TÌNH ANH DÀNH CẢ CHO EM (PHẦN XXIV)

Ngày đăng: 21/01/2019 10:52:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

– “Anh lúc nào cũng đàng hoàng”, tôi nói. “Em trọng anh vì anh luôn bảo vệ sự trong trắng cho em.”

– “Anh thường tự hỏi, không hiểu em có cho anh là tên ngu hay không”, anh nói. “Nhưng mà anh đã hứa với cha em.”

– “Hứa với cha em? Anh hứa những gì? Lúc nào?”

– “Vào cuối tuần đầu tiên anh đến thăm gia đình em.”

– “Anh hứa với cha em những gì?”

– “Là chúng ta sẽ không có quan hệ xác thịt.”

– “Tại sao? Tại sao anh lại hứa như vậy? Hai người đã nói về em trong cuối tuần đó sao?”

– “Dĩ nhiên, cha em lo lắng vì anh lớn tuổi hơn em nhiều quá. Ông muốn, sự trong trắng của em phải được gìn giữ”

Hình 1

Tôi bị sốc và bực mình. Ba mươi bảy năm trôi qua, tôi phản ứng trước tin này với sự phẫn nộ của một người phụ nữ giữa tuổi năm mươi, người tranh đấu để bảo vệ quyền tự quyết của phụ nữ từ hai mươi năm nay. Tôi nhìn thấy hai người đàn ông đi cạnh nhau trong vườn, chìm đắm trong câu chuyện, hay nói khác hơn, trong sự đồng loã. Chuyện của đàn ông, quá nghiêm nhặt, đầy ý nghĩa về một người phụ nữ. Họ nói chuyện về tôi như tôi là một đứa bé, một vật dụng. Họ quyết định về những gì xảy ra cho tôi, quyết định về cuộc đời của tôi mà không hỏi gì tôi cả.

– “Cha em muốn che chở em”, anh nói. “Anh yêu em và tôn trọng em. Sự trong trắng của em rất quý giá. Anh kính trọng cha em, ông chỉ muốn cho em những gì tốt đẹp nhất. Anh tưởng là em cũng biết, cha em và em đã nói chuyện này với nhau và em cũng đồng ý. Em vừa nói là em đánh giá anh cao vì anh đã không ngủ với em.”

– “Em cũng tưởng đó là quyết định của anh chứ đâu ngờ đó là quyết định của cha em.”

– “Ông thương em, ông muốn…”

– “Ông muốn quyết định những gì xảy đến cho em cũng như những gì cho chúng ta.”

– “Rồi, nhưng có gì là trái đâu. Em không nên trách vì ông bảo vệ em. Tưởng tượng xem, nếu liên quan đến con của mình, liệu em có cảm xúc như thế hay không? Bộ em không muốn che chở con em hay sao?”

– “Đúng rồi nhưng hai người nói chuyện với nhau mà không có em, nói sau lưng em.”

– “Trước mặt em làm sao mà nói được. Đó là năm 1962, thời đó làm sao có thể bàn luận như thế với một cô thiếu nữ được. Đó là thời đại khác. Nếu đó là con gái anh, anh cũng sẽ làm giống như cha em vậy.”

Tôi cố bỏ đi sự tức giận và tự hỏi, tôi cảm nhận như vậy có đúng hay không, có quan trọng hay không, có phải đó là một phản ứng chính trị về một trải nghiệm cá nhân không? Phải chăng đó cũng từ quan điểm chính trị cá nhân và là tâm điểm của cách suy nghĩ về việc bảo vệ quyền phụ nữ ?

-“Anh không hiểu em được”, anh nói một cách thận trọng hơn.

– “Anh muốn lo cho em vì anh phải trở về Mỹ. Tưởng tượng xem nếu có chuyện gì xảy ra trước khi chúng ta kết hôn. Không quan trọng hay sao khi sự trong trắng của em được gìn giữ.”

– “Đúng, em cho là ngày xưa như vậy nhưng đó phải là quyết định của em. Em nghĩ, anh làm vậy vì anh cho đó là đúng.”

– “Anh cũng làm vậy nhưng nếu không có lời hứa với cha em thì đôi lúc anh cũng yếu lòng.”

Chúng tôi yên lặng một hồi khi nghĩ đến ngày tại nhà của Bobby và những lần khác nữa và quên đi chính mình lẫn những gì đang xảy ra xung quanh.

– “Anh biết là em sẽ bằng lòng“, anh nói một cách rụt rè.

– “Anh nói đúng.”

– “Anh thấy rõ là anh phải có trách nhiệm.”

Không lời vì tôi đang phải tranh đấu với cảm xúc của mình.

– “Nếu ngày đó em biết”, anh nói, “về cuộc nói chuyện giữa anh và cha em, về điều cha em yêu cầu, liệu em có tức bực và bị thương tổn hay không?”

Tôi muốn nói là có, tôi muốn trả lời là trong thâm tâm tôi, tôi là người bảo vệ quyền phụ nữ nên với tôi, chuyện đó rất quan trọng nhưng tôi cố đè nén để không nói ra sự thật. Tôi không thể biến đổi quá khứ theo ý muốn hiện tại của tôi.

– “Không“, tôi thú nhận một cách chậm rãi. “Rõ ràng là em sẽ xấu hổ lắm khi biết anh và cha em nói chuyện về em như vậy nhưng em cũng không đủ khả năng để tự quyết định. Nhiều phần trăm là em phải chấp nhận vì thời đó là việc bình thường. Em không tưởng được vì em nhìn mọi việc dưới mắt em ngày nay.”

– “Sau ba mươi bảy năm liệu chuyện đó có còn quan trọng chăng, cho cả em lẫn anh.”

 

Hình 2

 

 

Tôi nghĩ, đó là câu hỏi quyết định vì bắt buộc phải có một ranh giới giữa quá khứ và hiện tại. Tôi, thời đó lúc mười tám tuổi với tôi bây giờ ở tuổi năm mươi bốn cùng bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu quan niệm mà tôi đã thu thập được trong bao nhiêu năm, giữa hai khoảng thời gian. Thật là một đòi hỏi lớn để hoà nhập hai cái “tôi” đó.

Những ký ức trong quá khứ nếu đem so sánh với những thực tế trong cuộc sống hiện tại thì đó là sự đương đầu giữa lý thuyết và kinh nghiệm thật sự.

Người phụ nữ đó đã cảm nhận như thế nào? Người đó chính là hiện thân của tôi ngày nay. Bao nhiêu phần trăm những gì tôi viết và công bố là của chính tôi? Bao nhiêu phần là hùng biện và bao nhiêu phần là cảm xúc thực sự? Tôi có muốn hoặc để cho tương lai diễn giải quá khứ hay không? Tôi có để cho lý thuyết chiến thắng hay là tôi nên ngả theo bản năng cũng như cảm xúc của mình?

– “Em nghĩ chẳng có gì là quan trọng”, tôi bắt đầu. “Em đã lẫn lộn cảm nhận của em ngày xưa với cảm xúc của em ngày nay. Ngày xưa em cảm thấy sung sướng khi anh đảm nhận tất cả mọi trách nhiệm. Em chẳng muốn gì hơn là được lập gia đình với anh. Cô thiếu nữ là em ngày xưa không bao giờ đặt vấn đề về sự quyết định. Em phục tùng và lấy làm hạnh phúc khi thực hiện  những gì anh muốn.” Tôi ngưng và anh cũng im lặng để chờ tôi tiếp tục.

– “Những gì đáng kể là tình yêu và sự tôn trọng mà anh đã dành cho em và cha em. Điều quan trọng chính là con người của anh và những gì anh đã cân nhắc để hành động, đó mới là đáng kể.”

– “Sự thật là vì em quá phục tùng nên anh lại càng phải có trách nhiệm hơn”, anh nói. “Trách nhiệm để không lạm dụng lòng tin của em.” Anh im lặng để thu lượm ý nghĩ của mình. “Anh thật là điên loạn vì bản tính “chiếm hữu” của mình. Khi nhận thơ em, anh lo sợ là ngoài anh, em còn có thêm những người đàn ông khác. Anh cũng không chắc là em có thể đo lường để biết được, em đã tạo nên một áp lực tình cảm mạnh mẽ như thế nào nơi anh.

Sau Melanie, anh không muốn và cũng không thể chịu đựng thêm một lần nữa, anh biết chắc là anh không thể sống sót được. Ở nơi anh làm việc có một đồng nghiệp vừa bị vợ bỏ vì một người đàn ông khác. Anh ta hư hao đến nỗi không còn làm gì được cả. Hàng ngày ngồi trước bảng vẽ nhưng anh ta chỉ nhìn vào khoảng không, anh ta đã mất đi chỗ tựa. Anh biết, chuyện như vậy cũng có thể xảy ra cho anh, anh tạo cho mình cách thức như máy dò cảm xúc, nhạy đến nỗi có thể nhận ra được một con muỗi đang bay ở mãi tận Siberia. Em có một mãnh lực rất lớn trên anh nên anh chỉ còn cách duy nhất là trốn chạy.”

Ngày xưa, những điều mà cả hai chúng tôi không thể nói ra được quả thật là nhiều khiến tôi phải giật mình. Sự tổn thương mà cả hai cảm nhận đã không được nói ra. Nếu sự việc xảy ra một cách khác thì chúng tôi đã có đủ can đảm để thú nhận với nhau mối lo cũng như cảm xúc của mình. Những năm trước đây theo như định nghĩa khoa học thì việc “lệ thuộc” trong cuộc sống lứa đôi là một điều thiếu lành mạnh, cũng vì thế mà chúng ta đã lọai bỏ danh từ  “lệ thuộc hai chiều” giữa vợ và chồng ra khỏi kho ngữ vựng của chúng ta để bảo vệ bản thân cũng như sự kiêu hãnh sai lầm của mình.

Tôi hít thật sâu rồi đặt câu hỏi với anh, một câu hỏi mà tôi thường đặt ra cho chính tôi.

– “Em hiểu, anh dễ bị thương tổn như thế nào”, tôi nói. “Nhưng mọi việc sẽ ra sao nếu anh không giữ lời hứa và chúng ta ăn nằm với nhau?”

Anh im lặng thật lâu khiến tôi có cảm tưởng là vô tận, tôi nghe thấy anh đang phấn đấu để giữ giọng nói của mình.

 “Em không biết sao”, anh nói nhẹ nhàng. “Nếu chúng ta ăn nằm với nhau, anh sẽ không bao giờ bỏ rơi em được. Anh có trách nhiệm về luân lý nên sẽ trở lại Anh quốc để cưới em. Anh không bao giờ để em rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bây giờ em có còn ngưỡng mộ anh là đã giữ sự trong trắng cho em nữa không?”

Tôi nhận ra ba mươi bảy năm lãng phí, lãng phí vì nhiều lý do:

Vì sự can thiệp của người khác, vì thành kiến, vì hiểu lầm, vì non dại, vì tự ái sai lầm, vì dự tính tốt và trên hết là vì quá sợ hãi.

Tôi ngưỡng mộ và tôn trọng sự dè dặt đứng đắn mà tôi coi đó là dấu hiệu tình yêu của anh nhưng một phần trong tôi lại ghê sợ khi nhận ra được là sự liên hệ nhục dục sẽ đem anh ấy trở lại với tôi.

Một cái tin xưa như trái đất về ý nghĩa của sự chiếm hữu và quyền lợi của người chiếm hữu làm cho tôi, một người tranh đấu bảo vệ nữ quyền phải bắt đầu như thế nào?

Từ từ, những cuộc nói chuyện đầy thương yêu lẫn đau đớn, những mẫu đối thoại lột trần sự thật, lấp đầy những khiếm khuyết, trao đổi cảm nhận, rối loạn nhường chỗ cho sáng suốt, sợ hãi nhường chỗ cho tin tưởng và trên hết là sự thật tuyệt vời và khó mà tin được, đó là anh thật sự yêu tôi trong suốt ba mươi bảy năm và có đủ can đảm lẫn nhiệt huyết để tìm được tôi và bước trở lại vào đời tôi.

(Còn tiếp)

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình ảnh: nguồn net

 

Có 2 bình luận về TÌNH ANH DÀNH CẢ CHO EM (PHẦN XXIV)

  1. Trầm Hương Ptt nói:

    Trong tình yêu , tuổi càng lớn , người ta trải lòng nhiều hơn , nhất là những vấn đề thuở đôi mươi thẹn thùng không dám nói.
    Tâm lý nhân vật được miêu tả thật chính xác.

  2. Em cũng nghĩ như cô Trầm Hương Ptt, chỉ băn khoăn một chút là liệu những suy nghĩ của Karl có phần phiến diện chăng. Bởi tình yêu do nhiều yếu tố tạo thành chứ đâu chỉ riêng một khía cạnh nào đó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác