Thi Cốt : TRẦN TỬ NGANG
Ngày đăng: 9/03/2020 09:50:40 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Trần Tử Ngang (659-700), tự là Bá Ngọc, người đất Xa Hồng Tử Châu (thuộc tỉnh Tứ Xuyên hiện nay). Ông xuất thân trong một gia đình hào phú lâu đời, hồi trẻ, ông chỉ ham học võ nghệ, săn bắn và đánh bạc; đến năm 17, 18 tuổi, ông mới chuyên tâm học hành.
Năm 684, ông thi đỗ Tiến sĩ lúc 23 tuổi, được Võ hậu (tức Võ Tắc Thiên) khen ngợi, cho làm chức Chính Tự ở Lân Đài, sau thăng làm Hữu Thập di, nên ông còn được gọi là Trần Thập Di).
Năm 26 tuổi, ông tham gia quân đội của Kiều Tri Chi, từng đến biên thùy phía Tây Bắc. Năm 35 tuổi, ông làm tham mưu cho Kiến An Vương Võ Du Nghi, theo quân đi chinh Đông, đánh quân Khiết Đan. Võ Du Nghi không có mưu lược, quân đi tiên phong đại bại, mấy lần Trần Tử Ngang hiến kế cho Võ Du Nghi, và hăng hái xin cầm quân ra trận; nhưng không được nghe theo, mà ngược lại còn bị chủ tướng trút giận lên đầu ông, hạ chức ông từ tham mưu xuống làm quân tào.
Bất đắc chí, năm 38 tuổi, ông lấy cớ cha già, xin từ chức về quê. Năm 702, huyện lệnh huyện Xạ Hồng là Đoàn Giản, vì nghe lời xui giục của Tể tướng Võ Tam Tư (cháu Võ Hậu) nên đã hại chết Trần Tử Ngang. Năm đó, ông 41 tuổi.
Tác phẩm của ông có Trần Thập Di Tập (Tập thơ thu thập những phần còn sót lại của họ Trần), trong đó có khoảng 120 bài thơ. Theo Dịch Quân Tả, thì Trần Tử Ngang là người có “tính tình hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, ưa giúp người, có khí cốt của một hiệp sĩ, nên được gọi là THI CỐT, và điều đáng qúy nhất là ông rất chân thật với bạn bè”.
Dưới đây là một bài thơ ưu thời mẫn thế, cảm khái cho thế cuộc của nhân sinh tiêu biểu cho cái khí cốt cao nhã của ông.
登幽州臺歌 ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA
前不見古人, Tiền bất kiến cổ nhân,
後不見來者, Hậu bất kiến lai giả.
念天地之悠悠, Niệm thiên địa chi du du,
獨愴然而涕下! Độc sảng nhiên nhi thế hạ !
陳子昂 Trần Tử Ngang
* Chú Thích :
– U CHÂU 幽州 : Một trong 12 châu quận ngày xưa, là thành phố Bắc Kinh hiện nay. U CHÂU ĐÀI 幽州台 : Còn gọi là Kế Bắc Lâu, là Đại Hưng của TP Bắc Kinh hiện nay, đây là cái đài mà Yên Chiêu Vương thời Chiến quốc xây nên để chiêu nạp hiền sĩ trong thiên hạ.
– TIỀN 前 : là Trước đây, chỉ qúa khứ.
– CỔ NHÂN 古人 : Người xưa, chỉ các bậc thánh quân biết chiêu hiền đãi sĩ.
– HẬU 後 : là Sau nầy, chỉ tương lai.
– LAI GIẢ 来者 : Người đến, chỉ những minh quân biết trọng dụng nhân tài.
– Niệm 念 : là Nghĩ đến.
– DU DU 悠悠 : là Dằng dặc. Chỉ thời gian dài lâu và không gian rộng lớn.
– SẢNG NHIÊN 愴然 : chỉ rất bi thương thê thiết.
– THẾ HẠ 涕下 : Nước mũi chảy xuống. Ở đây mượn để chỉ nước mắt chảy xuống khi qúa bi thương.
* Nghĩa Bài Thơ :
BÀI CA khi lên U CHÂU ĐÀI
Trước chẳng thấy có người xưa, sau cũng chẳng thấy có ai đến. Nhìn trời đất rộng thênh thênh dằng dặc mà riêng mình ta thấy xót xa rơi lệ !
Đây qủa là một bài bi ca ưu thời mẫn thế luận cổ suy kim của một người có tài nhưng bất đắc chí. Đứng trên đài cao nhìn trước trông sau, thấy trời đất bao la mênh mông vô tận mà thân phận con người thì lại nhỏ nhoi, cho dù có tài hoa cũng vẫn không thi thố được, buồn cho nỗi đơn độc bơ vơ của mình trước thiên nhiên cao rộng bao la, nỗi ẩn ức của một kẻ sĩ có tài nhưng lại bị áp chế ruồng rẫy thậm chí bị bức hại. Chỉ vỏn vẹn có bốn câu ngắn ngủi mà dư âm còn đọng mãi trong lòng người đọc.
“Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả”, có nghĩa là “KHÔNG TIỀN KHOÁNG HẬU 空前曠後” mà ta thường nói : Trước đã không mà sau thì trống rổng, nghĩa là trước sau gì đều “Không Có Gì Cả, Không Có Ai Cả !” Nên mới xúc cảm thương tâm đến rơi lệ. Đó là Tâm sự của Trần Tử Ngang đời Đường, còn đối với chúng ta hiện nay, từ…
KHÔNG TIỀN KHOÁNG HẬU 空前曠後 thường dùng để chỉ cái gì đó rất hiếm thấy, rất to lớn, rất vĩ đại … mà ngày thường hoặc người thường không thể có được, làm được !
* Diễn Nôm :
ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA
Trước xưa chẳng thấy có ai,
Sau xưa cũng chẳng thấy người nào đâu.
Bao la trời đất một màu,
Riêng ta bi thiết tuôn trào dòng châu.
Đỗ Chiêu Đức