÂN VỌNG TỪ
花开不同赏,花落不同悲。  Hoa khai bất đồng thưởng, Hoa lạc bất đồng bi.
欲问相思处,花开花落时。  Dục hướng tương tư xứ,    Hoa khai hoa lạc thì.
揽草结同心,将以遗知音。  Lãm thảo kết đồng tâm,    Tương dĩ di tri âm.
春愁正断绝,春鸟复哀吟。  Xuân sầu chánh đoạn tuyệt,Xuân điểu phục ai ngâm.
风花日将老,佳期犹渺渺。  Phong hoa nhựt tương lão, Giai kỳ do miễu miễu.
不结同心人,空结同心草。  Bất kết đồng tâm nhân,    Không kết đồng tâm thảo.
那堪花满枝,翻作两相思。  Na kham hoa mãn chi,      Phiên tác lưỡng tương ti.
玉箸垂朝镜,春风知不知。  Ngọc trữ thùy triêu kính, Xuân phong tri bất tri ?!
            Inline image
Có nghĩa :
                      BÀI TỪ NGÓNG XUÂN 
                 Không cùng chung ngắm hoa xuân,
                 Hoa rơi hoa tạ cũng không chung cùng.
                 Nhớ nhau những phút tương phùng,
                 Hoa tươi hoa héo không cùng bên nhau.
                 Đồng tâm cọng cỏ xưa trao,
                 Tri âm biết có khi nào nhớ mong ?
                 Sầu xuân mãn kiếp con tằm,
                 Chim xuân khản tiếng hót ngâm tình sầu.
                 Gió đưa hoa rụng về đâu,
                 Giai kỳ biết đến khi nào gặp đây ?
                 Đồng tâm người ở chân mây,
                 Đồng tâm cỏ kết còn đây rành rành.
                 Hoa xuân giờ lại đầy cành,
                 Lòng xuân đôi đứa lại đành đôi nơi.
                 Sáng soi gương luống lệ rơi,
                 Gió xuân ở tận phương trời biết chăng ?!
       Chờ đợi mõi mòn trong tuyệt vọng, cuối cùng vì niên kỷ ngày càng một cao, Tiết Đào đành cởi đi hồng quần mà mình rất thích mặc, để thay vào một bộ đồ của đạo cô màu xám. Mặc cho xe ngựa vẫn rộn ràng bên Hoán Hoa Khê nơi nàng ẩn cư, Tiết Đào vẫn cố giữ cho lòng thanh thản cam phận với số kiếp hẫm hiu của một nữ đạo cô. Nhưng cuối cùng nàng cũng rời khỏi Hoán Hoa Khê để dời về Bích Kê Phường, dựng lên một tòa Ngâm Thi Lâu (Lầu thơ để ngâm nga) để sống hết những ngày còn lại.
      Khi Tể Tướng Đoàn Văn Xương đãm nhiệm chức Tây Xuyên Tiết Độ Sứ, có lần khi du ngoạn một ngôi cổ miếu là Võ Đãm Tự 武担寺 ở địa phương, có nhã ý mời Tiết Đào cùng đi dạo. Lúc bấy giờ Tiết Đào đã ngoài 50 tuổi lại mang bệnh trầm kha nằm liệt giường, nên không thể cùng đi được, mới làm một bài thơ từ khước như sau :
          Inline image
         消瘦翻堪见令公,    Tiêu xú phiên kham kiến lệnh công,
         落花无那恨东风。    Lạc hoa vô nả hận đông phong.
         侬心犹道青春在,    Nồng tâm do đạo thanh xuân tại,
         羞看飞蓬石镜中。    Tu khán phi bồng thạch kính trung.
Có nghĩa :
                Ốm đau không thể gặp ông,
                Đành lòng hoa rụng gió đông khó cầm.
                Nhủ thầm nếu vẫn thanh xuân,
                Thẹn vì tóc đã rối bùng trong gương !
       Đọc xong bài thơ trên Đoàn văn Xương vô cùng thương cảm, thương cho số phận của một nữ sĩ đa tài đã đến tuổi về chiều lại vương nhiều tật bệnh. Cho nên, đến mùa hạ của năm Đại Hòa thứ sáu (832), khi Tiết Đào trút hơi thở cuối cùng yên lòng nhắm mắt, thì chính tay của Tể Tướng Đoàn Văn Xương đã đích thân viết mộ chí cho nàng :”Tây Xuyên Nữ Hiệu Thư Tiết Đào Hồng Độ Chi Mộ 西川女校书薛涛洪度之墓”.
       

      Mười sáu tuổi đã phải luân lạc vào kỹ viện làm nhạc kỹ, nhưng nhờ tài hoa xuất chúng Tiết Đào đã tạo cho mình một chỗ đứng trong thi đàn đời Đường, sánh ngang hàng với các thi nhân nổi tiếng đương thời như Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích, Trương Hỗ, Trương Tịch, Nguyên Chẩn… Người đời sau đã xếp Tiết Đào đứng đầu trong “Tứ Đại Nữ Thi Nhân đời Đường” là TIẾT ĐÀO, LÝ DÃ, NGƯ HUYỀN CƠ và LƯU THÁI XUÂN. Hiện mộ Tiết Đào được xây trong Vọng Giang Lâu của Thành Đô (thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) trong rừng thúy trúc, bên mộ có trồng hoa đào để nhắc nhở đến màu hồng phấn trên giấy hoa tiên có tên là TIẾT ĐÀO TIÊN. Bên dòng sông Cẩm Giang của Hoán Hoa Lý có một cái giếng, tương truyền là Tiết Đào đã lấy nước trong giếng đó để tạo ra giấy Tiết Đào Tiên, nên cái giếng đó được đặt tên là TIẾT ĐÀO TỈNH 薛濤井 (Giếng Tiết Đào). Dân chúng lại lấy nước giếng đó để cất thành rượu, uống rất ngon, gọi là TIẾT ĐÀO TỬU 薛濤酒.
                     Inline image
                         Giếng Tiết Đào           Rượu Tiết Đào                Tiết Đào Kỹ Niệm Quán
     Nói chung, vì mến mộ tài hoa kiệt xuất của người nữ thi nhân đa tài đa truân và phận bạc, nên mới có GIẾNG TIẾT ĐÀO và RƯỢU TIẾT ĐÀO sau nầy. Chỉ có “Giấy Hoa Tiên Tiết Đào” là do chính Tiết Đào sáng tạo ra mà thôi. Hiện nay bên Vọng Giang Lâu còn có TIẾT ĐÀO KỶ NIỆM QUÁN 薛濤紀念館, trong đó có tượng của Tiết Đào tay cầm thi quyển, mặt nhìn về hướng Cẩm Giang.
                    Inline image
        Trên đây là các giai thoại và cuộc đời nữ thi nhân nổi tiếng nhất đời Đường : TIẾT ĐÀO 薛濤. Trong bài viết tới ta sẽ lần lượt điểm qua 3 nữ thi nhân nổi tiếng còn lại : NGƯ HUYỀN CƠ 魚玄機, LÝ Dà李冶 và LƯU THÁI XUÂN 劉彩春.
                    Inline image
              TIẾT ĐÀO 薛濤, NGƯ HUYỀN CƠ 魚玄機, LÝ Dà李冶 và LƯU THÁI XUÂN 劉彩春.
 
                                                                                                         Đỗ Chiêu Đức
                                                                                                         Biên dịch 2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác