NHỚ CHUYỆN NGÀY XƯA
Đọc bài của chị Oanh Đoàn, thật mũi lòng làm tôi nhớ mẹ vô cùng, trong lòng chị em chúng tôi mẹ tôi là một phụ nữ tuyệt vời nhất, ba tôi hiền, ít nói, mọi việc trong nhà một tay mẹ quyết định, mẹ tôi giỏi lắm hàng ngày tận tụy với công việc, cùng ba tôi vất vả kiếm tiền để nuôi chúng tôi, ba mẹ tôi làm nghề may từ lúc hai người mới cưới nhau, ba may đồ nam còn mẹ may đồ nữ đến những mấy năm về sau nhà may của ba má tôi mới làm hiệu tiệm, lúc nhỏ tôi nghe má giải thích, mẹ tôi tên Pholasi là Phương còn ba tôi tên Dưng lấy tên là Dung, ghép hai tên lại đặt cho hiệu tiệm là Phương Dung, mẹ nói cũng là tên của một ca sỹ có giọng hát thật ngọt ngào mà mẹ ngưỡng mộ. Tới lúc biết cầm kim, xỏ chỉ chúng tôi thường giúp ba mẹ đơm nút áo cho khách, nhất là những ngày giáp tết quần áo may không kịp, mẹ tôi thức gần như suốt đêm, tôi thường thức cùng với mẹ ngồi nhìn mẹ cắt đồ, may quần áo cho khách, ngày xưa có nhiều khách được phát quần áo sẳn, kích cở lớn lắm, hay đến nhà tôi may lại cho vừa, nhận đồ sửa, thường thì tháo hết, ủi lại cho thẳng rồi mới cắt lại cho vừa kích cở của khách, công việc tháo áo của đứa em gái thứ tư, tôi nghe ba khen nó tháo rất khéo, nhanh, có tay nghề không làm rách mặt vải, quần áo may thành phẩm mặc vừa vặn rất đẹp, vải thừa ba tôi thường may nón bán, vành nón dằn nhiều đường may thật đẹp, tôi nhớ lắm từ thuở nhỏ, mẹ may đồ cho khách, vải dư, mẹ ráp áo đủ kiểu, rất đẹp được nhiều mẹ gói bằng khăn chàng xếp vuông 4 góc cột lại quẩy đi, tôi đi cùng mẹ băng qua những cánh đồng đến các phuôm, sóc vùng quê, bán rất rẻ, nên họ rất thích có khi họ trả bằng lúa. Chúng tôi không học may gì cả, nhưng đứa nào cũng biết may, chắc cái gen di truyền của ba mẹ tôi, đã truyền cho chúng tôi từ trong trứng nước, lúc nhỏ tôi thường may áo cho búp bê, rồi lớn lên tôi đi mua vải theo sở thích rồi tự may áo cho mình và may cho các em, mốt thay đổi từng thời kỳ từ quần ống túm, ống loe, đến khi tôi về LX làm việc, tôi có gia đình và có cháu, đời sống chật vật, đồng lương ít ỏi không đủ trang trải trong cuộc sống hàng ngày, ngoài việc làm cơ quan, tôi lãnh hàng chợ về may thêm vào buổi tối, sau đó hàng xóm đem đến mướn tôi may quần áo, tôi nhận may luôn, có lần ba tôi ghé nhà, thấy tôi đứng đo đồ cho khách, người rất ngạc nhiên về nói với mẹ “ Con Rôm nó đâu có học may ngày nào, mà tôi thấy nó nhận may đồ cho khách”…đâu có gì lạ “con nhà Tông không giống lông cũng giống cánh” tôi còn rất nhiều nghề nữa… vậy mới ghê!
Những gì mẹ tôi nói lúc tôi còn nhỏ vẫn in đậm trong tôi, nhớ lắm, mỗi gần tết đến, ngoài may áo mới cho chúng tôi, mẹ còn dẫn chị em tôi đi uốn tóc, huyện Tri Tôn thời đó chỉ có một tiệm uốn tóc Phương Tường vừa làm nghề chụp ảnh, khách hàng đông lắm, người lớn, con nít từ vùng quê ra chợ uốn tóc, trong tiệm ì xèo. Có năm mẹ đi Châu Đốc mua vải về bán tết, rất đẹp nên khách đặt may quần áo càng nhiều hơn, sẳn dịp dẫn chị em chúng tôi đi uốn tóc luôn ở tiệm uốn tóc Ngọc Rỡ, chổ quen thuộc của mẹ, chúng tôi rất hớn hở, thích nhất là được ngồi xe đò đi chơi. Thỉnh thoảng mẹ còn dẫn chúng tôi đi xem chiếu bóng, ở huyện chỉ có một rạp hát Kim Long duy nhất, tôi thích lắm, tôi nhớ xem rất nhiều phim hay, phim Ấn Độ “Chồng người, vợ rắn” xem thấy sợ quá, phim VN có “Thằng khùng cưới vợ câm” đã gần 60 năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ những hình ảnh trong phim.
Còn nữa vào dịp hè mẹ cũng thường dẫn chúng tôi đi chơi thăm các dì ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, Trà Vinh, Sài Gòn, Nam Vang…nhớ lắm những ngày thơ ấu sống cùng ba mẹ, chị em…
Thương mẹ lắm! khi nghe các dì kể lại lúc mẹ 18 tuổi, là một thiếu nữ xinh đẹp, thời điểm phong trào chị em lấy chồng Tây, bà ngoại quá hoảng, sợ mẹ tôi bị Tây lấy làm vợ, bà nói “hể ai tới hỏi tao gả con Chín liền”, ba tôi nghe được nhờ người mai mối đến xin hỏi cưới mẹ tôi, lúc đó ba tôi 37 tuổi, sau thời gian dài tu ở chùa người đã hoàn tục, do người đã qua tu hành nên ngoại đồng ý liền, còn mẹ thì không chịu, người khóc, 2 lần chạy đi Nam Vang cầu cứu các cậu của tôi, bà ngoại ở nhà hăm tự vận nếu mẹ tôi không về, thế vì chữ hiếu mẹ tôi phải về làm đám cưới với ba tôi, mẹ tôi kể lại hai người đi đâu người ta cũng tưởng hai cha con, thương mẹ quá đi, nhưng mẹ tôi vẫn sống hạnh phúc chung tình với ba đến hết đời, có đến 9 lần sinh nở, 5 nữ 4 nam nhưng chỉ còn lại 5 chị em gái và 1 trai ( em trai tôi cũng qua đời vì bệnh).
Trên đời này, chỉ có mẹ tôi là số một trong tôi, mỗi lần tết đến niềm thương nhớ mẹ mà nước mắt rưng rưng. Ngày tôi làm ra tiền để được chăm sóc mẹ là ngày mẹ không còn nữa…
Sáng mùng 2 tết Canh Tý 2020)
Phi Rom
H1
H
MẸ là nhất ,,Dù tóc điểm pha sương ,,con vẫn là con thơ của MẸ ,,
Những giây phút thư nhàn hưởng tết này đây ,,lòng em nhớ mẹ vô vàn ,,được đọc bài viết hay về Mẹ của chi Phi Rom,, em như được phần nào an ủi ,,:”
***
“” Đêm đêm nghe tiếng thở dài
Mẹ xa ngàn dặm tiếc hoài thâu canh ” ( MẸ : Hoành Châu )
**
Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C )
Cám ơn Hoành Châu chia sẻ, mỗi lần đọc những bài viết về mẹ, cha của mình, buồn lắm, ai cũng có tâm trạng giống nhau, thương lắm, nhớ lắm Hoành Châu ơi. Năm mới chúc em dồi dào sức khỏe, cám ơn em đã góp cho bài báo Xuân…