CHUYỆN CÁI BÀN NẠO DỪA.

Ngày đăng: 22/07/2019 10:11:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Thôn quê, mấy mươi năm về trước, dân cư còn thưa thớt, nhà nào cũng có cái sân rộng, sau nhà là mảnh vườn nhỏ …nghèo thì trồng năm, ba cây dừa, khá giả thì trồng mươi cây, vài chục cây…Cây Dừa ngoài việc cho trái để ăn : Dừa tươi, dừa khô…Bẹ dừa khô rụng xuống, nhặt vào …cọng lá dừa vót từng cọng làm chổi hoặc nhóm lửa, bẹ dừa làm củi đốt…vỏ trái dừa khô, gáo dừa cũng là củi…nhớ lại khi chưa có điện, sử dụng bàn ủi con gà, khi không có than đước, lấy gáo dừa đốt làm than ủi đồ cũng rất tốt….hồi nhỏ lấy cọng lá dừa làm chong chóng…trò chơi rất thú vị…

Tôi nhớ lại thời ấy, nhà nào cũng có cái lu…để bên hiên trước cửa nhà. Nhà mái lá có cái máng xối, khi có mưa, nước mưa theo máng xối chảy vào lu, những cơn mưa đầu mùa phải lấy cái khăn lược để ở miệng lu để lược bớt những bụi bậm, lá khô mục trên mái nhà. Khách bộ hành đi giữa đường, trưa nắng gắt, khát nước, ghé vào  nhà bên đường, lấy cái gáo, làm bằng gáo dừa, có cái cán bằng tre, trúc dài chừng năm tấc, máng kế cái lu…múc một gáo nước kê miệng uống vào mát lạnh. Đã ơi là đã ! phải bằng gáo dừa uống mới ngon, sau này họ thay bằng cái ca nhôm, ca nhựa, mất thú vị…

Dừa thì được trồng từ Nam dài ra đến miền Bắc, dừa Tam Kỳ, Tam Quan cũng rất nổi tiếng, nhưng nổi tiếng nhất là dừa Bến Tre, theo tôi có lẽ nhờ ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, viết bản nhạc Dáng đứng Bến Tre, làm Bến Tre lên luôn(?)

Thường thường có người nơi khác đến, miệng có hàm răng hô (vẩu), thì không biết dân ở tỉnh nào, mà nói ngay là dân Bến Tre thật oan cho Bến Tre quá….Nhà nào có người răng hô, thì bảo nhà này không cần cái bàn nạo dừa…

Chuyện có thật thương tâm. Tôi biết có vài ba trường hợp: Cô dâu mới, trong ngày cưới ,sau khi đám cưới vừa xong, cô dâu ra cái sàn nước cùng các cô hàng xóm đến phụ giúp đám cưới rửa chén, dĩa…vô tình có trái dừa trên cây rụng xuống ngay đầu cô dâu và cô dâu chết, vì thế những người lo xa họ không trồng dừa gần nhà, nhất là gần sàn nước….

Cái bàn nạo dừa, bây giờ vẫn còn thông dụng, trước đây gần như nhà nào cũng có, khi có đám tiệc như giỗ, đám cưới thì sang hàng xóm mượn dù bây giờ có bàn nạo máy, vì không lẽ một -hai trái dừa khô phải mang ra chợ mướn nạo ? Nên lấy bàn nạo ra chịu khó nạo vậy …Bây giờ thì tiện lợi lắm, dù trong nhà có dừa, nhưng làm biếng, ra chợ mua dừa nạo sẳn, ở đây họ vắt giúp cho nước cốt dừa. Ở chợ có người  bán dừa nạo, họ lời thêm phần nước của trái dừa khô, gáo dừa….

Cái bàn nạo dừa thường bằng gỗ, chọn những nhánh cây hoặc rễ cây có dáng nằm và hai chân, về nhà đẽo gọt thêm, sau này ngoài chợ ở các tiệm tạp hóa có bán Bàn nạo dừa bằng sắt, nguyên là những thanh sắt ấp chiến lược của Mỹ (dùng để máng dây chì gai trong các hàng rào, căn cứ quân sự…)

Nạo dừa cũng là một nghệ thuật, không phải ai cũng làm được…lột vỏ dừa, gọt cái gáo dừa cho bóng, lấy cái xống dao bửa cái gáo dừa thật khéo cho bể hai phần miểng vùa gần bằng nhau, khi nạo dừa thật đều tay không cho phạm vào gáo dừa, lấy hết phần cơm dừa…Trong gia đình tôi mấy mươi năm trước, khi có đám tiệc trong nhà, phần lột dừa, nạo dừa là mẹ tôi giao cho tôi đảm trách. Nay làm việc này là nhớ đến mẹ.

21/7/2019

Trịnh Kim Thuấn.

h1

h2

Có 1 bình luận về CHUYỆN CÁI BÀN NẠO DỪA.

  1. Luong Minh nói:

    Tôi rất khâm phục sáng kiến nạo dừa của các bà bán xôi. Họ lấy nút khoén (nắp chai nước ngọt) đóng vào một cái nẹp cây, làm cái bàn nạo. Khi nào hết dừa, ngồi ở không lấy cái nạo dừa bé tí , nạo đủ để bán xôi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác