Áo trắng sân trường- Phần 2

Ngày đăng: 12/08/2016 10:12:20 Chiều/ ý kiến phản hồi (15)

2- TỐNG PHƯỚC HIỆP

Tôi ôm chặt chiếc cặp trước ngực, đi theo thày giám thị đến lớp mới trong trường Tống Phước Hiệp ( cái tên tôi mới nghe lần đầu, lạ lạ nhưng hay hay ).Tống Phước Hiệp là trường công lập của tỉnh, gồm cả nam và nữ sinh nên bây giờ cả ba anh chị em tôi đều học chung trường .

Mới lên Trung học được nửa năm mà phải chuyển trường nên tôi lo lắng lắm; bỗng thày bảo tôi:” Nhà trường cho lớp Đệ Thất mặc áo cánh, thứ hai con không phải mặc áo dài nữa” .Không biết tôi nên vui hay nên buồn! Cái cổ áo dài nãy giờ làm tôi khó chịu lắm! Nhưng nếu mặc áo ngắn lại khổ cho mẹ tôi.

Các bạn trong lớp tò mò nhìn khi thấy tôi mặc áo dài theo thày vào lớp, đến giờ ra chơi hai bạn bên cạnh đã nói huyên thuyên về đủ thứ chuyện với tôi.

Về đến nhà, tôi nói ngay với mẹ về đồng phục của lớp Đệ Thất ở đây. Cả ngày Chủ Nhật mẹ may gấp cho tôi cái áo để kịp đi học ngày hôm sau. Lúc thử áo mẹ tôi ngắm đi ngắm lại rồi tặc lưỡi, mẹ tôi rầu lắm, bà lo cho việc học của các con khi về đây nhưng lương công chức không đủ để gia đình chia làm hai nơi. Dù rằng trước khi xuống Vĩnh Long, chú tôi ( một giáo sư đã từng dạy nhiều tỉnh thành trong nước ) đã trấn an ba mẹ tôi: “Anh chị yên tâm, học sinh tỉnh lẻ cũng giỏi lắm, chúng chỉ thua Sài Gòn môn ngoại ngữ một chút thôi ”

Mấy ngày sau bọn tôi dường như đã rất thân với nhau rồi, không bạn nào quan tâm hỏi tôi đến từ đâu. Tôi đã là thành viên của lớp. Thời gian qua mau, tôi vui khi cả lớp được khen, tôi buồn với nỗi buồn chung khi bị khiển trách.

Chẳng mấy chốc học kì hai cũng xong. Cuối năm vào giờ Vẽ, không còn gì để học, lớp hơi ồn, thày Giai bảo :” Yên lặng thày vẽ cho xem ” . Thày đưa mắt khắp lớp kiếm tìm, rồi chỉ tôi: ” Để thày vẽ cho con một tấm”. Với bút chì và giấy vẽ, thày dặn tôi ngồi im khi thày vẽ; các bạn túa lên xung quanh thày để xem. Lúc đó tôi thấy các bạn tự do quá, còn tôi không dám nhúc nhích cựa quậy; thật khổ! Hết giờ tôi có cả thảy ba tấm, một thẳng,một nghiêng và một tôi ngồi khoanh tay trên bàn. Đó là lần đầu tiên và duy nhất trong đời- tôi làm người mẫu !

0 ao 1Hình 1

Năm ấy thày Lễ làm hiệu trưởng, trường còn đơn sơ lắm, chỉ có mấy cây Phượng Vỹ nên nắng ngập sân. Đến khi thày Đào Khánh Thọ lên nhậm chức trường từ từ đẹp thêm, cây  được trồng nhiều hơn.

Những hàng kiểng cắt tỉa viền theo lối đi, vòng quanh cột cờ. Cây dừa cạn chen nhau ở bồn hoa trước lớp…Các loài hoa chen nhau đua nở, Dâm Bụt, Kiến Cò, Forget- me- not..sân trường đẹp như một công viên. Các lớp đệ Thất giờ cũng phải mặc áo dài. Áo trắng ngập đầy sân mỗi giờ ra chơi và giờ tan trường. Áo trắng và hoa, hoa và áo trắng, tôi yêu biết bao hình ảnh này! Lòng tôi tràn ngập sự biết ơn đến thày Đào Khánh Thọ và cô Ngọc Dung – hậu phương vững chắc của thày.

Các thày cô hình như cũng vui theo sự thay đổi của trường . Cô Sâm dạy Sử Địa, cô Ngữ, cô Bích Liên dạy Toán, thày Nhàn, thày Liêu…tôi vẫn nhớ những hình ảnh thày cô ngày ấy. Khi cô Khanh dạy Anh văn về trường, tất cả các lớp được học với cô đều thích giờ Anh văn. Cô đã đem một sức sống mới, một tinh thần mới đến môn học này. Ngay cả các bạn học yếu cũng chăm chỉ hơn trong giờ của cô.

Xuân Mậu Thân, tiếng súng rền vang, chúng tôi ngơ ngác- chiến tranh đã thật gần. Qua những ngày ấy, chúng tôi vào lớp hỏi thăm nhau cảm thấy như mình đã lớn! Nhưng biết làm gì ngoài việc học đây ?!

Cuối năm, tờ báo Xuân của trường xuất hiện nhiều cây bút rất trẻ- cỡ tuổi tôi- chiến tranh làm các bạn có nhiều mơ ước hơn, suy nghĩ già dặn hơn. Tôi quen vài bạn trong số đó. Một ngày, tôi nhận được một tập thơ nhỏ từ tay hai chị lớp trên. Chưa kịp hỏi thăm thêm thì hai chị đã ra khỏi lớp ! Tập thơ rất đẹp, lại được thắt nơ bằng một sợi len tím! Đó là thơ của nhóm bạn mới quen, với lời đề tặng rất thơ: ” Về TH với những ước mơ thật xinh ở Hạ này”. Một kỉ niệm nhẹ nhàng, dễ thương làm sao!

0 ao 2Hình 2

Sắp lên lớp đệ Tam ( lớp 10 ), chúng tôi đứng trước sự lựa chọn ban học

Ban A: Lý Hoá Sinh

Ban B: Toán Lý Hoá

Ban C: Văn Chương, Ngoại Ngữ

Nói về năng khiếu, tôi chọn ban C đúng nhất và cũng là ý thích của tôi . Ban B cũng phải vì trong gia đình, anh chị tôi đều học ban B. Còn ban A, tôi thấy ban A cũng thú vị lắm chứ, kiến thức rải đều các môn học và chỉ cần chăm học là có thể đạt trên trung bình. Tôi băn khoăn nhiều lắm, cuối cùng tôi viết chữ A vào phiếu chọn ban, rồi nộp ngay để khỏi phải suy nghĩ nữa. Từ đây chúng tôi được gọi là học sinh Trung học Đệ Nhị Cấp. Chúng tôi đang theo con đường hướng về nghề nghiệp tương lai của mình.

Tôi được học với các thày cô đã dạy anh chị tôi : cô Ngọc Dung, cô Sâm, cô Bạch Cúc, thày Nhơn, thày Kiêm, thày Quang…. Anh tôi và tôi cùng học môn Lý Hoá với thày Huỳnh Ngọc.Thày giảng bài rất hay nhưng cũng rất khó tánh. Khi gọi đọc bài thày thường hỏi về những ứng dụng của bài học trong thực tế. Bọn con gái chúng tôi rất sợ những câu hỏi như thế. Một hôm khi truy bài các bạn nam, thày rất bực bội khi các bạn không trả lời được . Thày giơ tay chỉ tôi ( tim tôi đập thình thịch vì tôi cũng bí lù! ) nhưng thày không gọi lên bảng mà nói:” Con nhỏ này là em thằng Tuấn nè, Tuấn nó thông minh lắm”. Tôi bị một phen hú vía… rồi vui mừng. Hầu như thày không nhớ tên học sinh trong lớp, nay thày nhớ tên anh Tuấn lại còn biết tôi là em của anh. Hạnh phúc biết chừng nào!

Tôi học môn Văn toàn với các thày; trừ cô Lương thị Nga dạy tôi năm đệ Lục. Từ đệ Tứ trở lên tôi được học với thày Lê Tương Ứng, thày Đỗ Đông Dương, thày Cao Mạnh Dũng, rồi thày Trần Phú Tôn. Tôi vẫn thường có ý nghĩ rằng các thày cô dạy môn Văn dễ tính và vui vẻ hơn các thày dạy Toán; nhưng các thày mà tôi được học đều nghiêm lắm. Riêng thày Tôn thỉnh thoảng còn nói chuyện bên lề. Một lần, cuối giờ thày hỏi tôi: ” Hương ở nhà có phụ mẹ nấu ăn không ?” Tôi trả lời như một phản xạ: ” Dạ không, có chị phụ mẹ em rồi” Thày trợn mắt: ” Chị lo phần chị, mình lo phần mình chứ!” Tôi ngồi im, gãi đầu. Trước mắt tôi là kỳ thi Tú Tài 1; lại còn lo chuyện dọn nhà- khi ba tôi đã có lệnh thuyên chuyển về Mỹ Tho! Mãi về sau, nhớ lại lời thày tôi mới hiểu: Phải rồi, cứ lơ mơ như tôi thì khi ký hợp đồng với ai; tôi chắc chết , còn đối tác của tôi thì…chết chắc!

Ban A nên lớp chúng tôi được thày Nguyễn Thành Tương dạy Lý Hoá là giáo sư hướng dẫn. Thày Tương và thày Quang rất thân nhau. Cả hai thày đều cùng rất trẻ. Thày Quang rất nghiêm khi vào lớp dạy. Thày Tương có vẻ dễ hơn khi thỉnh thoảng còn nói chuyện ra ngoài bài giảng. Một hôm thày hỏi cả lớp: ” Đố các em thi sĩ Nguyên Sa tả áo dài trắng nữ sinh như thế nào?”. Giá mà thày hỏi áo xanh, áo vàng thì cả lớp sẽ nhao nhao hai câu thơ cũ rích của Nguyên Sa đã được phổ nhạc:

Áo nàng vàng anh về yêu hoa Cúc

Áo nàng xanh anh mến lá sân trường 

Nhưng áo trắng thì bọn con trai nín thinh, bên con gái im lặng! Chẳng thấy ai trả lời, thày quay lại nhìn tôi, tôi nhìn ra cửa lớp ! ( chả là mọi khi tôi vẫn năng nổ giơ tay phát biểu mà ). Thày hơi bực mình :” mặc áo trắng mà chẳng biết cái đẹp của mình! Rồi thày đọc cho cả lớp nghe:

Có phải em mang trên áo bay

Hai phần gió thổi, một phần mây

Hay là em gói mây trong áo

Rồi thở cho làn áo trắng bay ?

Tôi phục thày quá!

Những câu thơ hay như vậy sao tụi tôi chưa biết nhỉ ! Những ngày sau tôi đi học, những ngày gió lộng , tôi thấy mình như đang chơi với gió và đùa với mây. Tôi mặc kệ mọi người yêu áo xanh, áo vàng; riêng tôi mãi mãi yêu màu áo trắng sân trường .

( còn tiếp )

0 ao 3     Hình 30 ao 4Hình 4

Bài viết và hình : Thiên Diệu Hương

Có 15 bình luận về Áo trắng sân trường- Phần 2

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Em Thiên Hương có một kho báu hình ảnh truờng xưa,

    và một ký ức tươi rói ngọt ngào thời thơ dại,

    dù bây giờ, chắc em cũng đã là bà nội, bà ngoại?

  2. Đọc bài viết cũng như xem những tấm ảnh đen trắng ngày xưa chắc chắn các cựu học sinh cũng như những người đã có thời gắn bó với ngôi trường TPH không khỏi ngậm ngùi, trường xưa nay không còn nữa, đã bị phá bỏ hoàn toàn nhưng những hình ảnh, những kỷ niệm thì vẫn còn mãi mãi trong chúng ta.

    Cám ơn Thiên Diệu Hương đã đưa chúng ta về một thời áo trắng ngây thơ, tươi đẹp của một thuở nào…..

  3. Hoành Châu nói:

    Nhìn   phong   ảnh   này nhớ   trường xưa  quá !  Bài viết của  Thiên   Diệu   Hương    dễ  thương  làm sao  !     Hoành  Châu  (Gia đình C  )

  4. Thưa chị Hạnh, em cám ơn chị đã có những nhận xét ưu ái về bài viết và hình ảnh. Nhờ cô Khanh động viên nên em mới mạnh dạn góp mặt trong trang nhà . Em cám ơn cô Hồng Khanh và chị thật nhiều

    • Hoành Châu nói:

      , Chào bạn Thiên Diệu Hương
      Hôm nay Hoành Châu mới  nhìn ra bạn , Bộ ba  Thanh Hương  ~ Hoành Châu ~ Đức Tính  của  thuở  nào  đây  mà  !!  Bạn  Phùng  Thanh  Hương  yêu  dấu  ơi  ,   thảo nào lúc  đọc  đến   cái   vụ gia đình  nhỏ thuyên   chuyển   về  Mỹ  Tho  ta hơi  nghi  nghi lắm  ,,Hoành Châu  còn  viết  thơ  tay  cho  bạn sau  khi  bạn  về  MT ( anh  Trung Vinh là nhạn    hồi   âm   của  hai ta đấy  !!   ,,đến  khi  xem   kỹ  lại từng  bức  ảnh   ,,,  ôi  thôi   hôm  nay bạn    không   chạy  thoát  Hoành  Châu  đâu  nhé   ,,,  dạo này , Cha Mẹ , chị Nga ra sao rồi  ,  nhắc   đến anh Tuấn , lòng   buồn vô hạn ,,,Hiện nay  bạn  còn  ở  Lê  Văn  SỸ   (Gần  Chùa  Pháp Hoa )  không?  ,,,  Trả lời HCnhé , rất mong tin  bạn  !              Hoành Châu  (Gia đình C  )

      • Hoành Châu nói:

        HC  còn nhớ rất   rõ  mùa xuân cuối   cấp   năm  ấy~  cuối  năm lớp  ĐỆ Tứ , nhóm mình đã thực  hiện  chương  trình nhạc    Xuân  hòành  tráng   rồi     nhóm mình  tập trận trong chuồng gà to  ( được   bao lưới  B40  } bằng cái nhà  nhỏ,,, để tập cho xong  bài ca Xuân ,,”    ,Xuân  đã  đến  rồi  gieo  rắc  ngàn  hồn  hoa    xuống     đời  ,,,” giữa lúc mận  rụng  lộp  độp xuống  đời  ” “”       Hoành Châu  (Gia đình  C  )

        • Hoành Châu, Hg mới đến ở với gia đình chị Nga hồi đầu năm nay. Bây giờ đã tạm ổn nhưng thời khoá biểu của một ngày rất bận. Hg nhớ Châu cũng theo đạo Phật, phải không Nhờ sự mất đi của anh Tuấn mà mình học theo Phật đạo để hiểu lý vô thường, khổ, không, vô ngã , tâm được tự tại. Chúc Châu và gia đình an vui, mạnh khoẻ.

      • Không gì vui hơn khi thấy trang nhà đã thực hiện được một trong những mục đích của mình,  là nhịp cầu nối lại tình bạn của thời còn cắp sách.

        Chúc Hoành Châu và Thanh Hương tìm được nhau và giữ mãi tình bạn như thuở xa xưa.

        Cô Hồng-Khanh

  5. My Nguyen nói:

    Chào chị Thiên Diệu Hương! Theo những bài viết của chị thì chị học trên mình hai lớp. Thời học sinh đầy hoa mộng đã đi qua thật lâu nhưng vẫn để lại trong chúng ta những ký ức, những hoài niệm đẹp. Trí nhớ của chị thật tuyệt vời, lại lưu giữ được những hình ảnh vô cùng quý giá. Qua hai bài viết “Áo Trắng Sân Trường”, mình như sống lại thời nữ sinh áo trắng với hình ảnh Thầy Cô và bè bạn rất đổi thân thương…

    Xin cảm ơn chị và mong đọc tiếp những bài viết hay của chị.

    • My Nguyen thân mến, em lấy mốc đổi tên lớp để so sánh phải không ? Cám ơn em , chúng ta đang ở trong trang nhà TPH  và nơi đây tình thân thương là vô giới hạn , phải không em ?

  6. VOTHILAI nói:

    “Aó Trắng Sân Trường ” Phần 2  của chị Hương đọc thấy thích hơn,chị diển tả tỉ mỉ từng sự việc. Chị còn giữ nhiều hình ảnh của trường thật là quí, hình 1,3,4 chị đứng thứ mấy ?Lúc trước truờng còn 2 dãy,1 dãy xuôithường có chiếc HủLô  đậu phía sau, 1 dãy ngang đối diện trại HoaLư.Bây giờ thì đã bị phá bỏ hết rồi,như cô Khanh nói tất cả chỉ còn là kỹ niệm và những kỹ niệm ấy sẽ theo ta suốt cuộc đời. Nhớ mãi thời “Ao Trắng Sân Trường” .

    • Như Thuỳ nói:

      VOTHLAI ơi, hồi xưa trong lớp NT ngồi gần bạn Nguyễn Thị Thanh Thuỷ ( hình như nhà ở Cái Tàu hạ ) , Trinh ( gương mặt buồn buồn )… Không biết giờ hai bạn đó ở đâu ?!

    • Lài ơi, em nhớ trường TPH nhiều hơn chị đấy ! Nếu không còn những tấm hình này chị không nhớ rõ được như em đâu. Đây là hình của anh chị lớp trên nên rất tiếc là không có mặt chị trong tấm nào cả ! Chúng ta cùng có một trường TPH như thế trong tim, không bao giờ phai mờ!

    • Trong hình có một em nữ sinh thật cao, có phải đó là Anh Đào học cùng lớp với em ngày xưa mà em đã có lần kể lại cho cô nghe không ?

      Cô gởi lời thăm em, chắc vẫn bận chăm cháu nội, cháu đã vào mẫu giáo chưa .

  7. Như Thuỳ nói:

    Chị Diệu Hương có trí nhớ thật tuyệt ! NT học Tống Phước Hiệp nguyên cấp hai, cũng nhớ trường xưa dữ lắm nhưng không nhớ được từng chi tiết về thầy cô, trường lớp và bạn bè như chị Diệu Hương .
    Thán phục chị !!!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác