Con Nước Lớn Ròng (7)
Vài cơn gió dịu mát buổi hừng đông mang theo chút âm ẩm sương khuya đọng giọt trên cây cỏ, trộn lẫn mùi thơm nhựa cây trong gian trại mộc của chú Hai Thu. Dưới ánh sáng mờ đục của chiếc đèn neon 6 tấc chạy bằng điện bình ắc-quy, bà Hạnh im lặng nhìn chăm chú ly cà phê trước mặt. Không ai biết được bà đang cố nén tâm tư để giữ giọng bình thản, chứng tỏ bản lãnh của người xem nhẹ mọi biến cố. Còn chú Hai Thu không hề che dấu cảm xúc lo âu về câu chuyện đã đột ngột chuyển qua chiều hướng không vui. Hai Thu dè dặt hỏi bà Hạnh:
– Theo cái “dèo” báo trước, thì ba N tình cờ tìm được người vợ cũ lúc lên đảo?
Bà Hạnh vẫn lặng thinh, một chập sau mới trả lời Hai Thu:
– Con số 300 ngàn người di tản lúc ban đầu thì cơ hội gặp người quen gần như mò kim đáy biển. Nói là đảo chứ Guam và Wake cũng lớn lắm. Với lại cũng có rất nhiều người đi thẳng qua Mỹ từ Tân Sơn Nhất hay căn cứ không quân Clark ở Philippines, mỗi người đi mỗi cảnh thì khó mà gặp nhau. Sau nầy nghe nói mới biết bà M và người chồng sau dẫn 4 đứa con xuống chiếc tàu dân sự Việt Nam Thương Tín tại bến Bạch Đằng vào những giờ chót của Sài Gòn. Nguyên nhân câu chuyện của ba N gặp lại người vợ cũ là do những bản nhắn tin tìm người tràn lan thời đó. Người tài xế lái loại xe giàn giá và mô-tơ quấn cáp cẩu nguyên lóng gỗ “súc” ở Long Khánh vào những năm 60, cũng là người chồng sau của bà M đã không may bạo bịnh qua đời sau 5 năm đến Mỹ.
Bà M bơ vơ dẫn bốn đứa con của hai đời chồng. Bà nhờ báo nhắn tin, hy vọng tìm được những bạn cũ cùng quê Long An. Người quen đọc thấy tin của bà là anh bạn học ở gần nhà với ba N. Người bạn nầy đi lính trước thời gian ba cưới vợ. Ông ấy ra trường sĩ quan Hải quân rồi ở lại làm việc ở Bộ chỉ huy vùng Duyên hải Nha Trang, cho tới lúc di tản ra hạm đội 7. Ông ta không hề biết bà M là vợ cũ có hai con với ba N. Vì vậy, ông ta vô tình khoe với ba là gặp được người bạn đáng thương cùng xứ sở có hoàn cảnh chồng mới mất.
Mấy năm sau cũng chính ông đó lương tâm cắn rứt, hối hận mà nói ra hết và xin lỗi má. Lúc đó má bị sốc như khùng, ngay cả ngày sanh tháng đẻ và số an sinh xã hội bản thân, má cũng quên luôn. Có một thời gian, những người quen tưởng rằng má không qua nổi.
– Con xin lỗi má, đáng lẽ con không hỏi chuyện nầy. – Chuyện qua lâu cũng mười năm, bây giờ má thảnh thơi vui vẻ lắm, không còn vướng bận việc được thua còn mất. Tụi con nên biết và chia sẻ buồn vui với má. Má dần dừ nói chuyện của ba là sợ các con buồn trong ngày vui gặp lại thôi, chứ không có ý định dấu diếm. Má định bữa nào thuận tiện sẽ kể ra rõ hơn và để các con các cháu có một bài học đời thật mà rút ra kinh nghiệm trong cuộc sống. Hôm qua má nghe cô Tư Hoàng Lan ngỏ ý muốn cưới con Hạnh cho thằng con trai của cổ. Có lẽ má bị tổn thương tâm lý, má tự xem mình như một lần gãy gánh, một lần sút gọng tình duyên. Từ bây giờ về sau, coi như đời má an phận. Nhưng má cẩn thận trong việc hôn nhân của con cháu cũng là lẽ thường. Tụi con nhận xét ra sao về thằng Hậu trong thời gian 5 năm quen biết nó ở nơi nầy.
– Hồi thằng Hậu ra đi, lúc đó con nhớ chị Tư nói nó sắp 17 tuổi. Thời gian ở đây nó là một thanh niên tương đối đàng hoàng ở xóm nầy. Những lá thư gởi về nhà nó thường xuyên hỏi thăm gia đình tụi con. Quà gởi về cho chị Tư mấy năm nay, nó đều nhớ tới chị em con Hạnh.
– Sao cô Tư có hai mẹ con mà không đi chung.
– Chị Tư thường ghé nhà chúng con, chị không dấu mục đích cho thằng Hậu thoát đi trước khi đến tuổi lính, chứ chị cũng không muốn cho thằng con một mình qua xứ lạ quê người ở tuổi non trẻ, bồng bột dễ học xã hội những thói hư tật xấu. Riêng chị Tư không đi với thằng Hậu vì năm đó vịnh Thái Lan cướp biển ghê lắm má ơi. Nhiều tàu vượt biên bị cướp, chúng bắt cóc đàn bà con gái đem qua tàu nó đi mất, không ai biết họ sống chết ra sao.
– Cô Tư Hoàng Lan sống bằng nghề gì mà trông có vẻ thoải mái vậy.
– Năm 1970, chồng chị Tư là Đại đội trưởng địa phương quân ở tỉnh Chương Thiện, ông ta bị thương nặng trong một cuộc hành quân, máy bay tải thương về quân y viện Phan Thanh Giản ở Cần Thơ cũng không cứu nổi. Chồng chết, chị lãnh tiền tử tuất xong rồi bồng con về ở đậu, phụ giúp trông coi tiệm tạp hoá của cha mẹ ruột ở chợ Bạc Liêu. Ba năm sau, gia đình chồng chị theo di chúc của gia đình, họ đến tận nhà nói rõ mục đích và ký giấy trao lại hai mẹ con phần thừa hưởng gia tài của người chồng vắn số. Từ hôm đó, chị và thằng Hậu dời vào căn phố 3 lầu ở ngay chợ Cần Thơ. Chị Tư Hoàng Lan và thằng Hậu sống ở nhà đó và nhờ vào tiền cho mướn căn bên dưới cho đến 1978, người mướn nhà năn nỉ ra giá mua đúng trăm lượng vàng. Năm đó có nhiều người không đủ cơm ăn. Một chỉ vàng tức là một phần mười của lượng vàng cũng làm nhiều người nằm mơ chưa thấy, nói chi đến con sô trăm lượng. Chị bán nhà được số tiền lớn rồi về Giá Rai nhận hai mẫu đất của cha mẹ phân chia. Chị Tư cho mướn ruộng cho đến khi bán đứt mới năm rồi. Cuộc sống thoải mái dư dã, chị dành thời gian đi tới lui các nơi để thăm viếng bà con thân tộc.
Hai Thu chiêu một ngụm trà thông cổ để tiếp tục thuyết trình về gia cảnh chị Tư Hoàng Lan cho bà má vợ hiểu rõ, hai người mà chú nghĩ rất quan trọng trong hôn sự của đứa con gái.
– Thằng Bảy Bổn có lần nói với tụi con, chồng chị Tư tử trận năm thằng Hậu còn nhỏ xíu. Người quả phụ 26 tuổi đời lúc đó rất trẻ đẹp, có biết bao người ngắm nghé xin cưới mà chị không ưng. Thời thằng Hậu lớn lên, chị Tư chứng kiến thế hệ tuổi trẻ sau nầy tiếp tục chết hay thương tật ở chiến trường Cam-pu-chia. Chị quá sợ chiến tranh từng cướp đi người chồng. Vì vậy mà chị đứt ruột gởi thằng Hậu cho chiếc tàu cá của bà con ở Vĩnh Châu, họ ra đi ngay lúc biển êm như nước trong hồ. Thằng Hậu mang theo giấy tờ con của tử sĩ hồi trước, với lại lúc mới qua đảo nó còn 4 tháng nữa mới đủ 17 tuổi. Hậu hưởng diện ưu tiên vị thành niên “mai-nơ” không có thân nhân đi cùng, nó được phái đoàn nhận vô Mỹ chỉ sau 2 tháng tới đảo. Nó định cư chỗ đó nghe nói cũng là vùng Đông bắc lạnh lẽo giống như chỗ của má. Trong một lá thư gởi về Bảy Bổn, thằng Hậu tâm sự với cậu nó là qua Mỹ cũng thích đi học, nhưng không có cơ bản. Nó than đã đuối lã sau một một năm đến trường mà coi bộ chữ Anh không vô nổi. Nó chán nản nghĩ học và được người quen dẫn dắt vô hãng tiện tập sự rồi làm luôn tới bây giờ, lương bổng cũng khá. Hồ sơ thằng Hậu bảo lảnh chị Tư Hoàng Lan được làm lúc nó mới qua Mỹ còn trong diện “con trẻ cô thân” được xếp ưu tiên rất cao. Hình như chị Tư đã được Mỹ nhận có giấy tờ xong rồi, hoặc còn trục trặc do sức khoẻ hay là chị Tư chưa giải quyết việc gì mà chưa muốn đi. Chứ phần đất ruộng của chị đã bán xong hồi năm ngoái. Riêng 5 công ruộng chị ký giấy cho đứt tụi con, không dính líu về 5 công đất của thằng Bảy Bổn hứa cho mà tụi con chỉ nhận là mượn lúc thời gian mới xuống đây. Chị Tư kín miệng trong việc thằng Hậu bảo lảnh, con nhìn việc mà đoán chị lóng nhóng chờ Mỹ bang giao để thằng Hậu an tâm vọt về. Tụi con nghi nghi để bụng, mình đâu phải cật ruột mà thắc mắc hỏi han.
Bà Hạnh điềm tỉnh hỏi Hai Thu:
– Cô Tư có ý muốn cưới con Hạnh cho thằng con trai là khi nào?
– Cách nay chừng 5-6 tháng, chị Tư đem lá thơ của thằng Hậu gởi về nói riêng với má nó. Hậu thổ lộ thương con Hạnh từ những tình cảm bắt đầu lúc nhỏ, nó xin chị Tư mang quà lễ đến nhà tụi con ngỏ lời bỏ hàng rào thưa.
– Bảy năm trước, thằng Hậu chưa tới 17, con Hạnh mới 12 mà thương yêu nhung nhớ nỗi gì.
– Thiệt tình là trước đây tình cảm tụi nó như bạn bè lối xóm. Chị Tư Hoàng Lan về xóm nầy cất nhà trước con chừng hơn một năm, nghe thằng Bảy Bổn nói thằng Hậu lúc mới về xứ đồng buồn lắm. Đến khi tụi con dời xuống, thằng Hậu ghé chơi hoài và có vẻ phấn chấn hơn. Còn chuyện tình cảm mà cậu Bảy của nó cười chế nhạo tiếng sét ái tình là do những tấm hình chụp ở đám cưới con của người chị Hai ở ngoài Bạc Liêu. Năm ngoái con Hạnh được mời làm một trong những phù dâu. Cháu ngoại của má ăn đứt mấy cô gái lớn lên ở thành thị.
– Tụi con đã nhận quà lễ hay hứa hẹn gì với mẹ con họ.
– Thằng Hậu thì chưa nói gì trực tiếp việc nầy. Chị Tư đã ngỏ lời cầu thân với vợ chồng con và với con Hạnh. Nếu tụi con chấp nhận, chị sẽ tổ chức đám “giáp lời” mời bà con thân tộc chứng kiến hai gia đình tặng quà giao ước kết thông gia. Tụi con hội ý gia đình và trả lời chấp nhận cầu thân. Nhưng phải chờ thằng Hậu về đây xem hai đứa hạp ý nhau không, thì lúc đó sẽ tổ chức nghi lễ truyền thống, tụi con chỉ yêu cầu sui gia thông cảm mà giúp nhau dễ dàng mọi sự.
– Má muốn biết con Hạnh có ưng và vui vẻ với lời cầu hôn không?
– Dạ có, chính miệng nó trả lời đồng ý với chị Tư Hoàng Lan trước mặt tụi con.
(Còn tiếp)
Một Lúa
H
Huynh ơi, cho đệ xin phép nhe : càng đọc , đệ thấy cách hành văn của huynh mà phát mê vì lối viết thật mọc mạt quê mùa , nhưng chứa nặng cái thực tế thời ấy.
Nếu gia đình nào có người vượt biên sẽ thấy hiểu và Thông cảm cho những nhân vật trong hoành cảnh thời đó. Cảm ơn huynh đã cho những quá khứ sống động sau những giờ thư giản.
Bạn trẻ Hoài Thương!
Hồi xưa tui khoái xem các gánh sơn đông mãi võ. Lúc họ bán cao đơn hoàn tán, khoái nhất là câu “nam phụ lão ấu đều dùng được” hehe
Cuộc đời bà Hạnh thật lắm gian nan. Chắc rằng những kinh nghiệm cuộc sống sẽ giúp con cháu bà vượt qua khó khăn, có một tương lai tươi sáng. Phải không anh Một Lúa? Chờ đọc tiếp vậy.
Dà, hồi sau sẽ rõ. Gốc câu chuyện nầy đã nằm trên báo rổi. Đâu có vụ tam sao ra thất bổn. hihi
Cảm ơn bạn góp ý nhé
Dòng đời hơi giống dòng sông
Lúc trôi thanh thản, lúc cong ngoằn ngoèo
Cảm ơn độc giả nhìn theo
Chuyện xưa tích cũ còn treo trên sào!
Xin chào mừng bạn già Một Lúa. Lâu quá thấy bạn ” tái xuất giang hồ”, mừng quá cỡ. Đọc truyện của bạn sơ sơ, chưa kỹ, hẹn tối nay, sẽ đọc kỹ và có phản hồi sau. Bi giờ, đã tới giờ hẹn chiều thứ bảy rùi !
Anh Cả hay là tui tái xuất giang hồ. hehe
Một Lúa mà gom tất cả truyện đã viết bấy lâu nay in ra thành một quyển truyện ngắn thì hay biết mấy, cứ đọc và cứ chờ, sốt ruột quá, người đi xa VN lâu rồi văn phong vẫn thế, còn hay hơn cả những người trong nước viết không được như Lúa đệ đâu đấy.
Chị Hoa ui!
Ngồi không, chẳng biết mần gì
Vài câu thơ thẩn, có chi là tài!
Dao lụt nhờ tật siêng mài
Quơ bậy vài nhát, vành tai vẫn còn
Chỉ có cánh mũi hơi mòn. hihi
Anh Một Lúa ơi, cách hành văn, cách chọn và sử dụng từ, cách sử dụng dấu chấm câu trong những bài viết của anh rất độc (đáo) và rất lạ, phải nói đây là một của hiếm hiện nay; những câu văn đặc rật chất Nam bộ nhưng rất cổ.
Sẵn nói việc này em nhớ trước 1975 có học một môn kỹ thuật với một thầy người Pháp tên Réne Trần Văn Nhiều. Nhìn tên của thầy chắc anh cũng đoán được nhân thân. Có điều là những buổi dạy đầu khi nghe thầy giảng tụi em phải cắn răng, cố nhịn cười vì thầy dạy bằng tiếng Việt nhưng là thứ tiếng Việt rất lạ, không giống tiếng Việt mà tụi em nói! Sau này qua tiếp xúc với thầy em mới biết gia đình thầy sang Pháp đã lâu (từ những năm 1940 thế kỷ trước) nên mới có tiếng Việt lạ ấy.
Em đồng ý với chị Hoa Đăng: Anh phải cố giữ nguyên văn phong như hiện nay vì đây là “hàng thuộc dạng quý hiếm”, và tập hợp các bài viết in thành truyện. Em xin đăng ký trước một copy.
À, còn về vụ “Con Nước Lớn Ròng” thì em tạm thời (vì cuối bài có chữ ‘Còn tiếp’) vừa bụng vì sau thời gian dài “cổ chờ” nay Nước Lớn đã về trắng đồng, mang theo nhiều việc lạ. Xin chào anh Một Lúa, một cây bút “không đụng hàng” (theo cách nói hiện nay, ở đây).
Huynh Hoàng Long!
nằm yên, tui chẳng leo lề
cũng bởi cái tật lê thê dông dài
gân gà vừa lạt vừa dai
mời anh một miếng, ráng nhai tới…chiều! hehe
Cuộc đời của bà Hạnh đã lắm bi ai rùi .Phải chăng bà sợ cháu ngoại mình phải tiếp tục cuộc sống khổ sở , nghèo nàn khi phải lấy Hậu và chính từ sự lo lắng này mà bà Hạnh có ý định xếp đặt chuyện gã chồng cho cháu ngoại.
Ôi ! Có phải chuyện éo le sẽ tiếp diễn cho đời sau này nửa ko ? Chuyện tình duyên của cháu Hạnh sẽ diễn ra sao ?
Hồi hộp qué anh Lúa ui
Bạn trẻ Phan Lương,
Vụ nầy mới à nghen! hihihi