TÊN GỌI “CHÂU THÀNH” Ở NAM KỲ THỜI THUỘC PHÁP

Ngày đăng: 14/03/2020 07:48:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

    “Châu thành” là từ Hán – Việt được dùng để đặt tên huyện của một số tỉnh ở Nam bộ hiện nay. Về nguồn gốc tên gọi trước nay có nhiều hướng cận nghiên cứu, giải thích khác nhau. Phổ biến nhất là hướng tiếp cận dưới góc độ Văn hóa dân gian và giải thích nguồn gốc tên gọi dựa vào nghĩa Hán – Việt của từ.  Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tiếp cận ở hướng khác trước, nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc của tên gọi này. Đây là lời giới thiệu bài nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Văn Triêm, hiện công tác tại Hội nghiên cứu Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp (LM)

  1. Hoàn cảnh lịch sử

Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất (còn gọi là Hòa ước Sài Gòn) nhường ba tỉnh miền đông Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và quần đảo Côn Nôn (Pulo-Condor) cho Pháp. Ba tỉnh này trở thành thuộc địa của Pháp, được gọi là Cochinchine française (Nam kỳ thuộc Pháp).

Do áp dụng chính sách trực trị như ở Algérie (Châu Phi), nhằm giảm bớt các phí tổn chiếm cứ ở thuộc địa, nên Pháp bỏ cấp hành chính tỉnh, phủ, huyện, chia Nam kỳ thành các hạt Thanh tra (Inspections).

Đến năm 1867, sau khi chiếm 3 tỉnh Tây Nam kỳ, Pháp chia nơi đây thành 8 hạt Thanh tra. Nhưng sau đó giải thể hạt Long Xuyên, một phần nhập vào hạt Sóc Trăng và một phần nhập vào hạt Rạch Giá. Cộng với 16 hạt Đông Nam kỳ đã chia tách, sáp nhập trước đó, tổng cộng toàn Nam kỳ có 23 hạt. Đứng đầu mỗi hạt là viên Tham biện (Inspecteur).

Đến ngày 20 tháng 9 năm 1870, toàn Nam kỳ có 25 hạt Thanh tra. Giai đoạn này, tuy các hạt Thanh tra được thành lập nhưng hệ thống lục tỉnh Nam kỳ vẫn còn. Và các hạt thanh tra vẫn là cấp hành chính dưới tỉnh.

Ngày 5 tháng 6 năm 1871, Nam kỳ từ 25 hạt sáp nhập lại còn 18 hạt, giải thể 7 hạt. Từ khi chia ra 18 hạt, trên thực tế không còn lục tỉnh nữa. Ranh giới tỉnh, phủ huyện cũ không còn được tôn trọng. Mỗi hạt được chia thành nhiều tổng, có thể là những tổng trước đâ[i]y thuộc nhiều tỉnh, phủ, huyện khác nhau.

L’usage a conservé à la Cochinchine française la division des provinces comme sous le régime annamite, mais celle désignation n’implique plus aucune administration spéciale ou particulière a chaque province. L’administration émane tout entière de Saigon. [ii] [4, tr. 126]

Năm 1874 hạt Thanh tra “Inspections” được đổi gọi là “Arrondissement”[iii], ta dịch là hạt “Tham biện”, dân gian quen gọi là “Tòa bố”, đứng đầu là viên Tham biện (Administrateur).

Năm 1876, người Pháp bỏ hẳn hệ thống Nam kỳ lục tỉnh. Soái phủ Sài Gòn ban hành Nghị định thành lập 4 khu hành chính ở Nam kỳ, gọi là “Circonscription”, gồm Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bassac:

L’usage avait conservé jusqu’en 1875, à la Cochinchine française, la division des provinces comme sous le régime annamite, sans toutefois impliquer aucune administration spéciale ou particulière a chaque province.

Par un arrêté du Contre-Amiral Gouverneur et Commandant en chef, en date du 5 janvier 1876, le territoire de la colonie a été divisé, pour faciliter l’exercice des fonctions des inspecteurs des affaires indigènes, en quatre circonscriptions [iv] administratives formées comme suit.[v]  [6, tr. 143]

Ngày 20 tháng 12 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định đổi các hạt tham biện ở Nam kỳ thống nhất gọi là tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900. Đứng đầu mỗi tỉnh là viên Tham biện Chủ tỉnh (Administrateur Chef de Province) hay chỉ gọi là Chủ tỉnh (Chef de Province).

Sau một thời gian, thi hành chính sách trực trị, người Pháp gặp khó khăn, gần như họ không nhận được sự hợp tác của các viên chức tổng, thôn với các mệnh lệnh từ trên đưa xuống. Lý do chính là bất đồng ngôn ngữ, lại thêm người Pháp không hiểu được hết phong tục tập quán cũng như tâm lý người Việt nên ít có sự thông cảm giữa người ra lệnh và người thực hiện. Chính vì điều đó cần phải có cấp trung gian tương đương cấp huyện của triều đình Nguyễn, làm “cầu nối” giữa “tỉnh” với “tổng” có nhiệm vụ giải thích các chính sách, chủ trương, đôn đốc thi hành công việc có hiệu quả,… Chính vì thế cấp “quận” được thành lập, đứng đầu gọi là “quận trưởng” (sous-préfet) hay “sếp pót” (chef de poste) hoặc “đại lý” (délégué)[vi].

Ngoại trừ những nơi địa bàn phức tạp, trọng yếu về mặt an ninh, quận trưởng sẽ do sĩ quan quân đội người Pháp đảm nhiệm. Còn lại đa phần chức quận trưởng do người Việt đảm nhiệm.

Giai đoạn đầu khi cấp quận chưa được thành lập, thì cấp huyện được người Pháp gọi dùng “Anciennes sous-Préfectures” (đơn vị hành chính xưa, thấp hơn phủ tỉnh). Khi cấp quận được thành lập, đây là một việc mới đối với người Pháp, họ chưa có kinh nghiệm, chưa biết tổ chức thế nào, việc này được thể hiện rõ trong cách đặt tên. Người Pháp đã dùng nhiều thuật ngữ khác nhau để mô tả cấp hành chính này:

– Délégué administratif (Đại lý hành chính);

– Circonscription administratif (Khu hành chính);

– Délégation administrative (Cấp hành chính được ủy quyền);

– Poste administratif (Cơ sở hành chính);

– Centre administratif (Thị trấn ?);

Và các tên này, có khi được dùng không thống nhất ở cùng một thời điểm, mỗi tỉnh dùng mỗi khác. Đơn cử như năm 1932: ở Bà Rịa dùng “délégation”; ở Châu Đốc, Tây Ninh và một số tỉnh còn lại dùng “poste administratif”; ở Chợ Lớn, Gia Định dùng “circonscription”.

Nhưng cho dù người Pháp dùng thuật ngữ nào để gọi cho cấp hành chính mới này, thì chúng ta vẫn thống nhất gọi chung là quận.

Thời gian ra đời của cấp quận không đồng loạt, tùy vào điều kiện mỗi nơi mà quận được thành lập sớm hay muộn. Nhưng có lẽ quận ra đời sớm nhất ở Nam kỳ là vào năm 1902, ở tỉnh Châu Đốc, giai đoạn này thì quận được gọi Poste administratif: quận Tân Châu (Poste administratif de Tanchau), do Đốc phủ sứ Nguyễn Trung Thư làm quận trưởng; và quận Tri Tôn do Nguyễn Văn Tư, quan huyện hạng 2 làm quận trưởng.

Tiếp sau đó vào năm 1903, có thêm 6 quận nữa được thành lập:

– Quận Cà Màu (tỉnh Bạc Liệu);

– Quận Trảng Bàng (Tây Ninh);

– Quận Núi Chứa Chan (Biên Hòa);

– Quận Tịnh Biên (Châu Đốc);

– Quận Cần Giuộc (Chợ Lớn);

– Quận Hớn Quản (Thủ Dầu Một);

Như vậy, đến năm 1903, có 8 quận được thành lập trên tổng số 20 tỉnh ở Nam kỳ.

Nhưng cũng có tỉnh không có cấp quận như tỉnh Gò Công kéo dài từ (1924-1945).

  1. Nguồn gốc tên gọi

Tên các quận hầu hết gọi theo tên Nôm của địa danh, nơi đặt quận lỵ, thường lấy tên chợ lớn nhất quận. Một điều đặc biệt, tên quận ở nơi đặt tỉnh lỵ (provinciale) đều gọi là “châu thành”. Nhưng đây không phải là tên riêng một quận của một tỉnh, mà tỉnh nào cũng có. Do đó khi nói “quận châu thành” phải nói thêm tỉnh nào mới không nhầm lẫn.

Tên gọi quận “châu thành” là do chúng ta dịch từ nguyên văn tiếng Pháp (française) (xưa gọi Lang-sa hay Phan-sa) từ  chữ “chef-lieu” mà ra. Từ “chef-lieu” được sử dụng rất phổ biến trong nền hành chính ở Nam kỳ thời thuộc Pháp, nếu nó đi đơn lẻ, được chúng ta dịch là “lỵ sở”.

Nhưng nếu nó đi theo cấu trúc: tiền từ (Délégation, Poste administratif…v.v) + mạo từ (du) + chef-lieu thì dịch “quận châu thành”. Trong cấu trúc này, trước “chef-lieu” là mạo từ “du” =  de + le, nghĩa là chef-lieu được dùng với tư cách là một danh từ chung. Nhưng khi dịch  =  quận “châu thành”, thì chúng ta biến nó thành danh từ riêng.

Tên quận Châu Thành délégation du chef-lieu

Monographie de la  Province de Long Xuyên (1924), tr. 44 

Ngoài từ “chef-lieu” được dùng để chỉ tên quận có đặt tỉnh lỵ, còn có thêm từ “centre”, như trường hợp tỉnh Chợ Lớn: circonscription du centre, ta dịch là quận trung tâm hay quận Trung ương.

Trường hợp khác, quận có đặt tỉnh lỵ không gọi “chef-lieu” hay “centre” mà có tên riêng như các quận thường, đơn cử ở tỉnh Bạc Liêu (số liệu năm 1932), tỉnh lỵ đặt ở quận Vĩnh Lợi.

Ngoài ra, trong tiếng Pháp để chỉ “vùng đất là châu thành”, tính từ để chỉ những nơi thành thị hoặc thuộc về thành thị có từ urbain:

– “Terrains urbains” (đất châu thành);

– “Terrains ruraux” (đất ngoại châu thành).

Cách gọi này theo quyết định ngày 1 tháng 3 năm 1921, của quan Nguyên soái Nam kỳ.

Theo thống kê của chúng tôi (có thể chưa đầy đủ), trong tổng số các tỉnh ở Nam kỳ thời thuộc Pháp, có một số tỉnh có “quận châu thành” một số không có.

Một số tỉnh có quận châu thành (số liệu năm 1932) (13 tỉnh): Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Tỉnh không có quận châu thành (8 tỉnh): Bạc Liêu, Bà Rịa, Cap Saint-Jacques, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Tây Ninh.

***

Hành chính thời Pháp thuộc của Nam bộ nói chung rất phức tạp. Sự phức tạp không chỉ thể hiện ở quá trình thường xuyên chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính. Mà nó còn thể hiện trong cách sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để đặt tên cho các cấp hành chính. Những tên gọi này, người Pháp dùng không thống nhất. Cùng một thuật ngữ nhưng ở giai đoạn khác nhau, có thể được dùng để gọi cho cấp hành chính khác nhau… Và đây cũng chính là nét đặc trưng về cách thức tổ chức hành chính ở Nam kỳ thời thuộc Pháp.

                                                                                                       Th.S Dương Văn Triêm

Tài liệu tham khảo:

  1. Ernest Outrey (1905), Tân thơ tổng lý qui điều, Imprimerie Commerciale Ménard & Rey, Saigon.
  2. 1. Nguyễn Đình Tư (2016), Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ, tập 1, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  3. 2. Nguyễn Đình Tư (2017), Địa chí Hành chí các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM.
  4. Cochinchine française (1871), Annuaire de la Cochinchine française (en 1871), Imprimerie Nationale, Saigon.
  5. Cochinchine française (1874), Annuaire de la Cochinchine française (en 1874), Imprimerie du Gouvernement, Saigon.
  6. Cochinchine française (1876), Annuaire de la Cochinchine française (en 1876), Imprimerie du Gouvernement, Saigon.
  7. ? (1932), Annuaire administratif de l’Indochine (en 1932), Imprimerie d’Extrême – Orient, Hanoi.
  8. Victor Duvernoy (1924), Monographie de la province de Long-xuyen, Éditions du Moniteur de L’indochine, Hanoi.

[i]

[ii] Theo thông lệ, ở Nam Kỳ các tỉnh vẫn được phân như dưới thời chính quyền An Nam. Nhưng tỉnh không còn bất cứ ý nghĩa hành chính đặc biệt nào. Tất cả mọi quyết định hành chính đều xuất phát từ Sài Gòn.

[iii] Nguyên văn: L’administration indigène est confiée à des administrateurs des affaires indigènes. On donne le nom d’arrondissement à l’étendue du terrain qu’ils administrent.

Dịch: Việc cai trị bản xứ được giao cho các chánh tham biện và khu vực cai trị của chánh tham biện được gọi là arrondissement. [5, tr. 139]

[iv]  Sau này đơn vị cấp “quận” cũng có lúc dùng tên “Circonscription”. Giai đoạn sau,  cấp “Khu hành chính” có khi gọi là “Inspection”, trùng với tên gọi của “hạt Thanh tra.

Đây là bảng thống kê “Một số thuật ngữ được dùng để gọi các cấp hành chính”, bảng thống kê này có thể chưa đầy đủ:

 

TT Các cấp hành chính Tên gọi và giai đoạn dùng
1 Cấp Khu hành chính Circonscription (1876-1880)

Inspection (1880-1900)

2 Cấp Tỉnh hoặc tương đương Inspections (1864-1874)

Arrondissement (1874-1900)

Province (1900-1945)

3 Cấp Quận hoặc tương đương Anciennes sous-préfectures

Délégué administratif

Circonscription

Délégation

Poste administratif

Centre administratif

4 Cấp Tổng

(Được duy trì suốt thời Pháp thuộc)

Canton (1867-1945)
5 Cấp Thôn, Làng Commune (1867-1876)

Village (1876-1945)

6 Xóm, ấp Hameaux

 

[v] Từ trước cho đến năm 1875, ở Nam Kỳ việc phân chia các đơn vị hành chính như dưới thời chính quyền An Nam. Tuy nhiên, các tỉnh không còn ý nghĩa về mặt hành chính nào.

Theo Nghị định của Soái phủ Sài Gòn và Tổng tư lệnh, vào ngày 5 tháng 1 năm 1876, đã chia vùng đất thuộc địa Nam kỳ, được cai trị bởi những viên Chánh thanh tra thành 4 khu hành chính.

[vi]  “Nghị định ngày 6 tháng 12 năm 1941 của Toàn quyền Đông Dương quy định cơ cấu tổ chức cấp quận của người bản xứ ở Nam kỳ” (Arrêté du 6 décembre 1941 du Gouverneur général de l’Indochine portan organisation des délégation ad administratives indigènes en Cochinchine). Theo đó viên chức điều hành cấp quận thống nhất có chức danh là đại lý.

[vi] Theo thông lệ, ở Nam Kỳ các tỉnh vẫn được phân như dưới thời chính quyền An Nam. Nhưng tỉnh không còn bất cứ ý nghĩa hành chính đặc biệt nào. Tất cả mọi quyết định hành chính đều xuất phát từ Sài Gòn.

[vi] Nguyên văn: L’administration indigène est confiée à des administrateurs des affaires indigènes. On donne le nom d’arrondissement à l’étendue du terrain qu’ils administrent.

Dịch: Việc cai trị bản xứ được giao cho các chánh tham biện và khu vực cai trị của chánh tham biện được gọi là arrondissement. [5, tr. 139]

[vi]  Sau này đơn vị cấp “quận” cũng có lúc dùng tên “Circonscription”. Giai đoạn sau,  cấp “Khu hành chính” có khi gọi là “Inspection”, trùng với tên gọi của “hạt Thanh tra.

Đây là bảng thống kê “Một số thuật ngữ được dùng để gọi các cấp hành chính”, bảng thống kê này có thể chưa đầy đủ:

 

TT Các cấp hành chính Tên gọi và giai đoạn dùng
1 Cấp Khu hành chính Circonscription (1876-1880)

Inspection (1880-1900)

2 Cấp Tỉnh hoặc tương đương Inspections (1864-1874)

Arrondissement (1874-1900)

Province (1900-1945)

3 Cấp Quận hoặc tương đương Anciennes sous-préfectures

Délégué administratif

Circonscription

Délégation

Poste administratif

Centre administratif

4 Cấp Tổng

(Được duy trì suốt thời Pháp thuộc)

Canton (1867-1945)
5 Cấp Thôn, Làng Commune (1867-1876)

Village (1876-1945)

6 Xóm, ấp Hameaux

 

[vi] Từ trước cho đến năm 1875, ở Nam Kỳ việc phân chia các đơn vị hành chính như dưới thời chính quyền An Nam. Tuy nhiên, các tỉnh không còn ý nghĩa về mặt hành chính nào.

Theo Nghị định của Soái phủ Sài Gòn và Tổng tư lệnh, vào ngày 5 tháng 1 năm 1876, đã chia vùng đất thuộc địa Nam kỳ, được cai trị bởi những viên Chánh thanh tra thành 4 khu hành chính.

[vi]  “Nghị định ngày 6 tháng 12 năm 1941 của Toàn quyền Đông Dương quy định cơ cấu tổ chức cấp quận của người bản xứ ở Nam kỳ” (Arrêté du 6 décembre 1941 du Gouverneur général de l’Indochine portan organisation des délégation ad administratives indigènes en Cochinchine). Theo đó viên chức điều hành cấp quận thống nhất có chức danh là đại lý.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác