Ly cà-phơ của  Tám  

Ngày đăng: 28/12/2017 05:58:58 Sáng/ ý kiến phản hồi (11)

Sáng sớm, mất mấy phút mò  tìm dấu cắt hướng dẫn của hãng sản xuất, kiếm hoài cái chỗ để xé miệng chiếc bịt cà phê loại 3 trong 1. Nhớ lại hồi Tám tui bắt đầu đổi gu dùng loại cà phê pha sẵn mà ai cũng nói là dành cho phụ nữ và trẻ em uống chơi. Đã từng  gặp mấy bịt mà họ quên cắt nhá như cái nầy, chưa có cái bịt dai nào dám làm khó dễ dưới  móng tay của mình. Còn bây giờ, thế thời đã khác thuở xưa, mỗi việc đã  không còn dễ như ăn cháo bằng tô và muổng nhựa.

Nhờ chiếc kéo xớt ngang và dùng tay bóp phình  miệng bịt để trút hỗn hợp cà phê vô chiếc tách bự chà bá như cái ảng.  Ngón cái và trỏ của bàn  tay trái  vẫn còn nhéo cái đít bọc ghìm sâu giữa miệng ly, rồi  co 2 ngón của tay kia để  búng nhè nhẹ 5 nẻ vào cái bụng của nó. Sức búng vừa đủ và đúng chỗ cho cái bịt kêu ‘bộc bộc’ nhưng không làm  bụng của nó xẹp lép. Động tác thành thạo nầy công dụng thúc đẩy tất cả cà phê và đường sữa khô trong bịt phải rớt những hạt cuối cùng  xuống đáy cốc. Mới nhìn, ai cũng ngỡ rằng Tám tui tiết kiệm đến từng cái li ti. Hà tiện thì chắc là khi có khi không, nhưng việc li ti nầy thì rất có lý do biện bạch.

Xin phép được nói sơ qua  chuyện hà tiện trước.  Nhớ lại  mới thứ sáu vừa rồi, lúc đang đậu xe chờ  rước cháu nội trong buổi  học cuối  trước khi kỳ nghĩ lễ  Giáng Sinh dài qua khỏi  tết Tây.  Đang ngồi lim dim nghe nhạc Giáng Sinh thì phone kêu lát nửa đi với cháu ra tiệm mua dùm tép tỏi.   Thiệt tình là Tám không còn mắc cỡ khi đi chợ mua hàng lặt vặt lôm côm, nhưng chiều đó tình cờ gặp thằng cháu đứng  tính tiền kế sau lưng mình, tự nhiên cảm thấy tự ái vào cái thời không còn túm tém mượt mà như thời trẻ nghé ngày nào. Chuyện như vầy:

– Ủa, bữa nay đi làm về sớm vậy?

Thằng cháu đang loay hoay gỡ cái ‘lây-bồ’ bị mỡ vịt làm tróc ra cuốn lại, ‘sự cố’ khiến  cho chú em thu ngân không thể ‘xì-ken’ thành công giá tiền. Thì nghe tiếng ông nào đứng sau một cô gái kế đó.

– Cháu trai bắn vô cái nhãn ở hộp kia, anh đó mua 2 con vịt quay đồng giá mà.

Ông cháu tui đã trả tiền hồi tám hoánh và đã  nhét món hàng quấn cái ‘rì-xíp’ vào túi áo lạnh. Tám  tui cảm thấy không còn chuyện của mình để chàng ràng khu đó.  Cũng không ngoáy lại xem em trai thu ngân  giải quyết hộp vịt quay của thằng cháu thế nào. Tui đẩy xe có thằng cháu nụi đứng nghiêng người  tòn ten phía trước.  Lòn lách cẩn thận ngoài bãi đậu,  mở cửa xe và chờ thằng cháu nội cài dây an toàn, thình lình nghe tiếng.

– Chào chú Tám!

– Bữa nay dìa sớm vậy?

– Hãng con cho nghỉ buổi chiều và đãi nhân viên ăn tiệc, con ăn qua loa rồi nhận bao thơ tiền thưởng đi một vòng,  con ghé  mua vịt quay cho ba con có bạn nhậu chiều nay. Chút nữa chú ghé nhà con chơi nha chú Tám. Con xin lỗi là hồi nảy thấy chú mua có nửa củ tỏi, con không dám chào chú vì có bạn gái của con đứng kế bên.

– He he! Không sao, không sao! Chú hiểu.  Ê, bạn gái mầy là con nhỏ đứng sau lưng hồi nảy phải không, nó đâu rồi?

– Jane ngồi trong xe chờ con đằng kia.

– Chú nói cháu nghe,  chú đâu có lựa tỏi trong bọc 4 củ nguyên xi của người ta. Nửa củ cháu thấy là  chú nhặt từ trong thùng tỏi rời đã  bị ai tách hai. Cháu học luật mấy năm, chắc cháu  biết luật gì không ghi ra giấy trắng mực đen minh bạch  các hành vi phạm tội  thì không thể áp dụng truy tố.  Chú cũng biết vài chữ Ăng-lê, chú dòm thùng tỏi không có chữ nào buộc khách hàng phải mua ít nhất hay nhiều nhất  bao nhiêu.

– Chú Tám nói đúng, nhưng ít ra chú cũng mua một củ, tỏi có mắc gì đâu mà chú không mua nguyên củ. Hôm nay thím Tám xài không hết thì mai mốt xài.

– Chú thấy nửa củ đó có mấy tép no tròn, tao thích lụm vậy thôi.

–  Hồi nảy con thấy cà phê chú hay uống đang ‘on sale’. Chú ngồi chờ con vô mua 3 bao tặng chú.

– Thôi khỏi, chú phải về ngay. Chú cũng thấy rồi, để chú mua trong dịp đi chợ lần tới.

– Sau chú không mua liền, mai mốt hết ‘seo’ chú à. Ba con không thích loại đó, con không dám mua.

– ‘Seo’  mấy tháng rồi, đừng lo. Mà cháu có thấy kỳ không. Một bọc 20 gói cà phê giá $3.99, ba bọc giá $6.99, chú không giỏi toán mà cũng tính rợ là nếu mua 2 bọc, sẽ mắc hơn mua 3 bọc.

– Dạ, con không thấy kỳ. Khi nào chú rảnh, con với chú nói chuyện nầy. Gặp lại chú chiều nay tại nhà ba con, nhớ nha chú Tám.

xox

Dòng tâm tư trở về chủ thể  để nhận ra chiếc ấm điệm đã ngưng kêu ro ro ục ục tự thuở nào. Đưa tay chưa tới chiếc quai thì chợt nhớ lời bx là muốn pha bất cứ thứ gì, ví dụ như khổ qua non xắt lát phơi xấy làm trà, thì cũng phải chờ nước sôi cho đủ độ. Dừng chỉ thị trong phần ngàn của giây, đổi qua lịnh mới là sẵn tay ngoéo bật cái công tắc bên dưới quai ấm điện.

Trong khi chờ ly cà phê nguội xuống đúng độ,  theo ngay sau  đó  là một thói quen khác, Tám tôi vào web quen để  xem dự báo nắng gió hay mưa tuyết trong ngày con cháu tề tựu về chơi nhân ngày Noel.  Nhìn cho thuộc lòng các con số, để khi bx hỏi tới là có sẵn một bài ca theo mẫu: Sau đây là dự báo khí tượng cho thành phố mà bạn đang cư ngụ. Sáng mát mẻ, trưa nhiều mây, chiều có mưa dông rải rác nhiều nơi…

Trong nhà khoảng nầy  hãy còn im vắng, tranh thủ gõ vài chữ vào một mớ chữ cho một chủ đề mới có hồn nhưng chưa thành xương thịt.  Khoảng 10 giờ, hai tai không thính lắm mà nghe rõ tiếng gió rit  ào ào bên ngoài. Qua kính cửa sổ, thấy sọc vải lụa đồ chơi của mấy nhỏ mình lượm hôm qua bị gió thổi như giật tung mối thắt. Giật mình xem lại trang thời tiết vùng mình, giờ nầy gió máy cũng y chang hướng cũ là Tây Tây Bắc 25 MPH (= 40 km/h). Chợt nhớ hồi 6 giờ sáng  mới gọi về Việt Nam hỏi thăm tin bão. Dòm chung quanh không có ai để nói câu đùa đầy sáng tạo là: “Hỏng lẻ bão Tembin ở biển Đông mà gió thổi tới Philadelphia”.  Cũng may là câu vô duyên đó còn nằm trong bụng. Nhưng biển muốn êm mà gió cứ lao xao khơi động.

– Ông xin phép dượng ‘Mạc Dắt-kờ-bơ’ cho nghỉ ‘phây’một lát, lại đây tui chỉ cái nầy.

Không phải sợ mà không dám đối diện, nhưng Tám tui đang vận gân cốt đẽo gọt và dò sửa dấu hỏi ngã, nặng nhẹ trong còm-mên  cho một xì-ta-tớt. Nếu bỏ đi lâu quá nó lặn mất thì uổng công.

– Nói vụ gì đi, chút xíu tui mới đến được.

– Ông đến tui chỉ cái nầy liền. Tui phải làm qua việc khác.

Cảnh giác và khép nép tiến đến mà cũng bị quở:

– Ông làm gì mà đi từng bước chậm rùa như ‘học trò lễ’ vậy. Xoè tay ra đưa tui,  rồi  nghe tui tặng 2 câu thơ nè. Bàn tay nắm một bàn tay. Bàn tay kia có ‘phiu phê’ nhám cào. Xong rồi đó, ông xem lại tay ông dính cái chất gì. Cà phê bột rớt trên bàn tui không nói, tui làm thinh lau sạch hoài. Sáng nay rớt luôn dưới gạch, đôi dép tui đi trong nhà sạch trơn, mà nghe dính chất đường dẽo nhẹo trên gạch tui lau hồi 10 giờ đêm là biết có chuyện gì.

Không lỗi phải, nhắc cho ‘hơ-ni’ cẩn thận sau nầy thôi nhé.

(Còn tiếp)

Một Lúa

H

Có 11 bình luận về Ly cà-phơ của  Tám  

  1. Phan Lương nói:

    Hi hi

    …. chỉ biết cười …chớt quai hàm thôi !

    Một câu chuyện rất ” đang giởn” , rất dí dõm đời thường mà qua tài viết lách của anh đọc cười muốn trẹo quai hàm luôn

  2. NHA nói:

    Một lúa có biết loại cà phơ 2 trong 1 không, và loại cà… phơ khổ qua?

     

    • Một Lúa nói:

      Sư huynh NHA!

      Em phải nhờ đại huynh chỉ cho em vụ nầy mới được.

      • NHA nói:

        Hai loại “Cà..phơ” này chỉ dành cho những ai bị “lượng đường cao trong máu ” <hay gọi là tiểu đường> , chắc người bình thường không thích.

        1-“Cà phơ” 2 trong 1 gồm cà phê và cream mà thôi.

         No automatic alt text available.

        2-“Cà phơ khổ qua” này là do tôi chế. Khổ qua có nhiều dược tính và vị đắng ; trong đó có dược tính trị “tiểu đường”. Tôi xắc khổ qua thành lát rồi phơi khô hoặc xấy, xong nấu chúng với nước sôi, lọc lấy nước khổ qua pha cho cà phê. Cà phê khổ qua này có thêm vị đắng của khổ qua nên rất đậm đà. Tôi dùng cà phê này chỉ với cream thôi như cà phê 2 trong 1.

         Image may contain: food and indoor

        Đây là ảnh của lát khổ qua phơi khô.

         

        Giải đáp cho đệ Một … Lụa như vậy thỏa đáng chưa?

  3. VÕ THI LÀI nói:

    Bài viết anh của anh Một Lúa rất vui dí dỏm ,một vài mẫu chuyện của đời thường trong cuộc sống cũng làm người xem không nhịn được cười . Phải chi anh về Việt Nam dự thi ” Thách Thức Danh Hài “chắc chắn là thắng 100 triệu liền .

  4. Huong cau nói:

    Bài viết rất dí dỏm. Cám ơn tác giả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác