NGƯỜI TÔN PHỤNG HỒN CỐT SƠN NAM…

Ngày đăng: 22/08/2019 09:54:01 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Ngày 13 tháng 8 năm 2008, nhà văn Sơn Nam “dừng bước giang hồ” sau 83 năm rong ruổi trên cõi thế, để lại cả một gia tài văn học đồ sộ và giá trị… Nhưng những giá trị tinh thần ấy có thể sẽ dần mai một theo thời gian nếu như không có những người con hiếu đễ đã tôn lập Nhà lưu niệm Sơn Nam cũng như chăm chút nơi ông yên nghỉ luôn được “mồ yên, mả đẹp”…
Người viết có nhiều kỷ niệm với nhà văn Sơn Nam khi ông còn tại thế. Cách đây gần 20 năm, khi ông được Ban quý tế Miếu Thành hoàng Bổn cảnh (Q.10, TP.HCM) mời làm chủ tế trong lễ cúng kỵ các cô hồn bị xử tử tập thể trong cái “loạn Lê Văn Khôi” thời Minh Mạng (1.250 người bị giết và chôn chung ở Đồng Tập Trận, gọi là “Mả Ngụy”). Hôm ấy, ông mặc áo dài gấm đỏ, khăn đóng cũng bằng gấm đỏ. Ông chỉ định tôi và một anh bạn đồng nghiệp mặc áo dài đen, khăn đóng đen đứng hai bên làm bồi tế. Rồi khi ông ngả bệnh, tôi lần theo ông từ Bệnh viện Gò Vấp đến Bệnh viện Nhiệt Đới để viết bài “Mời ông tiếp tục lên đường…”. Khi được tin ông từ trần tôi vội đến nơi quàn thi hài ông trên đường Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh, TP.HCM) để xin thông tin về chương trình lễ tang, tôi được giới thiệu với người có uy tín nhất trong tang gia – anh Trần Đức Nghị, con rể của ông Sơn Nam, là chồng của chị Đào Thúy Hằng (con gái đầu lòng của nhà văn, chị lấy họ mẹ) đó cũng là lần đầu tiên tôi được gặp anh rồi sau này trở nên thân thiết.
Chính vợ chồng anh Nghị-chị Hằng đã liên hệ với Nghĩa trang hoa viên Chánh Phú Hòa (Bình Dương) để đưa nhà văn về yên nghỉ tại đây, xây cho ông một ngôi mộ thật đẹp, có phù điêu tượng chân dung nhà văn và bia đá khắc hai câu thơ bất hủ “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Cũng xin nói thêm, đây là 2 câu thơ cuối của bài thơ “Hương rừng Cà Mau” cũng được lưu giữ trân trọng tại Nhà Lưu niệm Sơn Nam (ở Mỹ Tho). Nhiều người cho rằng đây là bài thơ duy nhất trong văn nghiệp Sơn Nam, thực ra từ cái thuở mới khởi nghiệp viết lách, Sơn Nam đã có in tập thơ “Lúa reo” (1948)…
Mộ của ông nằm trên một gò cỏ xanh thật đẹp, cảnh quan thật thanh bình. Ông là người đầu tiên về nằm ở đây, “mở hàng” cho hàng loạt văn nhân, nghệ sĩ sau này: Người luôn sát cánh bên ông lúc còn sống cũng như lúc lìa đời chính là ông bạn đồng hương thân thiết – nhà thơ, soạn giả Kiên Giang-Hà Huy Hà, bây giờ mộ của 2 người tri âm, tri kỷ này lại nằm “gối đầu” với nhau. Nằm phía bên kia đường, mé tay phải của ông là anh bạn trẻ: Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, rồi
nhạc sĩ Phạm Duy, soạn giả Viễn Châu, diễn viên Hồ Kiểng…
Mộ của ông ở Bình Dương nhưng Nhà lưu niệm Sơn Nam lại ở TP.Mỹ Tho. Đây cũng là một công trình do anh Nghị – chị Hằng dày công tạo dựng bên bờ sông Bảo Định thơ mộng: Một ngôi nhà xây theo kiểu truyền thống Nam bộ nằm trên một gò đất cao với mái ngói, tường gạch mộc có trổ nhiều cửa (cửa chính và cửa sổ) bằng gỗ, nền lót gạch tàu nên rất thông thoáng và mát mẻ.
Bên trong ngôi nhà, ở chính giữa là bàn thờ ông khá giản dị, chỉ với bức ảnh chân dung phóng lớn treo trên cao, phía dưới, một bên là tượng điêu khắc bán thân của ông, bên kia đặt bình hoa và một lư hương bằng thạch cao để dưới nền nhà đối diện với bàn thờ. Quanh nhà là bộ sưu tập tất cả những gì liên quan đến nhà văn Sơn Nam: Từ những tác phẩm từng xuất bản, những vật dụng quen thuộc lúc sinh thời ông vẫn sử dụng (đặc biệt là chiếc máy đánh chữ) cho tới những tranh, ảnh, thư pháp… do những người yêu mến ông chụp hoặc vẽ tặng. Trước Nhà lưu niệm, dưới tàn cây ngọc lan tỏa hương thoang thoảng là phù điêu chân dung nhà văn, phía đối xứng, dưới gốc sứ cổ thụ là phiến đá khắc thủ bút của ông qua bài thơ “Hương rừng Cà Mau” với trọn vẹn 28 câu và chữ ký của tác giả… Quanh khuôn viên Nhà lưu niệm còn điểm xuyết thêm những bụi trúc, cây sung, những ao sen có gốc dừa nghiêng mình soi bóng, trên những tấm ván cầu ao có đặt lu nước, vành miệng lu gác cái gáo dừa, rồi 4 cái gọng vó nửa chìm nửa nổi trên mặt nước… Đặc biệt, vợ chồng chủ nhân đã kỳ công đắp một Hòn Phụ Tử ở giữa hồ nước, lấy nguyên mẫu từ Hòn Phụ Tử của biển trời Kiên Giang (đã bị sụp đổ) để từ trong bàn thờ, nhà văn Sơn Nam luôn hướng về quê hương RạchGiá – Kiên Giang… Tất cả đều khơi gợi một không gian Nam bộ, một tâm hồn Sơn Nam…
Không chỉ có thế, ít người biết ở khu lưu niệm này còn có Nhà thờ gia tộc dòng họ Trần Đức, ông tổ là Cống Quận công Trần Đức Hòa người được Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) nhận làm dưỡng tử (con nuôi) và phong tước Cống Quận công năm 1584. Khi làm quan Khám lý phủ Quy Nhơn, ông phát hiện và gả con gái cho Đào Duy Từ rồi tiến cử con rể lên Chúa Sãi .Sau này, nhờ Đào Duy Từ đắp 2 chiến lũy: Lũy Thầy và Lũy Trường Dục mà quân Trịnh không thể vượt qua đánh chiếm phía nam, phải rút quân về.
Anh Trần Đức Nghị là hậu duệ đời thứ 13 của Cống Quận công Trần Đức Hòa. Tuy thuộc dòng dõi “danh gia” nhưng vốn khiêm tốn nên anh dựng nhà thờ tộc cũng khiêm tốn nhưng rất trang trọng: Ngôi nhà một lầu dựng sát góc trong cùng của khu lưu niệm. Tầng trệt là nơi tiếp khách mà đa phần là văn nghệ sĩ, tầng trên là nhà thờ. Chính giữa nhà là tủ thờ có đặt linh vị Quận công và lư hương. Trên những bức tường là những tờ sắc phong cho các nhân vật trong dòng họ Trần Đức, có những sắc phong từ thời Lê Anh Tông – Trịnh Kiểm (cách đây hơn 450 năm) và của các vua chúa triều Nguyễn sau này. Những tờ sắc phong này được vợ chồng anh Nghị nhờ chuyên gia Hán Nôm phiên âm và dịch nghĩa rồi photo lên những tấm mica và đem trưng bày… (người viết đã từng được hân hạnh tháp tùng vợ chồng anh Nghị đến viếng mộ Quận công Trần Đức Hòa và đền thờ Lộc Khê hầu Đào Duy Từ ở Hoài Nhơn-Bình Định)…
Kể từ khi khánh thành Nhà lưu niệm Sơn Nam (2010), tỉnh Tiền Giang nói chung và thành phố Mỹ Tho nói riêng có thêm một địa điểm du lịch văn hóa. Du khách đến viếng không ngớt (miễn phí), nhất là vào những dịp giỗ kỵ nhà văn. Đặc biệt, các cặp cô dâu-chú rể rất thích đến đây chụp hình lưu niệm ngày cưới… Đó cũng nhờ cái tâm, sự hiếu đễ của anh Nghị-chị Hằng đối với thân phụ – một nhà văn hóa lớn của Nam bộ.

Hà Đình Nguyên

                                                      Nhà lưu niệm Sơn Nam 
            Nhà thơ Kiên Giang (áo đỏ) và Hà Đ Nguyên cùng thân tộc bên mộ nhà văn SN.

                                                 Nhà văn Sơn Nam và Hà Đ Nguyên ( 2005.)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác