HOA VIOLET NGÀY THỨ TƯ(Les Violettes du Mercredi) ANDRÉ MAUROIS
André Maurois, tác giả Pháp (1885-1967), để lại hơn 100 tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại. Nhiều tiểu thuyết tâm lý: Bernard Quesnay, Climats (có người dịch là Tâm cảnh), Terre promise (Đất hứa), Les Roses de septembre (Những đóa hồng tháng chín). Có cuốn gần với truyện vừa và truyện ngắn, có khi có hơi hướng truyện giả tưởng : Le peseur d’âmes (Người cân linh hồn), La machine à lire les pensées (Máy đọc tư tưởng). Có những tác phẩm nghiên cứu, khảo luận: Un art de vivre (Một nghệ thuật sống), Sept visages de l’amour (Bảy khuôn mặt tình yêu), Au commencement était l’action (Khởi đầu là hành động)….Ông còn là nhà viết sử với các cuốn Histoire de l’Angleterre (Lịch sử nước Anh), Histoire des Etats-Unis (Lịch sử Hoa Kỳ), Histoire de France (Lịch sử nước Pháp). Ông nổi tiếng nhất với một loạt tác phẩm viết tiểu sử các văn nghệ sĩ (Shelley, Byron, Victor Hugo, George Sand, Balzac, Tourgueniev, Voltaire, Chateaubriand, Marcel Proust), các chính trị gia (Disraeli, Lyautey ), và cả nhà khoa học (Alexandre Flemming)…
Độc giả Việt Nam đã biết đến Ông với bản dịch (của Nguyễn Hiến Lê) các tác phẩm “Thư gởi người đàn bà không quen biết” (Lettre à une inconnue) và nhất là “Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi” (Lettre ouverte à un jeune homme sur la conduite de la vie), là tác phẩm Ông viết ở tuổi 80, trong đó ông giải đáp mọi thắc mắc của thanh niên về nhiều vấn đề: quan niệm sống, tu dưỡng, hôn nhân, việc làm, viết văn, tiêu khiển, tình yêu, tín ngưỡng…
Ông cũng chính là người đã dịch bài thơ IF nổi tiếng của Rudyard Kipling ra tiếng Pháp với nhan đề Tu seras un homme, mon fils.
Truyện ngắn “Hoa violet ngày thứ tư” là một câu chuyện tình thơ mộng, lãng mạn được giới trẻ ưa thích.
– Kìa, bà Jenny, xin bà hãy ở lại đã!
Trong suốt bữa ăn trưa, bà Jenny Sorbier thật rạng rỡ. Nói thế là nói tài năng của một nữ diễn viên mà chuyện kể và chuyện thực cứ đan xen vào nhau, kết lại bằng một nguồn cảm hứng bất tận, như được một nữ tiểu thuyết gia soạn thảo. Các khách mời của Léon Laurent tỏ ra say mê, phấn khích, bị thuyết phục, tưởng chừng như đang trải qua những giây phút thăng hoa, quên cả thực tại.
– Không thể được đâu, đã gần bốn giờ rồi và hôm nay là thứ tư…Ông biết rồi đấy, ông Léon, hôm nay là ngày tôi phải mang hoa violet đến cho người đã từng yêu thương tôi.
– Thật đáng tiếc! Léon nói bằng một giọng đứt quãng cố làm cho không khí thêm phần nghiêm trọng. Nhưng tôi hiểu sự chung thủy của bà. Tôi chẳng dám nài nỉ.
Bà Jenny ôm hôn các phụ nữ, cánh đàn ông ôm hôn bà, rồi bà bỏ đi.
Bà vừa ra khỏi thì mọi người dồn dập cất lời ngợi khen:
– Bà ấy thật phi thường! Năm nay bà bao nhiêu tuổi rồi hả Léon?
– Cũng gần tám mươi. Thời tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường dẫn tôi đi xem các xuất diễn buổi chiều kịch cổ điển Pháp, bà đã nổi tiếng với vai Célimène (1) rồi. Mà giờ thì tôi không còn trẻ nữa.
– Tài năng không kể tuổi tác, Claire Ménétrier nói… Còn chuyện những bông hoa violet là sao?
– Cả một thiên tiểu thuyết, có lần bà đã tiết lộ với tôi… mà bà chưa bao giờ viết lại đâu nhé… Nhưng tôi không thể đánh liều thuật lại khi vắng mặt bà. Chuyện suy diễn đồn đại đáng sợ lắm.
– Vâng, suy diễn đồn đại đáng sợ thật. Nhưng chúng tôi là khách mời của ông, ông phải thay bà Jenny cho chúng tôi giải khuây chứ vì bà đã bỏ chúng tôi đi rồi.
– Thôi đành vậy, tôi sẽ cố kể cho các vị nghe chuyện những bông hoa violet ngày thứ tư. Tôi chỉ ngại là chuyện có vẻ tình cảm sướt mướt quá so với thị hiếu thời chúng ta…
– Được thôi! Bertrand Schmitt nói. Thời đại chúng ta đang khát tình cảm. Nó chỉ giả bộ tỏ ra trâng tráo để che giấu sự hoài niệm tình cảm đấy thôi.
– Ông cho là vậy sao? Thôi được..! Tôi sẽ giải cơn khát đó vậy… Ở đây các vị đều quá trẻ để nhớ lại tiếng tăm lẫy lừng của Jenny trong khoảng thời gian rất dài. Mái tóc vàng hung cố tình buông xõa trên đôi vai tuyệt trần, con mắt dài đong đưa, giọng nói sắc, gần như là khó chịu, rồi bất chợt vỡ ra vì xúc cảm, tất cả tôn lên một vẻ đẹp rạng rỡ, kiêu kỳ.
– Diễn từ hay quá, ông Léon.
– Vâng, nhưng cũng phải nói như vậy… Dẫu sao cũng xin cám ơn ông. Bà ấy đạt giải thưởng đầu tiên tại Nhạc viện, khoảng năm 1895 và ngay lập tức được nhận vào Hý viện Pháp (2). Ôi, qua kinh nghiệm tôi cũng biết rằng nhà hát danh tiếng này khó khăn lắm. Các vai diễn trong kịch mục (3) đều có sẵn tên người và họ khư khư giữ lấy. Diễn viên xuất sắc nhất trong số các vai phụ có khi phải chờ ở đấy đến mười năm mới được giao những vai tốt nhất trong các vở của Marivaux hay Molière. Jenny, vai nữ đẹp quyến rũ đến thế, phải đương đầu với những nhân vật quyền uy và kiên quyết. Bất kỳ một phụ nữ nào khác ắt phải đành cam chịu giẫm chân tại chỗ hoặc là sau hai năm là trôi giạt sang một đoàn kịch đường phố (4). Jenny của chúng ta thì không như vậy. Cô lao vào cuộc chiến bằng cách huy động tất cả những gì mình có: tài năng diễn xuất, vốn văn hóa, sự quyến rũ và mái tóc làm say đắm lòng người.
Rất nhanh chóng cô giành được trong Nhà hát một vị trí hàng đầu. Viên quản lý chỉ tin cậy cô. Các tác giả đòi phải dành cho cô các vai diễn khó mà họ nói là chỉ cô mới đảm đương được. Các nhà phê bình không ngớt lời tán tụng cô. Ngay cả Sarcey (5) lừng danh cũng phải buông lời: “ Cô ta có những điệu bộ, kiểu cách làm mê hoặc đến cả loài cá sấu”.
Cha tôi thời đó từng quen biết cô bảo tôi là cô ấy rất yêu nghề, nói đến nghề của mình với ý thức và luôn tìm cách tạo ra những hiệu ứng mới mẻ và làm mọi người kinh ngạc. Thời bấy giờ, kịch nghệ đang trượt vào một chủ nghĩa hiện thực có phần ngây thơ. Nếu như trong một vở nào đó Jenny phải bị đầu độc mà chết thì cô sẽ tìm đến các bệnh viện để nghiên cứu tác dụng của thuốc độc. Còn chuyện biểu lộ tình cảm thì cô tự nghiên cứu ở chính mình. Ngay khi đụng đến ngành nghệ thuật của mình là cô chỉ ra ngay sự thiếu thận trọng của một Balzac (6) khi trong tiểu thuyết của mình ông đưa vào những đam mê của cá nhân hay của người phụ nữ ông yêu.
Các vị có thể hiểu được rằng một cô gái tuổi mới hăm hai, đẹp lộng lẫy, bỗng chốc đạt tới vinh quang ắt được săn đón như thế nào. Các bạn đồng nghiệp muốn thử vận may, rồi các nhà viết kịch, các chủ nhà băng nữa. Một trong những người thuộc giới này là ông Henri Stahl lọt vào mắt xanh của cô. Chẳng phải vì ông ta giàu có. Cô sống chung với gia đình và cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Chỉ vì chính ông ta cũng rất có duyên và nhất là ông đã ngỏ ý sẽ cưới cô… Các vị cũng rõ là hôn lễ bị hoãn lại vì bố mẹ chàng trai phản đối. Ba năm sau mới cưới nhau và cũng không lâu bền được vì Jenny vốn thích độc lập tự do khó hòa hợp với những câu thúc của đời sống vợ chồng. Nhưng, đấy là một câu chuyện khác. Chúng ta hãy trở lại với Hý viện Pháp, với thời khởi nghiệp của Jenny… và với những bông hoa violet.
Các vị hãy hình dung ra phòng giải lao của các nghệ sĩ vào buổi tối Jenny diễn lại vở Công chúa thành Bagdad của Dumas con (7). Vở kịch có những hạn chế và đối với tôi, vốn mến mộ các vở có cấu trúc vững chắc như Gái giang hồ (Le Demi-Monde), Bạn của các bà ( l’Ami des Femmes ), Francillon, thì ông Dumas thái quá của vở Người xa lạ (l’Étrangère) hay Công chúa (la Princesse) cũng khiến tôi cười được. Thế nhưng ai đã xem Jenny diễn vai này đều có ý kiến là cô làm cho vai diễn như thật. Tôi có lần nói điều này với bà Jenny và điều ngạc nhiên là bà cũng tin như thế. Bà cho biết: ”Vào thời ấy, tôi dễ dàng suy nghĩ như là một nhân vật chính của Dumas con và tôi cảm thấy hơi kỳ cục khi đem phô diễn ra ngoài ánh sáng những gì diễn ra trong tôi, trong cõi sâu thẳm nhất của tâm hồn”. Nên thêm vào rằng trong vai này mái tóc buông xõa và đôi vai trần của cô đều phát huy tác dụng. Nói gọn là cô thật tuyệt vời.
Giờ này thì cô đang trong phòng giải lao, vào giờ nghỉ giữa hai màn, sau tràng pháo tay. Mọi người vây chặt lấy cô. Jenny ngồi trên chiếc ghế nhỏ, cạnh Henry Stahl, và đang huyên thuyên đủ chuyện trong niềm phấn khích của sự thành công.
– Thế là thoát! anh Henry thân yêu… Em đã trồi lên mặt nước đây này! Cuối cùng em cũng thở được… Anh đã nhìn thấy em cách đây ba ngày. Hôm ấy em tệ hại lắm phải không? … Uỵch! Xuống tận đáy ao luôn. Em ngạt thở… Thế rồi, tối nay, hấp! Một nỗ lực vượt bực và em nổi lên được ! Nghĩ xem, anh Henry, Nếu mà em rơi tỏm xuống ở màn cuối, nếu mà em không thể bơi được đến bờ? Ôi, trời ơi, trời ơi!
Nhân viên dẫn khách bước vào đưa cho cô bó hoa.
– Của ai đây? À, của người từ Saint-Loud… Đối thủ của anh đấy, Henri… Làm ơn mang để trong phòng chờ của tôi.
– Còn có một lá thư nữa, thưa cô, người dẫn khách nói.
Cô mở thư ra đọc và phá lên cười:
– Của một học sinh trung học…Cậu ta nói là ở trường cậu đã lập một câu lạc bộ Jenny.
– Câu lạc bộ đua ngựa cũng là câu lạc bộ Jenny, Henry nói.
– Các học sinh làm em cảm động hơn, Jenny đáp. Cậu này còn kết thúc bằng mấy câu thơ nữa… Nghe này, anh yêu:
Cuối cùng xin lượng thứ cho bài thơ tầm thường của tôi
Và đừng chê thơ sai vần lạc điệu
Chỉ thay tôi nói lời yêu thương tha thiết
Và nhất là xin nàng đừng nói gì cho thầy hiệu trưởng biết.
Chẳng dễ thương sao hả anh?
– Em sẽ trả lời cậu ấy chứ?
– Tất nhiên là không rồi. Có hàng chục lá thư như vậy mỗi ngày. Nếu trả lời hết sẽ mất công lắm…Nhưng mà điều này làm em yên tâm. Những người hâm mộ tuổi mười sáu như thế này em sẽ giữ được lâu.
– Không chắc đâu… Đến ba mươi họ sẽ là những chưởng khế.
– Nhưng mà tại sao chưởng khế lại thôi không ngưỡng mộ em nữa?
– Còn cái này nữa, thưa cô, người dẫn khách nói.
Ông ta đưa cho cô một bó hoa violet tầm thường.
– Ôi! Dễ thương quá… Nhìn này, anh Henry… Không có danh thiếp sao?
– Không, thưa cô. Người gác cổng nói với tôi là bó hoa được một sinh viên Bách khoa (8) mặc đồng phục mang đến chỗ anh ta.
– Chúc mừng em đó, em thân yêu, Henri Stahl nói. Làm xúc động “những cái đầu trường X (8)” này không phải dễ đâu.
Jenny ngửi thật lâu những bông hoa violet.
– Thơm quá. Chỉ những biểu hiện mến mộ thế này mới làm em vui… Em chẳng thích đám khán giả già dặn và lạnh lùng đến xem em chết đi lúc nửa đêm cũng như giữa trưa đến Cung điện Hoàng gia (9) nghe tiếng đại bác nổ vậy.
– Đám công chúng nhẫn tâm, Stahl nói. Lúc nào họ cũng như thế… Họ chuộng các trò xiếc… Một nữ diễn viên nuốt được một trăm cây kim sẽ được xem là thành công rực rỡ!
Jenny cười:
– Còn người nuốt cả cái máy may? Hẳn sẽ là tột đỉnh vinh quang.
Có tiếng la lớn: “ Diễn tiếp đi!”. Jenny đứng dậy:
– Thôi, hẹn lát nữa! Em đi nuốt một trăm cây kim đây.
Và như vậy đó, theo lời Jenny thuật lại, thiên tình sử bắt đầu.
Ngày thứ tư kế đó, thêm một lần nữa, vào giờ nghỉ giải lao, người dẫn khách lại mang đến cho Jenny một bó hoa violet.
– Sao? Vẫn là anh chàng sinh viên Bách khoa chứ?
– Vâng, thưa cô.
– Anh ta trông thế nào?
– Tôi không rõ, thưa cô. Có cần phải hỏi anh gác cổng không?
– Không, cũng chẳng quan trọng gì.
Tuần lễ tiếp theo, ngày thứ tư cô không diễn, nhưng qua thứ năm khi cô đến tập thì thấy có bó hoa violet lần này hơi héo trong phòng chờ của mình. Lúc ra về, cô ghé lại chỗ anh gác cổng.
– Này anh Bernard, bó hoa violet của tôi là sao? Vẫn của anh chàng đó chứ?
– Vâng, thưa cô. Lần thứ ba rồi đó.
– Anh chàng sinh viên đó trông thế nào?
– Anh ấy thật dễ thương… Rất dễ thương. Hơi gầy, má hõm, mắt quầng thâm. Chút râu mép nâu. Kính cầm tay…. Trông ngộ lắm với cây kiếm bên hông… Thật tình, cô ạ, anh chàng có vẻ si mê lắm rồi. Anh ta trao tôi bó hoa và nói: “Nhờ gởi tặng cô Jenny Sorbier”, mặt đỏ bừng.
– Tại sao lúc nào anh ta cũng đến vào ngày thứ tư?
– Cô không biết sao? Thứ tư là ngày sinh viên Bách khoa được phép đi ra ngoài. Cứ đến thứ tư là các khu khán đài sau ban nhạc và trên ban công đầy ắp. Mỗi chàng đều dẫn theo một cô gái.
– Anh chàng của tôi cũng có chứ?
– Vâng, thưa cô, nhưng đó là chị của anh ta. Họ giống nhau đến lạ kỳ.
– Chàng trai tội nghiệp! Nếu tôi bạo một tí, nói thật với anh là tôi sẽ mời anh ta ít nhất một lần ghé lại phòng chờ của tôi để anh ta có thể tận tay trao bó hoa cho tôi.
– Điều ấy tôi không dám khuyên cô. Những khán giả si tình thế này, nếu ta không để ý đến, họ chẳng có gì nguy hiểm. Họ ngưỡng mộ các nữ diễn viên từ xa, trên sân khấu, thế là họ bằng lòng rồi. Nhưng nếu ta tỏ ra quan tâm chút đỉnh thôi thì họ sẽ đeo bám, và thật kinh khủng đó. Được đằng chân lân đằng đầu vậy mà. Vâng, thưa cô, cô cứ cười nhưng tôi thì tôi có kinh nghiệm rồi. Tôi ở nhà hát này đã hai mươi năm nay. Và, nơi phòng chờ tôi đã nhìn thấy nhiều cô gái si tình… Và những chàng trai gàn dở… Rồi những ông già… Lúc nào tôi cũng nhận hoa, nhận thiếp, nhưng để cho họ đi lên, không có chuyện đó đâu!
– Anh nói có lý, anh Bernard. Ta phải lạnh lùng, cẩn trọng và tàn nhẫn.
– Chẳng phải là tàn nhẫn đâu cô, mà là khôn ngoan thôi.
Nhiều tuần lễ trôi qua. Cứ đến thứ tư Jenny lại nhận được một bó hoa violet tầm thường. Trong nhà hát mọi người đều biết chuyện. Một cô bạn nói với Jenny:
– Tôi đã nhìn thấy anh chàng Bách khoa của chị… Anh ta có đầu óc thật lãng mạn. Một chàng trai sinh ra để diễn Badine hay “Người làm bình phong” (le Chandelier) (10).
– Làm sao chị biết đó là anh chàng của tôi?
– Tại vì tôi tình cờ có mặt chỗ người gác cổng ngay lúc anh ta mang hoa đến và rụt rè nói: “Xin gởi tặng cô Jenny Sorbier”, thật cảm động. Có thể thấy là anh chàng khá thông minh, ngại bị chế giễu nhưng không giấu được sự xúc động. Có lúc tôi thấy tiếc là anh ta không đến vì tôi; tôi sẽ cám ơn và an ủi anh ta… Nên nhớ là anh ta không đòi hỏi gì, ngay cả việc gặp được chị nữa. Nếu ở vào hoàn cảnh của chị…
– Chị sẽ tiếp anh ta chứ gì?
– Vâng, một lát thôi. Chuyện xảy ra nhiều tuần nay rồi. Kỳ nghỉ sắp đến. Chị sẽ đi xa… Vậy thì chẳng ngại bị anh ta đeo bám…
– Chị nói đúng, Jenny đáp. Thật điên rồ khi xem thường mấy người ái mộ khi họ đông đúc, trẻ trung, rồi ba chục năm sau mới chạy theo khi bọn họ già hết và chẳng còn bao nhiêu.
Tối hôm đó, lúc ra về cô nói với người gác cổng:
– Anh Bernard ạ, thứ tư tuần sau khi anh chàng Bách khoa mang hoa đến, anh nhớ bảo anh ta tự mang lên cho tôi sau màn ba…Hôm đó tôi diễn vở Kẻ ghét đời. Vai diễn của tôi chỉ cần một bộ trang phục. Tôi sẽ lên phòng chờ và tiếp anh ta ở đó… Mà không! Tôi sẽ đợi anh ấy ở hành lang, dưới chân cầu thang. Hoặc là ở phòng giải lao.
– Được thôi… Cô không ngại chứ?
– Có gì mà ngại? Mười ngày nữa tôi đi lưu diễn rồi, hơn nữa chàng trai này được nhà trường quản chặt .
– Vâng, thưa cô. Điều tôi muốn nói là…
Ngày thứ tư sau đó, dù không muốn, Jenny vẫn diễn vai Célimène cho người chưa quen biết, với ý muốn mãnh liệt là làm vừa lòng anh ta. Khi về phòng chờ vào giữa hai màn kịch, cô cảm thấy bị cuốn hút, chừng như bồn chồn. Cô ngồi trong phòng giải lao và chờ đợi. Vài người quen thuộc qua lại ở chung quanh. Viên quản lý đang nói chuyện với Blanche Pierson, đối thủ của cô lúc ấy. Nhưng chẳng thấy bộ đồng phục màu vàng đen nào xuất hiện. Căng thẳng, sốt ruột, cô chạy đến chỗ người dẫn khách:
– Không ai hỏi tôi sao?
– Không thưa cô.
– Hôm nay là thứ tư và tôi chưa nhận được hoa violet. Phải chăng Bernard quên mang hoa lên cho tôi? Hay là có gì nhầm lẫn?
– Nhầm lẫn hả cô? Mà nhầm chuyện gì? Cô muốn tôi đến chỗ anh gác cổng không?
– Vâng, anh đi giúp… Hay thôi, khỏi. Lúc về tôi sẽ gặp anh Bernard.
Cô tự chế nhạo mình: “ Chẳng ra người ngợm gì cả! Suốt sáu tháng trời, ta không hề để ý mấy đến tình cảm chung thủy kín đáo thế kia rồi bỗng nhiên, vì sự mến mộ bị xem thường thiếu đi, nay ta lại cảm thấy bối rối như đang chờ đón người yêu… Ôi! Célimène, cô sẽ luyến tiếc Alceste (11) biết bao khi chàng rời bỏ cô với nỗi buồn phiền!”
Sau buổi diễn, cô ghé lại chỗ người gác cổng:
– Thế nào anh Bernard? Người yêu của tôi ! Anh không đưa anh ta lên sao?
– Thưa cô, cứ như là chuyện cố tình. Hôm nay anh ta không đến… Lần đầu tiên cô chấp thuận tiếp anh ta: cũng là ngày thứ tư đầu tiên từ sáu tháng nay anh ta không đến.
– Thật lạ kỳ! Anh có nghĩ là ai đó báo cho anh ta và anh ta ngại?
– Chắc chắn là không, thưa cô…Không ai biết là cô và tôi…Cô không nói gì?…Tôi cũng không…Thậm chí tôi cũng không cho vợ tôi biết nữa.
– Vậy thì anh giải thích thế nào?
– Tôi không giải thích được, thưa cô…Có những sự tình cờ…Có lẽ anh ta nản?…Hay là anh ta bệnh? Thứ tư tới ta sẽ biết.
Nhưng rồi thứ tư sau đó chẳng ai thấy chàng Bách khoa mà hoa violet cũng không.
– Làm sao bây giờ, anh Bernard? Anh có nghĩ là ta nhờ đám bạn của anh ta… Hoặc là nhờ ông tướng điều hành trường?
– Nhưng bằng cách nào được thưa cô? Chúng ta không biết cả tên anh ta nữa mà.
– Đúng vậy… Ôi, buồn quá! Mọi chuyện hỏng hết rồi, Bernard.
– Không đâu cô. Cả năm qua của cô tốt lắm, cô sắp đi lưu diễn; rồi sẽ thành công nữa… Nói cho cùng thì chẳng có gì hỏng hết!
– Ông nói phải. Tôi là kẻ vô tâm… Có điều là tôi rất yêu những bông hoa violet ngày thứ tư.
Ngày hôm sau, Jenny rời Paris; Henri Stahl vẫn tận tình đi cùng cô. Đến khách sạn nào cô cũng thấy phòng mình đầy hoa hồng. Lúc trở về lại Paris cô đã quên mất nhà toán học lãng mạn của mình.
Phải đến một năm sau cô mới nhận được một lá thư của ông đại tá Genevrière nào đó xin gặp cô vì việc riêng. Thư viết chuẩn mực và nghiêm túc, không có lý do gì để từ chối lời yêu cầu được gặp. Jenny mời ông đại tá gặp cô tại nhà vào một chiều thứ bảy. Ông đến trong bộ thường phục màu đen. Cô tiếp ông với sự lịch thiệp duyên dáng phần do thói quen diễn xuất phần do bản tính, nhưng thái độ của cô, hết sức tự nhiên, như ngầm nói lên một thắc mắc: “Không hiểu vị khách chưa quen biết này muốn gì ở cô đây?” Cô chờ đợi.
– Cám ơn cô đã tiếp tôi. Tôi không thể viết qua thư để giải thích mục đích cuộc viếng thăm này. Nếu như tôi đã tự cho phép xin gặp cô, chẳng phải là sự đường đột của một người đàn ông, mà của một người cha… Cô thấy tôi mặc trang phục đen. Tôi đang để tang cho con trai tôi, trung úy André Genevrière, đã chết ở Madagascar cách đây hai tháng.
Jenny làm một cử chỉ như muốn nói: “Xin thành thật chia buồn, nhưng…”
– Cô không biết con trai tôi… Tôi biết điều đó… Nhưng nó biết cô và ngưỡng mộ cô… Chuyện này với cô có vẻ khó tin… nhưng những gì tôi sắp kể đây là sự thực. Cô là người mà con trai tôi ngưỡng mộ và yêu thương nhất trên đời…
– Tôi sợ là không hiểu được, thưa đại tá… Anh ấy nói với ông vậy sao?
– Nói với tôi? Không đâu. Nó chỉ nói với chị , đồng thời cũng là bạn tâm giao của nó. Mọi chuyện bắt đầu từ cái hôm hai chị em đi xem diễn vở Trò chơi của Tình yêu và sự Tình cờ… Xem về hai đứa con tôi cứ hào hứng nhắc đến cô mãi: “Sự thẹn thùng tế nhị biết bao”, “Lời thơ thật là cảm động…” Và cả ngàn chuyện khác nữa mà tôi tin là có thật, nhưng thêm vào đó là nhiệt tình của tuổi trẻ, sự khao khát cái tuyệt đối… Con trai tội nghiệp của tôi đúng là mơ mộng và lãng mạn.
– Trời ơi! Jenny thốt lên, vậy chính là chàng trai đã…?
– Vâng, thưa cô. Anh sinh viên Bách khoa mà cứ mỗi thứ tư trong suốt một năm mang đến tặng cô một bó hoa violet chính là André con trai tôi… Chuyện này cũng do con gái tôi cho biết… Tôi hy vọng là trò trẻ con này, mà thực chất là sự tôn vinh, không làm cô phật ý. Nó yêu cô nhiều lắm, hoặc có lẽ là yêu cái hình ảnh nó tạo ra từ cô… Phòng nó treo đầy ảnh cô trên tường… Con gái tôi đã mất công xoay xở để kiếm thêm nữa nơi các thợ ảnh. Ở trường bạn bè nó cứ chế giễu nó vì mối tình si này. Chúng bảo: “Vậy thì viết thư cho cô ấy đi!”
– Và anh ấy không viết sao?
– Có chứ, thưa cô, tôi mang đến đây cả xấp thư chưa bao giờ được gửi đi, nó mất rồi chúng tôi mới tìm thấy.
Ông đại tá lấy từ túi ra một gói nhỏ trao cho Jenny. Bà ấy có lần cho tôi xem, nét chữ nhỏ, phóng túng, khó đọc. Chữ viết của nhà toán học, văn phong của nhà thơ.
– Xin cô giữ lấy những lá thư này, chúng là của cô… Và xin lượng thứ cho hành động lạ lùng hôm nay… Tôi làm thế này để tưởng nhớ con trai tôi… Trong cái tình cảm mà cô đã gợi lên cho nó chẳng có gì là thiếu tôn trọng hay là nông nổi. Với nó cô là hiện thân của sự toàn bích và duyên dáng. Và tôi đoan chắc là André xứng đáng với tình yêu cao cả của nó.
– Thế thì tại sao anh ấy lại không đòi gặp tôi? Mà tại sao tôi lại không tìm cách gặp anh ấy được nhỉ? Ôi, thật đáng trách quá! Tôi thật đáng trách quá!
– Cô đừng dằn vặt mình. Cô không thể nào tưởng tượng ra mọi chuyện đâu… Nếu như khi ra trường, André xin đi Madagascar chắc chắn chỉ vì cô thôi. .. Vâng, nó đã tâm sự với chị: “Hoặc là nhờ xa cách em sẽ thoát khỏi được mối si mê vô vọng này, hoặc là em sẽ làm nên chuyện lớn, và lúc đó thì…”
– Nhưng mà tình cảm thủy chung, kiên trì và kín đáo như thế chẳng phải đã là chuyện lớn rồi sao?
Và, khi ông đại tá đứng dậy, cô cầm lấy tay ông:
– Tôi tin là mình đã không làm điều gì sai, tuy nhiên…Tuy nhiên tôi cảm thấy ngay chính mình phải có nghĩa vụ đối với người đã khuất, than ôi, chưa thỏa nguyện…
Thưa đại tá, xin ông vui lòng cho biết con trai ông được an táng ở đâu… Tôi xin thề là cho đến khi nhắm mắt, cứ đến ngày thứ tư, tôi sẽ mang một bó hoa violet đến đặt lên mộ anh ấy.
Léon kết luận: Thế đó, đấy là lý do tại sao mà bà Jenny của chúng ta, thường được cho là hay hoài nghi, thậm chí có người nói là lập dị, vậy mà đến ngày thứ tư là bỏ hết bạn bè, công việc, cả tình yêu nữa, để một mình đi đến nghĩa trang Montparnasse, đến bên mộ người trung úy chưa bao giờ quen biết…Các vị thấy là tôi đã có lý khi tôi nói rằng câu chuyện này quá đậm màu tình cảm với thời đại chúng ta.
Một thoáng im lặng, rồi Bertrand Schmitt lên tiếng:
– Trên đời này vẫn còn điều thơ mộng cho những ai xứng với nó.
THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu
(Les violettes du mercredi)
_________________________________
- Nhân vật nữ chính trong vở “Le misanthrope” – Kẻ ghét đời – của Molière.
- Comédie- Française, còn gọi là Théâtre – Français, thành lập từ năm 1680, có riêng một đoàn diễn viên – năm 2013 gồm 60 người-
- Répertoire – Hiện nay kịch mục của Nhà hát kịch này có đến 3000 vở diễn.
- Boulevard: Nhóm hài kịch bình dân, dễ dãi.
- Francisque Sarcey, nhà phê bình kịch nghệ Pháp (1827-1899)
- Honoré de Balzac, nhà văn Pháp (1799-1850), tác giả của bộ tiểu thuyết Tấn Trò Đời (la Comédie humaine )
- Alexandre Dumas fils, kịch tác gia Pháp (1824-1895), cũng là tiểu thuyết gia, với tác phẩm nổi tiếng La dame aux Camélias (Trà hoa nữ). Con của Dumas cha (Alexandre Dumas père) 1802 -1870, tác giả các tiểu thuyết Bá tước Monte Cristo, Ba người lính ngự lâm.
- Polytechnicien, sinh viên École Polytechnique, trường đào tạo kỹ sư, thành lập năm 1794, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Khóa đào tạo của sinh viên bắt đầu bằng 8 tháng huấn luyện quân sự. Biệt danh là (trường) X.
- Palais- Royal, ám chỉ quảng trường Palais – Royal, nơi có đặt một đại bác nhỏ bằng đồng, kích hoạt bằng ánh nắng mặt trời, đúng giữa trưa sẽ phát nổ.
- Hài kịch của Alfred de Musset (1810-1857.
Cảm ơn Dịch giả Thân Trọng Sơn với truyện ngắn Hoa violet ngày thứ Tư ,, quả thực là hành động hiếm hoi của chàng dành cho nàng ,, nhưng lại là hành động hiếm hoi hơn của nàng đã dành cho chàng (sau khi quá cố) .Truyện ngắn này được dịch ra nhiều thứ tiếng em đã được đọc đâu đó lâu lắm rồi . Cảm ơn tác giả đã nhắc nhớ lại
Hoành Châu (Gia đình C )
Ngày xưa có những mối tình thơ mộng và lãng mạn như mối tình trong truyện ngắn “Les violettes du mercredi” của Andre’ Maurois, ngày nay trong thời đại Internet, không hiểu thế hệ trẻ sau này có còn cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những mối tình như thế này nữa hay không….!
Cám ơn dịch giả Thân Trọng Sơn đưa chúng tôi trở về thế giới mộng mơ của một thời tưởng chừng đã quá xa.