Một cuộn phim dĩ vảng quay về.
Nói đến người Phụ Nữ Việt Nam là nói đến hình ảnh Người Mẹ. Người mẹ với những đức tính cần cù chịu khó, bao dung rộng lượng, là người cho nhiều nhất và nhận ít nhất. Cái “cho” của mẹ không chỉ là những lo toan suốt thời thơ ấu mà có không ít đứa con đến tuổi trưởng thành rồi sự lo toan ấy vẫn chưa dừng lại, cái cho đó bao la vô tận. Và nhân ngày giỗ lần 19 của má, Con tưởng nhớ về Má, má ơi:
“Mẹ ơi, con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi, con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ thời xa xưa …
(lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến)
Má tôi đã mất 19 năm. Tất cả tình cảm yêu thương giờ chỉ còn là kỷ niệm yên ngủ trong ngăn hộc trí nhớ nhỏ nhoi nào đó. Và nó đã được đánh thức trong Tôi nhân ngày “Cúng cơm Má”.
. . . Ngày ba tôi mất, má chỉ mới 37 tuổi quá trẻ đối với một đời người, Ông để lại cho má một cơ ngơi chỉ còn hình thức bên ngoài, sản nghiệp bên trong hầu như không còn gì, đó là “Một tiệm buôn tại trung tâm chợ Vĩnh Long”. Và ông cũng còn để lại cho má 5 đứa con, đứa lớn nhất 17 tuổi chưa tự nuôi sống, chưa có sự nghiệp, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi chưa cắp sách đến trường. Lúc đó, tôi mới 10 tuổi nên chưa cảm nhận được hết những sâu sắc của Tình phụ tử; chưa nhận được nhiều chỉ dạy, chưa học hỏi được nhiều kinh nghiệm sống từ ba. Chưa, chưa và rất nhiều điều chưa . . .
Còn má tôi – Thời vang bóng của ba, má chỉ là người phụ nữ của bếp núc, của may vá trong một gia đình cưu mang nuôi nhiều đứa cháu của Gia tộc. Má là cái bóng ẩn khuất sau hình ảnh của ba, mọi hoạt động buôn bán tiền bạc của gia đình đều do ba quyết định quản lý cả.
Đến khi ba mất, một mình má với những gì được để lại là khoảng trống về kinh doanh. Má đã cơ cực tảo tần gồng gánh tiếp tục không để bất kỳ đứa con nào của má bỏ học để ra đời sớm. Khó khăn chồng chất khó khăn, ba năm sau tất cả “gia tài” đó bị thiêu hủy trong cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968.
Hình ảnh “Bà chủ tiệm và bầy con” ngồi moi trong đống gạch đổ nát từng viên, từng viên gạch còn nguyên vẹn xếp lại chờ ngày tái sử dụng. Bầy con lạc đàn tự tìm nơi tá túc chờ ngày về lại tổ ấm, tôi đã sống tạm nhờ tại nhà Lương Minh bên kia Cầu Lầu. Và tất cả ngã quỵ được xây lại từ đầu, đứng lên và tiếp tục hướng về phía trước.
Bóng dáng của má- Người thiếu phụ cố nuốt những uẩn ức vào bên trong, tự tiêu hóa nỗi buồn trong lòng của mình luôn lúc nào không phai mờ trong tôi.
Cả đời má hình như không biết than thân trách phận là gì. Chỉ có những giọt nước mắt lăn ngược vào bên trong.
Tấm gương của má là tính nhẫn nhục, chịu đựng, bao dung của một người phụ nữ Á Đông, người phụ nữ gốc Hoa chỉ biết hy sinh cho con cháu, chăm lo cho người thân.
Mong nơi đó má an vui, các con đang lần theo bước chân của má, noi theo đức tính tấm gương của má.
Như một tưởng nhớ Giỗ má lần 19
Tháng 4-2018
Nhiêu Xấm
h1 Bà Hồ Muối ngồi giữa 2 con trai, 2 con dâu và các cháu nội
Nhiêu Xẩm có nhiều bài viết về mẹ rất cảm hay, rất cảm động.
Thương quá lời nói mở đầu cho câu chuyện viết ngắn: “Nói đến người Phụ Nữ Việt Nam là nói đến hình ảnh Người Mẹ.” (…) Nghe như một luồng tình cảm nóng ấm chảy dọc vào hồn. Bởi vì chị gốc người Hoa, sinh trưởng trên đất nước nầy, đã trải lòng tâm sự về kỷ niệm, nếp sống gia đình… gắn liền với phong hóa thuần hậu, đã tạo nên hình tượng người Mẹ phương Đông, chính xác, là “người mẹ Việt Nam”. Có lẽ do phong tục, tập quán, ảnh hưởng qua lại lâu đời từ xa xưa mà người phụ nữ Á Đông bao giờ cũng chịu thương chịu khó vì chồng con, coi hạnh phúc gia đình trên cả bản thân mình.
Còn nữa, còn nhiều điều đáng nói, đáng trân trọng… nhưng thôi để tránh dài dòng. Đọc bài viết ngắn của anh mà tôi không nghĩ anh là người Việt gốc Hoa,anh Nhiêu Xẩm ạ. Cứ ngỡ như anh là người rặt gốc Việt Nam vậy.
Một bài viết từ tấm lòng người con..Rất lay động lòng người đọc..Tôi đã đọc rất nhiều bài về Mẹ, và đây là một bài viết tuy ngắn nhưng phải nói là hay.