BÀI CHỈ ĐĂNG SAU NGÀY 20/10
Lúc còn học course lý hóa tại tư thục Hoàng Nguyên trên đường Hồng Thập Tự tôi có để ý cô bạn hay đi học trể. Cô đi học thêm nhưng bao giờ cũng mặc áo dài, mà lại là màu thiên thanh, màu tôi thích, khuôn mặt trắng hồng lấm tấm mồ hôi (vì lớp học buổi trưa), đến cửa lớp vội gỡ mũ xuống để trên cặp ôm trước ngực vội vã vào chỗ ngồi (do đi trể)… ôi sao mà đáng yêu thế. Một buổi nọ tôi đến trường sớm nên lên lầu đứng nhìn xuống cổng trường. Hôm nay nàng đến trường sớm. Vẫn tà áo dài màu thiên thanh, vẫn đội chiếc mũ trắng như thường lệ nhưng lần nầy nàng lột mũ xuống hơi sớm: Nàng bị hói ở đỉnh đầu. Thiên thần của tôi đã mất đi vầng hào quang!
Tôi quen nàng khi cả hai cùng đến mua bộ dụng cụ giải phẩu thí nghiệm tại một cửa hàng có tên rất kêu là Trung Tâm Hóa Học Phẩm nằm trên đường Đồng Khánh, quận 5, gần chợ Hòa Bình. Trước đó tôi được người anh họ đã học chứng chỉ dự bị SPCN tại đại học Khoa học cho bộ dụng cụ cũ, nhưng vì anh tôi học kỹ quá nên “mòn” mất vài món, cần tìm mua bổ sung cho đủ bộ, và dù tôi đến trước nhưng lại không biết bộ dụng cụ của tôi cụ thể thiếu món nào để mua, còn nàng mới đậu vào trường Dược, mua trọn bộ nên được cô bán hàng ưu tiên giải quyết. Trong hoàn cảnh ấy đáng lý tôi phải về nhà lấy bộ dụng cụ giải phẩu trở lại cửa hàng để so nhưng sao lúc ấy chân tôi cứ nặng như đang mang chì, cứ như đã bắt rễ xuống đất, không thể đi được. Cô bán hàng tuổi trạc hai chúng tôi, cũng đẹp, nhiệt tình trải cả bộ dụng cụ (cô bán hàng mới tế nhị làm sao!) lên mặt quầy, cầm lên từng món, nói tên và hỏi tôi: “Kéo lớn; có không? Kéo nhỏ; có không? Dao scalpel? Cây giáo mũi tam giác? …” cho tôi nhớ lại. Mặt tôi lúc ấy trông chắc thộn lắm vì ở nhà tôi có mở túi dụng cụ ra xem, thấy có khuyết vài chỗ trên cái túi nhựa đựng bộ dụng cụ nhưng giờ trước hai người đẹp trí nhớ của tôi đi vắng. Sau một hồi lúng túng, tôi ấp úng hỏi mua … cây kéo nhỏ. Cây kéo nhỏ ấy hiện tôi vẫn còn giữ để … cắt lông mũi. Điều quan trọng là tôi đã quen nàng, cô sinh viên Dược, và cũng không quên trở lại cửa hàng gặp cô bán hàng xinh đẹp, nhiệt tình để mua dụng cụ tiếp.
Trường Dược cạnh trường tôi nên chúng tôi thường gặp nhau. Hôm ấy có lẽ nàng trống giờ nên đi cùng cô bạn sang trường tôi chơi. Cả hai đang đứng trước giảng đường lớn, nhìn lên lầu thấy tôi nàng đưa tay vẫy. Lúc đó tôi đang choáng vì phòng giáo vụ vừa báo cho biết giấy động viên tại chỗ của tôi ở trường bị từ chối do đã làm giấy nầy trước đó tại đại học Khoa Học. Tôi phải nhanh chóng đến Tổng Nha Động Viên trên đường Gia Long xin chỉnh giấy động viên tại chỗ về trường để sau nầy còn được hoãn dịch suốt khóa học 4 năm. Nếu không chỉnh được và chỉnh thật nhanh sẽ có nguy cơ phải trở về học Khoa Học, mà năm học mới đã tiến hành mấy tháng rồi, nguy cơ là rất lớn. Đứng trên ban công lầu 2 trước phòng giáo vụ nhìn xuống tôi có thấy nàng và cô bạn, thấy nàng chỉ tôi với cô bạn và vẫy tay kêu tôi. Lúc ấy tôi quá nãn, mất tất cả thiết tha nên cứ đứng trơ. Tội nghiệp nàng. Sau nầy, khi đã bình tĩnh trở lại tôi cảm thấy xấu hổ vì xử sự của mình hôm ấy. Không hiểu sao tôi không đủ can đảm đến xin lỗi nàng dù thỉnh thoảng vẫn gặp nhau? Mối quan hệ chấm dứt một cách lảng xẹt!
Sau nhiều lần đến cửa hàng, đã mua đầy đủ bộ dụng cụ thế là tôi chuyển qua mua lame và lamelle (kính để mẫu vật và miếng nhựa trong suốt để bên trên mẫu vật khi quan sát dưới kính hiển vi) cho đến khi cô nói, “Anh đến chơi thì cứ đến, đừng mua lame và lamelle nữa!” Cô bán hàng là cháu của bà chủ tiệm, gọi bà chủ là dì út. Đúng hơn phải gọi là cô chủ tiệm vì chỉ lớn hơn tôi và cô cháu khoảng chục tuổi. Sắc đẹp và tính tình có tính di truyền; cháu đẹp và vui tính thì những điều nầy cũng thể hiện ở thế hệ trước (dì),
mà trong trường hợp nầy còn mạnh mẽ hơn. Thỉnh thoảng tôi đến cửa hàng chơi, được cô bán hàng hoặc 2 dì cháu cô bán hàng tiếp rất vui. Tôi với kiến thức Tam Thiên Tự , thực ra bây giờ may ra còn lỏm bỏm tam thập tự nhưng đã có những trao đổi thú vị với 2 dì cháu gốc người Hoa: chữ HẢO; có nam phải có nữ mới vui, còn chữ AN với chữ NỮ dưới nét SONG (mái nhà); không có người đẹp đi ngoài đường không có tai nạn giao thông… Tôi nhiều lần hỏi tên, nhưng cô không chịu cho biết. Do tôi hỏi tên mãi nên một lần cô lấy giấy viết ra hai chữ với mấy chục nét (!) rồi bảo tôi tự đọc. Kiến thức “Nho chùm” làm sao đọc nỗi? Thế là tôi năn nỉ nhưng cô cũng không chịu đọc, cũng không giải thích rồi lấy tờ giấy lại, không cho tôi giữ tờ giấy để tìm hỏi người biết chữ. Tôi tức quá thách: “Có ngon viết tên lên lòng bàn tay, anh sẽ đi hỏi.” rồi đưa tay ra. Không ngờ cô nàng cầm lấy tay tôi, lấy bút bi viết lên lòng bàn tay.
Được mấy nét, lúc ấy tôi nhột quá cười rú, rút tay lại nhưng cô giữ chặt tay tôi, nhất định viết cho đủ tên lên tay tôi. Về nhà tôi quên nên rửa tay, khi nhớ lại thì xà phòng đã làm mờ đi gần hết. Tôi lại đến hỏi tên nhưng cô nhất định không nói, tôi đành gọi tên cô là “A Mũi” (Con gái, Cháu gái-tiếng Quảng Đông) như vẫn thường nghe người nhà gọi cô. Khi nghe tôi gọi như thế cô chỉ cười. Ông chủ cửa hàng, dượng útcủa cô, lại không được vui những khi thấy cảnh ấy. Một lần khi ông đẩy chiếc Vespa trong nhà (phía sau cửa hàng) ra, thấy tôi đứng ở quầy ông ta nói to một câu tiếng Hoa. Tuy không biết tiếng Hoa nhưng qua sắc mặt của 2 dì cháu tôi biết ông ta đang bực vì sự hiện diện của tôi. Khi ông đi ngang tôi thoáng nghe nói, “… cửa hàng mở ra để buôn bán, chớ đâu phải mở ra để tiếp khách!”
Tạm biệt A Mũi cô bán hàng xinh đẹp, vui tính nhưng không kém phần bí ẩn. Tạm biệt dì út.
Trường tôi vừa nhận hai cô giáo mới ra trường. Trong hai người tôi thích cô Nga vì dù là con của một phó giám đốc nhưng cô hòa đồng và thích chơi thể thao, nói chung là ham vui. Thế là tôi quen Nga. Một thời gian sau tôi được Nga mời đến nhà chơi. Được lời như mở tấm lòng, một buổi tối, khoảng 19g, tôi ăn diện bảnh tỏn đến nhà Nga trình diện. Người ra mở cổng là mẹ Nga. Tôi chào bà và nói: “Cháu tên Long, bạn dạy cùng trường với Nga. Hôm nay sẵn có dịp đi công việc gần đây nên cháu ghé vào thăm nhà.”Mẹ Nga lại hỏi: “Cậu là cậu Long Trần hay cậu Long Nguyễn?” Tôi xưng tên họ, trong lòng mừng thầm: Như vậy là mình đã lọt vào vòng trong danh sách ứng tuyển… con rể.
Bà dẫn tôi đi ngang chuồng nuôi 5 – 6 chú lợn rồi mới đến phòng khách. Lúc ấy là đầu thập niên 80 thếkỷ trước, khẩu hiệu lúc đó là: “Nhà nhà 1 cây, 2 con”, thúc đẩy tăng gia sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết khó khăn về lương thực, thực phẩm. Gia đình cán bộ nên làm thế cũng hợp lý! Nhưng theo chỗ tôi biết căn nhà được mua lại của một người Hoa, chủ trại mộc và xẻ gỗ nên nhà rất rộng, phải dài 40 – 50m. Bà mời tôi ngồi xuống ghế phòng khách rồi kiếu từ vào sau nhà rửa tay để cho bố Nga ra tiếp tôi. Bố Nga sau khi bắt tay chào tôi đã trịnh trọng mở tủ buffet lấy ra cây thuốc Vàm Cỏ, rút ra một gói, khui gói thuốc lấy ra một điếu mới tôi, tay kia ông đưa tôi hộp diêm Hòa Bình. Tôi nhận điếu thuốc đặt lên môi, nhận hộp diêm, rút ra một que diêm và làm động tác như sẵn sàng đánh lửa rồi dừng lại chờ. Ba của Nga vội rút một điếu Vàm Cỏ đặt lên môi, hơi nghiêng đầu để tôi dễ đốt điếu thuốc của ông, sau đó tôi đốt điếu thuốc của tôi. Hai bác cháu ngồi xuống ghế salon nói chuyện. Trao đổi được dăm câu, hút được mấy hơi thuốc thì Nga ra. Ông vội đứng lên kiếu từ, để cho con gái tiếp khách và bước vào phòng trong. Tôi nhìn theo kịp thấy khi vừa bước vào phòng trong ông cầm cái áo mặc đi làm, loại áo đại cán 3 túi, lấy ra gói thuốc thơm SAMIT của Thái, nhón lấy 1 điếu để lên miệng đốt. Mùi thuốc thơm phức.
Có lẽ tôi phải nhanh chóng tìm “sắm” cho bản thân một cái mặt nạ!
Nguyễn Hoàng Long
H
“Nàng bị hói ở đỉnh đầu. Thiên thần của tôi đã mất đi vầng hào quang!”*
Trên đây là câu được trích từ một bài viết của em Nguyễn Hoàng Long trong tongphuochiep-vinhlong.com, câu này làm tôi nhớ lại hai câu chuyện sau đây:
1- Hai đứa, một nam một nữ, chung lớp.
Em là nữ nên ngồi hàng ghế trên, anh ngồi phía sau thường ngắm mái tóc thề phủ lưng, vai.
Anh đặc biệt chú ý em vì mỗi khi được nhìn mặt em, nhất là lúc vào lớp, nữ sinh luôn luôn vào trước, thì thấy có một vạt tóc luôn luôn che đuôi mắt phải.
Anh tò mò tìm hiểu tại sao nhưng rất khó khăn; tuy nhiên ngày dài thì cũng có lúc biết được sự thật. Anh đem lòng yêu em bao giờ anh cũng không biết; anh ngỏ lời, em chấp nhận nhưng trong lòng thầm ngại ngùng và phân bua …bí mật của mí mắt được che dưới vạt tóc. Anh nói: Anh yêu em từ tật nguyền của em, mí mắt “bồ lạch” đó là “bà mai”.
Sau này họ là một cặp đôi sống hạnh phúc suốt đời bên nhau.
Tật nguyền không làm mất hào quang của con gái, ít ra là dưới mắt một nam nhân.
2-Những Chúa nhật, trên đại lộ Lê Lợi của Sài Gòn xưa <những năm của thập niên 1960-1970>, tôi thường bắt gặp một cặp đôi đi dạo phố. Chàng rất đẹp trai, nàng không đẹp gái cho lắm lại thêm chột mắt. Họ luôn cặp tay nhau, âu yếm hết mực. Trong lòng mọi người thầm tiếc cho chàng có một người tình không cân xứng?
Những bè bạn quen biết họ thì bảo rằng họ rất hạnh phúc, chàng yêu nàng từ con mắt chột , đơn giản thôi: vì người mẹ mà chàng rất kính thương ngày xưa cũng chột mắt.
Trên đời này, phải chăng chỉ có hai “người con gái trời bắt xấu” được may mắn?
Tôi hy vọng là không.
NHA
25/10/17
Xin phép cho em được xưng em,
Em cũng chủ trương con người sống phải có hậu, có tình, có nghĩa, có trước, có sau. Điều nầy là rất tốt, không cần bàn cãi.
Ở đây em xin bàn về thẩm mỹ. Mỗi người chúng ta có gout thẩm mỹ riêng nhưng cũng có những cái chung như vẻ đẹp của kim cương. Kim cương tại sao đẹp? Nói chung trong thành phần cấu tạo nó chứa nhiều carbon như nhiều vật tầm thường khác, nhưng nó khác, ví dụ như là cục than, vì độ thuần khiết của nó là 99,99%. Nhắc lại chuyện xưa một tí. Chiêu Quân rất đẹp nhưng bị cống sang Hồ vì lý do gì mọi người chúng ta đều biết. Em nghĩ đó cũng là sự thường ở đời. Xin phép đã lạm bàn.
Kính chào.
Chúng ta đã từng xưng anh em rồi mà, với lại đã xưng là em thì tại sao phải xin phép hở Long?
Chi tiết trong bài viết của em nhắc anh nhớ chuyện hồi đó nên nhân tiện kể lại cho thêm góc nhìn của cuộc sống chứ không phải phản bác quan niệm thẩm mỹ của em, hay bất cứ ai vì quan niệm này mỗi người mỗi khác mà chúng ta phải tôn trọng. <Xin lỗi em nếu phản hồi này làm em không vui>.
Nói thêm quyết đinh quen thân với đối tượng của mình còn phải tùy thuộc những yếu tố khác nữa chứ không chỉ vì đẹp hay xấu, dỉ nhiên.
Do biết bên ngoài của cơ thể góp một phần cho hạnh phúc hay bất hạnh kiếp sống của một người, cha/mẹ khi sanh con, bất luận trai hay gái, đa phần thường hỏi người phụ trách sinh đẻ câu đầu tiên là con mình có tật nguyền gì không.
Bài viết này còn một chi tiết khác cũng nhắc anh nhớ lại chuyện “hồi đó” nữa mà anh chưa kịp viết…vì mắt lão nên mau bị mệt mõi.
Cám ơn em, bài viết thú vị.