Ngộ cố nhân của cô Ngọc Điệp

Ngày đăng: 26/01/2017 11:13:16 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

Nhận được tập thơ ” Dòng Thơ” của cô Ngọc Điệp từ năm 2014, tập thơ gồm 57 bài thơ mà cô đã làm từ 2003 đến 2014 với nhiều chủ đề.
Tập thơ được trình bày thật trang nhã và mỹ thuật, một màu tím nhẹ, màu mà cô yêu, phảng phất trong những trang thơ, những dòng thơ đọng đầy cảm xúc, được thực hiện để tặng những người thân quen, để coi như ” nhận một kỷ niệm để nhớ, để quên, để mộng mơ….”. Và tôi, một học trò cũ của cô, cảm động làm sao khi nhận được món quà này, món quà tình cảm mà cô đã dành cho tôi. Trong hai năm qua, tôi đã đọc tập thơ này nhiều lần và không khỏi ngưỡng mộ cô giáo dạy Việt văn của mình hơn nửa thế kỷ về trước.
Tôi xin phép cô được ghi lại bài thơ ” Ngộ cố nhân” để gởi đăng trên trang TPH-VL và thật vui khi được cô chấp thuận.
Ai đã từng là nhà giáo, chắc chắn sẽ cảm nhận thấm thía ý, tình của bài thơ và mắt không khỏi cay cay vì chân tình của cô dành cho những học sinh cũ của mình….Chúng em, học sinh cũ của cô, xin cám ơn cô thật nhiều.
Nhân dịp Xuân về, em xin thay mặt trang TPH-VL kính chúc cô KHANG AN, TRƯỜNG THỌ.
Lê-Thân Hồng-Khanh

0 co diep

NGỘ CỐ NHÂN

Tưởng chẳng bao giờ gặp lại nhau,

 Từ khi chia biệt, để thương sầu,

Hơn năm mươi bốn năm trôi mất,

Hội ngộ đành thôi, hẹn kiếp sau !

xx

Ngờ đâu nơi đất khách quê người,

Tái ngộ cố nhân buổi đẹp trời,

Thầy cũ, trò xưa mừng gặp lại,

Nhìn nhau chẳng nói được nên lời !

xx

 Rưng rưng ngấn lệ, mừng tương hội,

Tiếng gọi “Cô ơi !” thật ngọt ngào,

Trò cũ giờ đây, nhìn đã đổi,

Không như cô bé của năm nào!

xx

Mây về nhuộm tóc thêm sương tuyết,

Dáng dấp vợ hiền thật đảm đang,

Mừng các Em thành Bà Nội, Ngoại,

Bên Chồng, Con, Cháu sống bình an !

xx

Gặp lại cố nhân chỉ một lần,

Hân hoan như dự hội mừng Xuân,

Kể bao thương nhớ khi xa cách,

Cho bõ mai nầy biệt cố nhân !

Cô NGỌC-ĐIỆP

Nhân dịp gặp lại các học sinh GIA-LONG Niên khoá 58-59 & 59-60 Sydney, Thu 2014

Có 10 bình luận về Ngộ cố nhân của cô Ngọc Điệp

  1. Thưa cô,

    Thầy, Cô là những người lái đò đã đưa bao nhiêu thế hệ học trò qua sông mà không bao giờ nghĩ là có một ngày nào đó những người đã được qua sông và đã đến nơi chốn bình an sẽ tìm để gặp lại người lái đò.

    Em cũng như các em học sinh cũ của em phần lớn đều đã là những người lái đò nên khi đọc bài thơ “Ngộ cố nhân” của cô, tìm thấy tâm tư cũng như hình ảnh của mình trong đó. Em hy vọng tình cảm thày trò thắm thiết vẫn còn tiếp nối và giữ được trong những thế hệ trẻ tại Việt Nam sau này.

     

     

     

    • Em Hồng Khanh thân mến,

      Cô đồng cảm nghĩ với Em khi tiễn các Em học sinh cuả mình giã từ trường cũ. Mình

      giống như người lái đò đưa khách qua sông, không nghĩ có ngày gặp lại. Họ như chim

      không mỏi cánh, bay càng lúc càng xa. Họ như dòng nước trôi, không hứa trở về bến

      cũ!. Chợt có  một ngày không mong đợi , găp lại cố nhân sau mấy mươi năm xa

      cách. Người lái đò hân hoan đón mừng người cũ thật trân quí cuộc hội ngộ nầy nhưng

      chợt thoáng buồn khi nghĩ ngày mai lại phải chia xa.! Chắc Em cũng cùng tâm trạng nầy?

  2. Phạm thị Trí nói:

    Cô ơi ..Em đọc thơ cô mà đúng như H.K nói…Thấy mắt mình cay cay !
    Cô đã nói hộ em tình cảm của người thầy khi gặp lại những đứa học trò nhỏ của mình ngày nào…Bây giờ tóc thầy cô bạc , tóc trò cũng muối tiêu, nhưng ông thời gian đành phải mĩm cười chia vui trước tình cảm thầy trò hội ngộ há cô. Chúc cô sức khỏe an khang.

    Trò Phạm thị Trí kính thăm.

    • Em  Trí thân mến,

      Em dễ cảm xúc lắm phải không? Mới đọc bài thơ mà mắt đã cay cay.! Chắc là lệ vui

      mừng hội ngô giữa thầy trò sau bao nhiêu năm xa cách? Nghiệp làm thầy không phải

      là nghề bạc phải không Em?

      Thăm Em,

       

       

       

       

  3. Hoành Châu nói:

    Kính Cô Ngọc Điệp ,
    Bài viết thật  cảm động  và cũng rất thực tế ,,,, bộc bạch nỗi lòng người  Thầy  qua năm tháng  ,,,,Chúc Cô  luôn có  nhiều niềm vui trong cuộc sống !
    ,,,”Năm bốn năm trời   (54 )hội ngộ vui
    Mừng sao chẩng nói được nên lời

    Bài thơ thấm đậm trò thương cũ
    Giờ  tóc pha sương  nhớ  một thời ?”                    Hoành Châu (Gia đình C  )

     

    • Hoành Châu thân mến,Cám ơn Em đã đọc bài thơ Ngộ cố nhân cuả Cô , đã phản hồi

      và tang mấy câu thơ. Cô vui góp lời gửi lại Em, hoạ vận 4 câu thơ cuả Em.

      Thầy Trò tái ngộ thật là vui,

      Giây phút nhìn nhau lời nối lời,

      Nỗi nhớ đã dài theo năm, tháng,

      Nhuộm trắng tóc xanh cuả một thời!

      Thăm Em,

      • Hoành Châu nói:

        Bốn  câu HỌA  của Cô hay   tuyệt ,,, cảm ơn Cô nhiều .
        Cô kính ,
        Nếu Cô khỏe , em mời Cô HỌA  bài” EM VẪN NHỚ ” của em   đi Cô !  Ăn Tết vui Cô nhé        . Em Hoành Châu (Gia đình C  )

        • Hoành Châu thân mến,

          Câu thấy vui nên hoạ vận liền 4 câu thơ Em viết tặng Cô sau khi đọc baì thơ Ngộ Cố nhân. Cô viết liền lúc quá bận lo tết, chẳng để ý về niêm luật , đừng cười Cô nhé.

          Em đề nghị Cô hoạ bài thơ Em viết ” Em vẫn nhớ” Cô mới đọc hôm nay vì 3 ngày Tết bận quá không mở email để coi. Bài thơ Em viết theo Đường luật, khó viết cho nhanh. Nễ tình Em, Cô viết thử để Em đọc cho vui. Cô già rồi, chữ nghĩa bay mất, đừng cười Cô, cũng đừng giao việc khó Em nhé.

          Cô họa vận bài thơ “EM VẪN NHỚ ” như sau:

          Đã nghĩ tình Xuân mãi đậm đà,

          Hết rồi, ngày, tháng chẳng phôi pha!

          Sắc tươi ,tìm lại trong niềm nhớ,

          Màu thắm, thương hoài một kiếp hoa!

          Chinh phụ, khóc thầm, thương con trẻ,

          Chiến binh, chua xót phận người cha.

          Cũ như bao cảnh đời oan nghiệt,

          CÒN CÓ BAO GIỜ EM NHỚ TA?

  4. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thưa Cô Ngọc Điệp và Cô Hồng Khanh,

    Đúng là ” Cô trò hoà thơ nhạc, thấy vui sao !”

    Kính chúc Quý Cô giữ mãi tình tri kỷ ” Cô cũng THƠ mà trò cũng THƠ “

    • Em Hạnh thân mến,

      Cám ơn Em đã đọc bài thơ cuả Cô. Cô Trò chúng tôi thân nhau và đã rất vui khi gặp

      lại sau năm mươi bốn năm xa cách. Hiện giờ chúng tôi ở cách nhau rất xa. Đôi lúc chúng

      tôi cũng vui khi trao dổi thơ văn, mong nối liền quãng cách. Thăm Em

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác