Chuyện Gà Năm Cũ (2)

Ngày đăng: 24/01/2017 10:49:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

Ông Phan Văn Sung là con út của ông Phan Văn Chất, là một trong năm anh em từng thoát khỏi âm mưu đầu độc. Nhờ trời cao tráo đổi số mệnh người phải nhận lãnh hỗn hợp thạch tín kịch độc trong nồi cháo gà năm xưa. Tuy chuyện qua lâu, mọi người không có tổn hại gì để giữ lòng oán hận.  Nhưng ấn tượng sâu đậm của những gì xảy ra trong ký ức, thì không dễ xoá sạch. Ông cố được xem như chi thứ 2 cùa chi họ Phan bắt đầu từ nhánh Mỹ Thạnh Trung và là ông Cố của tiểu tử Một Lúa.

Thời ông út được dân địa phương xem như phú hào mới nổi trong vùng, thì người cha tài đức một đời gà trống nuôi dạy trưởng thành và tạo cơ nghiệp cho bầy con, đã ra đi vĩnh viễn.  Theo thói quen của người miền nam, người con đầu lòng gọi là thứ Hai, thì con thứ năm trong gia đình được mọi người gọi là ông Sáu. Ông Cố thừa hưởng kinh nghiệm và tiền bạc gia sản của cha. Từ nhỏ, ông được dạy dỗ tinh thông  Hán văn song song với Tây học, cũng như được thân phụ truyền thụ kỹ năng y học. Ông trưởng thành ngay vào lúc người Pháp chiếm Nam Kỳ lập nền đô hộ, họ áp dụng kỷ thuật để mở mang giao thông, xây dựng thành thị và phát triển hạ tầng cơ sở từ bắc chí nam. Ông Cố sẵn tiền bạc, có ngoại ngữ và uy tín trong giới khá giả, vì thế dễ dàng nắm bắt thời cơ. Lợi dụng chính sách ưu đãi cho người khẩn hoang lập ấp, ông Cố chi trả cho chính phủ thuộc địa một số tiền lớn bằng những nén bạc “Con Cò” của người Pháp phát hành thời đó. Ông Cố sở hữu đất đai mênh mông còn đánh dấu hoang hoá trên bản đồ, cách xa khu vực khai phá thuần thuộc. Bạc con cò là nói theo truyền thuyết dòng họ, chứ thật sự không được giải thích là nén bạc đó trắng phau như màu lông cò hay là có hình con cò trên đó, cũng như thời giá của nó.

Hợp pháp chủ quyền đất đai xong, ông cố Phan Văn Sung dốc toàn lực mở mang ruộng đất như vết dầu loang theo mốc ghi chú trong bản đồ. Ông dùng lúa làm ra lúa, cấp phát trâu bò làm sức kéo và phát lúa ăn cho người phá vỡ đất hoang trong ba năm đầu tiên. Sau khi thành khoảnh, mới thâu tô 2 giạ lúa mỗi năm trên một đầu công ruộng và chiết ra một phần nhỏ để nạp thuế cho triều đình nhà Nguyễn lúc đó bị người Pháp lấn lướt, trở nên rất yếu kém về chính trị. Đất ruộng của ông bắt đầu từ khoảng Cái Bần chạy đến Khu Trù Mật Cái Sơn hiện tại.

Vùng đất Cái Bần sâu trũng thời mới bồi bổ lập địa, nơi được phù sa và cây lá rả mục tích tụ lâu đời hình thành hổn hợp phân hữu cơ rất mầu mỡ trên bề dầy mặt đất. Ông Cố khẩn hoang vừa xong thì người Pháp cũng dùng xáng cơ khí múc kênh phối hợp với sông rạch trời sanh dẫn thuỷ nhập điền và xây dựng mô hình trên là lộ dưới là kênh thông thương như con lộ từ cua Ông Đốc chạy thẳng tới kênh Chà Và quẹo ra Ba Càng. Là một khu quanh năm  úng thuỷ nê địa, Cái Bần trở nên vùng ruộng lúa tốt tươi được xả phèn nhờ hai luồng nước mạnh từ nguồn Tiền Giang theo sông Cái Ngang chảy qua và nguồn Hậu Giang theo sông Tổng Hưng đổ lại. Đất đai tươi tốt, lòng người thiện lương thuận thảo đã giúp ông Cố giàu nhanh không ngờ. Những năm 1930, cả thế giới chìm sâu trong cơn đại khủng hoảng kinh tế, giá lúa hạ thấp đến mức có thể rẻ hơn là mướn người đổ bỏ, vậy mà ông Cố không hề suy suyển. Thời đó mà ông sắm cày máy, xe đò chạy Tam Bình- Sài Gòn, cho con cháu đi học ở Sài Gòn, Hà Nội và ngay cả du học Pháp quốc. Vương quốc ruộng lúa của ông bắt đầu suy tàn từ năm 1945, nhưng chưa hề nghe ai nổi lên trả thù như địa hào ác bá.

Có một năm mùa màng thuận lợi, ruộng lúa tốt hơn hẳn những cánh đồng khác. Năm đó những người thợ gặt khám phá giữa cánh đồng bao la có một sọ đầu và số xương thân người. Quản lý cho người về trình báo, ông Cố từ Mỹ Thạnh Trung lên tận nơi xem xét và nghi vấn là di hài của một bé trai. Ông Cố nêu ra giả thuyết đứa bé đó đi lạc vào giang đồng lúc lá lúa cao khỏi đầu và đi mãi không biết đường ra cho đến khi kiệt lực. Ông Cố sai người mời làng xã chứng kiến rồi thiêu đốt hài cốt, chỉ giữ lại chiếc sọ và tro cốt đặt vào một chậu sành, mang vào lẫm lúa tại kinh Nhà Ngói chờ thân nhân đến nhận. Ông căn dặn những người ngủ giữ lúa phải thắp nhang hàng đêm. Lẫm lúa dùng làm kho tạm  giữa đồng được ông cố dựng bằng gỗ kiên cố, mái lợp ngói trên bờ con kinh từ Cái Bần chảy xốc về hướng Khu trù mật Cái Sơn, từ đó mà nó chết danh là kinh Nhà Ngói đến hôm nay. Sau mùa vụ, người quản lý rút quân khỏi lẫm lúa về Mỹ Thạnh Trung, ông ta bỏ quên chậu sành chứa chiếc sọ trong một góc của gian lẫm lúa trống trơn.

Mấy ngày sau, bỗng nhiên có một người làm trong nhà đạp đồng xưng là “Thằng Sọ”, người đó đến quỳ trước mặt ông Cố khóc than “ông Cố cho con về đây ở gần ông, đừng để lũ chuột bọ phá hài cốt của con. Thằng Sọ hứa theo giúp ông”. Sau khi được ông Cố mang về thờ phượng, bỗng nhiên một ngày, linh hồn bé nhỏ đó nhập vào một người làm của ông Cố, hắn chỉ ra một vụ án bắt ngụi một tên trộm trong vùng Mỹ Thạnh Trung. Thằng Sọ “sống” dưới trướng ông Cố mỗi ngày mỗi phát huy lợi hại. Nó từng giúp bà con thôn ấp tìm lại những món đồ mất trộm dấu trong vườn hoang hay chòi đồng vô chủ. Tiếng tăm linh ứng của thằng Sọ vang xa, nên đôi khi người từ những thôn lân cận đến nhờ ông Cố cho mượn hồn thằng Sọ nhập vào xác phàm để chỉ chỗ tìm được đồ trộm. Ông Cố xét thấy những vụ cần thiết mới khấn thằng Sọ, chứ không lạm dụng hao tổn thần lực của thằng Sọ và nguyên thần của người nhận làm xác đồng. Cũng một lần trước khi ra khỏi nhà để làm công tác trừ gian. Thằng Sọ lạy ông Cố, qua miệng người đồng nó khóc nói rằng chuyến nầy chắc là duyên phận ông cháu ta đã tuyệt. Ông Cố dần dừ, định đổi ý không cho đi. Người đàn bà đến nhờ sụp xuống lạy ông. “Ông Cố ơi, chồng con bị người ta đổ oan trộm nữ trang của bà chủ, quan làng xét thấy một chiếc bông vàng trong bao quần áo của chồng con. Nếu con không tìm ra thủ phạm cho nhanh, thì làng sẽ giải chồng con lên cấp trên để bỏ tù”. Ông Cố thấy hoàn cảnh tình ngay lý gian của chồng người đàn bà đó nên không nỡ chối từ, vì vậy ông cho người theo hộ tống xác đồng để bảo vệ thằng Sọ. Lần đó xác đồng vào nhà một người đàn bà đang nằm giường cữ để chỉ tang vật mà chồng bà ấy lấy trộm. Bà ta biết ông chồng sẽ ra quan làng tù tội nếu thằng đồng cốt nghe nói rất linh ứng đó chỉ  đúng chỗ chôn dấu vàng bạc ăn trộm ngay tại chân giường bà nằm. Thế nên bà vừa sợ mất trắng của quá lớn vừa lấy được vừa lo tù tội, mà nổi máu điên, bà dùng chiếc quần dơ mới thay ra trùm lên đầu xác đồng. Ngay lúc đó, hồn phách thằng Sọ đã biến khỏi trần gian. Cũng là lần đầu, xác đồng thằng Sọ thất bại trong việc truy tìm tang vật.

Ông Cố có 3 bà cố được ông cưới hỏi và lần lượt rước về sống chung trên thuận dưới hoà, các bà Cố hạ sanh và nuôi trưởng thành tổng cộng được 10 người con. Ông không phân biệt dòng lớn nhỏ, cứ người con nào ra đời thì gọi tên thứ đếm tới liên tục, tất cả được xem và chăm sóc như nhau trong bất cứ quyền lợi và thừa kế. Chi họ tương đối  lớn và có nhiều câu chuyện riêng, mà con cháu đời sau được các tiền bối kể lại trong các giỗ chạp để ghi nhớ như một lời dặn dò là người một nhà là phải thương yêu giúp đở lẫn nhau. Ngăn ngừa việc thêm mắm dặm muối gây xào xáo chia rẽ gia đình, âm ỉ nhiều mối hoạ đa phần là do ích kỷ hay tranh chấp.
Chuyện kể thế này, thời mà có những phú hộ đối xử gắt hiểm với dâu con và gia nhân  giúp việc, bóc lột tá điền, câu kết cường quyền đoạt của ép tình, hà hiếp dân nghèo…  Có cô dâu mới cưới của một nhà giàu nổi tiếng, hôm đó cô được giao nhiệm vụ mổ gà để luộc cho mâm cúng kiến tại nhà ba má chồng. Trong lúc làm gan mề và cạo ruột cho đủ bộ  theo như yêu cầu hình thức của con gà luộc cúng. Cô dâu nầy sơ ý bị những con cá nuôi dưới ao giựt bộ lòng gà lặn mất. Cô dâu quơ chân tìm, nhưng ao to  nước sâu và bầy cá to quợn nước tranh mồi xa khỏi cầu ao, cô biết rằng rất khó mà tìm lại bộ lòng gà. Cô ngồi thừ, lo lắng nghĩ tới việc mâm gà luộc cúng mà thiếu bộ lòng. Rồi cô sẽ bị ba má chồng chửi là đồ dâu hư, rồi những chị dâu và chị em chồng xúm lại chê cười. Cô hốt hoảng bật khóc nức nở khi thấy người chị dâu thứ Hai từ trong nhà bước ra.

– Chuyện gì vậy thím, bộ em bị đứt tay hả. Em bỏ con gà đó cho chị, nắm chặt vết thương đi ngay vô nhà kêu tụi nó dùng rượu cồn rửa sát trùng, xức thuốc băng bó nhanh lên. Ở đây chàng ràng máu ra nhiều, má rầy luôn tới chị.

– Không phải như vậy chị ơi! Em sơ ý để cá lôi mất bộ lòng gà, phải làm sao đây chị Hai?

– Thấy em khóc, chị cũng hết hồn. Ối, tưởng gì, nhà mình nuôi gà bầy mà lo gì, con gà có tật bị thiếu bộ lòng thì cho người ăn kẻ ở họ luộc phi tang. Chị kêu người bắt con gà khác mồng mỏ đẹp hơn. Từ rày về sau, em cẩn thận bầy cá nuôi dưới mương dạn lắm. Phải múc nước lên thau để rửa thịt, em mà sơ sẩy như bữa nay, bầy cá giựt luôn thịt heo em cầm trên tay. Lỗi nầy là chị không chỉ cho em.

(Còn tiếp)

Một Lúa

0 02H

Có 10 bình luận về Chuyện Gà Năm Cũ (2)

  1. Đọc đến đoạn 2 bài viết của Một Lúa đã thấy hứa hẹn một câu truyện thật hay, hy vọng lần này Một Lúa sẽ không bắt bạn đọc ngóng đợi, mong chờ rồi đột nhiên biến mất trong khi câu truyện chưa đến hồi kết thúc. Hãy tiếp tục đoạn 3, đoạn 4, đoạn 5, 6, 7, 8, 9, 10 v…v..và v…v…mọi người đã sẵn sàng để đón đọc bài viết của Một Lúa.

    • Một Lúa nói:

      Dạ, em chào và cảm ơn cô!

      Chuyện như từng mảng nhỏ kết lại. Không có khiếu thẩm mỹ, vì vậy  khó mà liên kết hài hoà. Muốn đẹp như áo Đường tăng thì khó, chứ xấu vá đùm vá đụp như diu-ni-fom của đệ tử Hồng Thất Công thì hơi bị dễ. Nhưng miễn cần cù như cô nói thì được vớt, phải không cô và các tỷ huynh và các bạn?

  2. Phạm Thị Trí nói:

    Các cháu của em có may mắn được ông kể chuyện đời xưa cho nghe?  cô… còn mê đọc chuyện dài của em…Chắc em cho mọi người…ngày mồng một, vừa uống trà ăn mứt vừa đọc đoạn cuối hả Dien Nguyen ?

    • Một Lúa nói:

      Chào cô,

      Nghe cô nói việc kể chuyện, em chợt nhớ bx cứ phê bình: Viết như gà mổ thóc, kể lại những gì mới viết ra mà cà rịch cà tàng, cà lăm cà giựt. hihihi

  3. My Nguyen nói:

    Một câu chuyện thật thú vị, hấp dẫn từ đầu. Nếu phần 1 kết thúc bằng việc làm của người kế mẫu ác tâm thì phần 2 lại dừng ở chỗ một người chị em bạn dâu tốt bụng. Câu chuyện có vẻ còn dài. Chắc sẽ vừa nhâm nhi trà bánh mấy ngày xuân, vừa đọc chuyện của anh Một Lúa.

    Cảm ơn anh và chúc anh cùng gia đình hưởng một mùa xuân an lành, hạnh phúc…

     

  4. Phan Lương nói:

    Anh Lúa ui

    Chuyện anh kể hấp dẫn quá đi à

    Mà chuyện ” thằng Sọ ” lên đồng linh thiêng là có thật hả anh ?Rùi bà chị dâu thứ hai của cô gái đó có tốt thật không anh ?Sao em nghi ngờ sắp có chuyện gì không tốt xảy ra cho cô gái

  5. Một Lúa nói:

    Chào bạn trẻ ấp Tư!

    Hỏi người bạn ở Bằng Tăng, có thể người đó có nghe  chuyện “Thằng Sọ”. Nếu chưa nghe thì kêu bạn ấy hỏi lại chú Tư của tui. Ông ấy là một ít trưởng bối còn mạnh giỏi mà biết nhiều về gia phả dòng tộc.

    Chúc bạn trẻ vui vẻ mạnh phẻ,  tiền vô nhỏ nhẻ lẻ tẻ suốt năm con gà tre…trẻ, nhé nhé!

  6. Võ Thị Lài nói:

    Câu chuyện phần hai lại càng hấp dẫn hơn, hồi nhõ em cũng nghe Bà Nội nói về Cái Bần ,Cái Lá ,..v..v.. và có nghe nói xóm nhà ngói.Ngày xưa nghe kể không quan tâm,bây giờ nghe anh kễ  mới biết rỏ hơn. Chuyện thằng Sọ nghe tâm linh ,nhưng ngày nay cũng có nhiều chuyện gần giống như thế và em đã chứng kiến . Chúc anh Một Lúa nhiều sức khỏe, gia đình an khang thịnh vượng .

  7. Một Lúa nói:

    Cảm ơn bạn Lài Võ,

    Có “xóm Nhà Giàu”  (bây giờ là ấp 5 Mỹ Lộc?) và kinh Nhà Ngói (Cái Bần)

    Chuyện “Thằng Sọ” có thiệt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác