Dư âm Tống Phước Hiệp

Ngày đăng: 21/07/2016 11:35:05 Sáng/ ý kiến phản hồi (10)

Hai hôm trước vào fb, được biết qua em Bùi Chí Hiếu là phần trường Tống Phước Hiệp cũ duy nhất còn lại đã bị đập phá để xây mới. Nhìn tấm ảnh với những bức tường cũ, vàng ố, trơ trụi,  lòng tôi bỗng chùng xuống. Những kỷ niệm đã gần nửa thế kỷ với ngôi trường, với các em học sinh đầu đời của tôi lại hiện ra trong trí….
Hai năm trước (2014 ) khi trở lại thăm Vĩnh Long và ngôi trường Tống Phước Hiệp mà ngày nay đã được đổi thành một cái tên hoàn toàn xa lạ, tôi còn may mắn được nhìn một khoảng không gian của thuở xa xưa. Lòng dịu xuống dù chỉ được thấy tận mắt một góc trường cũ kỹ, phong rêu, điêu tàn đang chờ để bị phá dỡ. Chính nơi này trong khoảng thời gian từ 1967-1970 là những lớp đệ ngũ nữ sinh trên lầu và lớp đệ tứ nam sinh ở tầng trệt mà tôi hàng tuần vẫn lên xuống khi có giờ dạy. Tuy buồn nhưng thầm nghĩ, mình thật sự may mắn khi vẫn còn thấy được tận mắt một chút gì của dĩ vãng…Hôm qua vào fb, đọc bài viết của Thien dieu Huong, một cựu học sinh TPH (NK 1972 ), nhắc nhớ lại những ngày em còn cắp sách đến trường, cảm động hơn nữa là những tấm hình cũ chụp mái trường xưa, các cô thầy, các bạn học; có những tấm hình đã phai ố với thời gian gần nửa thế kỷ nhưng giá trị tinh thần thật là quý giá. Phải thú thật là tôi đã lặng người khi nhìn những tấm ảnh này, xem đi, xem lại nhiều lần và lần nào cũng đầy xúc cảm, nhất là tấm ảnh các em chụp chung với cô Cảnh Tâm, giáo sư Sử Địa. Cô Cảnh Tâm đã từ giã cuộc đời nhưng chắc chắn còn để lại nhiều kỷ niệm nơi học trò cũ của cô.
Với tôi, cô Cảnh Tâm là một người bạn dễ mến đã cùng tôi nhiều lần chung bước đến trường hoặc từ trường trở về nhà, mỗi khi chúng tôi có giờ dạy trùng. Cầu mong cho người bạn bé nhỏ của tôi yên bình trong cõi vĩnh hằng.
Thầy Quang cũng đã qua đời; cô Bạch Cúc, bạn Gia Long; cô Sâm, thầy Tương đều là bạn đồng nghiệp. Các cô thầy dạo ấy đều rất trẻ vì mới ra trường và người nào cũng đầy nhiệt huyết, mong đem tâm tư lẫn kiến thức đã thu thập được để truyền lại cho thế hệ đàn em của mình. Nghĩ lại, thấy nghề giáo ngày xưa nhiều trách nhiệm và cao đẹp làm sao !
Với ý nghĩ là những ai đã từng có nhiều gắn bó với trường TPH, cựu giáo chức hay cựu học sinh, chắc chắn sẽ tìm thấy hình ảnh của mình, những kỷ niệm của mình trong những tấm ảnh đáng quý này, tôi đã đề nghị với em Thien dieu Huong cho tôi được gởi đăng bài viết của em cùng các tấm ảnh xa xưa trên trang TPH-VL.com.
Nhân đây xin gởi lời cám ơn em, bài viết cũng như những tấm hình đen trắng kèm theo là một món quà quý hoá mà em tặng cho các bạn của em cũng như cho các cô thầy cũ một thời Tống Phước Hiệp thân thương.
 Lê-Thân Hồng-Khanh (2016)

    DƯ ÂM TỐNG PHƯỚC HIỆP
Đối với trường Tống Phước Hiệp tôi là kẻ ngoại đạo. Hay nói rõ ra là tôi thi đậu đệ Thất ( lớp 6 ) ở trường nữ trung học Trưng Vương tại Sài Gòn. Học hết học kỳ 1 ở Trưng Vương, tôi theo gia đình về Vĩnh Long khi ba tôi nhận nhiệm sở mới.
Với tôi trường TPH là cả quãng đời học sinh mà tôi yêu quý nhất, nhiều kỷ niệm vui buồn không đếm nổi. Có thể tôi là người tự ti nên nhận mình là kẻ ngoại đạo, thật ra các bạn giúp tôi hoà nhập vào trường rất nhanh. Lúc nào đó tôi lại là hình tượng của lớp khi tôi được các bạn và thầy cô nhắc đến.
Kỷ niệm lạ và nhớ nhất đến với tôi vào một ngày mưa; hôm đó chúng tôi được nghỉ giữa giờ vì cô vắng, có một lớp khác cũng được nghỉ cùng giờ. Chúng tôi trú mưa trong nhà chờ, bác Năm bảo vệ giữ việc đánh trống trường cũng ở đó.
Bác Năm là người mộc mạc, dễ gần nhưng tôi chưa lần nào nói chuyện hoặc chào hay năn nỉ bác điều gì vì tôi luôn luôn đi học đúng giờ; tôi nghĩ tôi lẫn vào trong đám học sinh ồn ào ra vào cùng lúc. Bỗng nhiên bác Năm chỉ tôi và nói: ” Trong trường này, tao thương con nhỏ này nhứt”Tôi ngượng chín người khi các bạn đổ dồn mắt vào tôi, quên cả cám ơn, tôi quay ra nhìn….mưa rơi!
Năm đệ Tứ ( lớp 9) cô Khanh dạy Anh Văn cho bốn lớp đệ Tứ thi chung một đề vào cùng một giờ ( 2 lớp nam, 2 lớp nữ ). Cô sẽ trao phần thưởng cho bạn nào được nhất. Chúng tôi háo hức lắm, ai cũng muốn được giải thưởng đặc biệt đó.
Ngày cô trả bài thi- dù tôi làm bài rất tốt nhưng trong lớp tôi và ba lớp kia có nhiều bạn học rất giỏi- tôi không thể tin được khi cô gọi tên tôi !
Tôi rất vui và tôi còn vui hơn nữa vì tôi đã trao được một thông điệp đến các bạn nam: ” Đừng xem nữ nhi thường tình”
Dĩ nhiên, chỉ một bài làm cũng không nói lên được nhiều; tôi biết tôi và các bạn cũng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa- để cô vui.
Giữa năm đệ tam, tên các lớp được đổi theo cách đánh số như bây giờ. Lớp 11 thầy Tôn cho hai lớp A2( lớp tôi) và B4( các bạn nam ban Toán ) thuyết trình chung một đề tài Tự Lực Văn Đoàn. Thày bảo tôi đại diện cho lớp soạn bài chung với lớp B4, đại diện là bạn Võ Hữu Trí. Tôi rất ngại vì tánh vốn thỏ đế- nhưng rồi chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ. May quá lớp bạn lãnh gần hết phần thảo luận- ưu ái dành phần nhẹ nhàng cho chúng tôi.
Cuối năm lớp 11, ba tôi được lịnh  thuyên chuyển về Mỹ Tho. Mùa hè năm ấy tôi quay lại trường để thi Tú Tài 1; tất cả kiến thức để trong đầu, không mang theo sách vở vì phải ở nhờ nhà người quen.
Tôi rời trường sau ngày cuối của khoa thi- chưa một lần quay lại- hành trang nhẹ như sương khói, trên tất cả là tình bạn không không gian và cũng không cả thời gian.
    bài và ảnh THIEN DIEU HUONG

Screenshot
Screenshot

H1

Screenshot

h2

Screenshot

h3

Screenshot

h4

h5h5

Screenshot

h6

Screenshot

h7

Có 10 bình luận về Dư âm Tống Phước Hiệp

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Những bức ảnh trắng đen quý giá

    Gợi nhớ một thời hoa mộng xa xôi

    Gợi nhớ trường xưa không còn nữa

    Gợi nhớ người đi về cuối chân trời …

  2. Thu Cúc nói:

    Cô Hồng Khanh kính mến !

    Đọc bài viết:DƯ ÂM TỐNG PHƯỚC HIỆP do cô giới thiệu, em vô cùng xúc động. Bài viết làm em nhớ biết bao về ngôi trường xưa yêu dấu .: Tống Phước Hiệp. Em nhớ một đoạn đời nữ sinh áo trắng dưới mái trừơng này. Lúc em vào đệ thất (lớp 6),thầy Đào Khánh Thọ làm hiêu trửơng. Sau đó khi em lên đệ nhị cấp em hoc ban C (ban Văn &; ngoai ngữ).Lúc đó là năm 1974. Em hoc môn Quốc văn do thầy Cao Mạnh Dũng dạy. Thây Dũng cũng là giáo sư hướng dẫn của em. Năm đó thầy Trần Phú Tôn dạy Công dân, thầy Nguyễn Tiến Trình dạy Lý Hóa, thầy Nguyễn văn Chương day Anh văn,cô Cẩm Vân dạy Pháp văn ,thầy Lê Tân dạy Sử địa …..!

    ..Sau năm 1975 trường đã đổi tên nhưng học trò cũ vẫn quen goi là Tống Phước Hiệp vì cái tên ấy đã ăn sâu vào ký ức.  Em ở Sài Gòn , mỗi lần về Vĩnh Long, đi ngang đường tống Phước Hiệp cũ nhìn lại trường xưa để mà nhớ, mà thương. Hình ảnh trường xưa giờ đâu còn, chỉ còn trong nỗi nhớ cô ơi! Mãi mãi không quên! Thầy cô cũ giờ kẻ còn, người mất hoăc ở phương trời xa. Thầy trò bao thế hệ còn gặp nhau trên trang nhà ấm áp: tongphuochiep-vinhlong.com là điều hạnh phúc rồi phải không cô ?

    Thu Cúc

  3. Hoành Châu nói:

    Cô  Hồng Khanh  kính quý ,
    Những bức hình trắng đen giờ quý giá vô cùng , bức ảnh  mái trường xưa đã ăn sâu vào tâm trí của những ai ngày ngày cắp sách  đến  trường này  ,,bài viết của  cô  rất   hay nhưng  sao    buồn quá ,,, cô nhớ từng  hiên  trường, góc  lớp  ,  cô nhớ từng đồng nghiệp cũ  không  sai  ,,,  chúng em  thật  xúc  động và thương mến  cô mình   vô  cùng       !
    Em  Hoành  Châu  (Gia đình  C  )

     

  4. HOA ĐĂNG nói:

    Thưa  cô, năm cuối khi em rời trường TỐNG PHƯỚC HIỆP  là năm 1969, lớp đệ nhất C của chúng em chỉ có 14 bạn, đó là những bạn học sinh ngữ 1 là Pháp văn, còn một số bạn khác cũng đệ nhất C nhưng sinh ngữ chính là Anh văn tuy lúc đó em chưa được biết cô, nhưng qua bài viết DƯ ÂM TỐNG PHƯỚC HIỆP cùng những tấm hình trắng đen của thời học trò cách nay đã hơn 40 năm, những kỷ niệm xa xưa bỗng ùa về. nhớ về cô giáo chủ nhiệm của chúng em thuở ấy là cô Nguyên Anh Cúc. Nhớ nhiều về những thầy cô đã dạy mình thuở ấy. giờ đây người ra đi, người ở lại đã quá già, bạn bè thì mỗi đứa một nơi, mỗi người một cảnh ít khi có dịp gặp nhau. Ngôi trường cũ tuy nay đã bị thay tên, cảnh cũ đã không còn, nhưng trong tiềm thức của mỗi chúng em vẫn còn giữ mãi hình ảnh thân thương của ngôi trường mang tên TỐNG PHƯỚC HIỆP và nó mãi mãi không có cái tên nào khác. Không biết hình ảnh nầy nó sẽ còn tồn tại đến khi nào, vì theo thời gian những học trò của thế hệ trường TỐNG PHƯỚC HIỆP sẽ mất dần, tiếc thay cô ạ. !

    • Cô Anh Cúc ngày xưa ở cùng phòng và cùng nhà trọ với cô tại số 5a đường Trần Công Lại. Sau khi rời Vĩnh Long, cô Anh Cúc và cô rất ít liên lạc với nhau, cô chỉ biết là sau đó một thời gian cô Anh Cúc cũng xin đổi về dạy học tại Saigon. Khi cô lên đường đi tu nghiệp tại Tân Tây Lan cũng được tin cô Anh Cúc đang tu nghiệp tại Pháp. Theo cô nghĩ thì cô Anh Cúc cũng như cô hiện nay đang ở nước ngoài, tiếc là cô không có cách nào để liên lạc lại với cô Anh Cúc.

      Cô Anh Cúc là giáo sư Pháp Văn, dạy hay nhưng rất nghiêm, đặc biệt là cô chỉ mặc áo quần trắng, màu đồng phục của các nữ sinh dạo đó.

  5. My Nguyen nói:

    Cô thương kính! Em đã đọc bài viết của chị Thien Dieu Huong trên Fb với nhiều cảm xúc. Nay được đọc những dòng tâm sự và lời giới thiệu của Cô về bài viết này, em lại thật cảm động, nghe một nỗi nhớ trường, nhớ Thầy Cô, bè bạn ngày xưa lắm Cô ơi! Hồi đó em học Sử Địa với cô Sâm chứ không có học với cô Cảnh Tâm. Em học Pháp Văn với cô Chi và thầy Thái Sơn Hà. Cô Chi đang sống ở nước ngoài, hay về nhà ở Long Hồ. Cô có tin tức gì của cô Sâm và thầy Hà không Cô?

    Dư âm Tống Phước Hiệp vẫn còn và sẽ còn mãi mãi đó Cô!

  6. Các em thương mến,

    Mặc dù trường xưa không còn nữa nhưng những kỷ niệm với trường vẫn còn mãi trong tâm trí của chúng ta vì đó là một phần đời của mỗi người. Trường đã mất, các cô thầy ngày xưa cũng người mất, người còn; bạn bè cũng thế, tản mát khắp nơi nên nếu nhờ trang nhà để nhận được tin của người cũ thì còn gì mừng hơn. Rất tiếc là cô không biết tin gì của cô Sâm và thầy Hà nên nhân đây xin các đọc giả và các em cựu học sinh TPH cho biết nếu có hình ảnh hoặc tin tức của thầy cô, bạn bè cũ của trường. Xin cám ơn.

    Cô gởi lời thăm các em và gia đình.

    Cô Hồng-Khanh

  7. Thưa cô và các bạn , thầy Thái Sơn Hà đã qua đời năm 2014 rồi ạ

  8. vo thi lài nói:

    Cô giáo kính yêu ! Qua bài viết của cô và chị Thiên Diệu Huong,nếu ai đã từng là học sinh TPH  sẽ không khỏi ngậm ngùi luyến tiếc  . Ở  nơi đây mỗi ngày đi ngang qua trường chỉ còn thấy một dãy duy nhất còn lại,như cô đã nói tường vôi ố vàng ngói đã rêu phong cũ kỹ. Nhưng tất cả đã đi vào tiềm thức không bao giờ quên được, rất là quí khi nhìn lại những tấm hình trắng đen cũ ,những cây phượng, một góc sân trường, ôi biết bao là kỹ niệm, cám ơn  Cô và chị Huong đã cho chúng em nhớ lại một thời cấp sách đến trường .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác