CHUYỆN VUI BUỒN Ở XÓM TRỌ   ( Phần  4  )

Ngày đăng: 7/02/2017 10:14:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Nếu cứ mãi mê nói chuyện vòng quanh trong xóm mà không nhắc đến ông chủ nhà tôi ở trọ thì đây là thiếu sót không tha thứ được . Bảy năm trời liên tục tôi trú ở nhà ông để đi học, bên cạnh những chuyện vui dở khóc, dở cười, thời gian còn lại là những năm tháng lặng lẽ trôi qua , có phần hơi nặng nề so với tuổi mới lớn của tôi. Ngồi đây viết những dòng tưởng nhớ ông, tôi thấy vô vàn biết ơn và kình trọng.

h1  Ông chủ nhà: Ông là bạn khá thân thích với ông nội tôi , ông có con trai mới sinh ra đã nhờ ông nội tôi đặt tên, sau đó gặp nhiều phiền phức do trùng tên với con của người khác trong làng mà ở một bài viết trên trang nhà tôi đã từng đề cập. Lúc tôi còn bé, nhà hai ông ở cùng phố chợ Xuân Hiệp (phố chợ nhưng lợp lá dừng vách ván, không như bây giờ ) hai gia đình cùng mua bán , một bên là thầy thuốc xem mạch hốt thuốc bắc, bán thuốc cao đơn hòan tán, một bên bán tạp hóa. Hai nhà phía sau có chung một sàn nước và giàn bếp to , con cháu hai nhà chạy chơi luôn tuồn qua lại ( nghe kể lại có một lần, chú nhỏ bên nhà nầy thấy anh lớn bên nhà kia biết diện, thấm nước chải tóc luôn luôn, chú ta cũng về nhà thấm nước ướt cả đầu chải tóc, chút sau chú nhỏ khóc inh ỏi vò đầu. Hỏi ra chú thấm nước phơi củ kiệu có sẳn trong thau ! ) Sau đó ít lâu, ông bán tạp hóa nghỉ, sang lại nhà cho ông nội tôi để về vườn cách chợ vài trăm mét.Tình cảm hai gia đình vẫn giữ bền chặt luôn luôn.

Tuổi ông tôi và ông chủ nhà tôi trọ xấp xỉ nhau, năm tôi lên nhà ông trọ học ông đã là lão ông trên 63 tuổi. Cách đây trên 50 năm, người hưởng “ lục tuần ” nhìn thấy rất gìa (  không như bây giờ, tôi đã 63 rồi nhưng có lúc vẫn thấy mình như trai trẻ?! )

Thuở ấy các cụ dáng dấp rất gìa mà tình cảm cũng gìa theo, ít cười ít nói không như các cụ thời  nay . Ông nội tôi gởi tôi lên đây trọ học thì rất an tâm , coi như đứa cháu vào trại huấn luyện vô cùng nghiêm khắc ..Ông chủ nhà hét một tiếng là cả đám con răm rắp nghe theo. Đêm đến 8 giờ đóng cửa nội bất xuất, ngoại bất nhập, chong đèn lên cùng nhau học bài. Học nghiêm túc, không được nói chuyện cười đùa, hết giờ tắt đèn đi ngủ không được cà kê bàn luận gì thêm. Trong nhà, ông cắt đặt công việc cho từng thành viên chu đáo ( chỉ có tôi là ngọai lệ vì được hưởng qui chế “ Khách nước ngòai ” Ai kèm cặp trông nom ai đều được ông  phân công rõ ràng . Mỗi chiều  khi hết việc về đến nhà ông đều gọi đủ mặt  các con lại để kiểm điểm công việc đã làm , ông nghiêm khắc rầy la, quát tháo con cái khi có việc không vừa lòng …Trong nhà ông không sắm truyền hình, chỉ có chiếc radio, ông cũng chỉ cho sử dụng lúc có ông ở nhà ( mà ông thì chỉ mở nghe tin tức chiến sự hoặc nghe đài VOA, BBC ….Không văn nghệ văn gừng gì ráo ! ) Ông bảo làm vậy để bảo đảm thời giờ học tập cho các con ..

Trong suốt bảy năm trọ học nơi đây, mọi họat động của tôi, gia đình tôi đều nắm rất rõ . Hàng tuần ông chủ nhà  đều “ đạp ” xe đạp từ Vĩnh Long về Cầu Mới để từ đây thu thập tin tức hoặc thăm lom  ruộng vườn. Khi đi ông mặc áo bà ba trắng , đội mũ cối nhựa trắng, chân mang guốc vông đạp xe một quãng đường hơn 20 cây số, bao nhiêu đó cũng thấy ông còn khỏe như thế nào . Sau nầy lớn lên có nghề nghiệp ồn định , có vị thế ở xã hội , nhớ lại những ngày tháng “ khổ sở ”  ở trong gia đình ông , tôi thấy rõ  ông hà khắc thật Nhưng cũng nhờ cách sống hà khắc nầy suốt một quãng đời  tuổi trẻ , tôi đã tự rèn được mình trưởng thành mà không hay Tôi đã luyện cho mình kỹ năng sống quý báu để chuẩn bị vào đời.

Sau mấy năm ở trọ , tôi lớn và bắt đầu hiểu biết nhiều. Có những hôm vui , nội tôi đã “hé lộ ”nhiều chuyện vui về “ cuộc đời tình ái ” của ông chủ nhà cho tôi nghe …Vốn là con nhà khá gỉa , đuợc cho đi học tử tế, dáng dấp cao lớn dễ nhìn nên ông được nhiều cô gái nông thôn để ý, ngưỡng mộ . Thế là ông sợ có tội “người ta thương mình, mình không thương lại là có tội ”, ông đã đáp lại những tình cảm đó nhiệt tình .

Khi ông làm Hương sư trong làng thì đã có 2 đời vợ và nhiều con , nhưng các bà vẫn theo, trong đó phần lớn là các cô lỡ thì, góa chồng, trớ trêu cũng có những bà không còn mặn nồng với chồng nữa . Nghe kể, Ba tôi mới xen vào, làm như ông ấy có bùa yêu vậy !

Được nguồn thông tin “quý giá” tôi cười để bụng .Từ ấy tôi thường lén để ý nhiều hơn ông chủ nhà. Đúng là người có số đào hoa. Gần 70 tuổi rồi nhưng hình thể có lúc thấy còn rất ngon, cũng vai u thịt bắp tuy hơi nhăn nhúm vài chỗ, nhìn ông cho kỹ thấy có cái  gì đó là lạ không diễn tả được …Từ đấy, có hôm chủ nhật về nhà , nghe tôi chơi văn nghệ có hơi ba lăng nhăng với các chị các cô, ba tôi vừa cười vừa nghiêm túc nói với tôi : – Ở trên ông Sáu đi học, mầy học sách của ổng rồi đó ! Phải lo học hành !

Từ năm 1973, người trong nhà lo sinh kế thường đi vắng, người con trai lớn của ông đã đi nhận nhiệm sở ở Rạch Giá sau khi tốt nghiệp Sư Phạm VL.Bà thì ngoan đạo, hay đi chùa. Trưa vắng, chỉ có hai ông cháu nằm nói chuyện với nhau . Hôm đó đang nằm bên ông chợt nhớ chiều tối có đám liên hoan ở nhà bạn, nếu đi dự chắc khuya mới về . Nhà thì đóng cửa sớm , thế thì phải làm sao ?Trong đầu tôi lóe lên diệu kế, tôi ngồi dậy lân la bên ông thẽ thọt : – Hôm qua con có ghé chơi chỗ trọ của thằng Hiệp con ông Năm G, nó ở đậu nhà bà Mười M trong khu Xã Hội, nghe nói đến bà Mười ông như điện giật ( bà là người tình của ông một thời – tôi biết bởi nội tôi có nói về chuyện nầy, hồi ông còn ở Xuân Hiệp ) ,ông hỏi tôi tới tấp về bà Mười . Thấy cá “cắn câu ” tôi chậm rãi đến độ như vô tư nói về bà Mười . Câu chốt cuối cùng tôi tung ra là : Bà mười nói. Hồi chồng bà mới mất vài tháng , ông đeo bả không rời ( ý nầy do tôi nghe trực tiếp từ miệng bà hôm tôi ghé nhà thăm Hiệp ) ông đòi bỏ nhà theo bà.

Tự ái của ông gìa “ có một thời oanh liệt ” nổi lên , ông “hứ” một tiếng , trề môi, lồm cồm ngồi dậy kể tọat chuyện hồi đó của ông với bà cho tôi nghe ( còn sướng hơn nghe cải lương từ cái radio cà khẹt của ông ). Ông bảo rằng ông có nhiều bà lắm, bà Mười đã “theo” ông , ông dẫn dụ nhiều chuyện cho tôi thấy nhưng những chuyện đó, hồi ấy làm gì có tôi trên đời mà tôi biết ?! .Vui miệng , kèm theo chút tự hào , ông kể luôn cho tôi nghe những chuyến “giao lưu” tình cảm khác của ông .Cuối mỗi chuyện , như sợ tôi không tin , ông đều có “ghi chú”- Cái nầy không tin, hỏi ông nội mầy biết  ( làm sao mà không tin , chuyện nãy giờ ông nói nội và ba con đều có kể cho con nghe cả rồi “ sư phụ ”a!)

Nhìn mặt ông gìa tôi thấy như các cơ đã giản ra ,ánh mắt ông nhìn ra cửa xa xăm như để tưởng tiếc một điều gì …

Tối đêm đó , đi chơi về muộn, đến nhà đã hơn 11g , ông ra mở cửa cho tôi, không một lời phiền trách

  • Cây mận bên hè: Cạnh nhà tôi ở, cách bên kia con mương nhỏ là nhà của ông Thủ từ coi sóc nhà quàn của nghĩa trang. Vợ chồng già chỉ tập trung phần trước nhà cặp lộ để bán quán cà phê bình dân, phần vườn phía sau cặp với hong nhà tôi trọ ít được coi sóc, chỉ trồng một số cây ăn trái đã già cỗi. Sát cạnh bờ mương chỗ giáp với bên tôi có cây mận hồng đào do ông Thủ từ trồng hòi nào không biết, khi tôi đến đây ở thì cây mận đã cành lá xum xuê, tán lá phủ rộng một góc vườn, nhưng hơn một nữa đã che phủ nóc nhà tol thiếc bên phía tôi.
  • h2

Cây mận có trái quanh năm quả to và rất ngọt . Đôi khi vợ chồng ông Thủ từ xách rỗ ra vườn dùng cây hái vài ba chùm mận như để cho ai, đám con ông ít khi ở nhà , muốn ăn chúng cũng ra vườn leo lên hái vài ba chùm rồi tụt xuống vô nhà. Cây mận rất ngon nhưng không ai lưu tâm nhiều bởi đất Long Hồ khi ấy nhà nào cũng có trồng mận sau vườn vài ba cây chen với các loại cây ăn quả khác, ra khỏi Vĩnh Long nhìn vườn tược rất vui mắt, nỗi bật với các loại hoa là màu của mận trong các khu vườn, mận đỏ, mận trắng, mận xanh, cả mận da nguời…

Vì ít người ăn , ông Thủ từ cũng không bán chác gì nên khi đến mùa quả mận  chín cây đã rụng đầy cả gốc. Trên nóc nhà trọ của tôi, mỗi khi có gió mạnh kéo qua lại nghe tiếng mận rụng rơi “ lung tùng, xèng” suốt ngày. Mận lăn xuống nằm đầy máng xối. Vài hôm, ông chủ nhà lại phải sai con bắc ghế lên dọn dẹp mận thối và lá mục.

Sau một năm ở đây, tôi phát hiện được cách ăn mận gọn nhẹ không bị mang tiếng “ăn cắp” . Khi muốn ăn chỉ cần ra đầu hông nhà bắc ghế cao lên là có thể vói hái cả chùm mận. Nhưng bà chủ nhà vốn có đạo, cần mẫn tu hành nên cấm chúng tôi không được tự ý hái bẻ của ai.

Tôi rũ con trai nhỏ của ông chủ nhà, lúc ấy đâu chừng 10 tuổi, cùng đâm muối ớt , có khi làm mắm đường, đợi cả nhà đi vắng , bên kia nhà ông Thủ từ cũng đóng cửa sau , chúng tôi ra hè ,trèo lên cây cau mọc cặp với mái nhà cạnh đầu máng xối rồi bước chân nhè nhẹ sang mái nhà mình , khom khom cúi người chui vào lùm nhánh nhóc và các chùm mận đỏ ối. Chúng tôi nằm ngữa ra theo dốc mái nhà , đưa mắt quan sát xung quanh, thấy quả mận nào to, mượt thì chọn lấy, như lấy quà từ bàn ăn vậy. Ăn hết trái này chúng tôi lại dò tìm quà ngon khác. Cứ thế chúng tôi ung dung “ chén” đến chán thì thôi. Cây mận ngon , vị thế để ăn càng ngon khi xung quanh chúng tôi vô cùng kín đáo  và không có một con kiến hay côn trùng nào quấy rầy .  Xong việc chúng tôi theo con đường cũ rút lui . Có lần từ trên tụt xuống thì ông Thủ từ chẳng biết xuất hiện từ bao giờ dưới gốc cây .Nheo nheo đôi mắt hơi giận ông hỏi chúng tôi : Tụi bây leo bẻ mận của tao hả ?! Tôi nhanh nhẩu phân bua : – Mận sai quá , đứng dưới đất bẻ cũng được, cần gì leo trèo ông Bảy ! Tụi con thấy mận hư, lá mục rớt trên máng xối nhiều quá nên leo dọn dẹp . Gần mưa rồi ông Bảy ơi !

Nghe tôi nói có lý ( Không có lý sao được , mới hôm qua tôi thấy ông kéo cái máng xối cũ của nhà ra vườn sữa chữa mà) ông quay vô nhà nói như nhắc : Tưởng bây ăn thì lấy cây mà hái !

Và cứ thế mỗi lần muốn ăn mận chúng tôi lai dỡ ra sách cũ. Vài ba qủa mận phải chờ ông có dịp ra sau vườn , hoặc phải đi vòng phía trước nhà cặp lộ hỏi xin cũng phiền quá khi mận nó đổ đống trên nóc nhà nào có hiếm hoi gì .Ăn mận còn để dọn sạch mái nhà nữa.

Sau 7 năm ở trọ, cây mận bên vách nhà cũng theo tôi lớn dần , Sau 1975 tôi rời xóm trọ ,hôm cuối cùng trước khi xa nơi đây tôi đã hái  xuống chùm mận ngon nhất ăn hối hả bằng cảm giác ngon lành . Gần tết năm 1985 có dịp trở lai đây trong nhóm đi tảo mộ cho ông ngọai vợ ,định ghé thăm bà con của xóm nhưng không cò thời gian , tôi chỉ tranh thủ dừng xe lại đứng nhìn nền nhà xưa ngổn ngang gạch đá ( có  người sắp xây lên nhà mới tại đây )

Nhìn qua bên kia bờ mương , cây mận to hơn ngày xưa nhiều , gốc cây nứt nẻ mốc thếch, vô tư lắc lay cành lá trong nắng sớm .Không biết có phải nó đang vẩy chào người xưa trở về thăm lại  hay không ?

 

 

(Còn nữa )

 

NGUYỄN GƯƠNG

 

 

Có 5 bình luận về CHUYỆN VUI BUỒN Ở XÓM TRỌ   ( Phần  4  )

  1. Phạm Thị Trí nói:

    Nguyễn Gương , tôi thích lối hành văn chơn chất, mộc mạc của em , kể về đời sống chung quanh em thời niên thiếu, những kỷ niệm hằn vết trong tâm hồn em. Đọc bài của em , tôi hồi tưởng lại cái thành phố nhỏ ( bây giờ không nhỏ nữa ) mà tôi đã có duyên làm việc nơi đây, chỉ 2 năm lưu lại, tôi không có dịp tìm hiểu sâu về nơi chốn nầy…Cám ơn em đả viết, đã chia sẻ, rất mong được đọc thường xuyên  cây bút học trò N.G. dù bây giờ đã không còn là học trò!!! kể lại chuyện học trò !!

  2. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Kính thưa cô !

    Trước hết xin chân thành cảm ơn  nhận xét của cô .Em đến trang TPH cũng có những bài viết lãng mạn về tình yêu nhưng hình như em có duyên hơn với những chuyện cũ dứơi mái học đường .Rất dễ chịu khi cứ để ngòi bút tuôn chảy những câu chuyện  của ngày xưa đi học   bằng lời lẽ gần gũi đời sống hôm nay

    Xin cảm ơn cô và cố gắng viết tiếp . Kính

     

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cái chiện ông chủ nhà vui quá, bạn Nguyễn Gương. Mà sau này bạn có học sách của ổng không?

  4. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Xin chào chị Hạnh năm mới . Câu chị hỏi chẳng biết trả lời sao? chắc không học sách , nhưng cũng sợ “mưa lâu thấm đất ” quá .Hi hi. Xin cảm ơn chị .

     

  5. Chuyện xưa mà Nguyễn Gương kể lại đọc sao thấy hấp dẫn lạ lùng, hãy kể tiếp cho những người dân Vĩnh Long hoặc những người có chút duyên với Vĩnh Long được chia sẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác