TRẦN BÌ MÀ TÔI THÍCH
Hồi nhỏ mỗi lần uống thuốc Bắc, má tôi cho một viên trần bì. Đây là một trong những món ăn chơi của người Hoa như cà na, cấn chỉ, sán chá. Những món này tôi biết phát âm nhưng làm bằng gì, nguyên liệu gì thì tôi mù tịt.
Với trần bì và cà na thì dễ hiểu. Cà na làm mứt khô; trần bì làm bằng vỏ quýt ngào đường với liều lượng ra sao thì chẳng biết. Vị nó ngọt ngọt, chua chua, ăn vào thông cổ. Sau này trần bì không thấy bán trên thị trường nhưng do ở Chợ Lớn, tiệm Lý Thiện Ký(?) không làm. Thứ nhưng, bây giờ trần bì xuất hiện trong siêu thị trở thành thức ăn cao cấp, một viên tròn tròn gói trong miếng giấy kiếng như miếng thuốc dán con rắn, ngoài gói thêm miếng giấy có in chữ Hoa, một bịch có khoảng 20 viên mà giá đến năm chục ngàn đồng làm sao dám mua ăn.
Hôm qua, có người bạn chia cho tôi một hũ mứt và nói là ô mai của một chị bên Úc làm tặng, tôi ăn sao hương vị giống trần bì mà tôi thích. Vị chua, ngọt, chắc chắn làm bằng vỏ quýt thôi, còn gọi ô mai thì là cách gọi của nhà văn Duyên Anh trong lứa tuổi thích ô mai.
Học trò ở tỉnh lên Sài Gòn, ra chợ Bến Thành lần đầu tiên thấy món ô mai. Có lẽ làm bằng quả sấu, ngào đường, bỏ thêm chút cam thảo (vị thuốc Bắc), những thức ăn tương tự chua chua, ngọt ngọt làm bằng me cũng gọi là ô mai. Còn ô mai tôi được tặng đích thị là trần bì hồi nhỏ mà tôi ưa.
(Lương Minh)
Hình 1 : -Trần bì được chế tạo từ ngoại quốc(1); – Ô mai Việt Nam (2)
Ô MAI TRẦN BÌ XỨ ÚC LÀM BẰNG GÌ VÀ NHƯ THẾ NÀO ?
Theo như Lương Minh nguyên liệu chính của món Trần Bì là vỏ quýt. Nói đến chữ trần bì, tôi lại nhớ đến một loại trái cây cùng tên mà tôi đã được ăn tại Hà Nội khoảng hơn nửa thế kỷ về trước. Tuy lúc ấy mới lên sáu, lên bảy nhưng hương vị của quả trần bì còn mãi trong tôi, một vị ngọt ngọt, chua chua đậm đà và nhất là có mùi thơm rất đặc trưng nồng nàn của vỏ cam, vỏ quýt. Ngoài tên trần bì, loại quả này còn được gọi là quả “hồng bì” hoặc quả “giổi”, một loại trái cây chỉ có ở miền Bắc vì vào Nam, tôi không hề thấy loại quả này. Nghe nói ngày nay khi miền Bắc có mùa Trần bì thì loại quả này cũng được đem bán rất nhiều ở miền Nam.
Hình 2 : Cây và quả trần bì, hồng bì (giổi)
Có thể là vị ngon nhớ lâu nên dù cho đến bây giờ mặc dù đã được thưởng thức rất nhiều loại trái cây khác nhau nhưng tôi vẫn cứ vương vấn đến món trần bì của tuổi thơ. Cho đến một ngày, vì tò mò tôi đã mua ít trái cây lạ tại một tiệm của người Thổ Nhĩ Kỳ có tên là “mispel”, một loại trái mầu vàng, nhỏ bằng ngón chân cái, có vị chua nhiều hơn vị ngọt và một mùi thơm nhắc tôi nhớ đến quả trần bì của tôi ngày xưa.
Hình 3 : Trái Loquat (Mispel) chín trên cây, trái loquat cắt đôi có hột tròn, mầu nâu (bên cạnh)
Sang Úc, khi đi dạo, tôi nhìn thấy cây mispel chi chít những quả trong vườn của cư dân, để rồi khi ra vườn sau của mẹ tôi, tôi mới nhận ra là trong vườn cũng có cây này. Cô em cho biết là cây tự nhiên mọc, do chim mang hột đến và vào thời điểm đó, cây chưa đủ lớn để ra quả.
Những lần sau sang thăm mẹ, tôi đều ra vườn nhìn cây mispel, tuy nhiên vì không có duyên với cây nên khi thì cây mới đơm hoa, khi thì quả thật nhiều nhưng không ai hái, đã khô queo trên cành; tới Sydney bao lần mà chưa được thưởng thức trái cây vườn nhà.
Xứ Úc là thiên đường của trái cây, bao nhiêu là thứ quả ngon nên quả mispel có nhiều vị chua không được gia đình tôi ưa chuộng. Ra quả cũng chẳng ai ăn và cũng chẳng ai buồn hái. Đặc biệt là trái chín sẽ khô luôn trên cây mà không rụng làm bẩn sân nên cây vẫn còn đó, chưa bị đốn mất.
Mới đây cô em tôi đọc được trên mạng là các đại gia Việt Nam đã mua vài trăm gram quả mispel với giá mấy triệu đồng VN nên đã nhìn cây này với cặp mắt khác. Thì ra trong vườn có “mỏ vàng” mà không biết !!!!
Năm nay cây ra hoa và quả cũng nhiều, khi quả chín, cô em chịu khó hái đem vào và nghiệm ra là nếu để cho quả thật chín mới ăn thì sẽ rất ngon vì vị ngọt và chua quân bình, nhất là mùi thơm của quả.
Tuy ngon nhưng nhiều quá, dù có chia cho anh chị em và người quen cũng không hết, bỏ đi thì tiếc nên cô em nảy ra sáng kiến đem trái xấy khô rồi ngào với mật ong và gừng.
Món này sẽ được ưa thích và nhất là có thể giữ được lâu. Vừa nghĩ ra là bắt tay vào việc liền, thành quả được gởi tặng cho các anh chị em. Vừa tốn của, vừa tốn công nhưng cô em vẫn vui, nhất là lại khám phá ra công dụng chữa bệnh do món quà của mình đem đến cho mọi người: trị cảm, thông cổ và nhất là trị ho rất hiệu nghiệm.
Lên mạng, cô em nghiên cứu thêm và biết được trái có tên là Loquat, đây là loại trái cây được trồng nhiều ở vùng Địa Trung Hải và Trung Quốc. Riêng tại Úc cây Loquat cũng nhiều, phần lớn do chim mang tới chứ ít ai trồng; trái ít ai ăn nhưng nếu mua ở tiệm, giá mỗi ký cũng phải mười mấy dollar Úc, tương đương với khoảng 3-4 trăm ngàn đồng VN. Ngoài quả ra, lá cây cũng có công dụng chữa được nhiều bệnh mà người lớn tuổi chúng ta hay gặp phải.
Người Nhật đã dùng trà làm bằng lá cây loquat từ lâu lắm rồi. Đọc giả Bếp Ấm muốn tham khảo thêm xin vào đường link
https://wawaza.com/pages/How-to-Make-Japanese-Loquat-Tea.html
CÔNG THỨC Ô MAI TRẦN BÌ XỨ ÚC
Nói đến Trần bì tức là phải nói đến vỏ quýt hoặc một loại trái nào có mùi hương của vỏ quýt, tuy nhiên ô mai trần bì xứ Úc như Lương Minh đã nêu ra ở trên lại chẳng dính dáng gì đến vỏ quýt cả và cũng chẳng dùng trái loquat để làm ra.
Ô mai trần bì xứ Úc được làm từ “trái ổi” trộn với nhiều loại trái cây khô khác nhau, đường và gừng.
Ổi thì không tốn tiền vì có sẵn trên cây nhưng các vật liệu khác thì khá đắt, nhất là gừng. Gừng Trung Quốc không đắt nhưng gừng nội địa, trồng tại Úc giá mỗi kg lên đến 20-30 Úc Kim một kí, tuy đắt nhưng mọi người đều muốn mua gừng Úc vì không sợ bị độc hại.
Công đoạn để làm rất công phu và mất nhiều thì giờ. Cũng vì tiếc những trái ổi xá lị trắng phau trên hai cây trồng trước nhà, mỗi mùa rụng đầy gốc, chẳng ai buồn ăn nên cô em mới bỏ công hái vào để thử làm mứt và ô mai, gởi tặng cho bà con xa, gần.
I/ VẬT LIỆU
– 2kg ổi xá lị tươi
– 200g nho khô
– 200g xoài khô
– 200g táo khô (apple)
– 200g cranberry khô
– 300g gừng tươi
– 400g đường
– 1 muỗng xúp muối
II/ CÁCH LÀM
– Ổi rửa sạch, lấy thịt để riêng, ruột để riêng. Dùng hai nồi khác nhau để nấu thịt và ruột ổi cho mềm.
– Sau đó lấy một cái rây để chà ruột ổi, phần hột bỏ đi, thịt ổi cho vào máy để xay thật nhuyễn
– Gừng tươi xay nhuyễn
– Các loại trái cây khô cắt nhỏ
– Trộn tất cả các thứ với nhau cùng với đường, cho vào nồi và nấu với lửa trung bình khoảng 5 tiếng đồng hồ, phải để ý và quấy thường xuyên vì hỗn hợp rất dễ bị bén nồi.
Sau đó cho vào lò nướng hoặc máy xấy hai ngày, hai đêm với nhiệt độ 63 độ C. Trước khi xấy có thể trải ra thành lớp trên giấy nướng bánh hoặc viên thành viên như ô mai. Sau khi xấy, để nguội, cắt thành miếng hoặc nếu là viên thì gói bằng giấy wrap.
Hy vọng là đọc giả Bếp Ấm nếu nhà có cây ổi ra trái nhiều mà ăn không hết sẽ áp dụng công thức làm “Ô mai ổi” để thưởng thức vì rất ngon với vị chua, ngọt, mặn và thơm mùi gừng.
Đây chính là vị trần bì mà Lương Minh ưa thích !
Bài viết: Lê-Thân Hồng-Khanh & Lương Minh
Hình ảnh: nguồn net