TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN VI)

Ngày đăng: 19/11/2018 10:35:07 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

“Mẹ ơi”, em thì thầm hỏi mẹ trong khi hai mẹ con sửa soạn món bông cải cho bữa ăn tối. “Mẹ thấy anh ấy thế nào? Mẹ có thích anh ấy không?”

“Thích chứ”, mẹ nói. “Cậu ta dễ mến, nói tiếng Anh giỏi lắm.”
Nơi phòng khách, cha em đang rót ly rượu Gin Tonic và khuyến khích anh uống. Em nghe anh cám ơn để từ chối và xin một ly nước không rượu.
“Cha cũng thích anh ấy, phải không mẹ?” Em thì thầm. ” Chắc chắn rồi, con ơi. Bây giờ bông cải đã xong chưa?”
“Karl, tôi nghĩ chắc cậu đã gia nhập vào đoàn thanh niên của Hitler phải không?” Cha em muốn biết và em hoảng sợ vì câu hỏi quá thẳng thắn của ông. Phải chăng cha em muốn đưa anh vào tình trạng ngượng ngùng.

 

Dĩ nhiên khi chiến tranh chấm dứt, anh mới chỉ là một cậu bé con. Không thể nào dính lứu với Hitler được.
“Vâng, sự thực là vậy”, anh cười rồi trả lời. “Cháu nhớ là cháu còn thấy tội nghiệp cho các thiếu niên người Anh vì họ không được tham dự vào một phong trào như vậy.”
Em hoảng hốt, như thế anh đã là thành viên của quốc xã Đức và liệu anh có còn được phép bước qua ngưỡng cửa của Smuggers Cottage nữa không. Cha mỉm cười khi đưa cho anh ly nước cam. “Lúc đó chắc phải kích động lắm, nhất là trong giai đoạn đầu.”
 “Không phải chỉ trong lúc ban đầu”, anh tiếp tục, lưng dựa vào phía sau, hai chân bắt chéo. “Cháu hãnh diện ghê lắm khi được làm đoàn viên của phong trào. Ở lứa tuổi mười bốn, cháu đã tình nguyện gia nhập quân đội.” Anh ngừng một hồi, đặt ly nước xuống bàn, cúi về phía trước, cười với cha em. “Vào tháng hai năm 45, chỉ bốn tháng trước khi chiến tranh chấm dứt, họ kêu gọi mọi người tình nguyện nhập ngũ. Đây là đội  binh góp nhặt, rác rưởi với những người lính từ mười hai đến một trăm mười hai tuổi.Cha của cháu ở trận tuyến phía tây, ông bị thương và cuối tháng ba, ông được xuất viện ở gần thành phố Frankfurt. Ông phải đi bộ về miền trung nước Đức, luôn luôn đi trước đội binh của Mỹ một khoảng cách không xa lắm. Khi biết cháu tình nguyện nhập ngũ, ông giận điên lên. “Bộ con mất trí rồi hả?” Ông hét to. “Tại sao con làm như vậy?”. “Để bảo vệ tổ quốc”, cháu trả lời. “Cái gì? Bảo vệ bốn chục cây số vuông còn sót lại cho mấy con heo ở Berlin hay sao?”. Ông ghét Hitler và ra lệnh cho cháu phải đào ngũ. Ông đã làm một điều quá nguy hiểm vì nếu cháu tố cáo, ông sẽ bị treo cổ vì những lời nói của ông. May thay, cháu sợ cha cháu hơn là sợ cấp trên quốc xã của cháu nên cháu phải vâng lời cha cháu. Ông gởi cháu lên ở miền núi với ông bà nội. Hai tuần sau, thành phố của chúng cháu rơi vào tay của Mỹ.

Anh cười, dựa lưng về phía sau, với tay lấy ly nước. “Cháu phải tuân lệnh của cha cháu nhưng trong thâm tâm, cháu nghĩ ông là một người Đức quá tệ.”
Tiếng cười thật tình của cha em vang khắp cả nhà. “Thật là may mắn vì cha cậu đủ thông minh để giữ cậu lại”, ông nói và em nhận thấy, câu truyện cũng như cách kể truyện của anh đã làm ông hài lòng.
Em chẳng thấy thích thú gì để biết thế hệ của cha mẹ em nghĩ gì về cuộc chiến xảy ra mười bảy năm trước đây, cũng như dân Đức đã sống như thế nào trong thập niên ba mươi nhưng em biết có rất nhiều thành kiến cũng như những ngờ vực. Không hiểu sao mà cha em lại thích thú như vậy.
Lịch sử cũng như chính trị không đóng vai trò quan trọng nơi em. Những gì anh và cha em bàn luận trong bữa ăn tối cũng chỉ là điều phụ đối với em. Xã hội chủ nghĩa, việc kiến thiết lại cũng như thị trường chung mà em không biết rõ, là đề tài bàn luận của quý ông. Điều quan trọng là cha em thích thú. Khi anh cúi xuống để đưa ra một lập luận, một phản luận hay yêu cầu cha em giải thích thêm cho rõ quan điểm của ông, ông cảm thấy thích và hài lòng vì những đương đầu này. Cha mẹ em tiếp đãi anh cũng tử tế giống như ông bà tiếp đãi các bạn buôn bán ngoại quốc khác của ông bà. Ông bà vui vẻ và làm mọi cách để anh cảm thấy dễ chịu. Bao nhiêu năm sau khi có dịp nghiên cứu về chính trị của giai đọan này, em mới khám phá ra được là khoảng đầu thập niên ba mươi, chính cha em cũng đã có một thời gian bị ảnh hưởng bởi ý tưởng của Oswald Mosley cùng hiệp hội phát xít Anh quốc của ông ta. Ngày nay, hồi tưởng lại sự thiếu hiểu biết của mình, em tự hỏi, có thể vì thế mà em làm anh chán ngấy chăng. Nếu làm anh chán thì điều này đã giải thích rõ mọi việc.

“Cha mẹ em đối với anh tử tế quá”, anh nói với em khi chúng ta ngồi trước ngọn lửa trong lò sưởi, sau lưng vẳng nhẹ tiếng nhạc của vở kịch “Nußknacker”. Anh vuốt gáy em, lùa nhẹ các ngón tay vào tóc em trong khi em ngập tràn xúc động. “Cha mẹ em đã công nhận anh.” Ông bà  lại đón anh vào cuối tuần tới và tiếp anh trong những tuần kế tiếp. Cha mẹ em chấp nhận anh nên trước mặt ông bà, anh cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái.

Khi anh lên tàu vào tối chủ nhật, em không biết làm sao để vượt qua được suốt tuần vắng anh. Em tin chắc là anh đã đậu được kỳ khảo hạch của cha mẹ em với số điểm tối đa.

Ngày sinh nhật mười tám của em, khi từ văn phòng trở về nhà, em thấy một bó hoa tuyệt đẹp đang chờ em. Hoa hồng, hoa uất kim hương, hoa ly ly cùng với hoa thuỷ tiên được gói trong giấy bóng kính. Tấm thiệp chúc mừng được bỏ trong phong bì có viền bạc. Chưa bao giờ trong đời mà có người tặng hoa cho em trong ngày sinh nhật.

 

 

“Bó hoa đẹp tuyệt, anh ơi”, em cám ơn anh vào cuối tuần kế tiếp.

“Anh thú thật với em”, anh nói với nụ cười ngượng ngùng. “Thực ra, anh muốn tặng em cây đa cao su (đa búp đỏ  – ficus elastica) nhưng ông bán hoa hoảng kinh khi biết ý định của anh. Ông ta nói là vào ngày sinh nhật mười tám tuổi của một thiếu nữ, không ai lại đem tặng cây đa cao su như vậy. Ngay cả các bạn đồng nghiệp ở văn phòng cũng chế diễu khi anh kể cho họ nghe chuyện này”
Cây đa cao su hay hoa hồng đối với em không thành vấn đề. Trong mắt em, anh chẳng làm gì sai cả.

Mọi việc bắt đầu như thế, giống như những chuyện yêu đương khác. Tìm ánh mắt nhau trong gian phòng đông người, những nụ hôn vụng trộm, lúc nào cũng khao khát có người mình yêu bên cạnh. Em khởi đầu năm 1962 trong hạnh phúc ngất ngây, tràn ngập niềm vui về sự kỳ diệu của tình yêu. Xúc động thật nhiều về sự biến đổi nơi em mà em đã trải qua, nhất là em biết chắc là em đã tìm được người em yêu suốt đời.

(Còn tiếp)

 

 

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Có 5 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN VI)

  1. Cô ơi, tác giả diễn tả tâm trạng cô thiếu nữ đang yêu rất chân thực nhưng em cũng tự hỏi sao cô ấy lại nghĩ anh chàng người yêu kia chắc “chán” cô vì cô không am hiểu về các vấn đề mà người lớn quan tâm như chiến tranh, chính trị ! Điều này có báo trước chuyện mai sau của 2 người không? Và em cũng muốn biết những ảnh minh họa là có sẵn trong sách hay do cô tự tìm mà sao thật phù hợp cô ạ.

  2. Cô không trả lời câu hỏi về nguyên nhân tan vỡ cuộc tình của Liz vì sẽ làm giảm đi cái hay chuyện tình này.

    Cô cũng cố tìm hình minh hoạ cho thích hợp, nhiều khi không có thì phải nhờ đến khả năng photoshop của chị CK.

    Rất vui khi thấy em vẫn theo dõi truyện dịch này.

    • Dạ, em rất thích thú và ngạc nhiên vì thấy hình minh họa thật phù hợp với nội dung câu truyện cô ạ. Về nguyên nhân tan vỡ mối tình của nhân vật, em chỉ băn khoăn về suy nghĩ của cô ấy, có lẽ đó mới là suy nghĩ lúc còn trẻ thôi ! Em vẫn theo dõi để biết diễn tiến chuyện tình này cô ạ. Chắc sẽ còn nhiều điều đáng để người đọc chờ đợi phải không cô ?

  3. Trầm Hương Ptt nói:

    Khi đã yêu và lại được yêu, chân như bước trên thảm trải hoa hồng,” trong hạnh phúc ngất ngây, tràn ngập niềm vui về sự kỳ diệu của tình yêu ” Tôi đang theo dỏi tình yêu của cô gái 17 tuổi.

  4. My Nguyễn nói:

    Một cuộc gặp gỡ với kết thúc nhiều thuận lợi. Trái tim cô gái đang yêu và được yêu đã ngất ngây trong hạnh phúc. Thế nhưng đường đời có bằng phẳng, cuộc tình có trọn vẹn không?…Em đang chờ đọc tiếp nhe Cô!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác