Mở Đầu ( Prologue )

Ngày đăng: 19/09/2017 11:07:30 Chiều/ ý kiến phản hồi (15)

Năm tôi 18, tình yêu, bằng những tia chớp huyễn hoặc của mình, đã mở mắt tôi và lần đầu tiên ve vuốt trái tim tôi bằng những ngón tay nóng bỏng của mình. Salma Karamy là thiếu nữ đầu tiên, bằng tấm nhan sắc quyến rủ của mình, đã đánh thức tâm hồn tôi và đưa tôi vào khu vườn tình ái diễm tuyệt, nơi ngày tháng trôi qua như những giấc mơ, mỗi đêm như mỗi lần hôn lễ. Salma Karamy là người con gái đầu tiên, bằng tấm nhan sắc của chính mình, đã dạy tôi biết cách tôn thờ cái Đẹp, và dùng chính tình yêu của mình để khai mở giúp tôi hiểu được điều bí ẩn của Tình yêu bằng chính tình yêu của nàng. Nàng là người đầu tiên ngân vang bên tai tôi những khúc ca của đời sống đích thực.

image1 (1)

 

Người thanh niên nào cũng cất giữ trong ký ức mình mối tình đầu, cố gắng níu kéo làm sống lại những hình ảnh và cảm xúc kì diệu đó, cái kỷ niệm đã làm thay đổi phần sâu thẳm nhất của tâm hồn mình, giúp anh ta cảm thấy sung sướng đến quên hết những nỗi đắng cay do sự huyễn hoặc của mối tình đầu mang đến.

Trong đời, người thanh niên nào cũng có một nàng “ Salma ”, không biết từ đâu đến, nó biến cải nỗi cô đơn thành những cung bậc hoan lạc, lấp đầy bóng đêm bằng những  khúc nhạc tình. Khi tôi nghe tình yêu vỗ cánh từ đôi môi mộng mị của nàng, tâm hồn tôi bắt đầu mơ màng, chao đảo, đôi lúc không còn biết đâu là bến bờ. Để giữ lại thăng bằng cho cuộc sống, tôi đi tìm đọc trong sách vở và Thánh thư để tìm hiểu những mặc khải và ý nghĩa cuộc sống .Đời tôi trống rỗng khô khan, buồn thảm như quãng đời anh  Adam ở vườn Địa đàng. Nhưng rồi tôi gặp Salma, nàng như ánh hào quang hiện ra trước mặt tôi. Salma Karamy là nàng Eva của lòng tôi ! Nàng chan chứa lòng tôi với những điều huyền diệu kì bí và giúp tôi hiểu được ý nghĩa của cuộc sinh tồn nầy. Nàng Eva thứ nhất, bằng ý chí và lòng nhu hòa của mình, đã dẫn Adam ra khỏi vườn Địa Đàng trong khi đó Salma, bằng sự khả ái và tình yêu thanh khiết của mình, đã khiến tôi tự nguyện bước chân vào ngôi vườn của của tình yêu. Nhưng những gì đã xảy đến cho người đàn ông thứ nhất thì nó cũng đã xảy đến với tôi. Thanh gươm hung bạo đã đuổi Adam ra khỏi vườn Địa Đàng thì cái lưỡi gươm sáng quắc nó cũng xua đuổi tôi ra khỏi lãnh thổ Tình yêu dù rằng tôi chẳng vi phạm điều luật nào và cũng chẳng hề đặt môi vào trái cấm.

 

image2 (3)
Ngày nay, sau bao tháng năm thăng trầm, tôi chẳng còn giữ lại được gì từ những giấc mơ đó, ngoại trừ những kỉ niệm buồn vỗ đập đôi cánh vô hình quanh tôi, khiến cho mắt tôi nhòa lệ, và chất chứa trong tim tôi một mối hận tình. Salma, người con gái phẩm hạnh khả ái của tôi không còn, chẳng có gì đáng để chiêu niệm, ngoại trừ trái tim bầm dập héo hon của tôi và nấm mồ chạm đá cẩm thạch, nằm giữa những hàng cây trắc bá, quanh năm lá phủ xanh tươi. Nấm mồ ấy, trái tim nầy, là những gì còn lại để chứng giám cho sự hiện diện của thục nữ Salma. Sự im lặng bao trùm quanh những ngôi mộ không hé lộ cho người ta biết được điều bí ẩn giấu kín trong chiếc áo quan, tiếng xào xạc trên những cành cây mà gốc rễ của chúng đã hút lấy chất liệu từ thể xác của Salma cũng không hề hé lộ cho biết lý do về cái chết của nàng. Nhưng những tiếng thở dài ai oán của tim tôi cũng có thể cho người đời biết lý do của tấm bi kịch, giằng co nghiệt ngã diễn ra giữa hai mãnh lực :  nhan sắc và tử thần.

Cùng bè bạn thời thơ ấu của tôi, hiện ở khắp nơi trong nội thành Beirut ! Có khi nào các bạn dạo chơi ngang qua nghĩa trang, nằm cạnh rừng thông, xin các bạn hãy đi thật nhẹ và thật chậm để bước chân của bạn không làm khuấy động giấc ngủ của người đã khuất, đang nằm sâu dưới lòng đất. Đặc biệt, xin các bạn hãy kính cẩn đứng bên ngôi mộ của Salma, thay tôi cất lời chào biết ơn lòng đất đã bao che ấp ủ lấy xác thân rệu rã của nàng . Xin hãy nhắc tên tôi bằng tiếng thở dài: “ Nơi đây vùi chôn bao nguồn hy vọng của một người thanh niên, có tên là Gibran — một tù nhân bị lưu đày biệt xứ vì câu chuyện tình. Cũng chính tại nơi đây, nguyện ước của chàng cũng tàn phai theo năm tháng; hạnh phúc mất đi, cạn khô dòng lệ, và quên lãng nụ cười”. Giữa những ngôi mộ u tịch đó, hận tình của Gibran, theo ngày tháng cũng tăng dần cùng với những cây trắc bá và những cành dương liễu xỏa tóc chiêu niệm các linh hồn phiêu bạt trong nghĩa trang. Trên ngôi mộ đó, hồn chàng hằng đêm cũng thấp thoáng lượn bay để chiêu niệm linh hồn Salma, hòa cùng với cỏ cây cất lời oán thán, tiếc thương cuộc ly biệt của Salma, người con gái hôm qua còn là một tiết điệu thắm tươi trên làn môi trần thế; nhưng hôm nay đã trở thành một huyền bí lặng thinh nằm sâu trong lòng đất mẹ.”

Hởi những người bạn trẻ thời niên thiếu của tôi ơi ! Vì những nàng thục nữ các bạn đã yêu thương, tôi xin thành khẩn yêu cầu các bạn hãy đặt những vòng hoa tươi thắm nhất, đẹp nhất, lên trên nấm mồ của Salma, tên người con gái bất hạnh mà tôi đã đem lòng yêu dấu. Những cánh hoa bỏ lại trên những ngôi mộ mà các bạn bắt gặp, chúng trông tựa như những hạt sương rơi xuông từ đôi mắt của Ban Mai, đọng lại trên những cánh hồng héo úa. / .

 

                                                               Nỗi Buồn U-uẩn

(Wordless Sorrow )

Các bạn thường hồi tưởng lại tuổi hoa niên của mình đầy hân hoan , và bây giờ lấy làm tiếc nuối vì nó không còn nữa. Nhưng tôi thì lại khác. Tôi nhớ đến nó như một thù nhân nhớ đến xích xiềng và chấn song ngục thất. Quãng thời gian giữa tuổi thơ và tuổi thanh xuân của các bạn là một thời vàng son, không âu lo, không ràng buộc, vượt qua mọi trở ngại, thong dong như con ong bay vượt qua những đầm lầy hôi hám để đến những khu vườn, ngát thơm hương hoa. Nhưng thời gian đó của tôi là một thời kỳ u sầu thầm lặng gieo hạt và lớn lên trong tim  tôi. Tình yêu giúp tôi mở miệng, biết cách ăn nói và biết cách nhỏ lệ. Xin các bạn nhớ lại những cánh đồng, những khu vườn, những sân chơi, những góc phố; các bạn cũng sẽ nghe thấy có những lời thì thầm kể lại tuổi thơ của bạn, và cũng như các bạn, tôi cố nhớ lại những nơi thân thương xinh đẹp ở miền Bắc Li-băng mà tôi thường đến đó để thăm thú và vui đùa cùng bè bạn.
image3 (2)

Tôi vừa nhắm mắt để không nhìn thấy những cảnh tượng hiện bày biện xung quanh thì trong đầu tôi liền hiện ra những hình ảnh những nơi thung lũng đầy những kỳ hoa dị thảo, những ngọn núi hùng vĩ vươn lên tận đỉnh trời. Vừa mới bịt tai lại để không nghe thấy tiếng huyên náo từ thị thành vọng về thi tôi lại nghe thấy tiếng thì thầm của những con suối, hòa lẫn với tiếng kêu răng rắc của những cành cây gãy. Ước mong sao tôi có thể nhìn thấy lại được những cảnh đẹp mà tôi vừa kể, như một trẻ thơ ước mong được nằm trong vòng tay  mẹ. Nhưng tất cả những gì tôi vừa nói, nó đã làm tổn thương tâm hồn tôi, nó đầy đọa tuổi hoa niên của tôi trong tăm tối , kiểu như thân phận con phượng hoàng bị tù đày trong cái lồng chật hẹp, tồi túng . Nó ước ao bước ra khỏi cái nhà tù nầy khi nhìn thấy đám bè bạn của nó đang tung cánh vẫy vùng ở quãng trời xa bên ngoài. Những thung lũng, những ngọn núi đó đã nung nấu trí tưởng tượng của tôi; nhưng ngược lại, những ý tưởng cay đắng cũng đan dệt quanh tôi một tấm lưới đen tối, đau buồn.

Sau mỗi lần rong chơi nơi đồng nội trở về, tôi mang theo một nỗi thất vọng vu vơ. Mỗi khi ngắm nhìn bầu trời mây xám bàng bạc xây thành, lòng tôi thấy bâng khuân một nỗi buồn man mác. Mỗi khi nghe chim hót và tiếng suối nguồn róc rách, tôi cũng lại thấy buồn mà chẳng hiểu vì sao. Người ta bảo con người chất phác thì đầu óc trống rỗng, mà hễ trống rỗng thì vô tư. Điều nầy có thể đúng đối với kẻ bẩm sinh, vừa ra đời đã mang theo cái chết, với kẻ sống như cái xác ướp chẳng ra hồn !. Nhưng nếu một người với đầu óc trống rổng mù lòa mà ở cạnh bên thứ tình cảm mong manh, yếu đuối thì còn tồi tệ hơn là một kẻ giết người. Một thiếu niên nhạy cảm, rung động nhiều mà hiểu biết lại nghèo nàn thì đó chỉ là một sinh vật bất hạnh ở trên đời vì hắn bị xâu xé bởi hai mãnh lực đối chọi nhau đáng sợ : một mãnh lực thầm kín nâng cao hắn lên tận mây xanh, chỉ cho hắn thấy ánh hào quang của sự sống ẩn núp phía sau tấm màng mộng ảo; mãnh lực kia trói chặt chân hắn vào mặt đất, bít mắt hắn bằng thứ bụi trần thế, đè nén, nhận chìm  hắn trong âu lo tăm tối.

Nỗi cô đơn có đôi tay lụa là êm ái; nhưng những ngón với móng vuốt sắc bén nó nắm chặt và bóp lấy trái tim ta làm nó nhói đau những cơn sầu u uẩn. Cô đơn là đồng minh của u sầu và là bạn đường giúp cho tâm hồn thăng hoa.

Tâm hồn một thiếu niên bị xâu xé giữa hai mãnh lực : một sức lôi kéo của sự kết hợp, sức kia là ảnh hưởng của chia xa ly biệt tựa như cái bông huệ chớm nở. Nó run rẩy trước cơn heo may, mở rộng lòng mình trước rạng đông và khép cánh khi bóng đêm bao phủ. Nếu trang thiếu niên kia không chuộng thú vui tiêu khiển tinh thần, không bè bạn để nô đùa thì cuộc đời đối với y tựa như ngục thất, chật hẹp, chẳng có chi là thú vị, ở đó hắn chỉ nhìn thấy mạng nhện và nghe thấy tiếng côn trùng nỉ non.

Nỗi u sầu đeo đuổi và ám ảnh suốt thời niên thiếu chẳng phải vì tôi thiếu vui chơi bởi tôi thừa điều kiện để vui chơi thỏa thích, thậm chí có nhiều là đằng khác; cũng chẳng phải vì tôi không có bạn bè; bởi tôi gặp họ ở bất cứ nơi nào tôi đến. Sự thật yêu thích cô đơn là do bản chất của tâm hồn trời cho từ ngày mẹ cho tôi mang nặng kiếp người; nó giết chết trong tôi sở thích đi tìm kiếm sự vui thú và các trò chơi đồng thời nó cũng cất đi từ vai tôi đôi cánh tuổi thơ, khiến tôi thành hồ nước, nằm giữa các đỉnh núi, soi bóng trên mặt nước in hình bóng những cành cây và hình ảnh phán chiếu sắc màu những áng mây trời. Nhưng những hồ nước tù, không tìm được lối ra để về với biển khơi.

Trước năm 18 tuổi, đời tôi cao như chóp núi  vì nó làm cho đầu óc tôi bừng tỉnh, nó giúp tôi hiểu được thăng trầm của kiếp người. Cũng trong năm đó, tôi được sinh ra lần thứ hai. Trong ý nghĩa đó, nếu con người không được tái sinh ngay trong cuộc đời thì cuộc đời của chính hắn sẽ tựa như trang giấy trắng trong quyển  sổ bộ của cuộc đời. Trong năm đó, trong năm đó tôi cũng nhìn thấy những thiên thần trên trời nhìn tôi qua đôi mắt một giai nhân và tôi cũng thấy bầy ác quỷ Gehenna* ‑hung hăng cuồng lưu trong tim của một kẻ tội ác. Kẻ nào không thấy thiên thần và ác quỷ trong cái thiện và cái ác của cuộc đời thì tri thức của hắn sẽ nghèo nàn và tâm hồn hắn sẽ nghèo nàn khô cứng.

    Dịch thuật: Nguyễn văn Chương

Nguyên tác: The Broken Wings-Prolog and Chapter I, Kahlil Gibran

Có 15 bình luận về Mở Đầu ( Prologue )

  1. Hoành Châu nói:

    Phần đầu cũng là phần tóm tắt toàn bộ câu truyện  bi ai về mối tình xa xưa bị  chia cách   với hậu quả khôn lường dành cho   Gibran, một tù nhân biệt xứ vì câu chuyện tình thất chí , vô vọng ! Mong đọc tiếp bài dịch khác của thầy, thầy  nhé  ! Chúc thầy vui khỏe .                                          Em Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. Theo như tôi được biết thì khi dịch cuốn truyện The Broken Wings, thầy Chương chỉ có ý định dịch vài đoạn mà thầy ưng ý, tuy nhiên vì thấy độc giả hâm mộ nên thày đổi ý định và dịch tất cả các đoạn kế tiếp cho đến khi câu truyện kết thúc.

    Vì lý do này mà đoạn đầu tiên còn thiếu được thầy dịch sau cùng để bổ túc cho câu truyện đã dịch xong. Hy vọng là các anh chị em và đọc giả đều hài lòng. Tất cả câu truyện được thày chuyển ngữ thật thoát và thật trôi chảy khiến người đọc có cảm tưởng đây là một câu truyện viết bằng Việt ngữ chứ không phải là một cuốn truyện ngoại quốc được dịch sang tiếng Việt. Một lần nữa xin cám ơn thày Chương, chúc thày nhiều sức khoẻ cũng như cảm hứng để trang nhà còn được đăng thật nhiều bài viết của thày.

  3. Lê Liên nói:

    Thưa Thầy,

    Hồi nhỏ em có đọc Uyên Ương Gãy Cảnh  của Kahlil Gibran (Em không nhớ  ai là dịch giả?), văn phong rất hay! Em yêu tác giả này lắm! Bây giờ em thấy có ông Nguyễn Ước dịch và biên soạn 25 quyển sách của Kahlil GiBran. Em cũng tính mua, nhưng vì không biết Nguyễn Ước là ai? có đáng tin cậy không, nên em đang lưỡng lự….
    Có lẽ các anh chị sẽ cho là em lẩm cẩm, cố chấp nhưng quả thật lúc nhỏ em hay kén chọn một chút!

    VD: 1/ Truyện Quỳnh Dao, Liêu Quốc Nhĩ dịch rất hay, tin cậy được, người khác dịch em thấy không hay, nghĩ là sách giả, ít lâu sau y rằng đó là truyện Quỳnh Dao giả.
    2/ Truyện của Từ Tốc thì Từ Du dịch rất hay.
    3/.. v.v…
    Ngày xưa các dịch giả (Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Hà Mai Anh, Nguyễn Hiến Lê ….)đáng tin cậy.
    Bây giờ nhiều đầu sách được dịch nhưng các dịch giả không có sự tin cậy khá nhiều. Kể cũng buồn.
    Em rất thích văn học nước ngoại. Hôm nay được đoc lại truyện này của thầy dịch em rất thích. dù em chưa biết thầy , nhưng em xin được cảm ơn thầy. Em đang đợi những bản dịch khác của thầy.
    Em chúc thầy dồi dào sức khỏe. hạnh phúc ạ .

    Em, Lê Liên.

    • Quách Đào nói:

      The broken wings được Nguyễn Ngọc Minh dịch năm 1970 với cái tên tuyệt vời là Uyên ương gãy cánh, nxb Nguồn Sáng. Sau nầy, Nguyễn Ước dịch cũng rất hay nhưng vẫn xin giữ tên bản dịch là Uyên ương gãy cánh. Trang diendanlequydon có đăng bản dịch nầy.

      • Lê Liên nói:

        Dạ, em cảm ơn anh Quách Đào đã nhắc lại cho em nhớ ra tên dịch giả  Nguyễn Ngọc Minh.

        Bây giờ dịch giả Nguyễn Ước dịch lại lấy tựa đề là Gãy cánh uyên ương. Anh có biết nhiều về dịch giả này không anh?

        Chúc anh thật Khỏe, vui và bình an ạ.

        Thân ái,

        Em , Lê Liên.

         

         

        • Quách Đào nói:

          Nguyễn Ước là một tên tuổi lớn của làng văn Việt Nam hải ngoại.

          Ông sinh năm 1947 ở Quảng Bình. Năm 1954 vào Nam sống ở Thừa Thiên Huế. Ông học Văn khoa và Luật khoa Sài Gòn trước khi vào học ĐHSP Huế, ra trường 1974.

          Ông vượt biên năm 1989, 1991 định cư ở Canada.

          Ông cộng tác với hầu hết các diễn đàn, tạp chí văn học hải ngoại và có một khối lượng sáng tác, trước tác khổng lồ, trong đó gây đình đám là bộ tiểu thuyết trường thiên Trăng huyết.

          Nhiều sách của ông đã liên kết xuất bản ở Việt Nam, trong đó 20 tập viết và dịch Kahlil Gibran được nhiều người khen ngợi.

          • Lê Liên nói:

            Ôi ! Vậy mà em mù tịch về dịch giả này anh ạ ! Cảm ơn anh đã cho em thông tin quý báu ! Cũng đúng thôi! Mấy chục năm chỉ biết lo cơm áo gạo tiền nuôi con, em chẳng thể sống cho chính mình ( hồi nhỏ em từng nói ” Lê Liên thích chết trên đống sách đó anh!)                                                             Cho Đến bây giờ vẫn chưa thoát khỏi nợ áo cơm, đã thế cái đầu còn lơ mơ quên nhiều quá! Thật buồn.
            Em sẽ sưu tập những tác phẩm do ông Nguyễn Ước dịch anh ạ. Chúc anh có nhiều niềm vui trong cuộc sống nhé !

            Thân ái,

            Em,Lê Liên

  4. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Chàng trai Gibran 18 tuổi vốn lãng mạn, tâm hồn nhạy cảm, ưa cô đơn, tính cách u ẩn dường như báo trước số phận, tình yêu gãy đổ trái ngang. Thầy sẽ chọn tác phẩm nào giới thiệu tiếp cho chúng em, thưa thầy Chương?

  5. Kính thưa thầy Chương, em vô cùng xúc động khi được đọc lại tuyệt tác Uyên ương gẫy cánh của K. Gibran do thầy chuyển ngữ . Em rất yêu thích câu truyện này từ thuở đôi mươi. Em mong được tiếp tục thưởng thức thêm nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng khác qua tài dịch thuật của thầy ạ.

  6. Nguyen van Chuong nói:

    Gửi em Lê Liên,

    Sự thật thường là vậy. Chuyện thầy trò cùng trường thường không biết nhau, đôi khi cũng xảy ra, nhất là tại những trường lớn, đông học sinh, nhiều thầy cô. Hồi đó ở ĐBSCL, nữ TH Tống Phước Hiệp là hạng trường như thế.

    Rất vui khi đọc những dòng em viết ở mục Phản hồi, qua đó thầy được biết Liên thích đọc loại truyện tình cảm như những sách em kể, trong đó có quyển The Broken Wings.

    Đúng như cô Hồng-Khanh nói : lúc đầu thầy cũng tưởng đâu chỉ dịch đăng vài bài gọi là góp vui cho Trang nhà TPH-VL Nhưng rồi cái duyên lại thành cái nợ, khiến thầy dịch đến bài X.
    Dịch loại tiểu thuyết tâm lý tình cảm cũng hứng thú, hợp với sở thích nên thầy dịch tương đối thoải mái, và bài dịch cũng có hồn. Có lẽ cái chất lãng mạn trử tình từ những tác phẩm thầy đọc hồi thời học sinh nó xâm nhập và ngấm vào tâm hồn mình như Tố Tâm của Hòang Ngọc Phách, lên các lớp trên thì tiếp cận với những tác giả trong trào lưu văn học lãng mạn Pháp như Francois-Anguste Chateaubriand, Alphonse de Lamartine, Alfred de Musset, Alfred de Vigny và những nhà thơ lãng mạn của mình như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… Lên đại học, thầy học chuyên tiếng Anh để làm thầy giáo kiếm cơm, thầy học các tác giả thuộc phong trào văn học lãng mạn Anh, tiêu biểu như S.T. Coleridge, W. Wodsworth và W. Shakespeare với kịch bản Romeo and Juliet.
    Về việc chọn tựa đề cho The Broken Wings thì cũng có những bạn bè gợi ý : Đôi Cánh Gãy, Uyên Ương Gãy Cánh…. Cái nào thầy thấy nó cũng có cái hay riêng . Nhưng thầy nghĩ Đôi Cánh Gãy thì thô nháp, trống trải, nghèo nàn, còn Uyên Ương Gãy Cánh, thoáng đọc qua nghe hay; nhưng xét cho cùng thì nó không tương hợp, sít sao với nhau bởi vì trong thực tế chưa bao giờ con chim Uyên Gibran đã ghép 1 cánh của mình với 1 cánh của con chim Ương Salma để thành con chim Uyên-Ương 2 cánh để  bay lượn trên những tầng trời xanh thẳm. Với công tử Bey Ghalib thì lại càng xa vời hơn. Bởi lẽ đó thầy chọn tựa đề Nửa Chừng Xuân,lấy ý từ 2 câu thơ truyện Kiều
    Phận hồng nhan có mong manh,
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

         Chỉ ngại một điều là nó trùng với tác phẩm Nửa Chừng Xuân, quyển tiểu thuyết của Khái Hưng. Cuối cùng, thầy rất vui khi thấy Liên và những em khác đã đọc bài dịch với một sự hài lòng nhất định nào đó. Thầy cũng từng nói với bạn bè: Nhà văn, nhà thơ sẽ tuyệt đối cô đơn khi họ không có đọc giả.
          Xin chào  tất cả.

       Nguyễn-văn-Chương           

    • THU CUC nói:
      • Rất vui mừng thầy Nguyễn văn Chương đã viết một phản hồi thật dài , trả lời cho tất cả mọi người . Cám ơn thầy Chương . Thầy viết phản hồi hay quá . Trí nhớ của thầy thật tốt !
    • Lê Liên nói:

      Kính thưa thầy

      Em rất vui, rất cảm động khi đọc phản hồi của thầy. Em cảm ơn thầy nhiều lắm.

      Với kiến văn và sự nhạỵ cảm của thầy, em hy vọng anh chị em chúng em sẽ có dịp được đọc nhiều tá c phẩm có giá trị nhân văn cao do thầy dịch. Chúng em mong chờ biết bao!

      Thưa thầy,

      Thầy có nhắc  đến Francois Auguste biard khiến em nhớ đến những bức họa của ông ấy! Em không được xem nhiều, kiến thức về hội họa của em rất kém, nhưng em rất thích những tác phẩm hội họa của ông.

      Những tác giả thầy đề cập em đã ghi lại, em sẽ tìm đọc. Vấn đề của em là thời gian quá hạn hẹp. cho nên em sẽ khắc phục, làm việc sao cho có hiệu quả, để rồi còn có thời gian đọc sách và viết lách.

      Thưa thầy,

      Em là người Đà Lạt. do có duyên lành với quý anh chị cựu học sinh Tống Phước Hiệp nên thỉnh thoảng em vào trang nhà. Cho nên thầy và em không biết nhau. Chứ thông thường thì em luôn nhớ đến thầy cô của mình, em không quên bất kỳ thầy cô nào từng dạy em . Và gần như quý thầy cô từng dạy em, thì cũng nhớ tới em dù mấy chục năm không gặp.

      Thầy ơi! Cho phép em hỏi thăm sức khỏe của thầy ? Em mong thầy thật khỏe mạnh, an vui. Chúng em sẽ là đọc giả của thầy. Thầy không cô đơn đâu ạ. Em tin như thế!

      Kính thư.

      Em Lê Liên

  7. Nguyen van Chuong nói:

    Trả lời

    Normal
    0

    false
    false
    false

    MicrosoftInternetExplorer4

    Thư 2

                                           Gửi Lê Liên

                Ồ ! Té ra là vậy !

     

    Có thế mới biết Trang nhà Đất vĩnh là mảnh đất lành chim đậu, là vườn Bích câu, nơi để cho “ hồn muôn năm cũ”, rải rác đó đây, đang buồn cảnh “ lão khứ văn chương…” có nơi hội ngộ, sẻ chia với nhau một chút buồn vui, sau bao năm xa cách.

     

    Thầy xin cảm ơn Liên đã dành những lời tốt đẹp chúc thầy khỏe manh. Mong thay !

     

    Riêng về những tác giả như Francois-Anguste de Chateaubriand, Alphonse de Lamartine, S.T. Coleridge, W. Wordsworth thì không biết bây giờ còn lại ở các thư viện hay không ?! Nếu ở Đà-lạt, Liên ghé Thư viện trường Bùi Thị Xuân hay trường Trần Hưng Đạo coi thử xem sao. Thầy nghĩ Coleridge hay Wordsworth may ra thì còn; chứ hai thi nhân Pháp chắc lâm vào cảnh đìu hiu lau lách vì đây là thời “ mạt Pháp”.

     

    Để giúp các em trong muôn một, thầy cố gắng sưu tập các trích đoạn dịch sang Việt ngữ để các em đọc cho vui.

     

    Thân chào

     

    Nguyễn-văn-Chương

                                          Sài-gòn, 25.9.2017  

     

    /* Style Definitions */
    table.MsoNormalTable
    {mso-style-name:”Table Normal”;
    mso-tstyle-rowband-size:0;
    mso-tstyle-colband-size:0;
    mso-style-noshow:yes;
    mso-style-parent:””;
    mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt;
    mso-para-margin:0in;
    mso-para-margin-bottom:.0001pt;
    mso-pagination:widow-orphan;
    font-size:10.0pt;
    font-family:”Times New Roman”;
    mso-ansi-language:#0400;
    mso-fareast-language:#0400;
    mso-bidi-language:#0400;}

  8. Lê Liên nói:

    Dạ, Thưa thầy.

    Lớp đệ thất em bắt đầu vào học trường Nữ trung học Bùi Thị Xuân, ĐaLat .

    Buổi sáng các ngày thứ 2, thứ 4, Thứ 6 trong tuần em được giúp cô Thu Tâm ( người Huế , dạy Anh văn của chúng em) Cô kiêm luôn quản thủ thư viện nên em mới có dịp tiếp xúc với sách, báo, tranh, truyện…

    Em nghĩ bây giờ không biết lượng sách ngày xưa của thư viện trường em có còn không? Với lại mình không có cửa để vào tham quan thư viện trường đâu thầy ạ.

    Có thể em sẽ đến thư viện tỉnh Lâm đồng, gần nhà em lắm để tìm xem có gì coi được không? Lâu rồi em không ghé tới thư viện. Vì sách ở nhà em cũng còn rất nhiều quyển em mua về mà chưa có thời gian đọc tới!

    Những lúc mệt mỏi, cần thư giãn em lại đọc truyện kiếm hiệp. Thú thật em rất yêu Đại Hiệp Ngũ Đoản của Kim Dung thầy ạ.

    Khi làm việc, ngoài nghe nhạc , nghe thuyết pháp hay những bài giảng của quý cha, quý mục sư … em hay mở sách nói, nghe đọc truyện…Nhưng văn học nước ngoài ít lắm thầy ơi! Em ước gì tủ sách này phong phú hơn nữa…
    Gần đây em nghe lại những tác phẩm của thầy Nhất Hạnh, của Nguyên Phong…
    Em đang dành thời gian để đọc những bài thầy dịch.
    Em cảm ơn thầy. Em vui vì thầy cảm thấy vui vẻ, an lạc.

    Kính Thư.

    Em, Lê Liên

  9. Nguyen van Chuong nói:

    Trả lời

    Thư Gửi Liên,

    Thầy lục lại trong tủ sách chẳng còn quyển nào đáng giá để giới thiệu với Liên, ngoài quyển The voice of The Master, trang đầu nó có một bài ngắn mà thầy đã dịch mấy tuần trước, thầy nghĩ chắc cũng thích hợp với Liên nên thầy chép ra đây để Liên và các bạn cùng đọc.

                                                           Sứ Điệp Đầu Tiên
                                                           Kahlil Gibran Gởi Cho Đời

    Ta đến đây chỉ nói một lời, và giờ đây ta sẽ nói. Giá mà Tử thần không cho ta nói thì Ngày mai sẽ nói hộ ta. Bởi ngày mai sẽ không bao giờ để lại trong quyển sách Vĩnh Hằng  bất cứa điều bí ẩn nào.

    Ta đến đây để sống trong ánh vinh quang của tình yêu, trong ánh sáng chan hòa của cái Đẹp. Đó là bóng hình của đấng tối cao. Ta có mặt tại đây bây giờ, không ai có quyền lưu đầy ta biệt xứ. Bởi bằng lời nói sinh động ta sẽ sống mãi trong cõi chết.

    Ta đến đây vì mọi người. Điều ta làm trong chốn Tịch liêu hôm nay sẽ được  muôn người tụng ca ở mai sau.

    Điều ta nói hôm nay bằng một trái tim thì nó sẽ được nói lên bằng muôn nghìn trái tim khác ở Ngày Mai ./ .

                                                                                         Kahlil Gibran ( The Voice of The Master )
    Người dịch : Nguyễn-văn-Chương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác