TÌNH EM DÀNH CẢ CHO EM  (PHẦN VIII)

Ngày đăng: 29/11/2018 05:48:22 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Đêm đó, chúng ta cùng nhau khiêu vũ trong ánh nến lung linh, má kề má trong khi Peggy hát bài “The Way You Look Tonight”. Anh còn nhớ không, thân hình chúng ta di chuyển theo điệu nhạc, anh hát khẽ bên tai em trong khi các cặp khác âu yếm nhau.
Đó là thời điểm của Swinging Sixties, nhưng đêm ấy như được bao phủ bởi một sự lãng mạn thật nhẹ nhàng, êm dịu. Các cặp nam nữ  nằm ngủ ở dưới sàn hoặc trên ghế sô pha, sát vào nhau, vài cặp thì thầm tâm sự cho đến khi ánh rạng đông chiếu qua màn cửa như nhắc chúng ta phải trở về nhà. Em và anh nằm bên nhau trên thảm trong phòng khách của Chantal. Em van anh hãy buông bỏ hết tất cả quá khứ cùng với nỗi lo âu, thất vọng đi để tin tưởng mà tiến tới tương lai. Anh nói, anh yêu em, mãi mãi yêu em và không bao giờ lìa xa em.

Hinh 1

 “Hãy kể cho chúng tôi nghe về một chút về chàng trai trẻ của cô”, bà Maxwell nói khi bà, Jackie và em cùng ngồi ăn bánh ba tê và bắp cải trong quán ăn của công ty.
– “Anh ấy già khú”, Jackie chêm vào. “Tôi muốn nói là thật sự già, anh ta hơn cô đến mười ba tuổi.” Jackie bị giằng co giữa sự ganh tị điên cuồng về câu chuyện tình của em với một người đàn ông lạ đầy bí mật và lãng mạn với thành kiến là những người đàn ông lớn tuổi đều độc đoán và nhàm chán.
 “Anh ấy mới ba mươi mốt tuổi”, em phản đối.
 “Phải, cũng lớn hơn cô nhiều, cưng ơi”, bà Maxwell nói. “Nhưng tôi tin là anh ấy dễ thương. Người ngoại quốc, phải không?”
Ở Anh vào đầu thập niên sáu mươi, người ngoại quốc cũng giống như là người bị mang một chứng bệnh gì ghê gớm lắm. Tuỳ theo quốc tịch mà bệnh này giảm hay tăng. Mặc dù người Âu Châu lục địa đều mong được tôn trọng, được gắn thêm cái vẻ khác lạ nhưng trên thực tế thì chỉ có người Thuỵ Sỹ mới được hưởng điều này.
Người Tây Ban Nha và người Ý được coi như Don Juan (Sở Khanh). Người Bắc Âu bị đóng dấu là cuồng dâm, quả thực, ai cũng biết là người Thuỵ Điển, Đan Mạch, và Na Uy đã dùng từng phút rảnh rổi để tắm hơi rồi khoả thân vui đùa trên tuyết. Người Bỉ và Hoà Lan coi như không đáng nói tới.
Người Mỹ thì chỉ được chú ý khi họ có gia tài kếch sù. Người Úc thời đó đông như kiến, mua hết các căn nhà cũ kỹ, xập xệ ở đường Tottenham Court Road, bị coi là dân thuộc địa mọi rợ.
Nếu anh là người Á Châu hoặc Phi Châu, chắc chắn là em không được phép đi chơi với anh.
Mười năm về trước, anh sẽ được chấp nhận nếu anh là người Pháp nhưng từ khi De Gaulle dùng phiếu để chống lại việc chấp nhận nước Anh vào thị trường chung Âu Châu thì người Pháp bị coi như đã nhục mạ người Anh. Còn người Đức thì sao? Mười bảy năm sau khi chiến tranh chấm dứt, dù không còn sự thù nghịch lộ liễu nhưng vẫn có rất nhiều e ngại và ngờ vực.
 “Với người Đức thì chẳng ai hiểu là họ muốn gì”, bà Maxwell suy nghĩ. “Họ thì…mà cũng không chắc anh chàng của cô như thế nữa. Nhưng cô có kết hôn với anh ta ngay đâu.”
Miệng em lúc đó đang đầy cả thức ăn nên em không trả lời ngay được, sau giây phút suy nghĩ, em quyết định không phản ứng nữa. Việc đương đầu không phải sở trường của em, em biết lúc nào em phải ngậm miệng còn Jackie thì trái lại.
– “Dĩ nhiên là cô ta muốn lập gia đình. Cô ấy sẽ theo anh ta về Mỹ, cô ấy mới nói đây mà. Bộ cô không nói hả? Cô có nói là cô và anh ta sẽ kết hôn không?”
Em gật đầu và em với tay lấy chén bánh pudding của em.
– “Tôi đã nói mà. Cô ấy sẽ dọn về California.”
Bà Maxwell đứng dậy và cầm cái dĩa của mình.
– “Dĩ nhiên là cô ấy không làm như vậy đâu”, bà nói. “Liz không bao giờ làm chuyện vô lý như vậy. Mà nếu có thì cha mẹ của cô cũng không bao giờ cho phép. Đừng có phao tin như thế trong công ty. Công ty đánh giá cao những cộng sự viên làm việc lâu dài và tin tưởng được chứ không vào những nhân viên mang ý tưởng âm thầm sang sống ở Mỹ. Nếu cứ đồn như vậy thì không công bằng chút nào cho Liz.” Sau lời nói đó, bà đem dĩa và tách cà phê của bà ra xe để bát dĩa dơ và đi về văn phòng làm việc của bà.
 “Bà già chướng khí”, Jackie phê bình và xích lại gần bên em. “Cô vẫn đi Mỹ chứ, phải không? Cha mẹ cô nói sao?”
“Ông bà nói, tôi phải đợi một năm”, em tường thuật. “Karl sẽ về lại California vào tháng năm, còn tôi phải đợi một năm.”
– “Trời ơi, một năm! Thời gian vô tận”, 
Jackie thở dài. “Giữa thời gian đó chắc cô sẽ chết hay là có gì khác nữa.”
Em đã phản ứng giống vậy khi cha mẹ em đặt điều kiện đó. Chắc chắn là em sẽ không sống nổi vì phải xa anh một khoảng thời gian dài như thế. Với em, một năm là quá dài và Mỹ châu lại nằm ở phần bên kia thế giới. Ngày đó, em đâu có biết quyết định của cha mẹ em mạnh như thế  là do những kinh nghiệm mà ông bà đã phải trải qua. Ông bà đã quen nhau và giao tiếp ba năm trước khi đính hôn, rồi mãi bảy năm sau ông bà mới kết hôn vào trong tuần, lúc Đức tuyên chiến với Anh. Nhiều năm sau, mẹ em kể cho em nghe và lúc đó em mới rõ là việc mẹ sợ chúng ta lấy nhau quá vội vàng, dính lứu rất ít với chúng ta mà phần lớn là vì quan niệm sống của chính bà. Bà tin như vậy, những người quen chung quanh cũng tin như vậy. Những giá trị mà bà tôn trọng là truyền thống và bảo thủ. Mặc dù anh cũng như em đều thấy việc chúng ta phải xa nhau một năm là điều không thể chịu đựng nổi nhưng chắc anh cũng hiểu được sự lo lắng của mẹ em. Một năm có thể dài vô tận, anh đồng ý với em, nhưng rồi cũng sẽ trôi qua. Năm sau chúng ta sẽ chung sống với nhau, chúng ta sẽ kết hôn và không bao giờ xa nhau nữa.
– “Anh ấy trông thật sự đẹp trai”, Sally Palmer nói. “Tôi thấy hai người vào sáng thứ bẩy ở ngoài phố.”
– “Hy vọng là hai người không gặp nhau thường xuyên”, bà Wilmot nói. “Cô biết là, gặp nhau ít thì tốt hơn.”
– “Chúng tôi chỉ gặp nhau vào cuối tuần”, 
em trả lời dưới cái nhìn dò hỏi của năm cặp mắt. “Chỉ vào cuối tuần. Anh ấy sống ở Luân Đôn.”
– “Cô nên để anh ấy phải mong chờ một chút”, 
Sylvia, người đã cho tôi mượn nước hoa, khuyên. “Thỉnh thoảng cô nên từ chối, để anh ta có cảm giác là cô hình như cũng có người nào khác. Điều đó làm cho người phụ nữ trở nên lý thú hơn đối với người đàn ông.”
Chỉ có nghĩ đến, em đã thấy là không thể tưởng được. Việc đó không làm cho anh hứng thú mà sẽ làm anh ra khỏi đời em một cách nhanh chóng, em biết rõ mà. Em biết anh, biết anh như thể anh là một phần của em. Em cảm nhận được nhịp đập của tim anh; em hít sâu hơi thở của anh. Anh ở trong từng thớ thịt của em. Được tất cả hay là không còn gì nữa, với anh, sự trung thành mang một tính chất trí thức hơn, gợi cảm và nhiều khoái lạc hơn.
Em đã từng cảm nhận được một làn hơi giá băng mà anh dùng để phản ứng lại với những gì anh tuy yêu mến nhưng đi ngược với quyền sở hữu của anh.

Hình 2

Em quan sát anh lúc anh nói chuyện với cha em trong một buổi tiệc thì một bàn tay đặt trên vai em, một giọng nói rít vào tai em.
– “Thật đúng là hình ảnh của người đàn ông, cô đem anh ta từ đâu lại?” Doreen cắm điếu thuốc lá vào miệng và nheo mắt ngắm anh qua gian phòng.
– “Tôi quen với anh ấy ở nhà một người bạn.” Trong khi vì tiếng nhạc phải cúi xuống để nghe cha em cho rõ, anh gởi cho em một tia nhìn vui.
Doreen hít hơi thuốc thật sâu. “Cưng ơi, nếu tôi là bạn của cô thì tôi sẽ không để cho như vậy. Cô chỉ cần quan sát “cái nhìn phòng ngủ” thôi-anh ta già hơn cô nhiều quá, Lizzie. Anh ta cùng lứa tuổi cũng như là mẫu người tôi thích.”
Cô ta đi tiếp, giữa những người đang trò chuyện, những nhóm nhỏ cười vui, cô ta lả lơi với hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, để lại dấu son đỏ trên cổ áo hoặc trên môi của họ. Don, chồng cô ta, đứng dựa ở quầy rượu, quan sát việc làm của cô với vẻ vừa chấp nhận vừa ngượng ngập. Em cầu xin cho cô ấy tránh xa anh. Em sẽ không chịu nổi nếu cô ta tìm cách chạm vào anh và hôn anh. Cô ấy là người quen của cha mẹ em vì vậy em phải làm thế nào? Anh phản ứng ra sao? Trong khi Doreen đưa tay ôm mặt một người đàn ông và hôn trên môi họ, em nhìn thấy mặt anh đanh lại. Anh quay về phía em với tia mắt lạnh tanh; môi anh mím lại, mỏng như sợi chỉ; mặt anh tái nhợt. Anh đi xuyên qua phòng, tay anh cứng như sắt khi nắm lấy tay em.
 “Em thấy sao?” Anh hỏi khi gật đầu về phía Doreen.
– “Cô ta luôn xử sự như vậy”, em nói. “Còn tệ hơn nữa, sau khi cô uống vài ba ly rượu.”
-“Anh hỏi em, em thấy cách của cô ấy như thế nào”, 
anh nói, giọng của anh mang âm hưởng khe khắt lạ kỳ. “Tại sao em không trả lời câu hỏi của anh?”
Giọng nói cứng cỏi, không bình thường của anh làm em sợ. Em có cảm tưởng, em bị lên án vì tội lỗi của người khác.
– “Em thấy kinh khủng”, em giải thích cho anh. “Em ghét nhất là cô ta đã làm như vậy ngay trước mặt Don.”
– “Anh rất tiếc”, 
anh nói và nét mặt anh từ từ thư giãn trong khi anh để tay nơi eo của em. “Tha lỗi cho anh, em yêu. Anh rất tiếc. Sao anh lại ngu dại như thế…Anh sợ…” anh ngừng nói. “Anh thấy đáng khinh và ghê tởm.”


Karl, em biết là anh vẫn nhớ đến đêm hôm đó. Có thể có nhiều kỷ niệm đã phai mờ nhưng kỷ niệm này vẫn còn mãi nơi anh, không để cho anh dứt bỏ được. Nó cũng ghi dấu sâu đậm trong ký ức của em một cách rõ ràng và buốt giá.

(Còn tiếp)

 

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình: nguồn net

 

 

Có 4 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO EM  (PHẦN VIII)

  1. Đoạn văn này hàm chứa một nội dung báo trước có chuyển biến khác lạ trong mối quan hệ của Liz và Karl. Và điều khiến em tò mò mong được đọc tiếp vì không rõ tại sao Karl lại có thái độ như vậy trước hành động của một kẻ không liên quan là Doreen, em có thể đoán nhưng không chắc lắm, cô ạ.

    • Những khúc mắc của câu truyện sẽ được từ từ tháo gỡ, tuy nhiên khi đọc truyện này người đọc luôn thắc mắc và tò mò về lý do tan vỡ giữa Liz và Karl, đó là sự thành công  của tác giả dù rằng tác giả không cố ý để hướng câu truyện như vậy.

      Cô tin là Đức Tính càng đọc thì càng cảm nhận cũng như chia sẻ được với tâm lý của một cô bé lần đầu biết yêu.

       

  2. Trầm Hương Ptt nói:

    Biết là dân tộc nào cũng có… không nhiều thì ít… tính kỳ thị trong đầu óc, nhưng thới ấy dân Anh thường đánh giá dân tộc khác qua lăng kính ” quí tộc ” của mình nhiều quá.
    Tính dân tộc dường như bao trùm tác phẫm ? và có lẻ vì vậy mới tình nầy tan vở chăng ? Đang chờ đọc tiếp để xem dự đoán của mình đúng sai !
    Bạn ơi , tôi có thể ra thư viện mượn sách về xem, nhưng lại thích theo dỏi bản dịch của bạn nơi đây. Cám ơn H.K

  3. My Nguyễn nói:

    Trong phần này, hình như đã hé lộ phần nào nguyên nhân của sự tan vở sau này giữa Liz và Karl… Em nghĩ thế, chẳng biết đúng không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác