Những ngày hè nơi quê ngoại (2)

Ngày đăng: 19/09/2016 11:47:31 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Ngày giỗ mẹ của Tám Lớ năm nay bị giảm bớt khách mời.  Không khí tại căn bếp của nhà hắn có vẻ yên tỉnh so với những năm trước. Phe nữ và con cháu ngồi tròn một bàn và không thích chộp hình. Bàn tiệc cánh đàn ông chỉ có 6 ngoe, cốt cán chủ xị  là anh Bảy Hiệp ngồi tiếp chiêu  và thằng em kế kèo chạy tới lui phục vụ lăng xăng. Lộ quân miền nam với lực lượng là con và rể của cậu Bảy ở Maryland, gồm Tư Cao, Bảy Nhứt và Tám Sáng. Còn một người khách tại địa phương là anh Tư Chói là sui gia của chị Năm Ánh, bà chị của tụi tui  đang về Tam Bình hơn 3 tuần và sẽ trở qua trong tuần tới. Con và dâu của chị Ánh là vợ chồng Lâm sáng nay đi thăm người bạn nằm ở bệnh viện thành phố. Thằng Cường, rể của chị Năm Ánh sáng nay có việc phải đến trể. Nó bước vào nhà  mang theo cái ồn ào thường khi. Chào hỏi và bắt tay mọi người, nó không thấy thằng anh vợ Lâm, thằng Cường tằng hắng tạo chú ý:

– Con không cần hỏi, thằng Cường cũng biết anh chị Hai Lâm đi thăm bạn thân của chị hai rồi. Bác Tư và mấy cậu chắc đã nghe chuyện tai nạn trong hãng vợ con làm sáng nay. Bạn của chị hai trong group sáng vô thay cho ca khuya, vợ con lúc đi ra còn chào hỏi nó. Mới mấy tiếng đồng hồ mà từ chỗ mạnh cùi cụi chuyển qua hôn mê không biết gì nữa. Con chỉ muốn nói đời là vô thường, không phải người già mới chết.

– Hồi nảy, thằng Lâm gọi phone cho cậu để báo lý do đến trể. Nó nghẹn ngào không nói được tròn câu, tao hốt hoảng khuyên nó bình tỉnh và nói rõ chuyện gì. Dù không quen thân, nhưng là người Việt với nhau, mình nghe tin không may của cô đó cũng cảm thấy đau xót.

– Anh Tư có ý kiến với mấy em và cháu Cường. Coi như tự nảy giờ mình đã dành ít nhiều thương cảm cho người thọ nạn, mình tạm ngưng chuyện đó lại. Đợi hai đứa đi thăm về nói rõ xem còn hy vọng gì không. Bây giờ anh xin phép mời tất cả nâng ly, vui trong ngày kỷ niệm của mẹ Bảy Hiệp và Tám Lớ, người mà anh quen miệng gọi bằng cô từ lúc anh còn ở Tam Bình.

Thằng Cường chuyển tông rất nhanh, cái miệng oang oang đủ thứ chuyện tập tàng của nó. Thuở 15-16, nó và người anh lớn theo chân bộ đội sang Cam-pu-chia. Ai đánh đấm chiến tranh mặc kệ,  anh em nó làm đủ thứ nghề để sống mà tìm đường vượt biên. Dĩ nhiên nó học không cao trong văn hoá Việt. Nhưng cách nói chuyện thẳng thắng và tư chất tiếu lâm, vô tư pha trộn từ ngữ giang hồ đường phố. Coi vậy mà chuyện ba sàm của nó rất thu hút đám khán thính sàn sàn như tụi tui trong những cảnh ăn nhậu thế nầy. Đang cao hứng kể  chuyện, thằng Cường nhìn Bảy Nhứt trân trân, rồi đột nhiên nó trâm một tràng tiếng Cam-bô-đia dòn dã. Bảy Nhứt trợn mắt ngó nó, hai tay sửa gọng kiếng, hắn ồ một tiếng rồi trả lời rốp rốp. Tụi tui ngạc nhiên nhìn hai thằng Việt Nam 100% nói chuyện với nhau bằng tiếng ngoại quốc.
Không còn kiên nhẫn, Tám Lớ tui lên tiếng  cắt ngang:

– Hai cha quen biết hồi nào mà tại sao phải nói chuyện bằng ngoại ngữ không vậy?

– Anh cho phép em trả lời vòng vo một chút. Ba má em là người Cần Thơ, ông bà sang Phnom  Penh lập nghiệp khi chưa sanh ra em. Những năm 1969-70, người Việt sống bên Cam-pu-chia bị ám sát chết nhiều lắm, anh em tụi tui và cả ngàn người khác phải vô nhà thờ ở Phnom Penh  lánh nạn. Năm 1970, lúc đó ba má em đã mất 4-5 rồi. Năm anh tụi tui xuống tàu Hải quân VNCH theo dòng Mekong về Long Xuyên, lên trại ở tạm để  làm giấy tờ rồi đi xe về Cần Thơ. Năm 1981 tui trở lại Phnom Penh tìm người thân. Tình cờ gặp anh em của thằng Cường ở đó sống bụi tìm đường dây chui qua biên giới Thái Lan. Công việc ai nấy lo, đường ai nấy đi. Tưởng rằng đời nầy không thể nào gặp lại. Nào ngờ hai thằng không thân không thuộc, cuối cùng là em rể và cháu rể của anh Tám Lớ. 35 năm thay hình đổi dạng già chác mà nó còn nhận được. Lúc đầu, thằng Cường cũng ngờ ngợ nhớ chưa ra, nó phải nói tiếng Miên để chắc chắn không lầm. Chứ thật ra không có gì bí mật cả. Trái đất tròn, hễ có duyên thì cũng gặp lại.

– Mừng cho hai ông Việt Nam quen nhau ở Ca-pu-chia rồi tái ngộ ở Mỹ, xin mời anh em cùng nâng ly.

– Hồi nảy em nghe anh Tám Lớ kể chuyện đốt cỏ cháy rần rần, em nóng ruột chờ xem có gì xảy ra, anh kể tiếp đi.

Anh Bảy Hiệp quay qua vỗ vai Bảy Nhứt:

– Dượng Bảy có giả mù sa mưa không. Ba vợ dượng có việc gì thì giờ nầy dượng đâu có bà con với tụi nầy.

– Hồi em đi tăng cường cho xưỡng cơ khí của nông trường Kinh 5 ở vùng Chương Thiện giáp ranh Rạch Giá, em có nghe người ta nói vụ đốt cỏ khô cũng nguy hiểm lắm. Em chỉ muốn hỏi ba và anh Tám Lớ có chạy sút guốc không.

Tám Sáng xoay xoay cái lon nước ngọt vừa bóp kêu lắc rắc:

– Em biết anh Tám lựa chỗ ngưng để tạo cảm giác kích thích cho tình huống kế tiếp.

– Anh Tư có ý kiến, anh em mình thong thả cho Tám Lớ uống cạn cái chai trước mặt rồi kể cho mình nghe. Tui cũng dân vườn, tui nghi phải có vụ gì đây.

– Dà, kể tới đó vừa đủ cho tập một, rồi nghỉ xả hơi một lát, chứ em đâu có âm mưu gì đâu.  Em xin kể tiếp: Em theo hướng cậu Bảy chỉ mà chạy trước. Trong rừng cỏ có chỗ cao khỏi đầu em và có nhiều lối mòn quanh quẹo. Một tay đưa lên đở mặt, em chạy luồng như con chuột. Sau lưng nghe tiếng la của cậu Bảy ơi ới lẫn trong tiếng lửa hù reo và tiếng lóc bóc của hàng muôn ngàn thân cỏ lông nổ vang vang. Chắc cũng không lâu lắm, tới chừng ngửi được mùi nồng nồng cay cay trong gió thì thấy lửa khói ùn ùn phía bên phải xa xa cháy lấn dần qua. Em đứng lại quay ra sau thì cậu cũng vừa chạy tới. Cậu vói lấy chai dầu và đặt xuống cùng với hai món dụng cụ của cậu trên lối mòn, lưỡi rựa chỉ thẳng theo hướng định trước hồi nảy. Cậu quay nhìn bốn phía, em thấy đâu đâu cũng lửa khói. Tiếng của cậu hơi lạc giọng: “Cậu cháu mình bị lửa vây tứ phía, lửa dồn mình lại như dậm cù. Cậu không ngờ gió thổi vận tròn nhiều hướng và cỏ cháy quá nhanh. Con đừng sợ nghen, cậu không bao giờ bỏ con.  Bây giờ con đứng im một chỗ tại đây cho cậu nhìn thấy, cậu chạy đằng kia đốt lửa giữa ruột đám cỏ nầy rồi trở lại cõng con, con nhớ đừng đụng cây rựa”.

Cái lon nhôm trong tay Tám Sáng đã hoàn toàn biến dạng, nó chưa chịu liệng vô thùng dành riêng cho loại rác tái sinh.

– Em biết ngay mà, thế nào cũng có huyền cơ trong vụ đốt cỏ. Chứ việc đâu bình thường phải không anh Tám Lớ.

Anh Tư Chói  trả lời thay cho Tám Lớ đang tranh thủ với chai bia:

– Ba má anh Tư ở Tam Bình không có đất nhiều như ông bà bác. Nhưng anh biết việc đốt cỏ trên miếng đất quá lớn như thế đó sẽ tạo áp suất đột biến. Ngọn lửa cháy mạnh sẽ đẩy không khí bốc lên cao, tạo một vùng trống gần mặt đất. Không khí chung quanh ùa lại để lấp khoảng trống. Hiện tượng vật lý tạm gọi là nhân tạo làm cho không khí di chuyển, hay còn gọi là gió. Công thức “bốc cao-ùa lại” liên tục  nầy thường thấy trong các vụ cháy nhà và gió làm lây lan khủng khiếp. Vì vậy mà cậu Bảy và Tám Lớ bị gió đổi chiều cháy lan bãi cỏ khô ngoài tầm kiểm soát.

Tư Cao lúc đó mới chịu lên tiếng:

– Em có nghe ba kể sơ sơ vụ đốt cỏ lần đó, em không chú ý lắm. Bây giờ anh Tám Lớ kể lại chi tiết, nghe cũng hơi đã đã.

Anh Tư Chói tiếp lời:
– Mình tạm ngưng vụ đốt cỏ ngay tại đây, để Tám Lớ thở không khí trong lành một chút. Sẵn đây anh cũng muốn hỏi các em, ai biết điền sản của ông bà bác ở Ngã Bảy là do thừa hưởng hay do công sức cần cù.

– Thằng Cường xin lỗi bác Tư và mấy cậu, con nghe cải lương hay nói mấy ông điền chủ và hội đồng giàu có hồi xưa ác lắm. Vậy ông cố ngoại của con thì sao?

– Hihi, hai câu hỏi nầy hay lắm, uống cạn chai nầy trước, để lấy khí thế.

Một Lúa

0-ml-1Bảy Nhứt và Cường, hai người Việt không hề quen trước. Họ tình cờ gặp nhau tại Phnom Penh năm 1981 rồi không còn liên lạc. Sau 35 năm, hai người tái ngộ tại nhà Tám Lớ trong vai em và cháu rể, con cái của họ đã trưởng thành. Cả hai đều có việc làm ổn định, rảnh rổi đi ăn nhậu lai rai.

0-ml-2Cháu của Tám Lớ
0-ml-3Người chỉ thấy chiếc mủi là anh Tư Chói, kế đó là Tám Sáng, Tư Cao, Bảy Nhứt, Bảy Hiệp.

0-ml-4Tư Cao và Lâm
0-ml-5Anh Tư Chói (đeo kiếng)  và Tám Sáng

 

Có 2 bình luận về Những ngày hè nơi quê ngoại (2)

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Anh Tư Chói ( con Bác Năm ) tui có nhậu ” lên bờ xuống ruộng” với anh những dịp về quê mình. Nay thấy hình vẫn còn phong độ, nhưng hỏng biết Một Lúa chộp hồi nào, tui chỉ mong anh Tư còn phong độ mãi mãi. Cho tui gởi lời thăm anh Tư.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác