NHỚ NHÀ VĂN SƠN NAM
Bài thơ “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (1) được coi là duy nhất của nhà văn Sơn Nam, cuốn tự điển – văn hoá – ngôn ngữ – lịch sử đất phương Nam gần 60 năm nửa cuối thế kỷ XX vừa đi qua, chắc sẽ còn đọng mãi, ray rứt mãi bất kỳ ai ghé chân vào miền cố thổ của ông, vướng vít cùng hạt bụi nhỏ nhoi tận cùng, bất định tận cùng và cũng vô nghĩa tận cùng của kiếp vô thường “thân như điện ảnh hữu hoàn vô” này như tác giả Hương rừng Cà Mau.
Ôi cái hạt bụi phong sương trọn kiếp ấy nhỏ nhoi tưởng như không/khó ai có thể nhận ra ấy còn “nghiêng mình”, một sự trân kính khiêm cung thành kính thiêng liêng chỉ dành để “ nhớ đất quê”… Hai câu thơ kết thúc đã như một sự tổng kết cuộc đời 82 năm lên rừng xuống biển mà chưa khi nào phai nhạt tình yêu sâu nặng với ‘đất quê”. Giản dị cả trong từ ngữ…đất quê thôi…
Cuộc đời của Sơn Nam từ nơi chôn nhau cắt rún Đông Thái, An Biên, U Minh bốn bể là tràm, “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lền như bánh canh” (Ca dao) lên Rạch Giá, qua Cần Thơ học… “Gia đình ông vốn từ Cù lao Ông Chưởng (Long Xuyên) đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Tuổi thơ của ông tắm mình trong hương sắc của rừng U Minh với muôn vàn cỏ cây hoa lá, chim muông. Đó chính là vốn sống đầu tiên, khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác của ông sau này.”(Hồ Sơn, 10 năm nhớ Sơn Nam)…
Rồi 1945, quê hương khói lửa, “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”, con đường vị quốc vong thân đã đưa đẩy ông xuôi ngược nhiều nơi, bưng biền lẫn phố thị, ‘phong sương mấy độ… Cà Mau tận cùng bản đồ tổ quốc in đậm trong tác phẩm để đời của ông như một cuốn biên niên sử của vùng đất mới khai khẩn, đất và người lam lũ, chân chất mà hào sảng hồn nhiên: “Hương rừng Cà Mau”. Rồi ông lên Sài Gòn, hoạt động, bị bắt và giam cầm ở Thủ Dầu Một, Bình Dương, khi trở ngược Mỹ Tho…khi lộn lên Sài Gòn… viết văn, làm báo và gửi trọn đời mình cho mảnh đất miền Nam…với 38 tác phẩm độc đáo giá trị bao quát gần khắp các mặt đời sống văn hóa về đất và người Nam Bộ. Tác phẩm đầu tiên của ông “Chuyện xưa tích cũ”, do nhà xuất bản Khai Trí phát hành, cũng vừa tròn 60 năm…(1958-2018). Ghi nhớ công lao của ông, người sau vẫn gọi ông là Nhà Nam bộ học, ông già Nam bộ…
Nhưng nói cho cùng, ” Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ…”
“Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là sự giải trí cho độc giả mà còn là những khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương Nam. Là người Nam Bộ chính gốc nên nhà văn Sơn Nam là người am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc…” (https://vi.wikipedia.org/w…/S%C6%A1n_Nam_(nh%C3%A0_v%C4%83n))
Kỷ niệm 10 năm ra đi của “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” này, duyên hi hữu anh Nguyên Minh cùng đoàn Quán văn chúng tôi 15 người đã đến và quấn quýt thân thương lạ lùng trong một không gian Sơn Nam ấm áp trang trọng mà sâu đậm nghĩa tình. Nhiều bạn bè cũ của ông đã ra đi, xúc động khi gặp ở đây là con cháu của những người bạn quý ấy…cùng bao tấm lòng yêu mến Sơn Nam…
Về rồi, nhớ bông điên điển, nhớ cá linh non kho lạt, nhớ mắm tép, mắm sặt thịt ba chỉ luộc trộn đu đủ trộn xoài ăn ghém rau rừng, canh khổ qua dồn thịt… Một bữa cỗ…đúng là Sơn Nam…
Về rồi, nhớ anh chị Nghị, Hằng, nhớ Út Thúy Liễu và những nụ cười thương thân mới quen mà như người nhà, như bà con dòng họ…mới mòi ăn giỗ
Vài hình ảnh ghi nhanh, có lẽ dư âm Sơn Nam không chỉ còn đọng mãi mà sẽ còn được tiếp nối trong nhiều trang viết sắp tới của anh chị em Quán Văn…
23.8.2018
TS. Hoàng Kim Oanh
(1) Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
(Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau)