CẢM NHẬN BÀI VĨNH LONG QUÊ TÔI

Ngày đăng: 22/10/2019 04:27:20 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đây là bài thơ của Thanh Xuân Ngọc, một CHS trường Lưu Văn Liệt, tôi đã đọc đi đọc lại vài ba lần.  Có gì như rất gần, rất quen, có gì như xa xăm, như mới hôm qua.  Hay là trong thơ gợi mênh mông về kỹ niệm của một thời nào, cái thời “Tuý ngọa sa trường quân mạc vấn “ chăng !  Cái thời đi uống cà-phê bằng thuyền tam bản, ngồi chồm hổm trên ghế, nhô lên khỏi mặt nước chỉ năm, mười xăng-ti-mét (cm) .  Cái thời chiến đĩnh của chúng tôi cảm thấy bình yên khi di chuyển trên sông lạch miền Tây trong mùa nước lớn. Hình ảnh đã hằn sâu trong kỷ niệm của một đoạn đời.

Thực ra bài thơ với tâm tưởng của tôi khác nhau, ký ức mênh mông trong kỷ niệm của tôi là khi đất nước chiến tranh, sông hồ kinh rạch, đồng ruộng bao la kia, làng mạc hiu hắt ấy, có thể thành chiến trường bất cứ lúc nào.  Mà bài thơ chỉ là một mảng bình yên của quê hương bây giờ.

Sáng nay trời lạnh, ngồi nhâm nhi tách trà, tự nhiên tôi lẩm nhẩm đọc lại bài thơ, không ngờ trí nhớ của mình được như vậy. Tôi ghi lên trang giấy và đem đối chiếu với nguyên bản.  Thật đáng khích lệ, bài thơ qua trí nhớ của tôi chỉ sai mấy chữ .

Trong bạt ngàn thơ văn trên những trang mạng xã hội, hầu như toàn thơ tình cảm, thân phận và thời thế.  Họa hoằn lắm mới gặp được một bài thơ về quê hương, bài thơ “VĨNH LONG QUÊ TÔI” của Thanh Xuân Ngọc là một trong những trường hợp như vậy.  Nhưng đó không phải là yếu tố làm cho tôi nhớ, mà chất giọng trong thơ, tình cảm trong thơ, ngôn ngữ trong thơ, hồn nhiên bình dị một cách lạ thường, độc đáo.

Quê tôi mùa nước lên
Cứ sáng, cứ chiều, nước trắng mông mênh

Mở đầu bài thơ, Thanh Xuân Ngọc  như học trò trả bài trước thầy cô giáo,  học trò là một thi nhân, và lớp học là trường đời.  Chỉ đọc hai câu thơ, trong hồn ta quê hương mênh mông nước ngập trắng xóa, trong lòng ta thời gian cắt lớp gợi lại bao nỗi niềm, trong tình ta cánh vạc bay vút giữa trời xanh, trên những cánh đồng xa hút tận chân trời.  Những đầm sen thơm ngát, hoa súng hiền vui, những mảng bèo trôi và hoa điên điển nở rộ trên từng mâm cơm mùa nước lớn. Ôi ! Hai câu thơ đằm thắm, dung dị như chính cõi lòng người Mẹ lăn lộn với quê hương, gắn liền với bờ tre, mương nước, người Mẹ nâng niu từng vườn ương, hạt giống, gần gũi, thân thiết với từng nông dân, người Mẹ bươn tẫu từ nam ra bắc, đưa sản phẩm của chính quê hương Vĩnh Long ra cùng thế giới văn minh loài người.  Người đó chính là Thanh Xuân Ngọc , người thổi hồn mình, trải lòng mình vào trong thơ, người đưa tâm tình vào đời sống, và sống hết lòng với quê hương.

Nói về thơ, quan niệm thơ thường khác nhau.  Người đọc thơ chỉ biết cảm nhận, do từng cách cảm nhận, họ có thể như sáng tác thêm lần nữa trong cảm xúc của họ.  Người làm thơ, khi đọc thơ họ tìm cái mới lạ, tìm ý tưởng trong thơ để nâng cao khả năng thi tứ của mình. Người nhận định hay phê bình, họ trước tiên là người đồng hành với tác giả, nhưng mang tâm trạng của một huấn luyện viên thể thao, muốn cho đối tượng của mình vươn lên đỉnh cao nghệ thuật, nhưng đồng thời nghiêm nghị, khắt khe với từng thao tác của mỗi thành viên do mình hướng dẫn.  Trong phê bình, điều quan trọng nhất là thẩm định giá trị bài thơ, không có tiêu chuẩn nào cho thơ hay, mà chỉ dựa vào sự am tường, vốn liếng tích trữ thế giới thơ trong thiên hạ xưa và nay, và tùy vào cảm tính, đôi khi là tình thân, bạn hữu để nhận định, để phê bình. Họ luôn cố gắng tạo cho mình sự khách quan. Nhân cách, uy tín của người viết phê bình là ở đó.

Thường trong các bài thơ hay, chúng ta chỉ bằng lòng với vài ba khổ thơ, vài ba câu, hoặc chí ít thì sự mới lạ, sáng tạo của tác giả.  Chỉ những tác giả lớn như Quang Dũng, mỗi bài thơ là một chuỗi ngọc. Một vài bài thơ của Tô Thùy Yên, là những tuyệt tác …..

Với bài thơ ‘’VĨNH LONG QUÊ TÔI’’ một bài thơ chân tình, mộc mạc của một người trọn tình trọn nghĩa với quê hương.  Chữ trong thơ cũng như con người, tôi có thể nói toàn bài không có câu thơ dỡ. Bởi vì cách nhìn của tác giả là nhìn bằng tâm, bằng tình, bằng vốn sống và kiến thức của một trí thức am tường nơi dân dã, gần gũi với nông thôn và quen thuộc, cũng như đã đến nhiều thành phố ngoài Việt Nam, mới có thể làm cho chúng ta bất ngờ khi những tai ương , khốn khó từ thiên nhiên ụp xuống đời sống, lại là lúc con người trở nên cao cả, rộng lượng và biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, gần gũi nhau hơn.

Mọi so đo, tỵ hiềm chợt chìm sâu mất biệt
Trong cái khốn đốn của nước dâng
chợt cùng nhau thân thiết

Thơ của Thanh Xuân Ngọc(TXN) như nói, như kể chuyện với người thân, bạn bè.  Có sao nói vậy, không phô trương, trau chuốt chữ nghĩa, sự thiệt thà làm nên giá trị của những câu thơ.  Ruộng đồng, sông nước miền tây bạt ngàn gió lộng, lòng người, tình người, tâm hồn cũng mênh mông thâm nhập vào đời sống.

Quê tôi nước cứ tràn lên
Làng xóm í ới gọi nhau kê thêm đồ đạc
Trẻ con mang gàu hì hục tát
—   “Nước đã tràn vô đến bếp nhà ta !”

Trong sáng tác của rất nhiều tác giả dưới dạng đập phá, làm mới bằng cách xây dựng lại theo kiểu cách riêng của mình, nhưng nguyên vật liệu vẫn lấy từ căn nhà đổ nát xưa.  Trong Vĩnh Long Quê Tôi, tác giả TXN gần như đã thể hiện cho mình một tính cách riêng. Đây là một điều đáng khích lệ cho một tác giả không chuyên, có thể viết đều tay hơn.

Từ khi những đập thủy điện ở thượng nguồn sông Cửu Long hoạt động, mặt trăng vẫn quay, nhưng mặt nước trở nên bất thường.  Sinh hoạt trong đời sống của người dân miền tây, dù đã quen sống với lũ, vẫn lao đao với những bất trắc thường xuyên xảy ra.

Mùa nước năm nay hơn cả năm qua
Cái ngạch cửa trước thềm nhà cứ nâng cao mãi
Cứ sáng, cứ chiều lòng lo ngay ngáy
Không biết rồi nước nhảy đến đâu ?

‘’Mùa nước năm nay hơn cả năm qua’’ trong cái mênh mông của mùa nước lớn, trong cách nhìn bình thường và quen thuộc, đó chỉ là câu nói.  Nhưng khi câu nói toát ra từ cảm xúc, từ tâm hồn và dàn trải tình cảm của mình lên trang giấy theo cách riêng của từng người, nó thành ra thơ.  Ở đây, TXN bằng thủ thuật điệp ngữ, với chữ ‘’cứ’’ được nhắc lại theo diễn tiến của con nước, chúng ta thấy cảnh bất thường của mùa nước lớn dồn dập, sống động như nó đang diễn ra đâu đó.  ‘’Mùa nước năm nay hơn cả năm qua, cái ngạch cửa trước thềm nhà cứ nâng cao lên mãi, cứ sáng, cứ chiều lòng lo ngay ngáy, không biết rồi nước nhảy đến đâu’’.

Trở lại từ đầu, trong dẩn nhập TXN cho ta thấy mùa nước lớn và nhịp độ xuất hiện của con nước, nó nhận chìm mọi tị hiềm, ganh gét để chỉ còn lại là tình người, là tấm lòng.  Họ đối đải với nhau bằng tình thân và độ lương. Nét đẹp tõa ra từ sự thiệt thà, tạo nên hồn dân tộc theo thời gian và cuộc sống của con người miền tây.

Mỗi khổ thơ là một hoạt cảnh, mỗi hoạt cảnh là tính cách độc đáo trong sinh hoạt Vĩnh Long mùa nước lớn, được chấm phá tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng tài hoa của TXN.  Thế rồi những âu lo phập phồng về mùa nước lớn được tác giả cho ta cảm giác thở phào nhẹ nhõm.

Quê tôi nước nào lên được bao lâu
Năm, mười phút thôi rồi nước rút

Năm mười phút thì chỉ như thời gian giải lao trong giờ làm việc, vậy mà con nước để lại biết bao bận rộn, lo toan.  Những bận rộn lo toan nhanh chóng qua đi, để còn lại niềm vui chan hòa sức sống. Thiên nhiên làm sạch đường phố, vườn tược, mang phù sa tô bồi cho ruộng đồng tươi thắm hơn.
Trong lao đao giữa mùa nước lớn, một hình thái của khí hậu và thổ nhưỡng do thiên nhiên ban cho miền tây, nó như là quà tặng sau sự kiện lính quýnh, loay hoay của con người, để nhận về sức sống êm vui, nhàn hạ của những con người giàu lòng từ tâm, yêu quê hương thiệt thà như yêu láng giềng thân thiết và bạn hữu gần xa.

Quê tôi nước nào lên được bao lâu
Năm, mười phút thôi rồi nước rút
Chỉ khổ con người, lính quýnh, loay hoay … 
nhưng mà rất thật
Thương lắm quê tôi, mùa nước lên !

Thương quá quê tôi  – mùa nước lên. Một kết thúc vừa bất ngờ, vừa làm cho ta cảm giác như những hoạt cảnh trong bài thơ cứ vang vọng, như vẫn quấn quít trong tâm hồn người đọc cho đến khi bao nhiêu vướng víu, hệ lụy trong cuộc đời kéo chúng ta ra khỏi tâm tình của thơ.
Ở thời buổi có quá nhiều thi nhân, nhưng quá ít những tác phẩm được gọi là thơ, thì ‘’Vĩnh Long Quê Tôi’’ là bài thơ không sáo mòn, nó là cảm xúc được tâm hồn trộn với trí tuệ để thành thơ.
      ZuLu DC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác