TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI

Ngày đăng: 13/05/2018 05:51:21 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Đã thật lâu, cũng khoảng hai mươi năm, tôi mượn được của thư viện thành phố Oberhausen một số truyện của nhà văn Marcel Pagnol trong đó có truyện La Gloire de mon Père; Le Château de ma Mère…Tôi đã đọc một cách say mê những kỷ niệm cực kỳ thú vị của một cậu bé trải qua kỳ nghỉ hè đầu tiên của mình trong vùng đồi núi miền Provence, Nam nước Pháp lúc mới lên chín. Lời văn nhẹ nhàng, bình dị nhưng không kém phần thơ mộng, ông đã diễn tả được hết những những nét đẹp của vùng Estade, nơi mà ông đã cùng cha và chú ông đi săn, cùng Lili, cậu bé thua ông một tuổi là cư dân tại đây, rong chơi và đặt bẫy chim khắp vùng đồi núi….

Marcel Pagnol viết lại thời thơ ấu của mình ở Provence ở tuổi sáu mươi và những cuốn truyện này làm ông nổi tiếng, không phải chỉ ở Pháp mà khắp nơi trên thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được quay thành phim. Những hình ảnh minh hoạ Marcel và gia đình trong cuốn truyện do tôi dịch, phần lớn lấy từ trong phim “Le Château de ma mère” được thực hiện năm 1990.

 

 1/ Ảnh thật của gia đình Marcel : cha mẹ, em trai, em gái, Marcel (bìa phả)

Tôi rất thích đọc sách và cho đến nay dù đọc đã nhiều nhưng đặc biệt những truyện kể trên của Marcel Pagnol gây được một ấn tượng lớn trong tôi nên tôi vẫn giữ mãi trong tâm trí hình ảnh của cậu bé Marcel và gia đình của cậu: Joseph, cha cậu; Augustine, mẹ cậu; Paul, em trai và Germaine, em gái cậu.

Tôi tìm thấy nơi Joseph, một số ý tưởng tương đồng về cuộc sống, có thể vì ông và tôi đều là nhà giáo, những người luôn cố gắng sống để làm gương cho học sinh của mình.
Câu nói của ông “Khi làm việc sai trái, người ta sẽ trở nên yếu thế” đã trở thành một trong những phương châm sống của tôi.

Mới đây tôi có ý định dịch một trong những truyện của ông để chia sẻ với các anh chị em cũng như bạn đọc trang nhà. Tôi vào thư viện tìm truyện của Marcel Pagnol, tiếc thay những cuốn truyện bằng tiếng Pháp này không còn nữa, hỏi người quản thủ thư viện thì được biết, cách đây vài năm, thư viện được sửa sang và cải tổ lại nên một số sách quá cũ đã bị loại bỏ.

Thay vì nguyên bản của Marcel Pagnol, tôi mượn cuốn sách dịch “Eine Kindheit in der Provence” của Pamela Wendekind. Cuốn sách bao gồm ba truyện, La Gloire de mon Père; Le Château de ma Mère và Marcel et Isabelle. Tôi đọc hết cuốn sách này và chọn câu truyện “Le Château de ma Mère” để dịch.
Ngoài kỷ niệm cùng phong cảnh nên thơ của vùng Provence, những tình cảm ngọt ngào, dịu dàng, trong sáng mà Marcel dành cho mẹ, cho cha, cho bạn, cho em thấp thoáng trong khắp cuốn truyện làm rung động người đọc , nhất là đoạn cuối. Mắt tôi cảm thấy cay cay không biết tự lúc nào….. Tôi đã cố gắng dịch cho chính xác nhưng có một số tên cây cỏ cũng như chim chóc, xin được giữ nguyên bằng tiếng Đức, thay vào đó tôi dùng ảnh để quý vị có thể hình dung ra được một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên trong việc chuyển ngữ cũng khó tránh được sơ sót.
Cuốn truyện được chia ra làm mười phần, sẽ được đăng mỗi tuần một phần. Hy vọng bản dịch này sẽ được quý vị đón nhận.  (LTHK)

                                         TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI

                                                           PHẦN (1)

Từ sau thiên hùng ca săn được chim trĩ chúa (chim trĩ đỏ), tôi được nhập vào hội săn bắn mà không cần một điều kiện gì cả, không phải với tư cách của thợ săn mà với nhiệm vụ của người lùa thú hoặc làm công việc của chú chó săn.

Mỗi sáng vào lúc bốn giờ, cha tôi mở cửa phòng và nói thật khẽ “Con có muốn đi cùng hay không?”

Dù tiếng ngáy của chú Jules hoặc tiếng khóc đòi bú sữa của cậu em họ Pierre vào lúc hai giờ sáng đã phá giấc ngủ của tôi nhưng tiếng thì thầm của cha tôi có mãnh lực kéo tôi lập tức ra khỏi giường.

Tôi thay quần áo trong bóng tối vì không muốn làm em Paul thức giấc rồi đi xuống bếp, nơi mà chú Jules đang pha cà phê mặc dù mắt chú còn sưng và vẫn còn vẻ ngái ngủ. Cha tôi bỏ những thứ cần thiết vào túi săn còn tôi thì nhét đầy các viên đạn vào giây lưng.

Chúng tôi lặng lẽ rời khỏi nhà. Chú Jules khoá cửa chính hai vòng và cất chìa khoá trong cánh cửa sổ nhà bếp.

Trời rạng đông khá lạnh, vài ngôi sao đã nhạt nhoà nhưng vẫn còn lấp lánh như sợ hãi. Lớp sương mù của màn đêm sắp tan biến, phủ  đầy các cánh đồng trên vùng cao của Aigle. Từ trong các khu rừng thông vùng Petit Oeil vọng lên tiếng cú kêu não ruột như để giã biệt các vì sao.

Trong ánh hừng đông, chúng tôi leo lên tới tận mỏm đá đỏ của Redouneou. Chúng tôi đi thật nhẹ vì Bastistin, con trai của Francois đặt bẫy chim Feldhammer ở đây bằng nhánh liễu và nhựa để bẫy chim, loại nhựa này thường dính đầy tóc của hắn ta.

Người này nối bước người kia trong màn đêm cho tới khi chúng tôi đến được túp lều của Bastistin, đó là một cái chuồng cừu cũ kỹ mà Francois, bạn của chúng tôi thường ngủ đêm tại đó với đàn dê của ông ta. Khu đất rộng bằng phẳng nơi đây sẽ dẫn đến vùng Taoumé cao hơn, ánh dương hồng đã làm những cây thông lẫn những bụi Wacholder từ từ được thấy rõ ràng hơn, mặt trước đỉnh cao của ngọn núi cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, chẳng khác gì con tàu vừa ra khỏi đám sương mù.

Chúng tôi leo xuống phía thung lũng, chẳng mấy chốc đã tới đoạn đường, nếu rẽ về phía trái đến Escaouprès, phía phải đến La Garette và Passe-Temps cũng thuộc nơi đó.

Tôi đi dọc theo vách đá, cách bờ chừng 30-40 mét và xua để tất cả những con thú có cánh bay lên

Thỉnh thoảng nếu tôi tìm được dấu của một chú thỏ rừng, tôi ra hiệu bằng tay cho cha và chú tôi biết, y như dấu hiệu mà những người thuỷ thủ thời xưa thường làm. Họ leo lên thật nhanh và chúng tôi bắt đầu ví bắt chú thỏ không một chút thương tiếc.

                                                    Hình 2/ Chim trĩ chúa (chim trĩ đỏ)

Không khi nào, vâng, thật đúng là không khi nào chúng tôi còn nhìn thấy được một con chim trĩ chúa nữa, mặc dù chẳng ai đề cập đến nhưng chúng tôi đã tìm kiếm chúng ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở vùng vực chia đôi, nơi mà chúng tôi đã có một kỷ niệm săn bắn thật huy hoàng.

Giữa đám lá dầy đặc của cây sồi và những bụi Weissdorn đầy gai, chúng tôi bò sát bụng để theo dấu những con chim trĩ, những con thỏ rừng và có lần gặp cả con Dachs, giống chó rừng mà chú Jules đã dùng súng bắn chết khi nó đến thật gần.

Nhưng mà những con chim trĩ chúa đã bay đi đâu mất và biến luôn vào huyền thoại. Chắc chắn là chúng quá sợ Joseph vì vầng hào quang quanh ông càng ngày càng lớn.

Danh tiếng mà ông mang theo làm ông trở thành một người không ai địch nổi: sự thành công đã chứng tỏ được tài năng.

Chú Jules đã phải tuyên bố “bây giờ không còn có phát súng hoàng đế nữa mà là phát súng Joseph”, cũng chỉ vì chú đã nhận thấy là cha tôi sẽ thành công một cách dễ dàng trong bất cứ trường hợp nào trong tương lai khi bắn phát súng hoàng đế.

Còn chú thì chú vẫn không với tới được, với những “phát súng vào mông”, như chú  tự đặt ra, đã giết được cả các con mồi đang tìm cách trốn chạy như thỏ rừng, chim trĩ, chim Amsel mà thoạt tiên tôi tưởng là chúng đã thoát ra khỏi tầm bắn của chú.

Chúng tôi săn được nhiều đến nỗi chú Jules nghĩ đến việc bán bớt đi; trong niềm vui của cả gia đình, chú đã dùng tiền bán được để trả 80 phật lăng mướn nhà.

Chính tôi cũng đã đóng góp vào sự thành công này. Mỗi tối khi tụ tập nơi bàn, đôi khi chú tuyên bố:

“Thằng bé này còn giỏi hơn cả con chó săn nữa, từ sáng tới tối nó chạy tới, chạy lui mà không biết mệt. Nó không gây tiếng động và khám phá ra mọi ngõ ngách. Hôm nay nó đã lùa cho chúng tôi được cả một đàn chim trĩ, một con Schnepfe và tám con Amsel. Nó chỉ cần biết sủa nữa là xong…”

Nghe thế, Paul bèn sủa lên sau khi đã nhổ miếng thịt trong miệng ra dĩa. Dì Rose bảo nó im đi còn mẹ tôi nhìn tôi ra chiều tư lự. Bà đang tự hỏi, liệu có đúng hay không khi để cho cặp giò bé nhỏ của tôi phải chạy quá nhiều như thế mỗi ngày.

Vào một buổi sáng, tôi đang lướt đi một cách vui thú trên vùng đồng cao, từ đó khi nhìn xuống, có thể thấy giếng nước Murier. Tận dưới thung lũng có đám dây leo rậm rạp che khuất, chú Jules thì ngồi còn cha tôi đứng ở sườn đồi dưới một cây sồi có các dây clematis treo lủng lẳng.

                                                           Hình 3/ Chim Drossel bị mắc bẫy

Tôi dùng chiếc gậy dài làm bằng cành Wacholder chọc tới, chọc lui trong các bụi Ginster, cây gậy bằng gỗ cứng mà chừng như mềm mại trong tay vì nhẵn thín và trơn, chẳng thấy một con chim trĩ nào, kể cả những con “thỏ rừng bay” nổi tiếng của Baume-Sourne. Tuy thế tôi vẫn tiếp tục thi hành nhiệm vụ được giao phó. Tại đó tôi khám phá ra ở gần bìa đá, một cái cột nhỏ được làm bởi bàn tay người, sáu bảy hòn đá lớn xếp chồng lên nhau. Tôi bước lại gần, nhìn thấy ở dưới chân của các hòn đá có một con chim đã chết nằm tại đó. Con chim đã bị nghẹt cổ vì những sợi thép trong cái bẫy.

Con chim lớn hơn con Drossel và có chùm lông trên đầu thật đẹp. Tôi cúi xuống để nhặt con chim lên thì nghe thấy một giọng nói trong trẻo:

“Ê, bạn ơi!”

Tôi thấy mình đứng đối diện với một cậu bé đồng tuổi, hắn ta nhìn tôi một cách nghiêm khắc.

“Không được đụng đến bẫy chim của người khác, bẩy này rất thiêng liêng”, hắn nói.

“Tôi đâu có muốn lấy con chim này,” tôi trả lời, “tôi chỉ muốn nhìn xem thôi.”

Hắn ta tiến đến gần hơn; một cậu bé dân quê với nét thanh tú của vùng Provencale, mắt đen và lông mi dài như lông mi con gái. Phía trong chiếc áo khoác màu xám bằng vải, hắn ta mặc một chiếc áo sơ mi màu nâu dài tay nhưng được sắn lên tới khuỷu, với chiếc quần ngắn và đi đôi săng đan bện như tôi nhưng không mang vớ.

“Một khi ai tìm thấy một con thú trong bẫy thì họ có quyền lấy con thú ấy”, hắn nói, “có điều người đó phải giăng cái bẫy lại và để lại đúng chỗ cũ.”

Hắn gỡ con chim ra khỏi sợi thép và nói:

“Đây là con chim Bédouide, một loại chim sơn ca.”

Hắn ta nhét con chim vào trong túi xách và lôi ra một đoạn sậy ngắn từ trong túi áo khoác có cái nút làm bằng một miếng bấc cắt rất vụng về. Hắn mở miếng bấc ra và để một con kiến có cánh lướt theo bàn tay trái của hắn. Hắn làm thật khéo khiến tôi phải khâm phục; hắn ta đóng khúc sậy lại, dùng ngón tay cái và ngón trỏ của bàn tay phải nắm lấy con kiến, trong khi tay trái ấn nhẹ để mở phần cuối của gọng kìm bằng giây thép được gắn chặt vào giữa cái bẫy bởi một sợi thép khác. Phần cuối này là hai nửa vòng tròn được nắn và bẻ để trở thành một vòng tròn nhỏ khi khép kín lại với nhau. Trong vòng tròn nhỏ này hắn ta gắn con kiến theo bề ngang, ngay ở chỗ eo để con kiến bị giữ lại. Vì đôi cánh và cái bụng to, con kiến không có cách gì ngọ nguậy để tiến về phía trước cũng như lùi lại phía sau.

Tôi hỏi:

“Bạn kiếm mấy con kiến này ở đâu vậy?”

“Đây là kiến có cánh”, hắn nói. “Trong tổ kiến nào cũng có vài con có cánh nhưng chúng không bao giờ ra khỏi tổ. Phải dùng một cái cào để cào sâu hơn một thước, hoặc phải chờ cơn mưa đầu mùa vào tháng chín. Sau cơn mưa, khi có ánh mặt trời, chúng đột nhiên bay ra khỏi tổ. Chỉ cần lấy một cái bao ướt đặt nơi lỗ hổng, dễ dàng vậy thôi…”

Hắn ta sửa soạn lại cái bẫy và đặt nó vào chỗ cũ, trên chồng đá.

Tôi hào hứng theo dõi và để ý từng chi tiết. Cuối cùng hắn đứng dậy và hỏi:

“Bạn là ai?”

                                                              Hình 4/ Lili, bạn tri kỷ của Marcel

Để thu được sự tín nhiệm, hắn ta nói tiếp:

“Tôi là Lili ở Bellons.”

“Tôi cũng ở Bellons”, tôi nói.

Hắn cười.

“Ồ không đâu, bạn đâu có ở Bellons! Bạn ở thành phố mà. Có phải bạn tên là Marcel không?”

“Đúng rồi”, tôi trả lời như được ve vuốt, “bạn biết tôi hả?”

” Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bạn nhưng cha tôi đã chở đồ đạc đến cho gia đình bạn và kể về bạn cho tôi biết. Có phải cha bạn là người có khẩu súng mười hai kaliber và là người săn được chim trĩ chúa không?”

Tôi cảm động và kiêu hãnh.

Đúng đó”, tôi nói, “đúng là cha tôi đó.”

“Bạn sẽ kể cho tôi nghe nhé.”

“Kể cái gì?”

“Kể chuyện mấy con chim trĩ chúa, chúng ở đâu và ba bạn đã làm như thế nào, kể từ đầu đến cuối…”

“Dĩ nhiên rồi.”

“Chút nữa”, hắn nói, “sau khi tôi đi kiểm xong một vòng thì bạn phải kể cho tôi nghe hết mọi thứ. Bạn bao nhiêu tuổi?”

“Chín.”

“Tôi tám tuổi, bạn cũng đặt bẫy chứ?”

“Không, tôi có biết cách đặt bẫy ra sao đâu.”

“Nếu bạn muốn, tôi sẽ chỉ cho bạn.”

“Ồ, hay quá”, tôi nói với sự thích thú.

“Đi với tôi, tôi phải đi thăm mấy cái bẫy của tôi.”

“Bây giờ tôi không đi được. Tôi là người xua con mồi cho cha và chú tôi. Tôi phải xua chim trĩ cho họ.”

“Hôm nay chẳng có chim trĩ đâu. Thường thì ở đây có cả ba bầy nhưng sáng sớm nay có mấy người đến chặt gỗ, họ làm chim trĩ sợ và bay hết cả rồi. Hai bầy bay về hướng La Garette, bầy thứ ba thì bay xuống Passe-Temps. Chúng mình có thể xua con thỏ rừng cái thật lớn cho các thợ săn. Nó ở gần đâu  đây, tôi trông thấy một ‘vũng’ của nó.”

Hắn ta muốn nói: dấu phân thỏ.

Chúng tôi bắt đầu đi thăm các bẫy đồng thời tìm kiếm nơi các bụi cây. Người bạn mới của tôi thu được mấy con Bekassine mà người Pháp gọi là chim đuôi trắng, thêm hai con Bedouiden và ba con ‘Darnagas’.

“Dân thành phố gọi chúng là Kreuzschnabel. Ở đây gọi là Darnagas bởi chúng là loại chim rất đần. Nếu cả vùng chỉ có một cái bẫy duy nhất thì chắc chắn thế nào trong bẫy cũng có con Darnagas bị chết ngạt vì thòng lọng. Thịt chim này ngon lắm. Nhìn kìa, một con tắc kè!”

Hắn ta chạy tới một cái bẫy khác và gỡ một con tắc kè khá lớn ra, xanh chói màu lá cây với chấm vàng và những hình lưỡi liềm màu xanh lơ nhạt trên lưng. Hắn vứt vào bụi cây, tôi chạy đến để nhặt.

“Bạn cho tôi nhé.”

Hắn cười.

“Tôi đâu làm gì với nó được, nghe nói ngày xưa người ta ăn tắc kè vì hình như thịt của nó cũng ngon. Chúng tôi thì không ăn loài máu lạnh, chắc là chúng  độc địa.”

Tôi bỏ con tắc kè đẹp đẽ vào túi xách nhưng đi được chừng mười thước, tôi lại vứt nó đi bởi vì trong cái bẫy kế tiếp lại có một con rứac kè lớn hơn và dài bằng cả cánh tay của tôi, màu sắc cũng rực rỡ hơn con trước.

Lili chửi thề bằng thổ ngữ vùng Provence và khẩn cầu đức mẹ đừng để cho hắn gặp thêm mấy con tắc kè này nữa.

“Nhưng mà, tại sao?” tôi hỏi.

“Bộ bạn không biết chúng chặn bẫy của tôi sao. Một con thằn lằn mắc vào bẫy thì mất đi một con chim như vậy coi như là mất tiêu một cái bẫy.”

Bây giờ lại đến lượt mấy con chuột, chúng chặn luôn hai cái bẫy, những con chuột màu xanh mà lông thật mềm. Lili lại bực mình và nói:

“Ông tôi làm món thịt rừng nấu tiêu với mấy con chuột này. Loại chuột này sạch sẽ, chúng sống ngoài thiên nhiên và ăn toàn hột sồi, trái mận và rễ cây. Nó cũng sạch y như mấy con thỏ rừng nhưng mà nó là chuột nên….”

Hắn ta nhếch môi một cách khinh khi. Trong những chiếc bẫy cuối, chúng tôi tìm thấy bốn con Kreuzschnabel và một con Elster.

“Ô hô, một con Elster!”, Lili la lên, “làm sao nó lại đến đây rồi bị lọt vào một cái bẫy trống …ở đây chắc chắn là chốn ở của cả gia đình Elster, bởi vì…”

Hắn ta bỗng nhiên đứng im, để ngón tay lên môi rồi chỉ vào bụi Wacholder

“Có cái gì động đậy trong đó, chúng ta nhìn xem và nhất là không được làm ồn!”

Yên lặng và uyển chuyển, hắn ta tiến lại, giống y như một người da đỏ Komantsche, thật ra là hắn ta không hề biết điều này.

Tôi theo hắn nhưng hắn ra dấu cho tôi đi vòng về phía bên kia và trong lúc hắn ta đang tiến gần đến bụi cây một cách thận trọng thì tôi đã thực hiện được chiến thuật ráp vòng.

Còn cách chừng mười bước, hắn ném một hòn đá và nhảy lên nhiều lần, vừa nhảy vừa la hét. Tôi cũng bắt chước làm theo hắn. Thình lình hắn nhào xuống phía trước; từ trong bụi cây, một con thỏ rừng thật to, hai tai dựng đứng, nhảy lên thật cao đến nỗi người ta có thể nhìn thấy ánh sáng ban ngày ngay dưới bụng chú ta….

Chúng tôi cũng nhảy đến rìa sườn đồi và nhìn thấy chú thỏ rừng biến mất trong bụi cây phía dưới thung lũng. Tim đập mạnh, chúng tôi chờ đợi. Hai tiếng súng liên tiếp vang lên, tiếp theo lại thêm hai tiếng nữa.

“Cây súng mười hai kaliber đã bắn hai phát”, Lili nói, “chúng ta giúp họ tìm con thỏ đi.”

Như một con khỉ hắn ta leo xuống phía dưới.

“Trông thì nguy hiểm”, hắn la lên, “nhưng mà lối này tiện lắm, như leo các bậc thang vậy.”

Tôi theo hắn. Là người nhiều kinh nghiệm hắn có thể phán đoán đúng  khả năng của tôi.

“Là dân thành phố mà bạn cũng khá đấy chứ!”

                                                            Hình 5/ Thỏ rừng

Đến chân của thành đá chúng tôi chạy nhanh xuống sườn đồi. Bên cạnh giếng nước có một khoảng trống giữa bóng râm của các cây thông thật cao. Cha tôi và chú Jules ngắm một cách tự đắc con thỏ rừng đang nằm dài, cả hai quay về phía chúng tôi với vẻ hài lòng với chính mình. Tôi hỏi một cách rụt rè:

“Ai bắn trúng con thỏ?”

“Cả hai”, chú Jules nói, “ta bắn trúng hai phát nhưng nó vẫn chạy, cho đến khi ba cháu bắn thêm hai phát nữa thì nó mới lăn quay. Con thỏ này coi bộ chịu đạn giỏi…”

Ông nói nhận xét trên một cách bình thản như thể nói chuyện, cởi chiếc áo khoác ngoài hay là để một trái dưa xuống bàn. Rồi ông nhìn thấy người bạn mới của tôi.

“À há, chúng ta thêm người!”

“Tôi biết cậu bé này”, cha tôi nói, “cháu là con của Francois, có đúng không?”

“Dạ”, Lili nói, “bác đã gặp cháu tại nhà vào dịp Phục Sinh.”

“Cháu là một thợ săn giỏi, cha cháu kể cho bác nghe.”

“Ồ,” Lili nói và đỏ mặt, “cháu chỉ đặt bẫy để bắt chim…”

“Có bắt được nhiều không?”

Hắn nhìn nhanh một vòng để biết chắc là chỉ có một mình chúng tôi rồi mới đổ túi xách của hắn xuống bãi cỏ. Tê cả người vì thán phục, tôi đếm được tất chừng khoảng ba chục con chim.

“Bắt mấy con này đâu có gì khó. Tất cả đều tuỳ vào việc có đủ cành liễu hay không mà thôi. Ở phía dưới kia của thung lũng có một cây liễu già, nếu sáng sớm mai bạn có thì giờ, chúng ta sẽ đi lấy một ít vì tôi cũng chẳng còn nhiều.”

Chú tôi xem xét chiến lợi phẩm mà hắn ta đã bày ra?

“Này, này!” chú nói và giơ ngón tay doạ hắn ta một cách thân thiện, “cháu quả là một kẻ đi săn lậu, phải không?”

Lili trả lời một cách ngạc nhiên:

“Cháu? Cháu là người Bellons mà!”

Cha tôi hỏi hắn nói như vậy là sao.

“Tất cả những đồi núi chung quanh đây là tài sản chung của người dân ở đây. Vì lý do đó chúng cháu đâu phải là dân săn lậu.”

Quan niệm của hắn là ý nghĩ rất đơn sơ: tất cả những dân săn lậu thuộc Treille đều là thợ săn đích thực, trong khi đó những người từ vùng Allauch hay từ thành phố đến, dĩ nhiên là những tay đi săn lậu.

                                                Hình 6/ Các thợ săn nghỉ chân để ăn trưa

Chúng tôi ăn điểm tâm trên thảm cỏ. Những câu chuyện mà Lili kể làm chúng tôi thêm sinh động. Hắn ta biết rõ từng thung lũng, từng  vực sâu, từng con đường mòn, từng viên đá của vùng đồi núi. Hơn thế nữa, hắn ta còn biết thói quen cũng như thời gian xuất hiện của các loại muông thú, hắn ta có vẻ rụt rè khi thuật chuyện, nhất là khi chú Jules hỏi, hắn ta tìm cách nói tránh đi hoặc mỉm cười một cách ngạo nghễ.

Cha tôi nói:

“Vùng này sao thấy thiếu các nguồn nước quá. Ngoài giếng nước Murier còn có thêm các giếng khác nữa không?”

“Dĩ nhiên là có chứ!” Lili trả lời nhưng không nói thêm hơn nữa.

                                                                           Hình  7/ Giếng nước

“Có một nguồn nước ở Passe-Temps”, chú Jules nói,“nguồn nước này được vẽ trên bản đồ chính.”

“Ở Escaouprès cũng có một nguồn”, Lili nói, “cha cháu cho đàn dê uống nước ở đó.”

“Vừa rồi chúng ta cũng đã thấy”, chú Jules nói.

“Chắc chắn là còn những nguồn nước khác nữa!” cha tôi nói, “cả một vùng đồi núi bao la như vầy thì không thể nào mà nước mưa lại không chảy ra ở những nơi nào đó.”

“Có lẽ mưa không đủ”, chú Jules nói.

“Chú lầm rồi”, cha tôi nói. “Ở Paris, nước mưa hàng năm đo được 45cm, ở đây tới 60cm.”

Tôi nhìn Lili rồi nháy mắt một cách kiêu hãnh về sự hiểu biết của cha tôi. Nhưng mà hắn ta dường như không hiểu được giá trị lời nói của cha tôi.

“Mặt đất của vùng cao này toàn là đá tảng không thấm nước”, cha tôi tiếp tục nói, “tôi đoan chắc là nước mưa sẽ tích tụ lại trong các hang động dưới mặt đất ở các thung lũng. Có thể các hang động này sẽ nối tiếp với nhau và nước cũng sẽ nhỏ giọt được ở nơi sâu nhất rồi chảy đi. Chắc cháu biết những nguồn nước khác nữa chứ?”

“Cháu biết thêm bảy nguồn nước”, Lily nói.

“Những nguồn nước này ở đâu?”

Cậu bé nhà quê có vẻ ngượng ngập rồi trả lời một cách rõ ràng:

“Không được phép nói những nguồn nước này ra ạ.”

Cha tôi cũng ngạc nhiên như tôi.

“Tại sao vậy?”

Lili đỏ mặt, nuốt nước miếng rồi giải thích:

“Bởi vì người ta không được phép tiết lộ!”

“Luật gì mà kỳ vậy?” chú Jules kêu lên.

“Rõ ràng”, cha tôi nói, ” một nguồn nước ở nơi khô cạn này là cả một kho tàng.”

“Và rồi,” Lily nói một cách chân thật, ” khi người ta biết được nguồn nước là họ kéo nhau đến uống.”

“Chẳng hạn là ai vậy?”

“Dân ở Allauch hoặc ở Peypin; và rồi họ đến đây hàng ngày để săn bắn”.  Đột nhiên hắn ta bực tức: “thêm vào đó là lũ ngu đần đi dã ngoạn! Từ khi người ta tiết lộ nguồn nước Petit-Homme, họ kéo tới có khi cả hai chục người một lúc. Đầu tiên hết là họ làm chim trĩ bay đi mất, tiếp đó là họ hái trộm nho ở Chabert Weinberg, thêm nữa khi họ uống nhiều rượu quá, họ tiểu cả vào nguồn nước. Có lần họ còn viết là: chúng ta đã tiểu vào nguồn!”

“Tại sao vậy?” chú Jules hỏi.

Không hề ngượng ngập, hắn ta trả lời:

“Bởi vì Chabert đã bắn vào họ.”

“Bắn thật sao?” tôi hỏi.

“Ừ, bắn từ xa với đạn chì. Họ bẻ trộm hết cả trái trên cây cherry duy nhất của ông ta”, Lili nói một cách tức giận, “cha tôi nói với Chabert là phải chi ông ta dùng đạn mạnh hơn để bắn!”

“Quả là một tục lệ dã man!” chú Jules kêu lên

“Những người đó mới chính là dân săn lậu”, Lili nói một cách mạnh mẽ. “Cách đây hai năm, họ nướng thịt và làm cháy khu rừng Moulet. May mắn thay đó chỉ là khu rừng thông nhỏ và chơ vơ. Tưởng tượng xem nếu việc đó xảy ra ở Passe-Temps!”

“Dĩ nhiên những người từ thành phố nguy hiểm vì họ đâu có biết gì”, cha tôi nói.

“Khi không biết gì thì chỉ nên ngồi ở nhà”. Hắn ta ăn ngon lành món trứng chiên với cà chua.

“Nhưng chúng tôi không phải là người đi dã ngoạn, không làm bẩn nguồn nước nên cháu cứ cho chúng tôi biết thêm là những nguồn nước đó ở đâu.”

“Cháu muốn tiết lộ lắm nhưng điều này bị cấm”, Lily nói, “ngay trong gia đình cũng không nói cho nhau biết.”

“Trong gia đình mà cũng không tiết lộ!” cha tôi nó, “thật là khó tin!”

“Có lẽ cháu nói quá một chút”, chú Jules nói.

“Không đâu! Đó là sự thật. Ông của cháu biết được một nguồn nước nhưng không tiết lộ cho ai biết cả.”

“Vậy sao cháu biết chuyện này?”

“Vì gia đình cháu có một cánh đồng lúa mì nhỏ ở Passe-Temps nên đôi khi phải tới đó để gặt lúa. Khi mọi người ăn trưa, ông thường nói: ‘đừng nhìn theo ta!’ rồi ông đi, tay cầm theo một chai không.”

“Có thật là mọi người không trông theo ông chứ!”, tôi hỏi.

“Đức mẹ ơi! Ông sẽ giết tất cả chúng tôi. Chúng tôi ngồi yên và tiếp tục ăn, không ai dám quay nhìn chung quanh. Một lát sau, ông trở lại, trên tay là chai đầy nước mát lạnh.”

Cha tôi hỏi:

“Và mọi người, không ai được ông cho biết gì cả hay sao?”

“Cháu nghĩ là, khi ông hấp hối, ông cố gắng để tiết lộ cho mọi người biết. Ông gọi cha cháu lại gần rồi thều thào: Francois…nguồn nước…nguồn nước…và rồi ông qua đời. Ông đã đợi quá lâu và mặc dù chúng cháu có tìm kiếm nguồn nước bao lần đi nữa, chúng cháu cũng chẳng tìm ra. Thật là một nguồn nước bị mất đi…..”

“Phải nói đó là một sự phí phạm vô lý”, chú Jules nói.

“Vâng, vâng”, Lili nói một cách buồn bã, “nhưng mà dù sao các con chim bây giờ cũng được uống nước của nguồn này.”

(Còn tiếp)

Lê-Thân Hồng-Khanh dịch. 

Từ bản tiếng Đức: Eine Kindheit in der Provence của Pamela Wendekind

Nguyên tác: Le Château de ma Mère của Marcel Pagnol

Hình : nguồn net, phim Le Chateau de ma Mère (1990)

 

 

Có 3 bình luận về TOÀ LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI

  1. Hoành Châu nói:

    Thưa cô ,
    Mấy ngày nay bận ,em tranh thủ   đọc xong bài này rồi  nhưng hôm nay mới viết phản hồi
    Bài chuyển ngữ thật  hay và có giá trị ,,,Thời thơ ấu đẹp ngời của Marcel Pagnol  trong rừng săn bắn với  cha  cùng các  thợ săn khác. Đoạn đầu ta được biết Lili , người bạn tri kỷ của Marcel Pagnol, hai bé chỉ  mới 8, 9 tuổi đầu.   Lili  tỏ ra sành sỏi việc đặt  bẫy  còn Marcel P. là chuyên gia lùa thú ,,chuyện  đường rừng thật hấp dẫn . Cảm ơn cô Lê Thân Hồng Khanh nhé . Đọc bài này chắc Bà cũng thích lắm ,.Con chúc bà được mạnh khỏe để theo dõi truyện dài kỳ hấp dẫn này  !
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển  (Gia đình C  )

     

  2. Hy vọng Hoành Châu sẽ theo dõi truyện dịch cho đến cuối và cũng sẽ thích câu truyện này như người dịch.

    Cám ơn em đã gởi lời thăm Bà, chắc chắn là Bà đã đọc phản hồi của em và rất vui. Độ này sức khoẻ của Bà cũng không còn được như trước nữa tuy nhiên vẫn luôn là đọc giả trung thành của trang nhà.

  3. Lê Liên nói:

    Thưa cô, Hôm nay em mới bắt đầu đọc truyện dịch của cô, Thât tuyệt!  thật hay, thật cuốn hút. Nhất định em sẽ đọc thêm những phần sau nữa.
    Em Xin được cảm ơn cô. Kính chúc cô có nhiều Sức Khỏe , An Lạc ạ .

    Trọng kính.
    Em, Lê Liên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác