ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG (Phần cuối)

Ngày đăng: 14/04/2017 11:54:22 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Hè năm 1967 Phước Long đánh lớn nên ba đưa chị em tôi về Vĩnh Long lánh nạn. Ra phi trường Phước Bình gặp chiếc Caribou mới tinh màu đen, ghế ngồi màu đỏ thoải mái, tiếng máy nổ êm, bay nhanh như chớp: mới cất đầu lên đánh nửa vòng thấy núi Bà Rá ở chếch về phía sau bên trái, nhìn sang phải thấyphía trước là núi Bà Đen thì phi cơ bắt đầu chúi mũi để xuống Biên Hòa. Thế cũng may. May nhất là đi được chiếc Dakota màu trắng chở hàng cho USOM, USAID vì chúng đáp Tân Sơn Nhất. Đi máy bay quân sự (Caribou, Thunder Pig, Hercules) chỉ về đến Biên Hòa, có khi là Phú Lợi, Bình Dương; vừa mất thời gian, vừa tốn thêm tiền mà còn bị “nhét cá mòi”, một chiếc Traction đen mà chở cả chục mạng! Xui tận mạng là gặp chuyến “nhảy cóc”: Phước Long bay sang đáp Phước Thành rồi sang Bình Tuy, sau đó mới về Biên Hòa. Khi phi cơ đáp, cửa đuôi hạ xuống nhưng phải một lúc lâu sau mới thấy hành khách người

bò, người trượt trên hệ thống bánh xe nhỏ lắp trên sàn và cửa đuôi để ra khỏi phi cơ. Từ Biên Hòa chúng tôi đi xe lô về Sài Gòn, ở chơi vài hôm rồi đáp xe đò về Vĩnh Long. Ba xin cho chị em tôi vào học Tống Phước Hiệp.

Về Vĩnh Long học đệ ngũ Tống Phước Hiệp lúc đầu tôi phải đi bộ. Chúng tôi hình thành đám bạn đi bộ. Vì nhà ở ngã ba Ông Cảnh nên đường về tôi có hai chọn lựa: đi theo ngã cầu Lộ hay cầu Cái Cá. Chúng tôi thích đi đường cầu Cái Cá hơn, nhất là theo ngã cầu Bà Điều để ra cầu Cái Cá vì đi theo lộ trình nầy đường có dài hơn nhưng có thể ghé vào tiệm sách Minh Trí và Minh Lý xem “cọp” sách, báo, đi ngang rạp Lê Thanh xem “hát hình”, khi ra đến xóm Đập sẽ có gió sông mát, lúc ấy mặt trời sau lưng không bị chói nằng và có rất đông học sinh như tôi, có thể nói màu áo của học sinh Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Thông, Tống Phước Hiệp trắng cả con đường. Tôi nhớ trên đường Trần Công Lại, cách trại Công Binh chừng 100m phía bên trái có một căn nhà cất thụt vào, trong sân có trồng một số cây ăn trái, cạnh hàng rào trước nhà có cây tầm ruột chua khá cao, đến mùa rất sai trái. Có lần thấy trong sân nhà không bóng người mà những chùm tầm ruột đong đưa trong gió bắt ngứa mắt, một bạn lột dép Nhật Bản phang. Lần ném đầu chiến tích chỉ le ngoe mấy trái không đáng công, lần thứ nhì anh bạn ngắm thật kỹ mấy chùm to trên cao, dùng tất cả sức lực ném thật mạnh. Lần này chiếc dép không trúng chùm tầm ruột mà trúng thân cây bật rơi vào trong vườn kêu “bịch”. Chúng tôi nhanh chóng “rời khỏi hiện trường”, bạn ấy phải bương bả bước thấp, bước cao đi như chạy theo. (Năm học đệ tứ, hôm cô dạy Anh ăn cho lớp bị bệnh.

Bạn trưởng lớp lên văn phòng hỏi địa chỉ nhà cô trọ thì được biết ở đường Trần Công Lại. Tôi theo các bạn đến nhà thăm cô. Hình như đó là căn nhà phía trước có trồng cây tầm ruột.) Mấy tháng sau ba cho tiền mua xe đạp. Thế là tôi gia nhập nhóm xe đạp trong lớp đi về hướng chợ trên. Nhóm chúng tôi gồm: Ngọc, Móm nhà ở Tân Hạnh (cầu Đôi), Kim nhà gần cầu Tân Hữu, Mách và tôi ở hẻm Huyện Cự, gần nhất, xa nhất là Luân nhà ở chợ Phú Quới (Bà Lang). Những khi học buổi chiều, trước buổi học chúng tôi thường tụ tập quanh chiếc xe hũ lô và xe ủi đất của Công Chánh đậu trên lề đường đối diện trường.

Lên Sài Gòn học đệ tam tôi có hai chọn lựa: trường Pétrus Trương Vĩnh Ký gần nhà hơn và trường Chu Văn An gốc là trường Bưởi di cư vào nên có nhiều học sinh gốc miền Bắc. Ba dẫn tôi đến trường Pétrus Ký nộp đơn xin học. Dù ba tôi có quyết định điều động làm việc tại Sài Gòn nhưng tôi phải vượt qua kỳ thi nhỏ gồm 4 môn: toán, lý, hóa (do xin vào học ban B) và tiếng Anh để được nhận vào học. Tôi vào lớp

đệ tam B6, lớp chót khối B. Đây cũng là kinh nghiệm nghề giáo: phải tránh tối đa việc chuyển trường vì có thể “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” do học sinh chuyển trường sẽ được nhận vào nhừng lớp chót (đệ tam B6), hay áp chót (đệ ngũ 7) vì những lớp nầy ít học sinh (do ở lại hay thi rớt) dù thời xưa học sinh đượcphân phối ngẫu nhiên, chưa có phong trào trường chuyên, lớp chọn. Tôi phải mất hơn tuần đạp xe khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và vùng ven thành phố (thuộc Gia Định) để nắm được đường hướng. Lúc này tôi đã khá cao nên không sử dụng xe đạp bánh niềng chuẩn 650 mà ráp bánh niềng 700 đạp cho khỏe. Tuổi 14, 15 mê ăn, ham ngủ nhưng cũng may nhà cách trường khoảng 2km nên tôi chỉ phải thức dậy lúc 6 giờ là kịp để vào học lúc 7 giờ. Từ nhà tôi đạp xe đến đầu cầu chữ Y, ghé vào xe bánh mì thịt đầu cầu mua một ổ rồi vừa đạp xe, vừa ăn. Gần đến trường là tôi tiêu thụ xong buổi điểm tâm. Ba năm cấp 3 và gần 3 năm đại học tôi là khách hàng “mối” của xe bánh mì đầu cầu; mỗi tuần tệ lắm cũng ủng hộ 3 ổ. (Ông bà chủ xe bánh mì có 5 cô con gái và một cậu trai út. Nếu không lầm thì tôi đã phục vụ trả lại đủ cho “ngũ công chúa” của ông chủ xe bánh mì.) Lên lớp 12 lớp tôi được trường bổ sung hơn chục bạn mới. Các bạn nầy đến từ nhiều trường và được nhận vào học vì tú tài 1 đậu bình nhưng cũng phải vượt qua một kỳ thi nhỏ. Trong số bạn mới nầy có Trịnh Việt Thảo, cùng ở khu Phạm Thế Hiển như tôi. Thế là sau giờ học hàng ngày tôi có bạn cùng đạp xe về qua cầu chữ Y. Bạn Việt Thảo sau nầy sang Mỹ.

Việc học, thi, và cấp học bổng thời tôi đi học rất minh bạch, không chút khuất tất. Rớt tú tài 1 là đi trung sĩ, có tú tài 1 được đi sĩ quan Thủ Đức. Rất rõ và rất khác. Năm 1972 (mùa Hè đỏ lửa) tôi đậu tú tài II, kỳ 1. (Người dân còn gọi là năm “tú tài 4 khóa” vì ngoài 2 lần thi chính thức, bộ Giáo Dục còn xét đậu vớt 2 lần do đề thi năm ấy quá khó và việc học hành, giảng dạy xảy ra trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Đây cũng là năm đầu tiên chứng chỉ tú tài II được in bởi dàn máy tính IBM của bộ Giáo Dục. Kỳ thi tú tài năm 1973 được gọi là “tú tài IBM” vì trong năm này bài thi trắc nghiệm 3 môn: Công Dân, Sử và Địa được chấm trên máy tính.) Khi đến nha Khảo Thí (nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đối diện Thảo Cầm Viên- nay là trường cấp 2 Võ Trường Toản) nhận chứng chỉ tú tài, tôi thấy tờ thông báo cho những người đậu tú tài II kỳ 1 có hạng, sang nha Du Học & Học Bổng (DH & HB) kế bên để xin học bổng du học, phíadưới là mũi tên chỉ đường. Tôi thoáng thấy những ánh mắt nhìn theo thán phục và ganh tỵ khi đi trên con đường rãi đá dăm kêu lạo xạo dẫn đến nha DH & HB. Ở bàn tiếp nhận, bên cạnh chồng kết quả thi của cả nước, nhân viên nha đã lập riêng 3 danh sách thí sinh đậu 3 hạng: ưu, bình và bình-thứ (thật ra còn có hạng tối-ưu nhưng tôi chưa nghe ai thi đậu hạng nầy). Trên tờ danh sách đậu ưu khóa đó cả nước chỉ có 6 hay 7 tên. Các bạn đậu hạng này sẽ được học bổng nước ngoài (học bổng Colombo; thật ra là có thi sát hạch khả năng ngoại ngữ [tiếng Anh] nhưng tôi chưa nghe có ai bị rớt học bổng này. Có lẽ thời ấy học sinh học đều: Giỏi là giỏi đều các môn, còn yếu thì yếu đều!) chủ yếu sang Úc học. Được học bổng nầy rất sướng vì chính phủ nước cấp học bổng đài thọ tất cả mọi thứ, thậm chí cấp cả tiền tiêu vặt, tiền mua sách… (Có nhiều tiền đôi khi lại sinh ra chuyện. Cùng trường với tôi có 3 bạn đậu ưu, được học bổng Colombo học ở Úc. Mùa hè năm 1974 [khoảng tháng 12 năm 1974 ở VN; vì Nam bán cầu mùa hè-

Bắc bán cầu mùa đông] một bạn qua New Zealand chơi và mất ở đó do tai nạn khi leo núi.) Còn danh sách đậu bình và bình-thứ gồm nhiều tờ nên tôi không biết con số chính xác, nhưng chắc không nhiều lắm vì 2 xấp danh sách này không dầy; đậu bình được học bổng quốc gia toàn phần (100%), còn bình-thứ được học bổng quốc gia bán phần (50%). Khi tôi trình tờ chứng chỉ tú tài, người nhân viên tiếp nhận hồ sơ so tên tôi trên danh sách, dùng bút chì màu làm dấu, để cho chắc người ấy lấy xấp kết quả thi ngày 05/07/1972 của SGB1, tìm số ký danh để đối chiếu, đánh dấu, rồi ghi tên tôi vào danh sách xin hưởng học bổng, xong phát cho tờ hướng dẫn lập thủ tục xin học bổng và những quyền lợi, cũng như yêu cầu tôi đọc kỹ tờ hướng dẫn và làm theo chính xác những điều ghi trên tờ hướng dẫn đó. Thủ tục hết sức đơn giản, chỉ cần tôi có giấy báo nhập học của một trường đại học nước ngoài với ngành nghề có trong danh mục trên tờ hướng dẫn là được cấp học bổng. Gia đình tôi chỉ việc ứng trước tiền theo tỷ giá ưu đãi cho du học sinh vốn thấp hơn so với giá Mỹ kim chính thức mua vé phi cơ, đóng học phí, sinh hoạt phí 6 tháng đầu cho tôi thông qua một ngân hàng được bộ Giáo Dục chỉ định, sau khoảng 6 tháng gia đình sẽ đến ngân hàng nhận lại toàn bộ số tiền này do ngân sách quốc gia thông qua bộ Giáo Dục chi trả (nếu là học bổng toàn phần), hay nhận lại phân nửa, nếu là học bổng bán phần. Các du học sinh được học bổng quốc gia sẽ hưởng quyền lợi trên trong suốt 4 năm đại học. Bạn trưởng lớp 12 (thật ra là trưởng lớp cả 3 năm cấp 3) của tôi rất tốt, và năng động. Ngay từ đầu năm bạn đã hỏi ý của chúng tôi về việc du học Mỹ rồi lập danh sách với đầy đủ những thông tin cần thiết để đến tòa Đại sứ Mỹ xin lập thẻAn Sinh Xã Hội (Social Welfare) cho tất cả những người muốn du học tại Mỹ. Tòa Đại sứ đã làm thẻ cho tất cả chúng tôi nhưng họ giữ lại, và cho biết chỉ cấp thẻ khi chúng tôi đến xuất trình vé phi cơ. Trước đó thông qua trung gian hướng dẫn của hội Việt Mỹ (VAA) Sài Gòn tôi đã liên hệ với một trường đại học ở bang Texas mua quyển hướng dẫn nhập học trong có in sẵn đơn xin nhập học vì tôi muốn học ngành khai thác dầu khí ở trường đó. Tôi nghĩ trong tương lai gần đất nước cần những người có kiến thức và kỹ năng về ngành này mà lúc đó hoạt động thăm dò, tìm kiếm mỏ dầu ngoài khơi đang được chính quyền, thông qua các công ty nước ngoài, đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh học phí hạ, điều kiện nhập học của trường này cũng rất dễ: Chỉ cần có giấy chứng nhận đã học xong trung học của chính phủ Việt Nam và bằng TOEFL từ 550 điểm trở lên (lúc ấy chỉ có TOEFL pbt thi trên giấy, và theo như tôi biết tuy chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ không có văn bản chính thức công nhận văn bằng của nhau nhưng trong trường hợp của tôi chỉ cần mang chứng chỉ tú tài II đến tòa án Sài Gòn nộp lệ phí để được thông dịch viên hữu thệ [Sworn Translator] dịch chứng chỉ sang tiếng Anh). Còn trong cuốn sách hướng dẫn có in sẵn tờ đơn xin học, tôi chỉ cần rứt tờ đơn ra, điền thông tin cá nhân vào, như vậy khi tôi gửi 3 giấy nầy đến là trường gửi sang VN giấy báo nhập học. Từ nha Du Học & Học Bổng trở ra tôi đi trên con đường rải đá dăm mà tưởng như đang đi trên mây. Con đường du học rộng mở trước tôi.

Sài Gòn trước mùa thi 2017.

NGUYỄN HOÀNG LONG

PS.: Phần nầy xin tặng Trưởng lớp “tiên ưu, hậu lạc” Nguyễn Văn Bá, người cùng chung số phận “nhỡ tàu”.

  0 hlong 2   H1

0 002                             H2

Có 11 bình luận về ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG (Phần cuối)

  1. Lớp 12B6, tháng 4 năm 1972. Hình nầy còn thiếu nhiều bạn (hơn chục). Đứng giữa là thầy chủ nhiệm Vũ Đình Lưu, người “mập, lùn, đeo kiếng đen” là thầy Tổng Giám thị Tăng Văn Chương. Mình ngồi giữa, hàng đầu.

  2. Trước nhà trọ của cô chỉ có cây mận cổ thụ thật lớn, cây chùm ruộc thuộc về nhà đối diện, xê xế với nhà cô ở.

    Mỗi người đều có số phần mà ông trời đã định, nếu không thì bây giờ em đâu có mặt ở Việt Nam mà ở đâu đó trên nước Mỹ.

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Tuổi thơ của bạn cũng thật “dữ dội” !

    Hồi học TPH, tui cũng đi bộ từ trường về Ngã ba Cần Thơ bằng 2 ngã : có khi ngã Cầu Lộ, có khi ngã cầu Cái Cá, mà sao tui hỏng nhớ cầu Bà Điều ta?

  4. Hoành Châu nói:

    Bài viết hấp dẫn ,  hồi nhỏ bạn cũng nghịch ngợm  không kém nhưng thông minh , học giỏi  là hay lắm .Qua bao năm làm chủ nhiệm lớp cho thấy ,,, đa số  học sinh gầy guộc  thường hay phá phách thiên hạ ( vì quá hiếu động nên các em bị   ốm đen và già trước tuổi  )  Hihi  !!

  5. Phạm thị Trí nói:

    Đọc bài của em cô không thể nào không nhắc lại điệp khúc nầy ” H.L có trí nhớ rất tốt ..” Năm 1972 cô đang dạy T.T , nếu về P.Ký sớm hơn , cô có thể dạy lớp của Long rồi…Đang chờ đọc tiếp hồi ức của em.

    • Không có phần tiếp Cô ơi. Lý do đơn giản là không có tiền! Gia đình lúc đó đã chuẩn bị cho em được gần 1 triệu đồng để đổi khoảng 7.000 Mỹ kim (vé phi cơ round-trip hết 1.500 + học phí + sinh hoạt phí cho 6 tháng với hối suất ưu đãi cho du học sinh là 125đ VN cho 1 Mỹ kim) Em làm hồ sơ chậm quá (do thi TOEFL), khi em làm xong thủ tục thì hối suất đổi thành 250đ VN cho 1 Mỹ kim. Em bị thiếu gần nửa số tiền nên phải từ bỏ giấc mộng “đi học”!

  6. VÕ THỊ LÀI nói:

    Em cũng có suy nghĩ như chị Hạnh là tuổi thơ anh rất” dữ dội ”. Anh lại có trí nhớ rất tốt , bài anh viết rất hấp dẫn , lôi cuốn người xem . Ngày xưa đi học lội bộ là chuyện bình thường ,em cũng từng lội từ trường TPH   tới Cầu Lộ quẹo vào qua khỏi cầu  Ông Địa . Bây giờ ngồi nhớ lại ngày xưa sao mà minh đi bộ giỏi thế ! Chị Hạnh ơi , gần cầu Bà Điều có bà Cả bán bún riêu rất ngon trong cái nhà xưa chị nhớ không ?

    • Nguyễn Thị Hạnh nói:

      Lài ơi, chị đi thẳng qua Cầu Lộ về Ngã 3 Cần Thơ nên không biết những nơi em nói. Chỉ ghé 1 nơi là tiệm sách Minh Trí, đọc mỗi ngày vài trang quyển Đoạn tuyệt, tất tả về sợ bị cậu mợ rầy về trễ, hì hì.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác