Ngọn Lửa Thiêng (The White Flame)

Ngày đăng: 21/04/2017 06:06:26 Sáng/ ý kiến phản hồi (6)
Những ngày xuân đã qua; nhưng tôi vẫn thường đến thăm Salma và viên ngoại Karama. Ngồi đối diện với nàng, cũng trong khuôn viên nầy, tôi ngắm nhìn vẻ đẹp duyên dáng và quyến rũ của nàng, lòng tôi thầm ngưỡng mộ. Để ý theo dõi, tôi nhận ra nơi nàng một nỗi buồn thầm kín. Tôi cảm thấy như có một bàn tay vô hình nào đó kéo tôi về phía nàng. Mỗi lần đến chơi, tôi đều biết thêm được đôi điều mới lạ ẩn náu nơi tấm nhan sắc của nàng, cái vẻ thiêng liêng và huyền bí nơi tâm hồn nàng. Vì vậy trong mắt tôi giờ đây Salma đã hóa thân thành quyển sách mà trong đó những dòng chữ là những vần thơ tôi đọc thuộc, những lời tụng ca bất tận mà tôi không sao có thể đọc được đến trang cuối cùng.
 
Salma là một người con gái mà trời đã ban cho tấm nhan sắc toàn hảo, đẹp từ tâm hồn cho đến thể xác, một vẻ đẹp khi thì kín đáo, khi thì hiển lộ ra bên ngoài. Bởi vậy chúng ta chỉ có thể hiểu được nàng bằng tình yêu và tiếp cận nàng bằng sự thanh khiết. Tôi vừa định dùng lời nói để phác họa ra chân dung nàng thì nàng lại lẩn khuất mất dạng làm tôi ngạc nhiên vô cùng.
0 chuo 1
 
Salma Karama đẹp từ tâm hồn cho đến thể xác; vì thế làm sao tôi có thể miêu tả nàng được đầy đủ để cho mọi người có thể hiểu được nàng khi họ chưa tận mắt thấy mặt nàng? Một ai đó đang sờ soạng dưới đôi cánh của tử thần, liệu y có được một tâm thể đủ an bình để lắng nghe tiếng hót của con chim họa mi, hay lắng nghe lời thì thầm của một đóa hồng hay là tiếng róc rách thở than của một dòng suối? Liệu có một tù nhân nào đang oằn mình dưới xiềng xích mà lại cố chạy theo đuổi bắt những cơn gió heo may buổi rạng đông? Tuy nhiên, phải chăng giữ lặng im lại còn khó khăn hơn là cất lên tiếng nói? Liệu lòng ái mộ và sự nể trọng của tôi đối với Salma sẽ không để cho tôi miêu tả nàng bằng những lời lẽ đơn sơ mộc  mạc, mà lẽ ra tôi phải phác họa chân dung đoan chính của nàng bằng những gam màu lung linh rực rỡ hơn? Một người trong cơn đói, đang đi lang thang đó đây trong sa mạc thì khó lòng từ chối mẩu bánh mì ôi hỏng; đơn giản chỉ vì y sẽ không hưởng được lộc trời ban cho !  
 
Dáng người mảnh mai thon gọn trong bộ xiêm y lụa trắng, Salma trông thướt tha như ánh trăng soi qua cửa sổ. Bước nàng đi khoan thai, nhịp nhàng như giai điệu khúc nhạc huyền bí (*) xứ Nghìn Lẻ Một Đêm . Giọng nàng từ tốn, ung dung, nhưng thỉnh thoảng lại xen vào đó những tiếng thở dài, phát đi từ đôi môi hồng của nàng, màu hồng hoa anh đào, lấp lánh như những giọt sương li ti rơi từ những đóa hoa đong đưa mỗi khi cơn gió thoảng qua. Tôi tự hỏi liệu ai đó có thể phác họa được một cách trung thực khuôn mặt của Salma? Bằng lời nào tôi có thể dùng để phát họa hết được mọi biểu lộ trên khuôn mặt đó của nàng-từ sự day dứt nội tâm cho đến vẻ thoát tục tuyệt trần, ẩn hiện ảo diệu sau chiếc khăn voan che mặt màu vàng? Tôi có thể dùng thứ ngôn ngữ nào để miêu tả những nét đặc trưng của nàng mà có lúc nó nói lên nỗi lòng thầm kín, chất chứa nơi tâm hồn nàng, đồng thời nó cũng nhắc nhở những ai ngắm nhìn chúng thì phải nghĩ về một cõi tâm linh khác, xa với cõi đời nầy ?0 0001
 Khuôn mặt Salma có một vẻ đẹp không giống  vẻ đẹp của mọi người con gái khác trong cõi nhân sinh nầy. Đúng ra phải nói đó là một thứ nhan sắc “quái đản”, huyễn hoặc và ảo diệu như một giấc mơ, khó nắm bắt và khó lòng mà để từ đó rút ra được một so sánh hay một định nghĩa nào. Bởi thế, không có người họa sĩ nào có thể dùng cây cọ của mình để phác họa được hình ảnh của sắc đẹp đó; không có một điêu khắc gia nào có thể thổi hồn của tấm nhan sắc ấy vào một phiến đá cẩm thạch. Sắc đẹp của Salma không nằm ở mái tóc hoe vàng của nàng nhưng nằm ở ánh hào quang tinh khiết, viền  quanh mái tóc ấy; nó cũng không nằm trong đôi mắt bồ câu tròn và tinh anh của nàng; nhưng nó nằm trong ánh hào quang phát đi từ đôi mắt ấy; nó cũng chẳng phải nằm ở đôi môi hồng mà là ở vị ngọt từ đó phát ra; không nằm ở nơi cái cổ ngọc ngà của nàng; mà nó nằm ở dáng của cái cổ hơi nghiêng một chút về phía trước. Vẻ đẹp của Salma không phải ở sự hài hòa thiện hảo của thân hình nàng, nhưng nó lại nằm ở sự cao đẹp của tâm hồn nàng, tựa như ngọn lửa thiêng bừng cháy, bốc lên giữa cõi đất trời. Vẻ đẹp của Salma là một thứ nhan sắc thơ mộng  trời cho, đẹp như một điệu nhạc hay một bức tranh mà chính mắt bạn đã từng nhìn thấy. Nhưng những người tài ba thì thường vướng phải nhiều nỗi khổ dù cho tâm hồn họ có vươn cao bao nhiêu đi nữa thì đôi mắt họ ít khi nào ráo lệ; bởi thói đời tài hoa cho lắm thì khổ lụy cũng nhiều.
            
 Salma trầm mặc, ít nói. Nhưng sự trầm mặc ấy của nàng lại là một thứ âm nhạc đưa ta đến với nàng trong cõi mộng, khiến ta lắng nghe nhịp đập của con tim nàng, nhận được những xúc cảm và thấy được những ảo mộng ẩn hiện trước mắt ta.
 
Nỗi đau buồn sâu sắc là cá tính nổi bật của nàng. Nàng khoác lên mình chiếc xiêm y dệt bằng những nỗi buồn u uẩn để bước qua ngưỡng cửa của cuộc đời, điều đó làm cho vẽ đẹp thân hình nàng càng tăng thêm và thu hút được nhiều sự chú ý. Ánh hào quang của tâm hồn nàng chiếu rọi từ sau bức màng buồn thảm đó tựa như cái cây đang đơm bông nẩy trái vươn cao trong màng sương mai.
 
Chính nỗi buồn day dứt  ấy đã trói buộc tâm hồn hai chúng tôi lại với nhau, khắn khít đên nỗi người nầy nhìn thấy hình ảnh trái tim của chính mình trên khuôn mặt của người kia, nghe được tiếng vọng bí ẩn từ trong tiếng lòng của nhau. Hình như ông Trời đã tạo dựng người nầy chính là một nửa của người kia, vì thế nếu đem hai nửa ấy kết hợp lại với nhau thì chúng sẽ thành một con người toàn hảo; trái lại, chúng tôi sẽ cảm thấy khổ đau khi phải tách rời khỏi nhau (**) 
 
Hai tâm hồn sầu muộn sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ và thông cảm nhau giống như nỗi lòng hai kẻ tha hương mà gặp nhau nơi đất khách quê người. Hai tâm hồn kết nối với nhau bằng nỗi đau thì sẽ không bao giờ phôi pha vì một sự vui tươi hời hợt bên ngoài vì một lẽ đơn giản là sự gắn kết với nhau bằng nỗi u buồn thì nó bền chặt và mãnh liệt hơn là sự kết hợp với nhau bằng sự hân hoan và niềm vui sướng. Tình yêu có được gội rửa bằng nước mắt thì thứ tình yêu ấy mới giữ được sự trong sáng, cao đẹp và sống mãi muôn đời ./.                                                    
 
– Nguyễn-văn-Chương dịch
  Chapter 4 – The White Flame
  (THE BROKEN WINGS
   Kahlil Gibran)
Hình : nguồn Net
 
 
(*) Isfahan cũng viết là Esfahan, tỉnh lỵ của tỉnh Isfahan (Isfahan Provine) của Đế chế Ba-tư (Persian Empire) ngày xưa, bây giờ có nơi gọi là nước Cộng Hòa Hồi giáo Iran. Isfahan nổi tiếng có nhiều công trình nghệ thuật như kiến trúc, hội họa, âm nhạc. Isfahan có một bảo tàng âm nhạc đồ sộ, với nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Vì vậy, Câu : music of Isfahan tạm dịch là Điệu nhạc của xứ Nghìn Lẻ Một Đêm. 
 
(**). Ghi Chú Của Người Dịch :     Theo Thần thọai Hy-lạp thì con người lúc đầu là một hữu thể “kép”, gồm có hai đầu, bốn tay và bốn chân, nghĩa là hai con người—một nam một nữ, dính lại với nhau bằng hai lưng. Con người kết hợp như thế có sức mạnh phi thường, có trí lực siêu việt đến nỗi con người kiêu căng bất trị, là một thách thức đối với những vị thần cai quản thế gian. Để bảo vệ uy quyền những vị thần ấy, thần vương Zeus bèn cho tách đôi con người “kép” ấy thành hai nửa con người riêng biệt, một nam, một nữ, như hiện nay. Kể từ đó, mỗi con người chúng ta trở thành một kẻ cô đơn lãng du trên mặt đất, trong khát vọng đi tìm một nửa kia của mình : phần đã bị tách lìa xa nhau kể từ thuở ấy.
 
Ngày nay, khi người nầy đi tìm người kia, người ta thường nói : Tôi đi tìm một nửa kia của tôi.
Điều nầy cũng thường dùng để lý giải tại sao người nầy lại chọn một nửa kia của mình là Lan Hương mà không phải là Bích Ngọc; hoặc Quang Dũng mà không phải là Thái Hòa! (Xin đọc thêm bài : Tình Yêu, Cội Nguồn và Bản Sắc của cùng người viết).

Có 6 bình luận về Ngọn Lửa Thiêng (The White Flame)

  1. Hoành Châu nói:

    Kinh Thầy ,
    Bài dịch của Thầy hấp dẫn người đọc   lắm , cảm ơn  lời chú thích của Thầy theo thần thoại Hy Lạp  với   lịch sử  đi tìm một nửa kia của mình . Hay lắm Thầy ạ  ! Chúc Thầy Cô hạnh phúc bên các cháu . Luôn mong đọc  bài viết mới của Thầy .                                                     Em Hoành Châu  (Gia đình C  )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bài dịch của Thầy hay quá, tác giả và Thầy miêu tả người tuyệt mỹ, đầy chất thơ, đầy hình ảnh.

  3. Một tình yêu trong sáng và thơ mộng, đẹp như một bức tranh qua ngòi bút của Gibran và qua cách dịch thật thoát và đầy chất thơ của thày Nguyễn Văn Chương.

    Cám ơn thày Chương và hy vọng sẽ được đọc tiếp trong những ngày sắp tới.

  4. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Thưa Thầy Nguyễn Văn Chương,

    Có người bạn tên Lê Văn Nghiêm, hiện định cư ở Georgia USA, nói là Bạn cũ cùng lớp Sư Phạm với Thầy, số phone 404-298-8739.

    Nếu phải, Thầy có thể liên lạc với số phone trên, hoặc Thầy có thể cho chúng tôi biết số Phone, Email hay Địa chỉ của Thầy , chúng tôi sẽ chuyển cho Lê Văn Nghiêm.
    Trong trường hợp anh Nghiêm không đúng là bạn của Thầy, cũng xin Thầy vui lòng cho biết để chúng tôi báo với anh Lê Văn Nghiêm.

    Kính chào Thầy

    Huỳnh Hữu Đức

     

     

     

    • Neang Phi Rom nói:

      Tôi có liên lạc với thầy Chương, thầy cho biết đúng là Lê Văn Nghiêm là bạn học cũ cùng lớp với thầy, thầy nhờ tôi nhắn lại liên lạc với thầy qua email là tiện nhất…
      Email của thầy Chương:
      [email protected]
      Điện thoại của thầy: 01283249658

  5. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Cám ơn Phi Rom.

    Có lẽ giờ thầy Chương và thầy Nghiêm đã liên lạc với nhau rồi.

     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác